Đã vài lần đến với Yên Tử, có Chùa Đồng, tượng đá An Kỳ Sinh, suối Giải Oan,...nhưng ước mơ đến được nơi Trần Nhân Tông từng tu tập lúc cuối đời và nhập cõi Niết Bàn luôn thôi thúc nhóm Phật tử chúng tôi.
Cả dãy Yên Tử trùng trùng, điệp điệp biết bắt đầu từ đâu để đến với Am Ngọa Vân?
Thời công nghệ, không có cách nào tiện lợi hơn cách gõ bàn phím, vào Google gõ Am Ngọa Vân, đọc phóng sự của Nhà báo Phạm Ngọc Dương, Đỗ Doãn Hoàng là có bài miêu tả hành trình về núi rừng Yên Tử, Am Ngọa Vân khá chi tiết.
Để đến được nơi Vua Trần Nhân Tông đã sống những ngày cuối cùng nơi cõi đời trần thế thì có nhiều con đường khác nhau. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã mất cả tuần đi từ hướng Bắc Giang, sau này nhà báo Phạm Ngọc Dương đã đi con đường ngắn hơn, từ đập Trại Lốc - xã An Sinh - Đông Triều - Quảng Ninh. Chúng tôi thống nhất chọn đường lên Am Ngọa Vân từ Trại Lốc.
Năm 2012. Từ đầu năm mùa hành hương Yên Tử đã khai hội, đi Am Ngọa Vân ngày nào cho phù hợp? Chọn ngày không phải vì mê tín, kiêng dè gì mà phù hợp với Thiên thời - thời tiết, Địa lợi - địa hình và đường đi, Nhân hòa - phù hợp với lịch công tác, thời gian của các thành viên trong cả nhóm.
Tổng hợp tất cả các yếu tố "ba trong một", chúng tôi chọn ngày 24 & 25/03/2012 nhằm ngày 3 & 4 tháng Ba Âm lịch khởi hành từ Hà Nội. Đoàn gồm có 3 Phật tử trẻ, đã từng sinh họat tại CLB Thanh niên Phật tử Chùa Quán Sứ là Giới Minh, Chánh Thường, và Anh Minh, có thêm một “bà chị” nhiệt tình, xung phong đi để lo hậu cần cho cả Nhóm.
Theo lộ trình từ Hà Nội, 5h sáng ngày 24, qua bến xe Lương Yên đón xe đi Yên Tử, cả nhóm lên Chùa Đồng, và xuống núi lúc 14h cùng ngày, ở Yên Tử hỏi đường đi Am Ngọa Vân rất ít người biết, kể cả cánh xe ôm, dân sở tại.
Chúng tôi đón xe Taxi từ Yên Tử đi ngược về thị trấn Đông Triều - huyện Đông Triều với quãng đường khoảng 40 km. Từ Đông Triều về xã An Sinh, thôn Trại Lốc khoảng 7 km nữa.
Đến Trại Lốc vào lúc 16h, thấy có một nhóm xe ôm đang đánh bài ở chân đập Trại Lốc, chúng tôi rất mừng vì nghĩ có thể thuê xe ôm dẫn đường lên Am Ngọa Vân, nhưng lại là một "sự thật" đến ngạc nhiên, cả nhóm xe ôm, 5 bác tài không một ai biết đường lên Am Ngọa Vân.
5 bác xe ôm ai cũng xung phong dẫn đường, song chỉ dẫn đến Cửa Phủ, còn từ Cửa Phủ lên Thông Đàn, Am Ngọa Vân, các anh chị phải tự đi: Đó là tất cả sự "nhiệt tình", chúng tôi nhận được từ các bác xe ôm.
Dân sở tại còn vậy, đến giờ chúng tôi mới hiểu có nhiều nhóm lên đến đập Trại Lốc đã phải quay về vì không biết cách "xoay xở" để đi lên Am Ngọa Vân.
Cả nhóm đang ngơ ngác nhìn nhau, vào giờ này đã cuối chiều - có người dẫn đường còn vất vả vì phía trước là rừng sâu trùng điệp, huống gì tự đi thì cầm chắc lạc đường cả tuần trong Rừng không còn là chuyện "hy hữu".
Thấy cảnh trời tối, và ngay cả nhóm xe ôm toàn dân ở xã An Sinh mà cũng chưa một lần lên Am Ngọa Vân, nên chị Tuyết (56 tuổi) đi cùng đoàn lại “dở chứng” kêu mệt, xin quay về, Chánh Thường thì kêu đau bụng….
