Văn hoá ChămPa, một nền văn hoá phát triển rực rỡ, chiếm vị trí quan trọng trong một thời kỳ dài lịch sử của dải đất miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, nơi được coi là vùng đất khởi thuỷ lập quốc - Nhà nước Lâm Ấp (LiuY) thế kỷ II (192). Từ nền văn hoá bản địa, thu nhận những ảnh hưởng từ văn hoá Ấn Độ lan toả sang, người Chăm đã xây dựng cho dân tộc mình một nền văn hoá độc đáo mang đậm bản sắc riêng. Tồn tại và phát triển hàng ngàn năm lịch sử, trước khi vùng đất này hoà nhập vào lãnh thổ dân tộc. Chính vì thế, những dấu ấn của văn hoá Chăm Pa từ xưa cho đến nay được nhiều người quan tâm chú ý, coi đó là tài sản chung của cộng đồng đa dân tộc Việt Nam hoà hợp, đoàn kết và thống nhất.
Việc phát hiện tháp Chăm pa Phú Diên tháng 9 năm 2001, đã góp thêm những tài liệu quan trọng trong việc tìm hiểu văn hoá Chăm Pa trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và văn hoá Chăm Pa nói chung trong lịch sử. Bài viết này chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả một số thông tin cơ bản về quá trình phát hiện, khai quật và tu bổ tôn tạo tháp Phú Diên.
1. Quá trình phát hiện:
Ngày 18/4/2001, tại cồn cát ven biển thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 30 Km về hướng Đông - Nam theo quốc lộ 49B, nhóm công nhân khai thác Titan, xưởng Phú Diên 2 thuộc Công ty khoáng sản Thừa Thiên Huế, trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện một khối gạch lớn bị vùi sâu trong lòng cát từ 5m - 7 m so với mặt đất, cách mép nước biển khoảng 120 m, về hướng đông nam. Sự việc ngay sau đó được kịp thời báo cho chính quyền địa phương và các nghành chức năng... Từ ngày 3 đến ngày 5/8/2001, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế đã tiến hành đào thám sát tại di tích, kết quả cho thấy: Di tích là một khối kiến trúc hình chữ nhật, không có mái che (chóp), diện tích khoảng 30m2, độ dày của mỗi bức tường đo được từ 0,9m - 1,0m; chiều cao trung bình của các bức tường 3,5m, di tích có xu hướng nghiêng lún về hướng bắc. Chính giữa bốn bức tường di tích là bốn vòm cửa, riêng của phía đông là cửa ra vào, được thiết kế hình mui thuyền, ba cửa nam, bắc, tây là cửa giả thiết kế hình vòm cung tù, giống hệt nhau về kiểu dáng, kích thước, hoa văn trang trí. Chính giữa lòng di tích phát hiện một Yoni, hình vuông, chất liệu đá màu xám (silicát), có kích thước 0,60m x 0,60m, dày 0,10m, vòi dài 0,12m (bị nứt), ở giữa Yoni là một lỗ tròn đường kính 0,12m, là vị trí của Linga nhưng không còn, Yoni được đặt trên một trụ gạch cao 0,80m, bốn cạnh bằng nhau 0,70m x 0,70m, dưới Yoni trên trụ gạch có đặt 02 mảnh kim loại màu vàng dát mỏng hình lá đề độ dài đo được 0,02m. Bốn bức tường ngoài của di tích được trang trí đẽo gọt tỷ mỉ, đặc biệt phần chân đế, thân, diềm, mái với những đường diềm, họa tiết hoa văn trang trí hình cánh hoa có tính đối xứng, hài hòa đẹp mắt. Ở khoảng giữa ba vòm cửa giả có khắc tạc hình dạng con người cách điệu đứng trên bệ hoa sen. Cách cửa Đông của di tích (cửa ra vào) 8m có một trụ gạch khối vuông 1m x1m cao 1,25m... cũng trong thời gian đào thám sát những công nhân khai thác Ti tan còn phát hiện một đoạn đê dài, với những hàng cọc kè chạy ngang qua tháp về hướng đông bắc cách di tích 15m, như là việc chống lại sự xâm nhập của nước biển.



+ Nhận định bước đầu sau khi đào thám sát:
- Đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa, có giá trị nhiều mặt về khoa học, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, xây dựng, tín ngưỡng, niên đại...Bởi các lẽ: từ kiểu dáng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng, các họa tiết trang trí bên ngoài tường tháp, đặc biệt sự có mặt của YONI trong lòng tháp là hiện vật duy nhất chỉ có người Chăm dùng làm vật thờ thiêng liêng của dân tộc mình. Có thể khẳng định việc phát hiện tháp Phú Diên bị vùi sâu dưới cồn cát ven biển Thừa Thiên Huế, đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong nước và quốc tế. Để có những kết luận chính xác, khoa học về lịch sử, niên đại... của tháp Phú Diên, thì cần được khai quật với qui mô lớn hơn và ngày 29/6/2001, Bộ Văn hóa Thông tin cho phép sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, tiến hành khai quật tháp Phú Diên (QĐ: 1533/QĐ BVHTT) .
2. Kết quả khai quật tháp Phú Diên lần thứ nhất:
Công tác khai quật được tiến hành từ ngày từ 05/9/2001và kết thúc ngày 21/9/2001./ Mục đích của cuộc khai quật nhằm:
- Làm rõ kiến trúc ngoài và trong lòng tháp để có những cơ sở kết luận, đánh giá giá trị khoa học lịch sử ...của tháp Phú Diên một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác làm cơ sở cho công việc tiếp sau.
- Tiến hành gia cố cấp thời chống sự sụp đổ của tháp.
- Lập hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia,
- Lập dự án, luận chứng khoa học kỹ thuật tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích này.
Để tránh tối đa những sự cố có thể xảy ra bởi áp lực của cát tác động làm ảnh hưởng đến di tích, chúng tôi tiến hành đồng thời cùng lúc bóc lớp cát ở tường phía bắc, chuyển cát trong lòng tháp ra ngoài, sau đó tiếp tục bóc lớp cát ở các tường hướng đông, tây và nam, với diện tích khai quật 300m2 . Toàn bộ tháp Phú Diên hiện rõ từ chân, đế, thân, diềm mái cách chân tháp ra bốn hướng từ 3 đến 5m. Cách móng tháp hướng đông chừng 3m, chúng tôi phát hiện một đường gạch dài 1,95m, rộng 0,55m, đây chính là một đoạn của nền móng công trình kiến trúc liên quan, được phát hiện khi dự án tu bổ tháp Phú Diên triển khai (12/2005). Điều có thể dễ dàng nhận thấy sau khi làm xuất lộ toàn bộ tháp Phú Diên, là tháp được xây dựng trên một nền đất yếu, vì vậy việc tháp bị nghiêng lún ở mảng tường phía đông, tây và bắc là điều không thể tránh khỏi. Cũng chính vì lý do đó mà các số liệu về kích thước của tháp không thống nhất, ví dụ trên cùng một mảng tường nhưng lại có hai số đo khác nhau... Vật liệu chính và cũng là duy nhất tham gia thành phần kiến trúc tháp là gạch nung với nhiều kích thước khác nhau, trong đó loại gạch dài 0,30m, rộng 0,20m, dày 0,06m chiếm đa số.
