http://www.thangcanh3mien.com/2013/12/co-do-hoa-lu-ninh-binh-kinh-do-ngan-nam.html
Mục lục
I. Lịch sử kinh đô Hoa Lư
II. Kinh thành Hoa Lư
III. Cố đô Hoa Lư ngày nay
Cố đô Hoa Lư nằm trên 2 huyện Hoa Lư và Gia Viễn thuộc tỉnh Ninh Bình. Đây là kinh đô xưa của Việt Nam dưới thời nhà Đinh, Tiền Lê và là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm, cố đô Hoa Lư lưu giữ các di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng qua nhiều triều đại.
Xem thêm:
|
Toàn cảnh cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nhìn từ núi Mã Yên (ảnh wikipedia.org) |
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân và lên ngôi Hoàng đế. Xét thấy Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp, núi trong sông, sông trong núi, căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Quả là nơi non sông tráng lệ, phong thủy lại hài hòa nên Đinh Tiên Hoàng đã chọn nơi đây làm kinh thành. Đến năm 1010, vua Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long, Hoa Lư từ đây trở thành cố đô.
|
Cổng vào cố đô Hoa Lư (phục dựng) |
Kinh đô Hoa Lư tuy chỉ tồn tại 42 năm nhưng đã gắn với sự nghiệp của 3 triều đại, 6 đời vua cùng biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: Thống nhất đất nước, đánh Tống, phạt Chiêm, mở rộng giang sơn,... Các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này dù không còn đóng đô ở Hoa Lư nhưng đây vẫn là căn cứ quân sự đặc biệt quan trọng.
|
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vị vua đầu tiên đóng đô ở Hoa Lư |
Nổi bật dưới thời Tây Sơn, Hoa Lư với địa thế hiểm trở, dễ thủ khó công đã được chọn làm căn cứ quân sự trọng điểm, giúp vua Quang Trung lập lên chiến công lừng lẫy - đại phá quân Thanh. Các triều đại cũng luôn quan tâm, cho tu bổ, xây dựng nhiều công trình như đền đài, đình chùa, lăng, phủ,...khiến Hoa Lư trở trành đô thị rất phồn hoa, tráng lệ một thời.
Kinh đô Hoa Lư khi mới được xây dựng có 3 vòng thành, gồm 2 vòng thành nhân tạo và một vòng thành thiên tạo, gồm các núi đá san sát, được gọi là thành Đông (vòng ngoài) và thành Tây (vòng trong). Phía Nam là căn cứ quân sự rất hiểm trở, phòng thủ hậu cứ của kinh thành được gọi là thành Tràng An. Các triều vua đã tận dụng triệt để địa hình đồi núi hiểm trở để xây dựng hệ thống tường thành kiên cố, là sự kết hợp hài hòa giữa tường thành nhân tạo và thiên tạo, bảo vệ vững chắc kinh thành Hoa Lư.
|
Địa hình Hoa Lư có "núi trong sông, sông trong núi", tạo nên thành cao, hào sâu bảo vệ kinh thành |
Năm canh dần (1770), chúa Trịnh Sâm có dịp đi qua Tràng An, thăm thú cố đô Hoa Lư. Nhìn phong cảnh non nước hữu tình, bốn phía núi xanh trập trùng hiểm trở như tường thành kiên cố, cổng khóa mấy lần, từng bước đều là thành vàng, hào nước. Cảnh sắc non sông hùng tráng, cùng các dấu tích của triều Đinh khiến ông "lạnh người", cảm khái mà xuất khẩu thành thơ:
"Quay thuyền về tới bến Trường Yên,
Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.
Như tấm lụa chăng, hang giội nước,
Có từng núi mọc, cửa chồng then.
Cố đô đã mấy hồi thay đổi,
Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.
Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ
Lòng dân đáng sợ chớ nên quên."
|
Non nước cố đô rất thơ mộng hữu tình |
Trải qua hàng ngàn năm cùng sự khắc nghiệt của thiên tai, chiến tranh, nhiều công trình của kinh đô Hoa Lư xưa nay chỉ còn lại dấu tích. Những dãy thành trì nhân tạo, nhiều cung điện, đền đài, miếu phủ đã bị chiến tranh phá hủy. Năm 2003, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích cố đô Hoa Lư. Từ đó đến nay, nhiều di tích đã được tôn tạo, phục dựng gần như nguyên trạng ban đầu.
|
Chùa Nhất Trụ, một trong số những di tích vẫn giữ được nguyên trạng ban đầu |
Hiện nay, khu di tích cố đô Hoa Lư được chia thành 3 khu vực chính.
- Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3km²: gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, có các di tích quan trọng như đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, các đoạn tường thành, cung điện dưới lòng đất,....
- Vùng đệm có diện tích gần 11km²: gồm quần thể Tràng An và cảnh quan 2 bên sông Sào Khê cùng nhiều di tích lịch sử khác như động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, hang Luồn, đình Yên Trạch,....
- Các di tích liên quan trực tiếp: gồm các di tích không nằm trong 2 vùng trên nhưng có ý nghĩa quan trọng với quê hương và sự nghiệp của các triều đại như chùa Bái Đính, cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Tiên Hoàng....
Khu di tích cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, qua các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, sẽ mang đến cho du khách cái nhìn rõ nét về một thời kỳ lịch sử oai hùng của buổi đầu độc lập và xây dựng đất nước. Cùng nhiều trải nghiệm thú vị với các lễ hội văn hóa, được tổ chức thường niên vào tháng 3 âm lịch.
|
Một lễ hội diễn ra ở đền thờ vua Đinh vào tháng 3 âm lịch |
Cố đô Hoa Lư là địa danh du lịch rất hấp dẫn, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Ngoài tham quan khu di tích Hoa Lư, du khách có thể kết hợp du lịch tâm linh chùa Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất châu Á, và khu du lịch sinh thái Tràng An, vùng núi đá kỳ vĩ được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên cạn.
Vui lòng ghi rõ nguồn
Xin cảm ơn!