• SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG - Đ/C SỐ 74 Đ. NGUYỄN THỊ LƯU - P. NGÔ QUYỀN - TP. BẮC GIANG
Liên kết

 

 

 

Thông kê truy cập
  • Tổng số lượt: 4576004
  • Số người đang xem: 12
  • Trong ngày: 1366
  • Trong tuần: 11257
  • Trong tháng: 11257
  • Trong năm: 4576004
Trang chủ

Văn bia chùa Vĩnh Ngiêm – Những trang sử đá về chốn tổ Trúc Lâm Yên Tử

( 08:44 | 10/03/2014 ) Bản để inGửi bài này qua Email

 

Là một trong những chốn tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nhưng chùa Vĩnh Nghiêm vẫn mang đầy đủ những nét văn hóa đặc trưng của ngôi chùa làng. Xưa và đến những năm gần đây, làng và nhà sư trực tiếp quản lý tài sản nhà chùa. Làng và nhà sư chăm nom hương khói phụng Phật. Làng và nhà sư tổ chức hội chùa... Quản lý như vậy tuy có đơn giản, nhưng hợp với việc làng nên mọi hoạt động đều diễn ra một cách suôn sẻ, hiệu quả mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mặc dù trải qua nhiều biến thiên qua các thời kỳ lịch sử, các công trình kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm bị thay đổi nhiều nhưng nhà chùa và người dân nơi đây vẫn giữ gìn được số lượng di sản Hán Nôm tương đối phong phú với nhiều loại hình văn bản khác nhau.  Về văn khắc: Chùa Vĩnh Nghiêm còn bảo tồn 3050 mảnh ván in (mộc bản) được khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn…đã được kiểm kê, mã hóa, in, nhân bản và đang được đầu tư nghiên cứu, dịch thuật. Ở các tòa: Tam bảo, Tổ đệ nhất, Tổ đệ nhị, Khách đường còn bài trí 12 bức đại tự (hoành phi), 14 đôi câu đối, 2 bức châm đề thơ cổ và các văn bản được khắc trên cột, thượng lương, câu đầu trong các tòa kiến trúc. Ngoài văn khắc trên gỗ, chùa Vĩnh Nghiêm còn giữ gìn được 06 tấm bia đá, trong đó 05 tấm dựng ở trước và sau toà Tam bảo và 01 tấm ở tòa Tổ đệ nhất.

Trên gác chuông được xây dựng dưới triều vua Bảo Thái, triều Lê Trung hưng còn có một quả chuông đồng (Vĩnh Nghiêm tự chung) được hun đúc, khắc văn vào ngày tốt tháng 12 (tháng Chạp) năm Canh dần niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830) và 5 bia bài vị gắn trên mộ tháp của các sư tổ viên tịch tại chùa.  

Tạng để Mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Đông Thành

- Về thư tịch:Kho kinh sách của chùa Vĩnh Nghiêm hiện tàng chứa khoảng trên dưới 500 cuốn kinh/sách với khoảng gần hai trăm đầu kinh/sách các loại. Chùa Vĩnh Nghiêm có số lượng di sản Hán Nôm tương đối phong phú cả về số lượng và nội dung.

Như vậy, hiện chùa Vĩnh Nghiêm còn giữ gìn được 06 tấm bia đá và một quả chuông đồng. Qua khảo sát thì có 04 tấm có khắc ghi lạc khoản cho biết thời gian dựng bia, 01 tấm không có hoặc mờ dòng lạc khoản. Dưới đây là phần lược thuật nội dung các văn bia chùa Vĩnh Nghiêm:

- Chúc Thánh Vĩnh Nghiêm tự bi. Nội dung: Các tín sĩ huyện Phượng Sơn, Yên Dũng, Bảo Lộc, Lục Ngạn…ở phủ Lạng Giang tạo dựng bia đá và bài minh ghi việc trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa Vĩnh Nghiêm là dấu tích của thời Trần…nay chùa sụp đổ, hoang tàn, ai trông thấy chẳng hứa sẽ tùy hỷ, tùy duyên nguyện tu sửa chùa. Nay có các ông Nguyễn Phúc Ninh…đều quy thiện đem lòng đại nhân duyên quyên tài lực mượn thợ lo tu sửa chùa Vĩnh Nghiêm. Đóng góp công của có Thái bảo Đà Quốc công hiệu Quảng Đức và Thái trưởng Phúc Thành công chúa và một số tín chủ ở các xã quanh vùng (xã Ngư Uyên, xã Đan Hội, xã Đông Loan) và tín chủ nơi xa (xã Thanh Sơn, xã Mỹ Phú ?)