Nhìn tổng thể tháp Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật, không có mái, mặt bằng lớp gạch dưới cùng của tháp có kích thước 8,22m, rộng 7,12m, càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp. Dưới móng tháp là một lớp sạn cuội dày 0,4m làm nền cho đế tháp, độ dày của tường tháp từ 0,9- 1,0m. Bốn hướng đông, bắc, tây, nam, thể hiện bốn vòm cửa nhô ra khỏi tường tháp, riêng cửa đông là cửa chính, lối dẫn vào lòng tháp.
2.a. Cấu trúc mặt tường ngoài phía Đông tháp:
Tường phía đông tháp Phú Diên có chiều cao 2,67m-2,87m; chân đế dài 6,0m. Chính giữa mảng tường là cửa chính - cửa ra vào được thiết kế được thiết kế kiểu vòm cung hình mui thuyền, hiện trạng của cửa bị nghiêng lún về phía bắc, nửa bên trái (hướng đông nam) của vòm cửa bị sụp đổ hoàn toàn chỉ còn phần thân và trụ cửa, độ nhô của vòm cửa dẫn tính từ tường trong của tháp ra là 2,20m và tường ngoài của tháp là 1,15m, chiều rộng chân đế cửa là 2,40m, vòm mái cửa dẫn ăn sâu vào phần đế, mái vòm cửa dẫn phần còn lại cao 2,75m, chiều rộng đường dẫn vào lòng tháp là 0,86m, mặt tường trong của vòm cửa dẫn bằng phẳng không có họa tiết trang trí, cách lòng tháp khoảng 1,0m có một khe hở ăn sâu, rộng 0,16m có tác dụng như một ngạch cửa. Đường dẫn vào lòng tháp được lát gạch phẳng, có 3 bậc cấp: bậc thứ nhất rộng 0,25m, bậc thứ 2 giật cấp cao 0,17m, rộng 0,25m, bậc thứ 3 giật cấp cao 0,19m là bậc bằng đường lát dẫn vào lòng tháp. Điều chúng tôi quan sát thấy cả 3 bậc cấp cũng như đường dẫn vào lòng tháp đều bị mòn vẹt và lún về hướng bắc chứng tỏ tháp đã được sử dụng. Hai cột cửa đối xứng 2 bên, cột cửa được khắc lồi ra khỏi vòm cửa, trang trí 3 mặt. Mặt chính hướng đông, chân đế cột cửa thu vào so với chân đế 0,18m, chân đế cao 0,54m, rộng 0,71m thu nhỏ dần, chia ra các lớp, lớp dưới 0,14m xây gạch thẳng đứng, lớp giữa cao 0,21m khắc tạc cánh hoa vát xuôi lớp trên cùng cao 0,18m (giữa các lớp có những khe hẹp) tạc những cánh hoa hướng lên đối xứng với lớp dưới. Mặt trước chân đế trụ cửa tạc hình lá đề cắt góc cao 0,40m, nơi rộng nhất 0,33m được đặt trên một trụ đứng cao 0,21m, rộng 0,15m (hình áp trang trí chân tháp) trên mặt lá đề khắc tạc hoa văn hình lá nho, kỹ thuật khắc chìm sắc sảo, đẹp mắt. Thân trụ cửa hình khối chữ nhật cao 0,77m, rộng 0,56m thể hiện 2 trụ kép cách nhau 0,05m bằng đường diềm nổi. Chân đế diềm mái cửa đo được cao 0,54m chia thành 3 lớp ngăn cách bằng những khe hẹp chạy dài, lớp dưới cùng cao 0,14m, xây thẳng đứng, lớp giữa cao 0,16m gạch cắt vát xuôi xuống, trên là một đường diềm nhô ra, giữa chân đế vòm cửa là một khe hẹp chạy dài, trên khe hẹp này là một lớp gạch cắt vát hướng lên đối xứng với lớp dưới dày 0,10m. Trên cùng là một khe hẹp chạy dài làm diềm đỡ tường thân cửa. Thân tường vòm cửa Đông cao 0,78m xây thẳng đứng rộng 0,95m chính giữa được khắc tạc ô hình chữ nhật chìm trong tường, rộng 0,71m, cao 0,52m; diềm mái vòm cửa cao 0,42m chia làm 3 lớp, giữa các lớp là những khe hẹp ăn sâu vào vào tường cửa tháp, lớp dưới cùng dày 0,05m, nhô ra 0,04m, đường diềm giữa dày 0,09m cắt vát hướng lên, trên cùng là diềm đỡ cắt vát hướng lên dày 0,20m đỡ lấy vòm mái cong của cửa tháp ăn sâu dưới nền đế tháp và diềm mái vòm cửa thể hiện 2 đầu loe ra đối xứng nhau (về kích thước, họa tiết, trang trí 2 trụ cửa cũng như thân cửa dẫn hoàn toàn giống nhau).
Ở mảng tường phía Đông tháp ngoài cửa dẫn phần còn lại là 2 khoảng tường cơ bản giống nhau về kích thước, trang trí nền móng, chân đế, thân và diềm mái, độ cao đo được ở hai mảng tường phía Đông là 2,86m - 2,67m, rộng 6,0m (tính từ chân móng tháp). Chân đế tường tháp cao 0,70m, có hai khe hẹp ăn sâu vào tường tháp, lớp thứ nhất cao 0,13m, lớp thứ 2 cao 0,26m trên là một lớp diềm nhô ra cắt vát xuôi xuống, ngăn cách giữa lớp 2 và lớp 3 là khe hẹp rộng 0,06m, lớp 3 dày 0,12m cắt vát hướng lên đối xứng với lớp gạch phía dưới, ngăn cách giữa lớp 3 và lớp 4 là một khe hẹp ăn sâu rộng 0,06m là đường diềm chạy quanh, là giới hạn giữa chân đế tháp và thân tháp. Góc đế tháp nơi liên kết giữa các mảng tường của tháp tạc hình áp trang trí lá đề cắt góc cao 0,60m, nơi rộng nhất 0,46m, độ nhô ra khỏi tường tháp 0,26m. Thân tháp cao 1,35m, rộng 1,80m. Cột góc thể hiện cột kép, giữa 2 cột có một khe chạy dọc thân tháp rộng 0,11m, sát vòm cửa dẫn trên thân tường trang trí một ô hình chữ nhật đứng dài 1,1m, rộng 0,69m khắc chìm vào thân tường tháp 0,05m. Diềm mái tháp cao 0,06m chia thành 3 lớp ngăn cách bởi những khe hẹp ăn sâu vào tường tháp lớp dưới cùng nhô ra 0,11m thể hiện cắt vát hướng lên làm nền cho lớp trên cùng, độ nhô ra khỏi tường tháp là 0,06m. Diềm mái tháp dày 0,25m phía dưới là một đường tròn được nhô ra vê tròn, phía trên cắt vát nhô ra đỡ nền mái, nền mái (phần còn lại) dày 0,18m, góc diềm mái thể hiện cột lẫn xuyên suốt từ diềm mái xuống chân tháp, 2 đầu loe cân xứng.
