Kiến trúc và những hiện vật trưng bày tại đây có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của những du khách quan tâm về lịch sử chiến trận thế giới.
Dự kiến đầu tháng 12, bảo tàng vũ khí cổ tư nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ đi vào hoạt động tại 14 Hải Đăng, phường 2, TP Vũng Tàu với tên gọi Bảo tàng Vũ khí Toàn cầu (The Worldwide Arms Museum).
Trước đó, công chúng từng biết đến một số hiện vật vũ khí được trưng bày trong các bảo tàng tại Việt Nam. Những vũ khí đó chủ yếu là vật chứng cho lịch sử cách mạng Việt Nam chứ chưa được hệ thống thành một bảo tàng riêng biệt. Đầu năm 2011, Tổng cục Kỹ thuật đã đưa vào hoạt động Bảo tàng Vũ khí tại quận Long Biên (Hà Nội). Bảo tàng này cũng chỉ là nơi lưu giữ các chủng loại vũ khí từng xuất hiện trong lịch sử phát triển vũ khí ở Việt Nam…
Châu Âu cổ kính
Dù Bảo tàng Vũ khí Toàn cầu chưa đi vào hoạt động nhưng nhiều trang du lịch của một số quốc gia đã có những hình ảnh về bảo tàng do du khách chụp và giới thiệu.
Bảo tàng là một bức tranh về lịch sử thế giới trải dài từ những cuộc chiến giành lãnh địa thực tế đến những cuộc Thập tự chinh giành lãnh địa tinh thần. Ảnh: QUỲNH TRANG
Nếu bên ngoài, kiến trúc bảo tàng mang dáng dấp một pháo đài cổ với mô hình đại bác, lính canh và phù hiệu các vương quốc thì bên trong, người xem có thể khám phá nhiều điều thú vị hơn. Ngay sảnh bảo tàng là bức điêu khắc ốp tường về trận đánh ở Hennersdorf của vương quốc Phổ dưới sự dẫn dắt của Friedrich II đại đế đại phá quân Áo tháng 11-1745. Chưa dứt khỏi bức phù điêu lớn này, người xem tiếp tục được dẫn dắt theo những bức tranh trên tường mô tả các trận chiến khác nhau của các vị vua, danh tướng: Napoleon Bonaparte (Pháp), Charles I (Scotland)… Tiếp đến là tranh vẽ lại những kiệt tác của hai danh họa người Ý Michelangelo và Raphael trên trần bảo tàng.
Hòa trong không khí hội họa phục hưng là những mannequin mặc quân trang được xếp theo từng thời kỳ, quốc gia hoặc binh chủng. Dưới mỗi mannequin đều có phần chú thích ngắn gọn song ngữ về lịch sử ra đời binh chủng, bộ quân phục đó. Chẳng hạn, nhìn năm mannequin trong trang phục kỵ binh của quân đội Anh được xếp sát nhau, người xem chỉ thấy một vài thay đổi nhỏ trên quân phục. Tuy nhiên, nhờ phần chú thích ngắn gọn mà người xem nhận ra được những khác biệt thú vị của đội quân này qua từng thời kỳ.
Chính những mô tả ngắn gọn về người chỉ huy, những mốc thay đổi của từng trung đoàn đã giúp người xem hiểu được lịch sử phát triển của kỵ binh Anh… Hay từng loại súng cũng được chú thích kỹ càng về xuất xứ, loại súng, nơi sử dụng như súng trường của Đông Phi, năm 1820; súng Cacbin hoàng gia Pháp, năm 1800, nòng súng 18 mm…
Vẽ lại lịch sử các cuộc chiến
Hiện bảo tàng đang trưng bày 1.200 cây súng, 1.000 cây gươm và 500 mannequin trong những bộ quân phục. Dạo quanh bảo tàng, người xem như lạc vào thế giới của những cuộc chiến thế kỷ XVII-XX. Ở đây, người ta được tận mắt chiêm ngưỡng từ quân phục quân đội Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Nga… đến trang phục của các võ sĩ đạo Nhật Bản, kỵ binh Trung Quốc… Bảo tàng là một bức tranh về lịch sử thế giới trải dài từ những cuộc chiến giành lãnh địa thực tế đến những cuộc Thập tự chinh giành lãnh địa tinh thần.
