và còn hơn nữa là nơi đây cũng được biết đến với một Vườn Chim còn đậm nét thiên nhiên hoang dã đã cùng hoà quyện nhau vẽ nên bức tranh sinh động với một Bạc Liêu khỏe khoắn, giàu tiềm năng đã in sâu trong kí ức của nhiều người qua bao thế hệ.
Cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng Biển, trên con đường nhựa sạch đẹp mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản Dạ cổ Hoài Lang, về phía phải, sang kênh 30 tháng 4 trên con cầu bê tông vững chắc là đến Vườn Chim Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu.
Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm, lúc đó là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng, với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên. Vườn Chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven Biển Đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn. Vào năm 1962, Vườn Chim được một hộ dân quản lý chăm sóc bảo vệ và khai thác chim non. sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức Vườn Chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có một loài chim được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ…, 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ: 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.
Vườn Chim Bạc Liêu là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài chim khác. Sáng sớm, từng đàn chim đi kiếm mồi ở những nơi xa xôi, tối đến tìm về tổ ấm là Vườn Chim, cũng là lúc những loài chim ăn đêm bắt đầu cuộc hành trình hoạt động của mình làm xao động một góc trời đất Biển.
Trãi qua gần một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, nẩy nở. Thường là vào mùa mưa, hiện nay, qua tính toán sơ bộ, số lượng chim ở Vườn Chim còn khoảng 40 ngàn con và 5 ngàn tổ chim các loại.
Ngày nay, nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, cùng với một số dự án khác như: Khu du lịch - dịch vụ cụm nhà Công tử Bạc Liêu; khu du lịch bãi biển Nhà Mát - Hiệp Thành; Vườn nhãn; Du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; dự án khôi phục, bảo vệ Vườn Chim Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu đang được tích cực triển khai thực hiện, khi dự án hoàn thành, sẽ bao gồm các hạng mục công trình như: mở rộng diện tích, trồng thêm rừng; xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; cầu qua sông (đã hoàn thành); khu Lâm viên và công viên văn hóa; các cửa hàng dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm.
Vườn Chim Bạc Liêu đang từng bước được tỉnh đầu tư theo hướng vừa giữ được sắc thái thiên nhiên hoang dã, phù hợp với tính đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học vừa khai thác một phần thích hợp, tạo điều kiện cho khách tham quan du lịch và giải trí. Ngoài khả năng đầu tư của Nhà nước, tỉnh rất mong có sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo (dulichchachau.com)