2.b. Cấu trúc mảng tường phía Tây tháp:
Tường ngoài phía Tây tháp có chiều cao 2,74m - 2,80m, rộng 6,0m. Hiện trạng tường phía Tây nghiêng lún về hướng Tây - Bắc và nứt xé 2 bên (hướng Tây Bắc và Tây Nam).
Chính giữa mảng tường được thiết kế vòm cửa giả hình vòm cung tù. Độ nhô của cửa giả ở nóc vòm cung tù so với tường tháp là 0,64m, ở thân là 0,89m, chân là 0,86m, ở đế là 0,90m. Chiều rộng chân đế cửa giả cao 0,53m được chia làm 4 lớp: Lớp dưới cùng dày 0,13m xây thẳng đứng cắt góc, lớp thứ 2 dày 0,22m tạc 2 cánh hoa xoắn xuôi loe xuống chân, lớp 2 cách lớp 3 bằng một khe hẹp ăn sâu vào tường tháp, lớp thứ 3 dày 0,08m khắc tạc cánh hoa hướng lên đối xứng với lớp 2, lớp thứ 3 cách lớp thứ 4 cũng bằng một khe hẹp, lớp 4 dày 0,05m xây thẳng đứng làm nền cho cột vòm cửa giả. Dưới chân cột vòm cửa giả là đế vòm cửa, mặt trước trang trí 2 hình lá đề cắt góc đối xứng nhau cao 0,40m, rộng 0,30m gân lá nổi, chân lá đề cao 0,20m, rộng 0,15m, trên hình lá đề có khắc chìm hoa văn hình lá nho, hai đầu đốc chân vòm cửa giả trang trí áp lá đề cắt góc để trơn, kích thước cao 0,40m, nơi rộng nhất 0,27m, chân lá đề hình chữ nhật xây thẳng đứng.
Thân vòm cửa giả 2 bên là 2 cột trụ đối xứng nhau, kích thước và trang trí giống nhau, cao 0,77m rộng 0,56m thể hiện cột kép, độ nhô ít, khe cột hẹp 0,06m chạy dọc thân trụ cửa giả. Diềm mái cửa giả cao 0,41m, thể hiện 3 lớp, giữa các lớp được ngăn cách bởi những khe hẹp, khe hẹp cuối cùng vuông góc thẳng đứng, dày 0,05m, có độ nhô ra 0,06m làm thành đường diềm bao quanh cột, lớp thứ 2 dày 0,11m tạc vát hướng lên trên loe dần, lớp thứ 3 dày 0,15m phía dưới là một đường tạc vát loe, đỡ phần nền vòm mái cửa giả. Cửa giả tháp là hình vòm cong tù, hai đầu vòm cong cân xứng, đăng đối hai bên. Toàn bộ vòm cửa cao 1,05m, khoảng cách giữa 2 cột trụ của cửa giả ở dưới rộng 0,41m, hai diềm uốn vòm cửa cách nhau 0,28m tạo nên vòm cuốn hình bán nguyệt đáy 0,76m, cao 0,54 m, ăn sâu vào tạo nên khung trang trí chính khoảng giữa của 2 trụ vòm cửa giả là hình tượng con người mang tính ước lệ cao 1,0m chỗ rộng nhất 0,28m, chỗ hẹp nhất 0,19m có thể nhận dạng đầu, cổ vai, đặc biệt là 2 chân, hình tượng người đứng trên một bệ gạch có kích thước 0,32m x 0,17m x 0,08m, ba mặt khắc tạc hình lá sen hướng lên. Hai đầu đốc vòm cửa giả khắc tạc tương tự phía trước tạo nên băng trí hoàn chỉnh thống nhất. Ở đây cần lưu ý hệ thống cột kép trang trí trụ cửa giả ăn sâu xuống chân tháp và diềm mái, hai đầu loe đối xứng.
Chính giữa cửa chia tường còn lại làm hai phần bằng nhau có cùng kích thước và họa tiết trang trí hiện tượng nứt tường, nghiêng lún về phía Bắc cao 2,8m, rộng 1,8m, trụ tường kép độ nhô ra khỏi thân tháp 0,04m (trụ lẩn) trụ ăn sâu xuống chân tháp đế loe ra, phía trên ăn sâu qua diềm mái đỡ phần nóc tháp thể hiện đầu loe đối xứng với chân tháp. Diềm mái tháp cao 0,69m, chia làm 3 phần, diềm dưới cùng chia giữa thân tháp với vòm mái nhô ra 0,06m, lớp thư 2 dày 0,13m chạm vát vê tròn hướng lên, kết thúc là một khe hẹp ăn sâu vào tường tháp 0,09m, đường gờ thứ 3 rộng 0,25m phía dưới là mọt đường vê tròn, phía trên vát đăng đối với chân tháp. Trên cùng là đế mái tháp dày 0,18m, góc tháp (cột lẩn) là điểm nối kết với các mảng tường. Rõ ràng kết cấu thành phần kiến trúc với những mảng trang trí hòa nhập thống nhất, có tính đăng đối hoàn chỉnh tạo dáng cho toàn bộ tháp.
2.c. Cấu trúc mảng tường ngoài phía Bắc tháp:
Mặt tường ngoài phía Bắc tháp có độ cao 2,87m, độ dài chân đế tháp 6,90m. Hiện trạng của mặt bằng tháp: lún đều so với phía Nam, cũng như mảng tường phía Tây và phía Nam tháp, chính giữa tường phía Bắc được thiết kế một vòm cửa giả chia tường tháp còn lại 2 phần bằng nhau.