Tôi và Anh Minh nhìn nhau, phân công Anh Minh động viên Chánh Thường tiếp tục cuộc hành trình, còn tôi đàm phán với tài xế Taxi đưa chị Tuyết trở ra thị Trấn Đông Triều – đón xe ô tô về Hà Nội.
17h, trời đã xế chiều, xe ôm thì không thể dẫn lên tận Am Ngọa Vân, còn tự đi thì chắc chắn sẽ bị lạc đường, và đêm nay sẽ ngủ ở đâu trong rừng Yên Tử? Hàng lọat câu hỏi hiện lên trong đầu, nhưng không ai dám nêu ra, vì chỉ có quyết tâm thì mọi sự mới thành hiện thực.
Chánh Thường tuy đau bụng, nhưng lại rất quyết tâm và cả nhóm quyết định lên Am Ngọa Vân cho dù đêm nay có phải ngủ trong rừng, phương án lạc đường cũng đã được tính đến, tất cả đều đã sẵn sàng...
Sự may mắn đầu tiên, từ đập Trại Lốc nhìn xuống cánh đồng cỏ ven hồ Trại Lốc đằng xa, thấy một nhóm 5 em nhỏ đang chăn trâu, chúng tôi đánh bạo xuống và nhờ dẫn đường vào Am Ngọa Vân.
Cả nhóm 5 em, em nào cũng xung phong, nhưng chúng tôi đặt vấn đề với Thuyên vì thấy em lớn nhất trong nhóm, khoảng 20 tuổi, và nhờ em dẫn đường, các anh sẽ “bồi dưỡng” cho em nhưng với điều kiện là em phải điện thoại về nhà xin phép bố, mẹ…
Mọi sự cũng hanh thông, chúng tôi bắt đầu đi bộ từ Trại Lốc, qua hồ Trại Lốc, đường ở đây khá dễ đi, thoai thoải như đường bằng, vừa đi vừa trò chuyện. Phạm Văn Thuyên học Trung cấp cách nhà 15 km, hôm nay là ngày nghỉ thứ 7 em về nhà và đi chăn trâu, Thuyên đã nhiều lần lên Am Ngọa Vân và cũng đã từng dẫn vài đoàn lên Am Ngọa Vân.
Đi qua con suối đầu tiên, nước mùa này đã rút, nhưng Thuyên cho biết vào mùa mưa thì nhưng con suối như thế này ngập nước và có thể cuốn phăng bất cứ thứ gì, có lẽ điều đó là sự thực, vì suốt dọc đường đi chúng tôi chỉ thấy lác đác có vài mái nhà, mà duy nhất có một mái nhà có người ở, còn lại là nhà bỏ hoang, có một trang trại nuôi bò ở giữa rừng.
Thấy đàn bò khoảng hơn 30 chục con nhưng gầy trơ xương, hỏi Thuyên, ở đây nhiều cỏ sao bò gầy thì được biết, do nhiều muỗi nên bò bị muỗi vắt khô máu, gầy trơ xương, ….
Qua con suối thứ 2 lúc này đã gần 18h, Thuyên cho biết, phải đi qua 15 con suối như thế này thì mới đến Cửa Phủ - là nơi mà cánh xe ôm nhận lời dẫn đường đưa chúng tôi đến đó và quay trở ra.
Chạy theo thời gian, vì đường đi từ Trại Lốc đến Cửa Phủ dù sao còn có lối mòn và có thể tăng tốc, chúng tôi quyết tâm tăng tốc dù cho ai cũng mệt lử nhưng tự nhủ đã vào chốn này, không thể quay ra khi chưa đặt chân đến Am Ngọa Vân.
Xem phóng sự ảnh:
Đường đi Am Ngọa Vân từ đập Trại Lốc, phía bên phải con đường là Hồ Trại Lốc
|
Đi được khoảng 2 km thì gặp ngôi nhà bỏ hoang, không người ở, chúng tôi thử vào trong....
|
Trong rừng sâu, điều kiện tối thiểu để sinh họat rất khó khăn, chủ ngôi nhà này chắc đã bỏ hoang từ lâu. Hình ảnh phía trong ngôi nhà bỏ hoang.
|
Một trang trại nuôi bò, giữa rừng. Đây là cảnh "động" duy nhất chúng tôi thấy dọc đường đi.
|
Trời đã về chiều, tranh thủ nghỉ ngơi bên một gốc cây.
