Bản Hồ - Sapa: Sẽ ra sao khi du lịch nhường thủy điện?
Bản Hồ có một thời được mệnh danh là thung lũng thiên đường của Sapa. Nằm sâu sau những cung đường uốn lượn tuyệt đẹp, cộng thêm cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với suối nước nóng, thác nước cùng nét văn hóa thuần chất dân tộc, đã có thời mỗi năm Bản Hồ đón hàng vạn du khách. Nhưng ba năm trở lại đây, lượng khách đến Bản Hồ giảm mạnh.
|
Công trình thủy điện đang xây dựng ở Bản Hồ |
Bản Hồ đang nghèo đi
Vài năm trước, du khách đến Sapa không bao giờ bỏ qua loại hình du lịch nghỉ tại nhà (homestay) ở Bản Hồ. Nhưng cũng vài năm trở lại đây, Bản Hồ hầu như không đón được khách. Lý do là vì ở đây chả còn gì để ngắm... ngoài thủy điện. 19 công trình thủy điện nhỏ đang phá nát cảnh quan của Sapa, trong đó Bản Hồ là nơi tan hoang nhất. Sau gần 2 giờ vượt qua các loại ổ gà, ổ trâu và bụi bặm, Bản Hồ đã hiện ra trước mắt với hình ảnh 2 công trình thủy điện là Sử Pán và Nậm Toóng như hai gọng kìm khóa chặt lấy cả bản. Hàng ngày, vài trăm lượt xe tải ra ra vào vào nghiến nát con đường nhỏ xinh đẹp vào bản. Bụi bay mù mịt khắp nơi. Rừng bị “xẻ thịt”, trơ ra từng mảng đất đỏ. Con suối nước nóng và thác nước La Vie trước kia trong vắt giờ sủi bọt đục ngầu vì đất, lòng suối nham nhở toàn đá do 2 công trình thủy điện kia thi nhau đổ xuống. Giờ ngay chính những người dân bản cũng không ai dám xuống tắm ở suối, chứ đừng nói gì đến du khách, vì theo anh Đào A Pẩu – một người dân sinh sống ngay cạnh con suối, chả biết lúc nào người ta nổ mìn và đổ đất, đá xuống. Con đường xuống suối thơ mộng xưa kia giờ được anh gọi là “con đường nguy hiểm”! Còn chị Đào Dương - người dân ở bản nói trong nỗi ngậm ngùi: “Suối hồi xưa trong lắm, không đục như thế này đâu. Nhà tôi ở kia. Nước không tắm được đâu, đục lắm. Ngày xưa ăn bằng nước này, giờ không ăn được nữa. Bị 2 năm rồi. Nước không có uống, cá không có ăn, giờ cá không có, lấp đá chết hết rồi”.
Ở Bản Hồ, cái mà người ta nói đến nhiều nhất là hai từ “thủy điện”. Cũng phải thôi, vì đây chính là nguyên nhân chính khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Anh Đào A Án - trưởng thôn Bản Dền - xã Bản Hồ buồn bã bảo: “Chả biết tương lai bà con chúng tôi sẽ được hưởng những gì nhưng cái trước mắt là vì 2 công trình thủy điện mà chúng tôi đang nghèo đi”. Quả thật, người dân Bản Dền đang nghèo đi trông thấy. Khi không còn trông chờ vào du lịch được nữa, người ta bắt đầu quay trở lại với nông nghiệp. Nhưng xem ra, trồng lúa, ngô cũng chỉ sống qua ngày. Trước kia thu hoạch 2 tấn thóc mỗi năm, nhưng vài năm nay chỉ được 3 - 4 tạ. Toàn bộ nước phục vụ tưới tiêu đều phải trông chờ vào “ông trời”, do vài chục con mương đang bị “mượn” để chứa đất và đá. Bể nước sinh hoạt do tổ chức quốc tế xây dựng, giờ cũng bị phá hỏng, người dân phải vào tận rừng, tìm các mạch nước nhỏ, lấy ống dẫn về nhà. Lúc đầu, xã với dân đều bức xúc, gửi đơn đi khắp nơi, nhưng chả ăn thua. Còn bây giờ, hình như người dân cũng bắt đầu quên rằng bản mình trước kia làm du lịch. Họ lại lên rẫy, kiếm củi, thậm chí đi buôn... miễn sao kiếm được ít tiền đổi lấy gạo chống đói.
Phát triển du lịch bền vững - nói dễ hơn làm
Tại hội nghị về phát triển du lịch 8 tỉnh vùng Tây Bắc vừa qua, người ta nói nhiều về vấn đề phát triển du lịch bền vững, nghĩa là phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian văn hóa và phát triển kinh tế. Nhưng ngoài lề hội nghị, ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai tỏ ra bất lực với những gì đang xảy ra ở Bản Hồ: Chúng ta cần định hướng chỗ nào làm thủy điện, chỗ nào không. Chứ làm rồi, khắc phục thì khó lắm. Giờ chỉ chờ một phép màu làm sao đợi công trình thủy điện đó, doanh nghiệp đó phải bỏ kinh phí ra tái tạo môi trường. Khi đó cảnh quan đỡ nham nhở, may ra du khách mới đến. Mỗi năm bản Hồ đón hàng vạn lượt người, nhưng từ tháng 01/2010 đến giờ mới đón được 80 người. Mà những người này họ tự đạp xe xuống, còn các hãng lữ hành không ai dám đưa du khách xuống đó cả.
Ông Nguyễn Ngọc Hinh - Phó Chủ tịch UNBD huyện Sapa thì quả quyết: Tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp có công trình thủy điện khắc phục hậu quả bằng cách trồng cây, khai thông dòng chảy... Nhưng theo chính những người đang sống ở đây thì chỉ thị có từ năm ngoái, nhưng đã hết năm nay mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì!?
|
Suối nước nóng La Vie |
Vẫn biết để giải bài toán phát triển du lịch bền vững không hề đơn giản, nhất là với một tỉnh miền núi còn nghèo, đụng gì cũng thiếu. Tuy nhiên phát triển cái gì, ở đâu vẫn cần phải quy hoạch và có một chiến lược lâu dài. Cả nước chỉ có một Sapa, nhưng phát triển du lịch hay thủy điện ở nơi này có lẽ ngành Du lịch chẳng thể quyết định được.
Và còn đó câu hỏi đau đáu: liệu có phép màu nào để Bản Hồ lại trở thành bản du lịch văn hóa hấp dẫn như xưa?
Hồng - Lan
Nguồn: Tạp chí DLVN số tháng 12/2010 |