Cửa giả có độ nhô ra từ tường tháp ở nóc vòm cung tù là 0,64m, ở thân 0,89m, ở chân 0,86m, ở đế 0,90m, chiều rộng chân đế cửa giả là 2,4m, cao 2,74m. Cấu trúc chân cửa giả dưới cùng là bệ gạch cắt góc nhô ra 0,15m (chân cửa giả cao 0,55m)phía trên tiếp giáp với thân cửa giả 3 lớp gạch, góc trang trí cánh hoa nhọn đối xứng nhau. Giữa các lớp gạch là các đường diềm trang trí (hai đường diềm ở giữa đối xứng nhau) độ nhô ra khỏi tường 0,08m, đường diềm trên cùng chạy suốt thân vòm cửa giả và so le với các đường diềm ở thân tường tháp. Chính giữa đỡ 2 cột trụ vòm cửa giả phía dưới là 2 hình lá cắt góc cao 0,40m, hình lá cắt góc có đường gân trụ cao 0,19m, rộng 0,16m đỡ phía trên là hình lá đề, đáy rộng 0,31m, cao 0,20m chính giữa có khắc tạc hoa văn hình lá nho chìm trên gạch, hai đầu đốc dưới 2 trụ cửa giả (đầu hồi) là trang trí hai hình áp lá đề cắt góc đối xứng nhau tạo nên một băng trang trí chạy quanh chân cửa giả bởi các đường diềm, độ nhô của các đường diềm này là 0,08m. Thân trụ vòm cửa giả thể hiện 2 cọt đối xứng nhau đỡ vòm cửa đỡ hình cong tù cột cao 0,77m, rộng 0,50m, thể hiện 2 cột kép cắt nhiều lớp độ nhô của các đường diềm trên thân trụ cửa giả là 0,05m (hiện tượng này người ta còn gọi là cột lẩn trang trí), đầu cột loe ra có 3 đường diềm trang trí, trên cùng là lớp gạch xây cắt vát loe ra đỡ lấy chân đế vòm cung tù đầu cột cao 0,52m. Hai đầu đế vòm vòm cung tù loe ra uốn cong đỡ phần mái vòm cung (độ cao của vòm cung tù là 0,82m, rộng 2,10). khoảng cách giữa hai cửa giả là 0,53m, trên thu nhỏ dần thể hiện hình tượng con người đứng trên bệ gạch, có khắc tạc hoa văn lá sen hướng lên cao cao 0,13m, rộng 0,26m x 0,30m hình tượng người cao 1m, ngực 0,7m, bụng 0,8m, chân 0,19m, cổ 0,17m.
Hai mảng tường còn lại bằng nhau có độ cao 2,87m, rộng 2,25m, cột lẩn ăn sâu xuống chân tháp và diềm mái tháp thể hiện loe hai đầu đối xứng. Các họa tiết trang trí cơ bản giống nhau như tường phía Tây.
2.d. Cấu trúc mảng tường ngoài phía Nam:
Độ cao tường phía Nam 2,75m - 2,80m, rộng 6,90m. Hiện trạng của tường phía Nam khá ổn định so với 3 mảng tường còn lại, riêng ở phần vòm cửa giả phía Nam có biểu hiện của việc chưa hoàn thiện, bằng chứng là có nhiều vết đục đẽo còn dang dở. Khác với 2 cửa giả hướng Tây và Bắc của tháp là chính giữa 2 chân đế của cửa giả được xếp một bệ gạch hình chữ nhật dày 0,39m, rộng 0,77m. Nhận xét của chúng tôi có thể đây là một là một bệ thờ trước mặt hình tượng người đứng trong vòm cửa giả. Kích thước, họa tiết trang trí trên vòm cửa giả cũng như chân đế, thân, diềm mái của tường phía Nam cơ bản giống tường phía Bắc và phía Tây.
2.e. Cấu trúc trong lòng tháp:
Hiện trạng lòng tháp bị lún nghiêng về phía Bắc, nứt xé ở mảng tường phía Tây, Đông nên lòng tháp bị nghiêng lún ở phía Bắc 0,35m so với phía Nam.
Cấu trúc lòng tháp: Bốn mảng tường trong lòng tháp bằng phẳng, không trang trí, tường tháp càng cao vật liệu càng mỏng như là việc tránh áp lực đè nặng lên tháp.
Tường phía Đông cao 2,89m, rộng 3,28m.
Tường phía Tây cao 2,86m, rộng 3,38m.
Tường phía Nam cao 2,84m, rộng 3,87m.
Tường phía Bắc cao 2,89m, rộng 3,87m.
Cửa Đông(cửa ra vào) rộng 0,90m và được vê cuốn 2 bên, nền lòng tháp lát gạch vồ cỡ lớn (0,30 x 0,20m, dày 0,06m), nổi giữa lòng tháp là một nền gạch có kích thước 1,80m x 1,45m (riêng khu vực này không bị lún). Chính giữa là một trụ gạch (bệ thờ) cao 0,74m, rộng 0,80 x 0,80m cách chân tường phía Nam 1,34m, phía Bắc 1,03m, Đông 1,68m, Tây 1,33m. Mặt bệ thờ bằng phẳng, trên mặt bệ đặt một Yoni có kích thước 0,60m x 0,60m, vòi dài 0,12m, bị nứt, chất liệu đá Silicát xám (Yoni đã được tìm thấy khi đào thám sát). Bệ thờ chia làm 3 phần rõ ràng: Chân bệ được xây 3 lớp gạch hơi choãi ra cao 0,19m, rộng 0,86m, dài 0,82m, thân bệ được xây một lớp gạch dày 0,06m lõm vào tường bệ so với chân bệ dày 0,06m rộng 0,70m x 0,76m toàn bộ thân bệ cao 0,49m. Mặt bệ thờ được xây 2 lớp gạch dày 0,14m độ nhô thân bệ cao 0,02m, mặt bệ có kích thước 0,80m x 0,80m. Toàn bộ bệ thờ không có khắc tạc hoa văn trang trí ngoài các đường diềm chạy quanh bệ, ở góc tường phía Tây Nam trong lòng tháp cách chân bệ thờ 0,82m đặt một Yoni, kích thước 0,19m x 0,12m, khe dài 0,06m, rộng 0,01m. Yoni này được xếp chồng lên 2 viên gạch khác có kích thước 0,31m x 0,18m x 0,06m; 0,17m x 0,12m x 0,06m.
Sau khi làm sạch nền lòng tháp, chúng tôi tiến hành khai quật dưới lòng bệ thờ ở góc Tây Bắc trong lòng tháp. Dưới lớp gạch nền là một lớp sét dày 0,22m, chân móng bệ thờ dày 0,35m, dưới nền móng bệ thờ là một lớp sạn cuội khá lớn, dày 0,40m, tiếp dưới là lớp cát trắng, ở độ sâu 0,75m và sâu vào chân đế bệ thờ 1,25m, không phát hiện được hiện vật nào. Sau khi khai quật, chúng tôi tiến hành trả lại mặt bằng cho nền lòng tháp.