- Trùng tu Vĩnh Nghiêm tự bi (Bia trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm). Văn bia do Dật sĩ họ Nguyễn, người xã Vạn Ty, huyện Gia Định soan văn. Đề lại Nguyễn Danh Nghĩa, người xã Vĩnh Thế, huyện Siêu loại viết chữ. Nội dung: Khắc ghi công đức của vị tướng công được phong tước Địch Thọ hầu Nguyễn Thọ Cường. Địch Thọ hầu thấy cảnh chùa Vĩnh Nghiêm đổ nát hoang tàn, cỏ gai rậm rạp che nấp cảnh chùa, du khách ai cũng chạnh lòng, dân làng động tâm nhưng nghèo khó đành bỏ mặc nên ông đứng ra hưng công, quyên góp tiền của trùng tu cảnh Phật. Năm Nhâm dần (1602) chọn ngày lành, sai thợ khéo tu sửa tòa Thượng điện, Thiêu hương, Hành lang cùng Tiền đường, Hậu đường. Đến tháng 8 năm Quý mão (1603) công việc hoàn thành.Cảnh chùa đẹp đẽ lại sai thợ giỏi tạc tượng Thái Thượng hoàng hiên Ngọc Hoàng thượng đế, tượng Đệ nhất tổ Điều ngự hoàng đế. Năm Bính ngọ (1606) mở pháp hội lớn, mọi chúng dân hết lòng cung kính. Công đức của ông không kể sao hết được, bèn khắc vào bia đá để lưu truyền cho muôn đời sau. 

- Vĩnh Nghiêm tự công đức bi (Bia công đức chùa Vĩnh Nghiêm). Bia được khắc dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Nội dung: Chùa Vĩnh Nghiêm là một khu sùng phúc ở huyện Phượng Nhã, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc (京北道諒源府鳳眼縣). Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn vạn nhận, trùng trùng điệp điệp vây tròn như chiếc lọng hoa. Chùa do Lý Diên Bảo mở ra, sau được Hùng Quốc công trùng tu tôn tạo. Nay có Định Sơn hầu Chu Văn Sầm, tên chữ là Đức Trọng cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Trang, hiệu Tự Bảo đứng ra hưng công trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm. Các tín thí công đức có 12 vị Hầu tước và các vị Bá tước cùng nhiều quan Huyện thừa sở tại tham gia.

- Vi tướng công bi (Bia tướng công họ Vi). Nội dung: Ghi khắc công đức của một vị tướng công họ Vi làm quan Án sát tỉnh Lục Nam tập phúc trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm, công việc xong xuôi, bản tự khắc bia ghi nhớ, lưu truyền đến muốn đời.

- Đức La xã, Vĩnh Nghiêm tự sáng tạo lịch đại tu tác công đức bi(Bia công đức các đời mở mang và trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La). Nội dung: Mặt trước ghi khắc lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm và quá trình hình thành chốn tổ Vĩnh Nghiêm và lai lịch Tam tổ Trúc Lâm. Mặt sau khắc ghi tên tuổi hơn 500 người bỏ tiền, của công đức trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm.

- Vĩnh Nghiêm tự ký kỵ bi (Bia gửi giỗ chùa Vĩnh Nghiêm). Nội dung: Ghi khắc sự kiện năm Thành Thái thứ 2(1890), bản tự cùng nhân dân sửa chữa Phật điện, cây hương…Có bà họ Giáp, hiệu Diệu Hoa người xã Hả Hộ, huyện Lục Ngạn quyên góp 500 quan tiền mua gỗ và tậu một mẫu ruộng tại xứ đồng Cửa Nẻo của bản xã dùng vào việc hương đăng gửi giỗ cho mẹ là Vũ Thị Điệp, hiệu Diệu Thiện. Bản tự cùng nhân dân dựng bia ghi nhớ sự việc.

- Vĩnh Nghiêm tự chung(Chuông chùa Vĩnh Nghiêm) được đúc ngày tốt, tháng 12 (tháng Chạp) năm Canh dần niên hiệu Minh Mệnh thứ 11(1830). Nội dung: Chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc là dấu tích cổ ở trời Nam, là danh lam nơi đất Bắc, nên vào năm Canh dần (1830) toàn xã thỉnh xin Hòa thượng Tính Tịnh chính tông dòng Lâm tế giao cho Thích tử Tỳ Kheo tên chữ là Hải Hài trụ trì tại chùa để tâm vào việc đúc chuông chùa. Sư trụ trì cùng ba thôn đã quyên mộ thiện nam, tín nữ hòa tác tín tâm thập phương làm nên danh quả phúc. Công việc hoàn thành, nhà chùa cùng nhân dân liệt kê tên tuổi các vị công quả rồi khắc vào bia đá.

