free hit counter script

VĂN HIẾN và TÀI HOA làng Đại Phùng

ANH CHI

Hình ảnh của VĂN HIẾN và TÀI HOA làng Đại Phùng

Nằm dọc theo sông Đáy, có những làng cổ rất nổi tiếng. Đó là Yên Sở, Dương Liễu, Thu Quế, tiếp đến là Đại Phùng.

Ngày nay, Đại Phùng là một làng trong xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Nhưng trong tâm thức người dân vùng cửa ngõ phía tây Thăng Long này, vùng quê Đại Phùng có quy mô rất rộng lớn. Dấu tích lưu giữ trong ngày khai hội Xuân ở Đại Phùng: Ngoài làng Phùng còn có bảy làng nữa cùng tham gia rước nước từ Quán Cả về đình Đại Phùng. Đó là các làng Phượng Trì, Đoài Khê, Đông Khê, Thụy Ứng, Tháp Thượng, Thu Quế, Thuận Thượng. Cả tám làng cùng quần cư trong tổng Đan Phượng thượng mà dân gian gọi nôm na là tổng Phùng có tám làng Phùng.

Trong sách Kiến văn tiểu lục, học giả lớn Lê Quý Đôn (1726-1784) đã ghi: Xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng ở vào chỗ xung yếu, vừa thủy vừa lục, là nơi tụ họp đông đúc của người buôn bán… Chùa chính của Đại Phùng là một hiện tượng rất đặc biệt. Chùa mang tên là chùa Tam Giáo! Chùa hẳn phải là nơi dựng lên để thờ Phật, nhưng chùa Đại Phùng lại hội thờ cả ba tôn giáo lớn đã vào nước ta hơn ngàn năm qua, là đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão!?

Hội Xuân của Đại Phùng tổ chức lớn vào ngày 18 tháng giêng để tưởng niệm đức vị Thành hoàng làng, tướng Vũ Hùng, vốn là tướng giỏi về thủy chiến, được vua Trần Nghệ Tông sai về xây đồn lũy ở đất Đại Phùng để giữ vùng xung yếu ngã ba sông Hát nối với sông Hồng.


Giếng làng cổ.

Tương truyền, đình thờ tướng Vũ Hùng chính ở nơi đặt đại bản doanh xưa của ngài. Việc đó còn để lại nhiều dấu tích: ở trước cửa đình có ao tên là Công Đường; liền kề, có khu đất Hậu Cung; lại có xóm nhỏ tên là Nha Môn, có ngõ Phủ, có cổng Cấm… Và nữa, bên cạnh đình Đại Phùng có một giếng nước rất cổ, dưới chân giếng kè đá, phía trên là hai thớt tròn bằng đá ong liền khối chồng lên nhau. Một số nhà nghiên cứu cho đó là giếng cổ kiểu Chăm.

Thuở xưa, vua Lý Thái Tông (1028-1054), sau khi bình định phương Nam, có đưa một số người Chăm về quản thúc ở một số làng phía tây Thăng Long, trong đó có Đại Phùng. Trải ngàn năm hòa huyết với người Việt ta, những người Chăm sinh tồn, phát triển và để lại trên quê hương này những nét duyên dáng văn hóa cội nguồn, làm phong phú thêm văn hóa ở đây, như tục làm bánh cuốn tế lễ Thành hoàng, như cách dựng miếu thờ kiểu cây hương lộ thiên, và cách làm những giếng nước như giếng nước bên đình Đại Phùng…

Từ nét chạm trổ tài hoa…

Đình Đại Phùng là một ngôi đình rất hiếm thấy, khá to lớn, lại làm hoàn toàn bằng gỗ xoan đại thụ. Đình được dựng từ hơn 300 năm trước, vào thời Lê Hy Tông (1664-1717). Cửa đình trông thẳng về phía Tản Viên. Bốn cây cột cái ở gian giữa to đến mức phải hai người ôm mới xuể. Điều đáng kể nhất là, ở đình Đại Phùng lưu giữ những tác phẩm điêu khắc gỗ vô cùng độc đáo. Đó là những điêu khắc gỗ tuyệt mỹ, những nghệ nhân xưa đã tạc vào những vì kèo đầu bẩy của ngôi đình.

Bước chân vào ngôi đình, ngước lên là thấy ngay một tác phẩm điêu khắc thể hiện cảnh hội Xuân tưng bừng, trống dong cờ mở. Cảnh đấu vật rất sinh động. Từng cặp đô vật mạnh mẽ, mình trần đóng khố, đang dốc sức thi tài. Trên một vì kèo khác, có bức chạm một đôi trai gái xem hội, chàng trai quàng tay qua vai cô gái. Những ngón tay tự nhiên lần vào trong dải yếm ngực.