Kết thúc khai quật tháp Phú Diên, chúng tôi đi đến một số nhận xét về kiến trúc tháp, trang trí, kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là niên đại của tháp.
Nhìn tổng thể, tháp Phú Diên được xây dựng, trang trí khá hoàn chỉnh, cân đối tạo nên vẻ đẹp hài hòa. Sự liên kết giữa các mảng trang trí của tháp có tính liên tục, hòa nhập, đối xứng, tạo ấn tượng có sức thuyết phục, tỉ mỉ mà không rườm rà, mạnh mẽ mà không thô cứng từ chân đế, thân, diềm mái tháp, đặc biệt với 4 vòm cửa được thiết kế ở 4 mảng tường ngoài cửa tháp có tính đăng đối, tạo dáng vẻ uy nghi cho tháp. Với một loại vật liệu duy nhất tham gia thành phần kiến trúc tháp là gạch nung với nhiều kích thước khác nhau mà chủ yếu là loại gạch có kích thước 0,30m x 0,20m dày 0,06m được liên kết với nhau bằng kỹ thuật mài chập khối. Do đó khi nhìn vào tháp Phú Diên như khối gạch khổng lồ được khắc tạc mỹ thuật vươn lên giữa lòng cát.
2.f. Về niên đại:
Với tài liệu hiện biết, việc xác định niên đại xây dựng tháp được xác định bởi hình khối và trang trí kiến trúc tháp cùng các hiện vật có liên quan. với tỉ lệ kiến trúc các thành phần cấu trúc trên tháp hiện còn: chân đế, thân, diềm mái, hệ thống cửa giả cho thấy tháp Phú Diên thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm Pa mang đặc trưng, chiều cao thân tháp thấp, vòm cửa giả to bè. Đây là nhóm khởi đầu của kiến trúc tôn giáo ChămPa khi chuyển sang xây dựng xây dựng bằng vật liệu có tính bền vững. Với những đường nét trang trí cơ bản đã nêu có thể thấy tháp Phú Diên được xây dựng khá sớm trong lịch sử Chăm Pa. Đặt tháp Phú Diên trong tiến trình phát triển chung của nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm Pa trên tiêu chí phân loại phong cách kiến trúc cùng niên đại mà học giả Ph.Stern (Pháp) đưa ra chúng tôi xếp tháp Phú Diên nằm trong phong cách chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn E1 sang kiến trúc tháp Hòa Lai thuộc đầu thế kỷ thứ VIII.
Bổ sung niên đại cho kiến trúc tháp là các hiện vật được tìm thấy ở các khu vực xung quanh gần tháp như hộp gốm, thành phần trang trí kiến trúc đất nung, những hiện vật này tương tự như những hiện vật gốm đất nung tìm được tại di chỉ Trà Kiệu (Quảng Nam) cũng có niên đại tương tự. Kết quả phân tích mẫu than tìm được trong lòng tháp theo phương pháp C14 của Viện Khoa học xây dựng - Bộ Xây dựng cho kết quả về niên đại là 750 + 40 năm, là hoàn toàn phù hợp với kiến trúc của tháp.
Kết thúc khai quật cho thấy tháp Phú Diên có dấu hiệu của việc chưa hoàn thành, nhưng đã được đưa vào sử dụng cụ thể ở vòm cung tù cửa giả phía Nam có nhiều vết đục đẽo dang dở, ba bậc cấp vào cửa dẫn vào phía Đông bị mòn vẹt bởi dấu chân người qua lại, quá trình khai quật trong lòng tháp và khu vực ngoài tường tháp không có biểu hiện của sự sụp đổ, như vậy rất có thể trong khi đang xây dựng thì tháp Phú Diên đã bị nghiêng lún vì được xây dựng trên nền đất yếu, mặc dù đã được khắc phục bằng việc đắp đê đóng cọc kè, do đó người ta đã dừng việc xây nóc tháp và đưa vào sử dụng ngay...?!
Ngay sau khi kết thúc khai quật tháp Phú Diên, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng T.T.Huế, tiến hành ngay công tác nghiên cứu và hoàn thành bộ hồ sơ khoa học, pháp lý đề nghị xếp hạng đối với di tích quí hiếm này, và ngày 28/12 / 2001 Bộ VHTT, ra quyết định số: 52/ 2001/QĐ BHTT công nhận tháp Phú Diên là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây việc làm hết sức cần thiết, là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng đề án tu bổ tôn tạo di tích , góp phần phát huy tốt những giá trị văn hóa ChămPa trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
3. Kết quả khai quật tháp Phú Diên lần thứ hai:
Nhằm bảo vệ và phát huy tốt các giá trị của di tích tháp Phú Diên, đáp ứng hoạt động nghiên cứu, tham quan du lịch, tháng 8/2005, Dự án Bảo tồn tháp Chăm Pa Phú Diên được khởi công do Phân viện KHCN và Xây dựng miền Trung thuộc Viện KHCN và Xây dựng - Bộ Xây dựng tiến hành. Trong quá trình san ủi cát, mở rộng mặt bằng thi công khu vực quanh tháp Phú Diên, ngày 25/11/2005 những công nhân đang làm việc đã phát hiện một đường gạch dài 1,6m; chỗ rộng nhất 79cm, chỗ hẹp nhất 41cm, dày 6cm(một lớp gạch) cách cửa chính tháp 3m về phía Đông Nam. Với ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc, ông Trần Văn Hướng, đội trưởng đội thi công tại công trường đã kịp thời bảo vệ hiện trường và báo cáo đơn vị chủ đầu tư (Bảo tàng LS&CM) và Phân viện KHCN và Xây dựng miền Trung (đơn vị thi công). Ngay lập tức lãnh đạo Bảo tàng cùng cán bộ chuyên môn đã có mặt tại hiện trường để xác định quy mô và giá trị của công trình mới phát hiện. Tiếp tục mở rộng khu vực này, đến ngày 30/11/2005 đã làm phát lộ nền móng một công trình kiến trúc mới bên cạnh tháp Phú Diên. Tiếp đó, ngày 7/12 và 17/12/2005, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế đã tổ chức hai đoàn khảo sát tại công trường thi công Dự án Bảo tồn tháp Phú Diên với sự có mặt của đại diện các cơ quan chức năng, các nhà khoa học chuyên ngành Khảo cổ học của trường Đại học Khoa học Huế, Viện Khảo cổ học Việt Nam (Tiến sĩ Lê Đình Phụng - người chủ trì khai quật tháp Phú Diên tháng 9/2001) để nghe ý kiến. Sau khi xem xét, quan sát hiện trường các nhà khoa học đã thống nhất nhận định:
1. Đây chắc chắn là nền móng của một công trình kiến trúc và có nhiều khả năng là nhà chuẩn bị hành lễ của tháp Phú Diên (một bộ phận không tách rời trong cụm công trình kiến trúc tháp, bệ thờ đã khai quật tháng 9/2001).
