Về cơ bản, sắc phong gồm có hai loại: sắc phong chức tước cho quý tộc, quan chức của các vương triều và sắc phong thần do nhà Vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền, miếu, từ đường…Loại thứ nhất không còn nhiều và đây được xem như vật gia bảo, thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ. Loại thứ hai tuy đã mất mát nhiều nhưng khối lượng còn lại đến nay khá lớn và thường được bảo tồn trong các kiến trúc tín ngưỡng của làng, xã. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên...
Sắc phong là một nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện: mang tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử kèm theo quê quán, công tích và xếp hạng; các sắc phong phản ánh vai trò tối thượng của nhà vua, không chỉ trị vì muôn dân trong thế giới trần tục mà còn cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh (Thành hoàng, Tổ tiên, Vật linh, Tổ sư, Sùng bái thiên nhiên…); sắc phong phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể; đó là chứng cứ về những đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử…
Phân tích kỹ dưới nhiều góc độ chuyên môn còn có thể khai thác từ sắc phong nhiều thông tin mang nhiều ý nghĩa và giá trị…Vì thế, sắc phong là nguồn tư liệu quý, một di sản văn hoá cần được bảo tồn. Ở Long An, hiện còn tồn tại cả hai loại sắc phong như vừa nêu.
Di tích Lăng mộ và đền thờ Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia (QĐ số 435/QĐ/BT-ngày 11/5/1993), tọa lạc tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An. Lăng mộ được xây dựng năm 1817, là một trong những lăng mộ cổ nhất của Long An còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay. Ngoài đền thờ và những hiện vật có giá trị, di tích hiện đang lưu giữ 08 sắc phong, chiếu, chế, chỉ của các vua triều Nguyễn, tiêu biểu cho loại thứ nhất, cụ thể:
Chỉ sai Nguyễn Huỳnh Đức đem quân giúp nước Xiêm chống lại sự xâm lăng của Miến Điện, chất liệu giấy, kích thước 0,37 x 0,32m. Năm Cảnh Hưng thứ 59 (1798), ngày mồng hai, tháng hai.
Sắc phong quan tước cho Nguyễn Huỳnh Đức ngày mồng một tháng năm, năm Gia Long Nguyên niên (1802). Sắc bằng giấy dó màu bạc, in rồng chìm, dài 1,35m, rộng 0,50m.
Sắc vua Gia Long truy phong cho ông Huỳnh Công Châu, tổ phụ Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Sắc bằng lụa vàng, thêu rồng, dài 0,75m, rộng 0,40m. Ngày mồng một, tháng chín, năm Gia Long thứ ba (1804).
Chiếu vua Minh Mạng phong chức tước cho Nguyễn Huỳnh Thành (thứ nam Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức). Chiếu bằng giấy vàng, in rồng chìm, dài 0,8m, rộng 0,4m. Ngày 22 tháng 8 năm Minh Mạng thứ 10 (1829).
Chế của vua Tự Đức tập phong cho Nguyễn Huỳnh Kim (cháu nội Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức). Chế bằng lụa trắng thêu rồng vàng, dài 1,3m, rộng 0,3m. Ngày 2 tháng 8 năm Tự Đức thứ 3 (1851).
|
chiếu Minh Mạng năm thứ 10 (22-8-1829) tại lăng Nguyễn Huỳnh Đức
|
|
Ấn triện trên sắc phong Tự Đức tam niên (11-12-1850) tại Đình Khánh Hậu
|
|
Sắc thần đình Tân Chánh bị hư hỏng nặng
|
Ngoài sắc phong cho các quan lại, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại loại sắc phong các vị thần trong các đình, miếu. Trong tổng số 90 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, đình chiếm số lượng khá lớn và đây cũng là đối tượng chính được triều đình Nguyễn phong sắc. Trong số những ngôi đình được phong sắc như đình Vĩnh Phong, đình Phú Khương, Tân Xuân, Xuân Hòa, Hòa Điều, Vĩnh Bình… thì đình Khánh Hậu thuộc khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An là có nhiều sắc nhất (06 sắc). Thời gian phong sắc sớm nhất (theo số liệu hiện có) là năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) và muộn nhất là của vua Khải Định năm 1925. (Sắc phong cho Thành Hoàng bổn Cảnh làng Long Hậu Tây (xã Long Hậu, Cần Giuộc) của vua Khải Định năm 1925).