để có được một bộ sưu tập đồ sộ, được hệ thống hóa chi tiết như thế, từ năm 18 tuổi, ông Robert Taylor (một doanh nhân người Anh) - chủ nhân của bảo tàng - đã bắt đầu sưu tầm những cổ vật đầu tiên (giáo, mác, trang phục...). Tuy nhiên, ý định mở một bảo tàng vũ khí chỉ mới hình thành sau khi ông lập gia đình cùng một phụ nữ ở TP Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Bông - vợ ông - kể: Mỗi lần đi du lịch tại các nước hoặc về Anh thăm nhà, ông Robert lại đưa bà đến tham quan các bảo tàng lịch sử, cung điện các vương quốc. “Thấy lịch sử, văn hóa các nước được trưng bày quá đẹp trong các bảo tàng, tôi mong có một bảo tàng như vậy ở Việt Nam. Thêm vào đó, Robert cũng muốn mang lịch sử các nước về Việt Nam bởi ông đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Vì thế, chúng tôi quyết định thành lập bảo tàng này” - bà Bông chia sẻ.
Đam mê và tỉ mẩn
Ý tưởng cho việc thành lập bảo tàng nghe rất giản đơn nhưng để có một bảo tàng ra tấm ra món như hiện tại thì không hề dễ. Việc sưu tầm cho được món vũ khí, bộ quân phục đúng với từng giai đoạn lịch sử đã là một vấn đề. Khó khăn còn đến từ việc nhập khẩu bởi ở Việt Nam chưa ai nhập khẩu một lượng lớn vũ khí (dù là vũ khí đã vô hiệu hóa công năng sử dụng) để trưng bày như Robert Taylor bao giờ. Sau nhiều năm kiên trì xin phép, thuyết phục… đến năm 2010, container đầu tiên trong bộ sưu tập của ông đã được nhập về Việt Nam.
Đến nay, khi bảo tàng chuẩn bị đi vào hoạt động, ngày ngày người đàn ông 66 tuổi này lại tỉ mẩn chuẩn bị tư liệu để làm tài liệu cho các hướng dẫn viên. Vợ ông cũng vất vả không kém với những lượt đi về giữa Vũng Tàu - TP.HCM để đặt từng con mannequin cho đúng kích thước từng bộ quân phục. Mỗi tháng, họ chỉ đặt khoảng 10 mannequin để ông Robert ngồi tỉ mẩn kết từng bộ râu, mái tóc của mannequin sao cho đúng lịch sử.
Với niềm đam mê được giữ gìn từ thuở mười tám đôi mươi, đem về Việt Nam để làm thành một không gian lịch sử như thế; biết đâu Bảo tàng Vũ khí Toàn cầu sẽ trở thành điểm đến cho những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa như ông Robert - chủ nhân của nó…
Robert và ca mổ cho vượn má hung
Trước khi làm bất cứ việc gì ông Rober Taylor cũng đều nghiên cứu kỹ càng. Như hiện tại ông đang nuôi 23 con khỉ, đặt tên và nhớ tên từng con. Ông còn đặt cả đặc san Chuyên đề linh trưởng học Việt Nam (Vietnamese Journal of Primatology) để tìm hiểu, nghiên cứu thêm về từng loài khỉ ông đang có.
Trong số 23 con khỉ ông nuôi, có một con tên là Mika, được ông mua về khi đã bị mù. Ông đã nhập máy và mời một ê kíp mổ gồm các bác sĩ người Việt Nam, Anh, Trung Quốc mổ cho Mika. Đây là ca mổ bệnh đục nhân mắt và thay thủy tinh thể thành công trên vượn má hung, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc cải thiện tiêu chuẩn chăm sóc động vật hoang dã tại Việt Nam và toàn Đông Nam Á. Ca mổ này đã được thu hình và phát sóng đến 190 quốc gia trên thế giới. |
QUỲNH TRANG