2. Phát hiện mới này sẽ giúp chúng ta có thêm những nhận định mới, đầy đủ, toàn diện, chính xác hơn về di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Phú Diên.
Nhận thấy phát hiện mới bên cạnh tháp Phú Diên là hết sức quan trọng, có giá trị lịch sử...Ngày 9/01/2006, Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 31/QĐ-BVHTT cho phép Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế tiến hành khai quật mở rộng nền móng kiến trúc mới phát hiện bên cạnh di tích tháp Phú Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khai quật là 60m2 . Cuộc khai quật được tiến hành từ ngày 12/01 và hoàn thành ngày 26/01/2006.
Quá trình khai quật:
Cuộc khai quật nền móng công trình kiến trúc bên cạnh tháp Phú Diên được chia làm 2 giai đoạn:
- Làm xuất lộ toàn bộ nền móng kiến trúc.
- Khai quật mở rộng về hướng Đông và Đông Nam, từ chân nền móng mỗi hướng 3m.
3.a. Làm xuất lộ toàn bộ nền móng công trình kiến trúc:
Cuộc khai quật tiến hành bóc phần cát lấp bên trong và bên ngoài nền móng kiến trúc, đồng thời hạ thấp so với nền móng 15cm để xác định độ dày mỏng của nền móng, phục vụ công tác khảo tả di tích.
+ Khảo tả nền móng kiến trúc:
Nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện có hình đồ kiến trúc hình chữ nhật, các cạnh không đều nhau, hướng trục Bắc - Nam được chia làm 2 ô, cách tháp Phú Diên nơi gần nhất là 3m.
- Ô thứ nhất: Có cạnh dài trung bình 3,11m, rộng trung bình 4,31, diện tích 13,4m2.
- Ô thứ hai: Có cạnh dài trung bình 5,03m, rộng trung bình 7,4m, diện tích 37,2m2.
Tổng diện tích 2 ô của nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện là 50,8m2.
Nhìn tổng thể di tích có xu hướng nghiêng lún dần về hướng Bắc và Đông Bắc. Độ chênh cốt của nền móng so với cốt mặt nền tháp Phú Diên là:
Ở vị trí số 1: - 0,53m; Số 2: - 0,23m; Số: - 0,57m; Số 4: - 0,74m; Số 5: - 0,31m; Số: 6: - 0,59m; Số 7: - 0,76m; Số 8: - 0,09m; Số 9: - 0,29m. (Xem bản vẽ).
Trong ô thứ nhất, cách nền móng phía Đông Bắc 0,397m; phía Đông 0,48m còn lại một khối gạch (nhiều khả năng là nền gạch?!) có độ dài 1,5m; chỗ rộng nhất 0,8m, hẹp nhất 0,37m, dày 7cm. Điều đặc biệt là trên khối gạch này có hai viên gạch một nguyên vẹn (rộng 18,5cm; dài 32cm; dày 7cm) một còn lại 2/3 (dài 21cm; rộng 20cm; dày 7cm) trên đó có nhiều ký tự chữ Hán (?). Riêng viên gạch nửa có 6 chữ Hán được xếp thành hai hàng dọc, mỗi hàng 3 chữ. Ngoài ra còn có hai chi tiết gạch nửa được cắt vát trang trí: viên thứ nhất dài 17cm; rộng 11,5cm; cao 7cm, viên thứ hai dài 10,2cm; rộng 11,5cm; cao 7cm (xem ảnh).
3.b. Khai quật mở rộng:
Kết thúc phần khai quật làm xuất lộ toàn bộ nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện, như đã khảo tả ở phần trên, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích khai quật về hướng Đông và Đông Nam, cách chân tường nền móng mỗi hướng 3m và sâu xuống so với nền móng 0,25m.
Kết quả: Về cơ bản địa tầng khu vực này không có gì xáo trộn lớn, dưới lớp cát trắng là một lớp cát vàng mỏng (gạch bị tan ?), cuội và lớp sét mỏng vương vãi một số gạch vỡ. Đặc biệt cách chân nền móng phía Đông 25cm, ở độ sâu 20cm, chúng tôi phát hiện một chân đèn chất liệu kim loại có màu xanh xám (đồng).
3.c. Hiện vật trong di tích:
Trong quá trình khai quật nền móng kiến trúc mới phát hiện, cũng như khai quật mở rộng, chúng tôi đã tìm được 4 hiện vật:
3.c.1. Khối đá (cát kết): Cách nền móng phía Đông (ô thứ nhất) 20cm màu nâu xám, dài 1,05m; rộng 0,55m, dày 26cm. Hai mặt không giống nhau: mặt dưới bằng phẳng, không trang trí; mặt trên giật cấp hình chữ nhật dài 0,77m; rộng 0,31m; dày 9cm, có hai lỗ tròn ở hai đầu đường kính mỗi lỗ 5cm, sâu 4cm; ở giữa có một lỗ tròn đường kính 2cm, sâu 3cm (xem ảnh).
3.c.2.Hai viên gạch có nhiều ký tự chữ Hán (nằm trong ô thứ nhất):
Viên thứ nhất có kích thước dài 32cm; rộng 18,5cm; dày 7cm. Mặt trên có 5 chữ Hán xếp thành một hàng dọc (xem ảnh).
Viên thứ hai có kích thước dài 21cm; rộng 20cm; dày 7cm. Mặt trên có 6 chữ Hán được chia thành hai hai dọc mỗi hàng có 3 chữ (xem ảnh).
3.c.3. Chân đèn bằng kim loại có màu xanh xám (đồng) loe hai đầu, trên to dưới nhỏ, cao 6cm, miệng trên ngửa, đường kính 5,5cm vũm xuống, vê tròn có hai đường gờ nổi, nối miệng trên và dưới là một trụ (thân) dài 4cm, chu vị 4cm, trên thân có 3 đường gờ nổi. Miệng dưới úp, vê tròn xuống có hai đường gờ nổi.
3.c.4. Một hộp gốm đất nung có tráng men trắng: đường kính miệng 0,055m, đường kính đáy 0,05m, ...