Các vị thần được vua sắc phong chủ yếu là thần Thành hoàng Bổn cảnh và các vị phúc thần như Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Chi Thần, Dũng Mẫn Nghiêm Dực nhị đại Tướng quân... nhằm giúp vua bảo hộ lê dân của mình.
Về tình trạng các sắc phong, do phải trải qua một thời gian dài, điều kiện khí hậu, các biến cố lịch sử và do cả sự bất cẩn của con người nên nhiều sắc phong đã bị hư hỏng, hủy hoại. Các nguyên nhân thường do:
-Thiếu phương tiện bảo quản, các sắc phong thường được quấn lại rồi bọc giấy bên ngoài, đựng trong ống tre, do không được chăm sóc thường xuyên cộng với khí hậu nóng ẩm làm các sắc phong hư hỏng dần, có nơi còn bị mối mọt, côn trùng gặm nhấm, phá họai.
- Người bảo quản không có ý thức hay thiếu hiểu biết, để cho mọi người mở xem tùy tiện làm hư hại, rách nát sờn vụn những giấy sắc đã lâu đời. Cũng có người lợi dụng lòng tin của người bảo quản, mượn sắc rồi không trả lại.
Hiện nay, hiện tượng sắc phong bị lấy trộm để bán cho những người sưu tầm đồ cổ hay bán ra nước ngoài ngày càng phổ biến, trở thành một mối đe dọa lớn đối với loại di sản quí báu này.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể, đa số người dân hiểu biết về giá trị văn hoá và tâm linh của sắc phong, có ý thức bảo quản nghiêm ngặt nhờ vậy mà một số lượng lớn sắc phong triều Nguyễn vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
- Phương án bảo tồn sắc phong
Để bảo tồn vốn di sản văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm này, thiết nghĩ nên áp dụng một số phương án như mở các lớp tập huấn cho người dân, chủ nhân di tích về phương pháp bảo quản hiện vật giấy, đặc biệt là các đạo sắc phong.
Là hiện vật có giá trị đặc biệt, gắn liền với cộng đồng, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương nên việc sưu tầm sắc phong là rất khó. Vì vậy cần có một dự án bảo tồn, trong đó thuê các nghệ nhân bồi lại sắc phong và sử dụng phương tiện bảo quản phù hợp; lưu giữ phần chữ và trang trí của các sắc phong bằng cách chụp ảnh kỹ thuật số với những thông tin về tên gọi và địa điểm nơi đang gìn giữ đi kèm rồi đưa vào đĩa. Những đĩa này sẽ được sắp xếp theo hệ thống đơn vị hành chính hiện nay (tỉnh, huyện, xã, ấp) và tập trung bảo quản tại Thư Viện Quốc Gia ( cùng trong phòng tư liệu Hán Nôm) - nếu thực hiện ở qui mô lớn - cũng như bảo quản ở địa phương.
Thông qua các hình thức trưng bày, triễn lãm, giới thiệu trên phương tiện truyền thông đại chúng… nhằm giới thiệu, tuyên truyền đến nhân dân những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của sắc phong để nâng cao ý thức trân trọng giữ gìn loại di sản văn hóa quí báu của dân tộc.
Là một trong những tỉnh được khai phá sớm ở đồng bằng sông Cửu Long, Long An còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, sắc phong là một di sản quý của dân tộc và là nguồn tư liệu quý hiếm cần được bảo vệ và nghiên cứu hơn nữa để phát huy tác dụng. Với những giải pháp như vừa nêu, nếu được thực hiện kịp thời sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này.
Bài: Hồ Phan Mộng Tuyền
Ảnh: Văn Ngọc Bích