|
Từ đập Trại Lốc vào đến Cửa Phủ, trải qua 15 con suối. Đây là con suối thứ 15, và có biển chỉ lên Cửa Phủ (phía bên phải).
|
Trái với hình dung ban đầu là một Phủ được xây dựng to lớn. Hóa ra....Cửa Phủ là nơi để những ai đi vào Rừng thành tâm cầu mưa thuận, gió hòa, không bị lạc đường. Chúng tôi, cũng không ngoại lệ, tất cả đều rất thành tâm...Qua Cửa Phủ, là nơi tập kết vật liệu của Công ty Xây dựng An Viên ở Hà Nội đang tập kết vật liệu để khôi phục lại Tháp của Tổ sư Pháp Loa tại Thông Đàn - điểm di tích quan trọng trong dãy Yên Tử.
Đến đây. Một, là đêm nay ngủ tạm tại Lán này. Hai là đi tiếp, vì quãng đường sắp tới là Rừng sâu, Trời đã khá tối, nhưng chúng tôi quyết định sẽ đi tiếp, vì dù đã gần 19h nhưng may thay do đoạn đường này khá thoáng, nên vẫn còn chút ánh sáng cuối cùng trong ngày.
Đường đi càng ngày càng khó, cây cối mọc chằng chịt, nhiều đoạn chưa có lối mòn, đi qua những tảng đá rất trơn, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị ngã. Lúc này trời đã rất tối, bóng cây trong Rừng đã bao phủ, chỉ còn ánh sáng lờ mờ, chúng tôi vừa đi vừa mò mẫm từng bước...
Vật liệu từ điểm tập kết ở ngoài Lán, mang vào đây từng bao tải nhỏ, khoảng 30 kg/1 bao. Quả thật để có được những kg xi măng, gạch, sắt, thép...đến được điểm tập kết này. Công vận chuyển đã mất ròng rã cả tháng trời với sức của hàng chục người lao động. Phía trước điểm tập kết là dốc Đô Kiệu, hay còn có tên gọi khác là Đỗ Kiệu.
Thuyên là người dẫn đường có duyên, và khá hiểu biết, Thuyên đang giới thiệu về lai lịch tên gọi của dốc Đỗ Kiệu. |
Theo đó, ngày xưa Vua Trần Nhân Tông từng đi qua đây, và đây là con dốc đứng, dốc không dài chỉ khoảng 200m, nhưng dốc thẳng, đứng, nên Ngựa, Kiệu rước không thể đi được lên con dốc này. Vì thế có tên gọi là Đỗ Kiệu. Muốn qua con dốc này, không có gì khác là phải đi bộ từng bước chân... |
Để chuyển vật liệu lên Thông Đàn, người của Công ty xây dựng An Viên đã "phát minh" ra ròng rọc cây + dây trông rất thủ công nhưng không thể có cách nào khác khả dĩ hơn để vận chuyển từng kg vật liệu băng ngược lên con dốc này.
Đi trong Rừng rậm, tối mịt, gặp những ụ mối to dưới gốc cây đã ủ mục, chúng tôi phải soi bằng đèn pin mới nhìn rõ... |
Không còn thấy đường đi, lúc này đã khoảng 20h30 tối. Cả nhóm phân vân không biết nên dừng lại, sáng mai đi tiếp, hay sẽ phải cố lê từng bước chân. Rất may, Thuyên khéo động viên, gần đến Thông Đàn rồi, các anh cố lên, lên Thông Đàn có lán của công nhân đang xây dựng Tháp của ngài Pháp Loa, ngủ tạm ở đó để tránh sự đe dọa của muỗi, vắt rừng... Do Thuyên khá thạo đường, nên đúng như vậy, sau hơn 30 phút bám cây leo dốc, chúng tôi đã đến được Lán do công nhân dựng tại Thông Đàn. Nhìn đồng hồ đã hơn 21h tối, chúng tôi mang bánh mỳ ra ăn thì tất cả đều đã hỏng, vì khi mang sau lưng, mồ hôi và sức nóng đầm đìa của mồ hôi đã làm hỏng tất cả thức ăn mang theo.
Đêm nay, chúng tôi sẽ ăn gì trong rừng? Lúc này dù đã nỗ lực với tinh thần cao nhất nhưng không ai dấu được sự thấm mệt, quần áo ướt đẫm mồ hôi, và sáng mai chúng tôi liệu có còn đủ sức để đi từ Thông Đàn lên Am Ngọa Vân?
|
|
|
|
|
|
|
|
Còn nữa....Bài: Giới MinhẢnh: Chánh Thường