3.d. Nhận xét sau khi hoàn thành công tác khai quật:
- Có thể khẳng định những đường gạch được phát hiện trong quá trình mở rộng mặt bằng để phục vụ dự án bảo tồn tháp Phú Diên là nền móng của một công trình kiến trúc mà theo nhận định của một số cán bộ chuyên ngành Khảo cổ học trên địa bàn (Khoa Sử - Trường Đại học Khoa học Huế) cũng như Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: nhiều khả năng đây là ngôi nhà chuẩn bị hành lễ bên cạnh tháp Phú Diên (đền thờ) mà chúng ta đã phát hiện và khai quật cách đây không lâu (9/2001).
- Những di vật (tấm đá, chân đèn, 2 viên gạch có ký tự chữ Hán, hộp gốm) xuất hiện trên nền móng công trình kiến trúc cũng như khu vực xung quanh tháp Phú Diên cho chúng ta thêm nhiều thông tin bổ ích, là cơ sở để đưa ra những nhận định đầy đủ và khoa học về di tích này.
+ Thứ nhất: Đối với hai viên gạch có nhiều ký tự chữ Hán, qua quan sát chúng tôi thấy, rõ ràng những ký tự này được khắc tạc trên gạch sau khi nung bởi các đường khắc này chìm sâu xuống, khác với việc khắc tạc trước khi nung thì sau khi gạch ra lò những đường gờ đó sẽ nổi lên. Vậy những ký tự chữ Hán đó nói lên điều gì ? Chúng tôi đã mời một vài người am hiểu chữ Hán trên địa bàn song vẫn chưa có câu trả lời xác đáng...
Giả thiết đặt ra là: Những ký tự chữ Hán trên 2 viên gạch là địa chỉ các lò gạch của người Trung Hoa sản xuất theo đơn đặt hàng của người Chăm lúc bấy giờ?. Nhưng nếu vậy thì tại sao nó chỉ xuất hiện ở hai viên gạch trong số hàng vạn viên gạch của nền móng kiến trúc mới phát hiện kể cả ở tháp Phú Diên cũng như bệ thờ lộ thiên mà chúng ta đã khai quật được tháng 9/2001? Và trong thực tế người Trung Hoa thể hiện địa chỉ nơi sản xuất trên các sản phẩm của mình bằng những con triện (con dấu)! Lại có giả thiết phải chăng người Chăm sử dụng những ký tự chữ Hán đó như những bùa yểm nhằm trừ ma tà?.
Tất cả đang dừng lại ở giả thiết, cần có thời gian và sự hợp tác góp sức của các nhà khoa học để đưa ra câu trả lời xác đáng, có sức thuyết phục! Song có điều chắc chắn rằng là ở thời điểm lịch sử đó hai dân tộc Chăm và Trung Hoa đã có mối quan hệ buôn bán, giao thương hàng hóa!.
+ Thứ hai: Sự có mặt của chân đèn bằng kim loại trong khu vực nền móng công trình kiến trúc cách tháp Phú Diên không xa càng chứng tỏ tháp Phú Diên đã được đưa vào sử dụng.
- Riêng đối với đá cát kết, xuất hiện bên cạnh nền móng phía Đông (ô thứ nhất) quả thực chúng tôi chưa yên tâm khi cho rằng đó là ngạch cửa? Vì thực tế so với nhiều ngạch cửa mà chúng tôi đã gặp ở nhiều di tích ChămPa khác thì tấm đá này có cấu trúc khác lạ?.
- Sự xuất hiện nền móng của một công trình kiến trúc bên cạnh tháp Phú Diên giúp chúng ta yên tâm hơn khi đưa ra nhận định tháp Phú Diên không chỉ có một đơn nguyên mà là một cụm kiến trúc liên hoàn không thể tách rời trong tổng thể một công trình tương đối hoàn thiện như bao công trình tín ngưỡng khác của dân tộc Chăm bao gồm tháp chính (đền thờ), nhà chuẩn bị hành lễ, bệ thờ ngoài trời... mà chúng ta đã từng thấy.
- Cũng như ở tháp Phú Diên, quan sát tổng thể nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện (nhà chuẩn bị hành lễ) chúng ta thấy nền móng có xu hướng lún dần về hướng Bắc và Đông Bắc. Điều đó nói lên rằng cụm kiến trúc này được xây dựng trên nền đất yếu.
- Những tác động, ảnh hưởng bởi vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu ở vùng đất này cũng là yếu tố tiêu cực góp phần làm di tích bị xuống cấp mà biểu hiện là trong quá trình khai quật nhiều viên gạch đã bị tan trong cát và vì thế có nhiều vùng cát có màu vàng gạch.
- Một điều chắc chắn, sự có mặt nền móng công trình kiến trúc mới bên cạnh tháp Phú Diên sẽ nâng giá trị khoa học, lịch sử của cụm di tích này, phục vụ tốt công tác nghiên cứu.
- Dù chưa phải là một công trình kiến trúc hoàn chỉnh (nền móng), song những gì chúng ta thấy trên hiện trạng nền móng của công trình kiến trúc mới phát hiện đâu đó vần còn những viên gạch được cắt gọt khá tinh xảo mà chúng ta đã thấy ở tháp chính. Đó là kỹ thuật thể hiện sự khéo léo của những người thợ xây dựng lúc bấy giờ, với vật liệu gạch nhiều kích cỡ khác nhau, được liên kết với nhau bằng kỹ thuật mài chập khối (ở nền móng hướng Nam của ô thứ nhất và hướng Bắc của ô thứ hai) tương tự như kỹ thuật xây dựng ở tháp chính.
4. Đánh giá, giá trị lịch sử - văn hóa của tháp Phú Diên :
4.1.Cũng như tháp Phú Diên, sự có mặt của nền móng công trình kiến trúc bên cạnh tháp Phú Diên, bổ sung thêm những tư liệu về văn hóa ChămPa được phát hiện trong những năm gần đây. Điểm lại những dòng lịch sử ghi chép về vùng đất này của các nhà sử học trước đây như Lê Quý Đôn... kể cả những truyền thuyết dã sử chưa hề có một nguồn tư liệu nào biết về vị trí của kiến trúc tháp Phú Diên, Hơn một thế kỷ nghiên cứu văn hóa Chăm Pa của các nhà học giả trong nước và quốc tế, cụm kiến trúc này (Tháp - Bệ thờ - Nền móng kiến trúc) chưa hề được biết đến cho đến trước khi phát hiện tháp Phú Diên (4/2001) hay nền móng công trình kiến trúc bên cạnh tháp Phú Diên (11/2005). Có thể khẳng định phát hiện mới về cụm kiến trúc này là một đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu toàn diện về văn hóa Chăm Pa trên các mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng...cho tất cả những ai quan tâm đến vấ đề này.
Có thể khẳng định việc phát hiện tháp Phú Diên là một đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc của văn hóa ChămPa.
