Cầu Hàm Rồng
Cầu Hàm Rồng là cầu đường bộ, đường sắt bắc qua sông Mã, cách thành phố Thanh Hoá 4 km về phía bắc.
Mục lục |
[sửa] Lịch sử
Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị phá hủy năm 1946. Năm 1962 cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt.
[sửa] Trong chiến tranh Việt Nam
Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau. Các đơn vị bảo vệ cầu đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi hơn 100 máy bay các loại. Không quân Việt Nam tại đây bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Trung đoàn pháo phòng không 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 90 máy bay, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và được mang tên Đoàn Hàm Rồng. Vị thế của cầu rất đặc biệt làm cho cầu rất khó bị bom đánh trúng: tại hai đầu Bắc và Nam của cầu có hai hòn núi (núi Rồng và núi Ngọc) đã chắn hết các bom định ném xuống cầu và là nơi các lực lượng phòng không bảo vệ cầu bắn đón đầu các máy bay oanh tạc phải bay theo một hướng bắt buộc. Do vậy nên trong cuộc chiến tranh không quân lần thứ nhất của Mỹ chống miền Bắc Việt Nam từ năm 1964-1968 tuy bị đánh phá rất ác liệt nhưng Không quân Mỹ không thể ném bom trúng cầu. Chỉ đến năm 1972 ngay đợt đầu của chiến tranh không quân lần hai (bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 năm 1972) Hoa Kỳ áp dụng bom thông minh (bom điều khiển bằng laser) đã đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng.
Năm 1973 cầu được khôi phục lại, trụ giữa vẫn dùng lại làm móng cột ống, tháo dỡ dầm thép cũ, thay bằng 2 nhịp 80 m đơn giản.
[sửa] Trong văn thơ
Bài thơ "Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng" của thi sĩ Tản Đà:
- "Ai xui ta nhớ Hàm Rồng"
- "Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây"
- "Từ ta trở lại Sơn Tây"
- "Con đường Nam Bắc ít ngày vãng lai"
- "Sơn cầu còn đỏ chưa phai?"
- "Non xanh còn đối? sông dài còn sâu?"
- "Còn thuyền đánh cá buông câu?"
- "Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?"
- "Lấy ai viếng cảnh bây giờ?"
- "Mà hay cảnh có đợi chờ cùng nhau?"
- "Ước sao sông cứ còn sâu"
- "Non xanh còn cứ giữ mầu xanh xanh!"
- "Khung cầu còn cứ như tranh"
- "Hoả xa cứ chạy, bộ hành cứ đi!"
- "Xuân sang cỏ cứ xanh rì!"
- "Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung!"
- "Sơn Tinh, Hà Bá hay cùng"
- "Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta"
- "Có ngày xe lửa đi qua"
- "Trong xe lại có Tản Đà đứng trông"
- "Lại vui cùng núi cùng sông"
- "Người xưa cảnh cũ tương phùng còn lâu"
- "Nhắn non, nhắn nước, nhắn cầu!"
[sửa] Cầu Hàm Rồng ngày nay
Cầu Hàm Rồng ngày nay trở thành một di tích lịch sử vô giá, là một địa điểm thăm quan thu hút khách du lịch mỗi khi tới thành phố Thanh Hóa. Học sinh, sinh viên thường hay lên cầu để nô đùa, ngắm cảnh hoàng hôn. Hoạt động giao thông qua lại ít, chủ yếu là phương tiện thô sơ, mỗi khi có ô tô trọng tải lớn, tàu hỏa đi qua, cầu rung lắc rất mạnh.
Đứng từ phía cầu Hàm Rồng, người ta có thể nhìn thấy dòng sông Mã cuồn cuộn chảy hùng vĩ, cầu Hoàng Long huyết mạch nối 2 miền Nam - Bắc và nhìn về một thời hoa lửa.
[sửa] Liên kết ngoài
|