Ngoài ra ở chùa Vĩnh Nghiêm, các tác giả sách biên soạn sách Địa chí Bắc Giang (tập Di sản Hán Nôm) còn lược thuật giới thiệu tấm bia Công đức bi kí lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nội dung: Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Ông La, huyện Phượng Nhã, phủ lạng Giang, đạo Kinh Bắc nguyên trước đã được Thượng hoàng Trần Nhân Tông đăng đàn thuyết pháp. Nay trải qua nhiều năm mưa sa gió rập đã đổ nát, cần phải sửa chữa. Thiện sĩ Bùi Đăng Tướng (Tương), tự Phúc Điền; vợ Nguyễn Thị Do, hiệu Diệu Thanh; vợ bé Hà Thị Điển, hiệu Diệu Xuân đã hưng công tu tạo. Các tín thí có bá hộ xã Trí Yên Vũ Hữu Thao, vợ Lê Thị Nhiên và nhiều người khác như: Nguyễn Thị Hựu, Hồ Thị Đà (trên 500 người) bỏ tiền của hưng công đúc chuông, xây cất gác chuông. Công việc hoàn thành bèn dựng bia, khắc chữ ghi tên tuổi để lưu truyền.

Văn bia chùa Vĩnh Nghiêm là những văn bản được soạn/khắc/dựng ở từng thời kỳ, niên đại khác nhau, trong đó, bia được soạn/khắc sớm nhất là tấm bia thời Mạc được soạn khắc khoảng năm 1590 - 1595. Tiếp đó là hai tấm bia có niên hiệu Hoằng Định thứ 7(1606)…và tấm bia muộn nhất được soạn/khắc/dựng năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Ngoài các tư liệu chính sử, văn bia ở đây là nguồn tư liệu nguyên gốc đảm bảo tính chân xác về các sự kiện xảy ra trong quá trình trùng tu, tôn tạo gắn với sự suy vi, phát triển của chốn tổ qua các thời kỳ lịch sử, nhất là giai đoạn thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. 

Nghiên cứu tư liệu văn bia chùa Vĩnh Nghiêm, chúng tôi thấy có một số nội dung nổi bật: Văn bia chùa Vĩnh Nghiêm đảm bảo tính nguyên gốc chưa bị tẩy xóa, đục lại của người đời sau nên thể hiện khá rõ nét phong cách tạo bia Việt Nam thời trung đại. Không gian địa lý chùa Vĩnh Nghiêm cũng được mô tả khái quát qua văn bia cho thấy nơi đây thật xứng là danh lam thắng cảnh ở xứ Bắc. Văn bia chùa Vĩnh Nghiêm bổ sung tư liệu cho việc xác định một số địa danh lịch sử…Văn bia chùa Vĩnh Nghiêm cung cấp tư liệu để tìm hiểu về các vị cao tăng truyền ở chùa Vĩnh Nghiêm. Văn bia là nguồn tư liệu chân xác góp phần tìm hiểu quá trình lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm.

Ngoài các nội dung như trên, văn bia chùa Vĩnh Nghiêm còn phản ánh sự quan tâm của chư Phật tử hưng công trùng tu tôn tạo bảo sái thờ Phật và Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử và sự ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi của thiền phái Trúc Lâm ở đôi bờ sông Thương, sông Lục và vùng châu thổ sông Hồng.

 Văn bia cũng phản ánh sự tham gia của các quan lại thời phong kiến trong việc chấn hưng chốn tổ Vĩnh Nghiêm, đó cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy phản ánh sự thịnh suy của chốn tổ Trúc Lâm Yên Tử qua các thời kỳ lịch sử mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu làm sáng tỏ trong thời gian tới.

Sau nhiều năm tồn tại cùng tuế nguyệt, đa số văn bia chùa Vĩnh Nghiêm đã bị mờ mòn, mất đi nhiều nét chữ. Hiện bia đá vẫn nằm rải rác trong khuôn viên chùa và nắng mưa tiếp tục xâm hại những trang sử đá ở đây. Để bảo tồn văn bia/bia đá chùa Vĩnh Nghiêm có hiệu quả thì chính quyền địa phương, ngành chức năng và nhà chùa cần sớm quan tâm việc quy hoạch và quy tụ văn bia để bảo quản. Phương án có hiệu quả mà nhiều địa phương đã thực hiện là thiết kế xây dựng bi đình (nhà bia) trong không gian hợp lý rồi quy tụ dựng đặt bia đá vào đó vừa để trưng bày quảng bá, vừa tiện khai thác giá trị nội dung và tôn thêm vẻ mỹ lệ của chùa Vĩnh Nghiêm – một danh lam cổ tự xứ Bắc ngàn năm văn hiến./.

Nguyễn Văn Phong

 

;?>