4.2. Kết quả sau hai lần khai quật cho thấy do những điều kiện địa lý, vị trí xây dựng và những biến động địa chất ở khu vực này khiến tháp Phú Diên bị vùi sâu trong lòng cát trước khi người Việt tiếp quản, quản lý vùng đất này, khi văn hóa Chăm Pa hòa nhập chung vào dòng chảy văn hóa dân tộc. Có thể nói tháp Phú Diên là tháp đầu tiên bị vùi sâu trong lòng đất mà chúng ta phát hiện được cho đến thời điểm hiện nay.
4.3. Tháp Phú Diên qua khai quật cho thấy đây là kiến trúc tháp có kích thước tương đối lớn, còn hình hài nguyên vẹn nhất không chỉ trên địa bàn Thừa Thiên Huế mà còn đối với cả khu vực Bắc đèo Hải Vân.
Do điều kiện lịch sử, vùng đất này sớm hòa nhập vào cộng đồng lãnh thổ, sự can thiệp của tự nhiên, xã hội mà các kiến trúc tôn giáo ChămPa ở đây hầu như không còn và nếu có chỉ còn là dấu tích hoặc phế tích như Linh Thái, Vân Trạch Hòa, Liễu Cốc... (Thừa Thiên Huế), Trung Đơn, Dương Lệ, Hà Trung... (Quảng Trị).
4.4. Việc phát hiện tháp Phú Diên sẽ là nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu lịch sử văn hóa Chăm Pa. Đặc biệt là tư liệu về kiến trúc tôn giáo Chăm Pa ở khu vực Bắc đèo Hải Vân nói riêng và Nam đèo Hải Vân nói chung.
4.5.Nằm ở địa bàn được coi là vùng đất cổ của cư dân Chăm Pa, nơi khởi nghiệp xây dựng nhà nước Lâm Ấp; tháp Phú Diên đã cung cấp thêm những hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau như vật liệu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí kiến trúc và có thể coi là điểm khởi đầu thể hiện rõ tính liên tục phát triển trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm Pa.
4.6.Ngoài giá trị nghệ thuật kiến trúc, hiện vật thu được tại tháp (Yoni, 02 mảnh kim loại màu vàng), hai hộp gốm, 02 vên gạch có nhiều ký tự chữ Hán, 01 chân đèn bằng đồng, đã cho biết trong giai đoạn của Ấn Độ giáo ảnh hưởng vào cư dân Chăm Pa. Vai trò của thần SiVa giữ vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo của cư dân trong vùng thời đó.
4.7.Với niên đại của tháp thuộc thế kỷ thứ VIII, tháp Phú Diên được coi là một trong những kiến trúc có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm Pa hiện nay. Tài liệu lịch sử cho biết, khi Ấn Độ giáo ảnh hưởng vào cư dân ChămPa, các kiến trúc tôn giáo sớm được xây dựng. Theo Bi ký Mỹ Sơn cho biết thế kỷ thứ IV, vua Bhadravarman I đã cho xây dựng một ngôi đền thờ thần bằng gỗ và chẳng may ngôi đền bị cháy, đến đầu thế kỷ VII, vua Cambhuvarman cho xây lại ngôi đền với chất liệu bằng gạch, các kiến trúc gạch sớm của Chăm Pa hiện không còn. Kiến trúc tháp của phong cách cổ Mỹ Sơn E1 nay chỉ còn là phế tích và bệ thờ. Phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai chỉ còn rất ít ỏi (3 chiếc).
4.8.Những dấu tích còn lại trên nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện như gạch xây dựng, gạch trang trí, kỹ thuật mài chập khối... hoàn toàn giống với kỹ thuật xây dựng ở tháp Phú Diên, hơn thế nữa, nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện nằm liền kề với tháp. Vì vậy việc áp đặt niên đại của tháp Phú Diên cho nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Tức là chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai thuộc đầu thế kỷ VIII.
4.9. Kết quả khai quật cho thấy nền móng công trình kiến trúc mới phát hiện có kích thước không thua kém so với kích thước của tháp Phú Diên và như vậy, có thể đưa ra nhận định rằng người xưa đã có ý thức xây dựng cụm kiến trúc này với quy mô lớn và tương đối hoàn chỉnh bao gồm đền thờ (tháp Phú Diên), nhà chuẩn bị hành lễ, bệ thờ ngoài trời và rất có thể còn thêm những công trình kiến trúc khác đâu đó mà chúng ta chưa tìm thấy hoặc do những biến cố về địa chất mà nay không còn nữa ở dọc dải cồn cát ven biển Thừa Thiên Huế ?!.
4.10.Việc phát hiện tháp Phú Diên cũng như nền móng công trình kiến trúc mới bên cạnh tháp Phú Diên đã đóng góp thêm nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu và làm sáng tỏ thêm lịch sử văn hóa trên vùng đất Bắc đèo Hải Vân, đặc biệt là tư liệu về kiến trúc tôn giáo Chăm Pa.
4.11.Nằm trên địa bàn được coi là vùng đất cổ của cư dân Chăm Pa, nơi khởi nghiệp dựng nên nhà nước cổ Lâm Ấp, cụm kiến trúc tháp Phú Diên đã cung cấp thêm những hiểu biết khác nhau như: Vật liệu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí kiến trúc và có thể coi là điểm khởi đầu hiện biết để hiểu rõ tính liên tục phát triển trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm Pa.
Đó là dấu nối quan trọng chứng minh cho sự xuyên suốt, phát triển có hệ thống trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm Pa - Một nền văn hóa phát triển rực rỡ tỏa sáng cho đến ngày nay mà linh hồn của nó là khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa nhân loại.
Việc phát hiện ra tháp Phú Diên, với niên đại thuộc thế kỷ VIII, cụm kiến trúc tháp này được coi là có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm Pa hiện nay, chứng minh cho sự xuyên suốt, phát triển có hệ thống trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm Pa - Một nền văn hóa phát triển rực rỡ, tỏa sáng cho đến ngày nay mà linh hồn là khu đền tháp Mỹ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới và tháp Phú Diên có thể coi là một chấm son trong tổng thể văn hóa chung của dân tộc trong lịch sử ở khu vực Bắc đèo Hải Vân.
Sau hơn một năm thực hiện, dự án tu bổ tôn tạo tháp Phú Diên đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu của dự án như chống gãy đổ, chống ăn mòn gạch tháp, cải tạo cảnh quan phục vụ hoạt động nghiên cứu học tập, tham quan du lịch. Trong buổi lễ khánh thành trọng thể tháp Phú Diên(7/5/2007) phân Viện nghiên cứu khoa học công nghệ và xây dựng miền Trung, đơn vị thi công đã vinh dự được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng bằng khen.

