Núi Đá Dựng Hà Tiên
15/2/2004 CT online

Bài, ảnh: NGỌC HÙNG


Trong những nỗ lực nhằm đưa du lịch trở thành thế mạnh của địa phương, những ngày cuối năm 2003, tại thị xã vùng biên này, Núi Đá Dựng - một trong 10 cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Tiên vừa được đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan du lịch.

Với cấu tạo địa chất đặc biệt, Đá Dựng có những hang động kỳ bí dễ gợi trí tưởng tượng cho người đến thưởng ngoạn. Chính vì vậy, gần 300 năm nay, sơn danh Đá Dựng cùng với Thạch Động luôn là điểm đến của du khách gần xa. Chẳng vậy mà sách "Gia Định thành thông chí" do sử gia triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức, viết xong năm Canh Thìn (1820 - đời Minh Mệnh) ở mục Sơn Xuyên Chí (chép về núi sông) có nói đến núi Đá Dựng của trấn Hà Tiên như sau: "Núi Bạch Tháp ở phía Bắc núi Vân Sơn 5 dặm. Sông núi quanh co, cỏ cây rậm rạp, nhà sư Quy Nhơn là hòa thượng Hoàng Long Đại vân du đã cắm gậy ở đây. Năm Đinh Tỵ (1737) - Túc Tông Hiếu minh Hoàng đế thứ 13, hòa thượng tịch, đồ đệ xây tháp bảy cấp để cất xá lợi. Hàng năm, cứ các ngày Tam nguyên và Phật đản thì chim hạc đến múa, vượn xanh dâng quả, lưu luyến bồi hồi hình như có ý tham thiền nghe kệ, có thể gọi là cảnh chùa Tiêu Sái".

Trong thời kỳ chống Mỹ, có giai đoạn Huyện ủy Hà Tiên chọn núi Đá Dựng làm căn cứ chiến đấu và bảo toàn lực lượng. Năm 1970, Mỹ - ngụy mở rộng cuộc chiến sang Campuchia (Cam-pu-chia) nhằm khống chế hành lang biên giới, thì khu Đá Dựng nằm giữa cánh đồng trống trải nhìn từ Quốc lộ 80 do ta kiểm soát chính là cái gai mà chúng muốn nhổ bỏ. Ngày 15-5 năm ấy, địch dùng một trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 21 có sự yểm trợ của xe bọc thép M.113, máy bay ném bom và pháo binh, đánh vào Đá Dựng trong khi quân số ta chỉ trên dưới 100 người. Với sự quả cảm và ý chí kiên cường, quân cách mạng đã chiến đấu suốt 27 ngày đêm, giữ vững căn cứ, bắn rơi 7 máy bay và loại khỏi cuộc chiến hơn 500 tên địch. Cuộc chiến đấu quyết liệt ấy góp phần kéo dãn cường độ đánh phá của địch vào căn cứ Mo So (Kiên Lương) và chia lửa cùng tuyến đường chiến lược 1C. Trong bảng vàng thành tích và danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" mà Đảng bộ và quân - dân Hà Tiên được Nhà nước phong tặng, thì những chiến công ở núi Đá Dựng là một nét son tô thắm truyền thống oai hùng đó. Đến với Đá Dựng hôm nay, lòng chúng tôi bồi hồi nhớ thương những người đã ngã xuống. Vết tích của chiến tranh vẫn còn đó, và danh thắng này trở thành di tích lịch sử mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ, để viết tiếp những trang sử mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương giàu đẹp.

Với yêu cầu phát triển du lịch theo chương trình hoạch định liên kết giữa Kiên Giang và một số tỉnh, thành của nước bạn Campuchia, sau 6 tháng khởi công xây dựng, Hà Tiên đã cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, công viên, cây xanh, các khu dịch vụ... Đặc biệt, tuyến đường trong núi dẫn đến 12 hang động theo kiểu bậc cấp có lan can bảo hiểm với tổng kinh phí 3 tỉ đồng vừa chính thức khai trương vào ngày 10-1-2004 kịp thời phục vụ du khách ngay trong dịp Tết Giáp Thân.

Đến khu du lịch núi Đá Dựng có hai con đường dẫn từ Quốc lộ 80, đầu mối tại địa bàn ấp Thạch Động và Mỹ Lộ (xã Mỹ Đức). Vào thăm các hang động, du khách sẽ mắt thấy tai nghe những điều kỳ thú. Chẳng hạn, hang Mẹ Sanh (hang số 1) có một khe nhỏ ăn thông ra mặt Bắc, lách mình qua khe đá mọi người thỏa mắt ngắm nhìn dãy biên cương thanh bình, xa xa chen giữa những thảm xanh là đàn trâu bò ung dung gặm cỏ, những thảm vàng óng nuột của cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Đến hang Bồng Lai (hang số 4), du khách như lọt vào một phòng có gắn máy điều hòa nhiệt độ bởi những giọt nước mưa tích tụ trên cao tí tách rơi đều quyện với làn gió mát lành thổi xuống từ không trung. Nơi này, những năm 1960, nhà sư Yết ma Thích Thiền Quang đã làm một kiểng chùa nhỏ để ngụ tu, nhưng giặc nghi ông hoạt động giúp đỡ cách mạng nên đã giết hại ông. Trong nhiều cuộc chiến đấu, các hang số 4, số 7 được quân ta sử dụng làm khu hậu cần và quân y do có nguồn nước, địa thế nhiều ngõ ngách dễ quan sát toàn thể khu vực xung quanh núi.

Di tích danh thắng Đá Dựng quả là kỳ bí. Đến mỗi hang động, du khách tha hồ chiêm ngưỡng những cảnh vật bằng đá đậm nét nguyên sơ rất độc đáo như: con rùa nằm ngay cửa hang số 6, bên trong tối om có 10 cửa hang nhỏ được ví như thập điện (10 cửa ngục) vậy; hai trái khổ qua đá to đính gần chóp núi (hang số 10); trên đỉnh có bàn chân người tiền sử in hằn trong đá; hoặc bệ thờ Phật, ngai vua, gương mặt Tề Thiên và quần thể đá lúc nào cũng lung linh ánh chớp sáng... Đặc biệt, ở hang số 11, trên vách còn dấu tích 5 phiến dây đá - tương truyền là đàn xưa của Thạch Sanh. Rất tiếc, 3 phiến đã bị gãy - hậu quả của những đợt bom đạn mà kẻ thù dội xuống. Giữa hang nổi lên một dãy đất đá tựa hình vảy rồng và lạ lùng hơn khi vỗ nhẹ tay vào ngực, người ta nghe rõ âm thanh từ đó phát ra ấm như tiếng trống trận xa xa vọng lại.

Trở thành địa điểm tham quan du lịch, núi Đá Dựng là niềm tự hào không chỉ của Hà Tiên mà còn là của Kiên Giang. Bởi đến đây, mọi người như có dịp trở về với cội nguồn để khám phá những điều kỳ thú của thiên nhiên, đồng thời ôn lại một thời gian khổ ác liệt đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của Đảng bộ và quân - dân Hà Tiên.