Lão nông tình nguyện trông coi lăng chúa Nguyễn
Chiều, con đường dẫn vào lăng chúa Nguyễn Phúc Thái (1649-1691) giáp bìa rừng của xã Hương Thọ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) càng heo hút. Ông Nguyễn Kim Lô (82 tuổi) ngồi vấn điếu thuốc rê, châm lửa rồi nhả khói nghi ngút trong căn chòi dựng tạm, mặt đăm chiêu nhớ về những tháng ngày gắn bó với lăng của vị chúa này.
Ngày ngày, lão Lô vẫn lo hương khói cho khu lăng mộ này. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Từng tham gia kháng chiến, ngày đất nước giải phóng ông Lô lên vùng đất này khai hoang, lập nghiệp. Giữa rừng cây cối um tùm, ông phát hiện bốn bức tường thành đổ sập nên tiến lại xem thực hư. Bên trong có mồ mả, ông Lô nghĩ: "Di tích của cha ông, muốn trồng cây khoai, cây sắn lấy cái ăn thì phải lo coi sóc, hương hỏa".
Ông Lô phát dọn, đẩy xe rùa cùng cuốc thuổng đắp con đường dẫn vào khu lăng. Nhiều người trong làng kéo đến xem, bàn tán. "Có người nói tôi có sống mãi đâu mà coi mấy cái lăng nớ, không cho họ chăn thả trâu bò, nhưng tôi làm thinh chứ nói tới nói lui chi cho phiền phức. Việc mình coi phần mộ để lấy phúc làm ăn thôi", ông kể.
Rồi con đường đê mọc lên. Nhờ sự cần cù canh tác mà những năm 80 của thế kỷ trước, ông có củ khoai, củ sắn sống qua ngày. Điều ông lấy làm vui là xung quanh khu mộ bốn mặt đều có ao hồ, yên tĩnh, địa cuộc đẹp. Sống trong chiếc chòi canh, giữa không gian thanh bình, ông cũng thấy khoan khoái trong người.
Ông Lô bên chiếc chòi canh tềnh toàng. Ông vẫn thường ngủ lại ở nơi heo hút này coi sóc lăng chúa Nguyễn Phúc Thái, phòng kẻ xấu lợi dụng đào lăng lấy vàng bạc. Ảnh: Nguyễn Đông |
Không có tiền tu sửa, ông Lô không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh người dân đến lăng lấy gạch về xây nhà. Thậm chí có nhà không có chuồng nhốt trâu bò lại đuổi vào khu lăng để qua đêm. Lão Lô hết lời giải thích nhưng không có kết quả. Mỗi buổi sáng, ông lại ghé lăng thắp nén hương, rồi quét dọn sạch sẽ mới đi lo chuyện đồng áng.
Vào khoảng 1995-1996, nửa đêm đang ngủ trong chòi thì ông Lô phát hiện tiếng động lạ phát ra từ khu lăng mộ. Tức tốc men theo con đường nhỏ, ông biết được nhiều người đang đào trộm mộ nên bí mật lên báo ủy ban xã. Kẻ gian thoát thân qua những bức tường sập, may mắn tài sản dưới lăng không bị mất.
Cũng từ sau lần đó, dòng tộc Nguyễn Phước lên thăm mộ, ông Lô mới biết đó là khu lăng chúa Nguyễn Phúc Thái. Ông lão kể rằng do tổ tiên từng trông coi cho lăng vua chúa, nên khi biết đích danh vị chúa yên nghỉ tại đây, ông càng thấy mình có trách nhiệm hơn với việc nối nghiệp cha ông. Nhiều đêm ông lão chỉ ngủ chập chờn, lai vãng ra khu mộ đề phòng kẻ xấu.
Nhờ khu đất xung quanh lăng mộ, ông Lô trồng được nhiều hoa trái, giúp cuộc sống gia đình đỡ khó khăn. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Không nhận bất cứ đồng lương nào từ việc coi lăng, nhưng ông Lô chưa bao giờ kêu ca, chỉ cần mẫn lo tròn bổn phận hương khói. Những vườn cam, đu đủ dần xum xuê hoa trái. Có được mảnh đất rộng lớn, lo lắng tuổi tác đã cao, lão Lô giao trọng trách giữ lăng cho người con trai Nguyễn Kim Cường, nếu một ngày ông nằm xuống. Ngày 10 tháng giêng hàng năm, con cháu dòng tộc Nguyễn Phước lên hương khói lo giỗ kỵ đều hết lời khen lão Lô.
Ông Lô bảo, ở Huế những lăng vua thì được coi sóc, trùng tu còn lăng chúa thì dường như bị lãng quên. Ông muốn nhiều du khách biết đến vị chúa từng tuyên chiếu dời đô từ phủ Kim Long về Phú Xuân (cố đô Huế) lập kinh đô của nước Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn, nhưng khổ nỗi đường xá chưa được thông thoáng.
Nói đến vị chúa Nguyễn Phúc Thái, ông Lô kể tường tận rằng đây là chúa Nguyễn thứ năm trong lịch sử Việt Nam. Tuy chỉ trị vì 4 năm nhưng ông nổi tiếng là người rộng rãi, thương dân chúng, trọng dụng người tài... "Sống được ngày nào tôi còn ráng sức coi phần lăng này. Không phải để được người đời khen chê, mà là niềm vinh hạnh của dòng họ Nguyễn Kim có duyên với nghiệp coi lăng", ông lão chia sẻ.
Nguyễn Đông