Chùa Trấn Quốc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Chùa Trấn Quốc (鎭國寺)
Chùa Trấn Quốc, Hà Nội.jpg
Chùa Trấn Quốc
Thông tin
Tông phái Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Khởi lập thế kỷ 6
Người lập Vua Lý Nam Đế (503 - 548)
Quản lý Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trụ trì Thượng toạ Thích Thanh Nhã
Địa chỉ Đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội
Quốc gia Việt Nam

Dharma Wheel.svg Chủ đề:Phật giáo

Chùa Trấn Quốc (鎭國寺) nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời và thời Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Mục lục

[sửa] Lịch sử

Chùa được xây dựng lần đầu vào thời vua Lý Nam Đế (544 – 548) ở trên bãi sông Hồng, thuộc địa phận làng An Hoa, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ ngày nay)[1]. Khi đó ngôi chùa được đặt tên là Khai Quốc. Đến triều Lê Thái Tông thế kỷ 15, chùa được đổi tên là An Quốc. Đến năm 1615, do bờ tả bãi sông Hồng bị lở đến sát nền chùa nên dân và chính quyền đã cho dời toàn bộ chùa về hòn đảo Kim Ngư nằm gần bờ phía Đông của Hồ tây. Năm Canh Thân (1620) con đường dẫn vào đảo cũng đã được hoàn thiện. Chùa có tên là Trấn Quốc vào cuối thế kỷ 17, đời vua Lê Hy Tông. Ngoài các tên gọi như Khai Quốc, An Quốc và Trấn Quốc nhiều người Hà Nội xưa thường gọi chùa là Trấn Vũ. Để ca ngợi cảnh đẹp khu vực Hồ tây người xưa có thơ rằng: Gió đưa cành trúc la đà; Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ xương; Mịt mù khói tỏa ngàn sương; Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.

Chùa được trùng tu với quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Quy mô chùa lúc này so với trước lớn hơn nhiều. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.

[sửa] Cảnh quan và kiến trúc

Cổng chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên một hòn đảo duy nhất của một hồ nước ngọt lớn nhất ở Hà Nội. Vào thời Hai Bà Trưng (40 - 43), khu vực xung quanh Hồ Tây dân cư rất thưa thớt, có các hang động vừa và nhỏ và rừng cây bao phủ, trong rừng còn có cả một số loài thú quý hiếm sinh tồn. Cùng trải qua thời gian hàng nghìn năm tồn tại của ngôi chùa, cảnh quan nơi đây bây giờ được đổi khác hoàn toàn. Bờ hồ có đường lớn bao quanh, những ngôi nhà biệt thự và công trình hiện đại hình thành... Một mặt thể hiện sự hoàn thiện tổng thể kiến trúc của thành phố, nhưng mặt khác vô tình phá vỡ cảnh quan lịch sử và tâm linh trong quan niệm sống của số dân cư bản địa.

Phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm:

Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền

Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).

Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.

Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.

Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh HựuCảnh Hưng (thế kỉ 18).

Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: "Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp"[2].

Bảo tháp lục độ đài sen, chùa Trấn Quốc

Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989.

Tuy nhiên, do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa đã không khỏi bị pha tạp phong cách kiến trúc của các thời kỳ:

  • Trong các năm 1624, 1628 và 1639 (thời Chúa Trịnh), chùa được trùng tu, mở rộng.
  • Trải qua thời Tây Sơn, trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam ngôi chùa bị rơi vào cảnh hoang phế, khi đó cư dân địa phương đã xin được tu sửa lại chùa. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long 14 (trên văn bia Tái tạo Trấn Quốc tự bi do Tiến sĩ khoa 1779 Phạm Lập Trai soạn văn) [3].
  • Năm 2010, tu bổ để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010. Dự toán kinh phí của đợt tu bổ này là 15 tỷ đồng [4].

Trong văn bia "Tái tạo Trấn Quốc tự bi" do Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi năm Cảnh Hưng thứ 40 soạn, đã ca ngợi: "Đứng trên cao ngắm cảnh chùa, mây lồng đáy nước, mặt hồ ánh xanh xanh khiến du khách lâng lâng. Tiếng chuông chùa gọi ai tỉnh mộng trần tục..."

[sửa] Các khách thăm đặc biệt

  • Năm Kỷ Mão (1639) chúa Trịnh cho sửa và trồng sen quanh chùa, biến nơi thờ cúng thành hành cung riêng của nhà Chúa[5].
  • Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm, ban 20 lạng bạc để tu sửa chùa.
  • Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền để tu sửa chùa[6].
  • Ngày 28 tháng 11 năm 2008, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đến thắp hương và thăm quan nhân dịp trong chuyến công du Việt Nam [7].
  • Ngày 31 tháng 10 năm 2010, Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev đến thăm quan trong dịp đến Hà Nội dự Hội nghị Cấp cao không thường niên ASEAN - LB Nga lần thứ hai [8].

[sửa] Hình ảnh chùa Trấn Quốc

[sửa] Xem thêm

[sửa] Chú thích

  1. ^ Chùa Trấn Quốc Truy cập ngày 16/2/2011
  2. ^ Chùa Trấn Quốc Báo vietgle.vn Truy cập ngày 17/2/2011
  3. ^ Chùa Trấn Quốc Báo hanoi.ws, truy cập ngày 24/2/2011
  4. ^ Sáng nay, khởi công động thổ tu bổ chùa Trấn Quốc Báo vietbao.vn, truy cập ngày 24/2/2011
  5. ^ Chùa Trấn Quốc - trung tâm phật giáo của Thăng Long xưa Báo baobacgiang.com.vn, truy cập ngày 16/2/2011
  6. ^ Chùa Trấn Quốc - danh thắng bậc nhất kinh kỳ Báo hanoi.vietnamplus.vn, truy cập ngày 16/2/2011
  7. ^ Tổng thống Ấn Độ thăm chùa Trấn Quốc Báo vietbao.vn, truy cập ngày 16/2/2011
  8. ^ Tổng thống Nga đi lễ chùa ở Hà Nội Báo vietbao.vn, truy cập ngày 16/2/2011

[sửa] Liên kết ngoài