Hội Xuân náo nức nhất là cảnh đám rước một ông Tiến sĩ vinh quy. Dẫn đầu là hình chạm một chàng múa rồng dẹp đám. Tiếp đến là dàn bát âm, có các tố nữ múa quạt, ngâm thơ, thổi sáo; có người đang múa sênh tiền và người cầm phách đánh nhịp. Một anh chàng mặc áo dài vác cây đàn đáy. Hai anh chàng vác cờ, che lọng. Quan Tiến sĩ thì ung dung ngồi trên mình ngựa.

Trên những nét chạm tài hoa từ hơn ba thế kỷ trước, ngày nay người xem vẫn thấy được những dáng vẻ hoan hỉ và sống động trong ngày hội xưa! Cuối đám rước có ba mẹ con, mẹ thì tay cầm quả chuông lắc theo nhịp hội hè, tay kia dắt đứa con lớn đang bế em nhỏ. Một cụ già vừa ra khỏi ngõ, lom khom tay chống gậy trúc, ngóng theo đám rước. Trên một đầu dư, có bức chạm rồng bay và phượng múa, một đôi trai thanh nữ tú bưng chầu quả, lại có hình một tiên nữ với đôi cánh đang sà xuống múa góp vui. Cảnh điêu khắc này đậm chất thần tiên mà vẫn muốn hòa nhập cùng hội vui trần thế. Và kế đó, trần đời hơn, là hình chạm hai ông già ngồi uống rượu, đã say túy lúy, gần kề còn có con mèo ngoạm một con cá to đầy cả miệng…

Những hình chạm khắc đó cho thấy đầy đủ tinh thần hội Xuân của một vùng quê mà dân gian thường đúc kết bằng bốn từ: hội, hè, đình, đám…

Có lẽ, điêu khắc độc đáo nhất ở đình Đại Phùng là bức chạm khắc tượng tròn nơi đầu dư vì kèo bên phải của gian giữa đình. Khối tròn hình búp hoa đặc tả hai cô thôn nữ đang tắm ở ao sen, nửa kín, nửa hở. Một cô, người khuất trong sen, nhưng hai bầu vú căng tròn thì lộ hết cả ra. Một cô tắm trần, tay hờ hững níu lá sen che phần thân phía dưới. Phía bên trên bức điêu khắc này, mấy lão nông ngồi uống rượu thưởng hoa sen nở, thưởng lãm cả vẻ đẹp của mỹ nhân bên hoa sen. Bên họ, còn có đôi chó đang quấn quýt…

Điêu khắc của nghệ nhân xưa muốn mô tả đầy đủ sự sống trần thế trong hội vui. Và có lẽ, thấy vậy còn chưa đầy đủ triết lý cuộc sống, nên ở mé bên trái vì kèo, người nghệ sĩ xưa đã chạm bức điêu khắc mô tả những chàng trai khỏe mạnh, vẻ mặt tự tin đang đưa hài cốt tổ phụ chôn vào miệng một con rồng. Qua tác phẩm điêu khắc này, ta hiểu thêm câu ngạn ngữ “Mả táng hàm rồng”, có lẽ, không hề mang ý giễu cợt. Còn có hình một hình người cầm bó đuốc soi cho cuộc an táng. Phía trên, có một nàng tiên xòe cánh, gương mặt đôn hậu, như đang khích lệ con người cứ tự tin mà đến với cõi vĩnh hằng!…

Qua nội dung những tác phẩm điêu khắc ở đình Đại Phùng mô tả, thấy rõ dấu ấn cuộc sống ở thế kỷ XVII, một thời cởi mở về tư tưởng và thịnh đạt về kinh tế. Và, cũng chỉ ở thời mà người dân nhiều khát vọng vui sống như vậy, nghệ thuật mới bộc lộ được những tài hoa tuyệt mỹ!

… Đến Văn hiến làng Đại Phùng

Đại Phùng ở nơi thị tứ, phố chợ sầm uất từ xưa với sự nhộn nhịp của thương thuyền thuở sông Hát còn mở thông với sông Hồng, nghĩa là rất thông thương với Thăng Long. Do vậy, vùng quê này sớm trở thành một vùng quê văn hiến, trọng việc học cũng như trọng việc làm giàu, và có những bậc hiền tài.

Ở đây, từ lâu đời đã có nhiều dòng họ sống đoàn kết và chung sức xây dựng làng quê. Trong đó, có hai họ đông đinh và tiêu biểu hơn cả là họ Bùi và họ Tạ Đăng.

Họ Bùi có thiên hướng kinh doanh giỏi, nhiều người giỏi cả về tổ chức sản xuất, trở nên giàu có, góp phần làm cho Đại Phùng trở thành làng no ấm, trù phú. Họ Tạ Đăng thì thiên về học hành, khoa cử, nhiều người đỗ đạt tạo nên tiếng thơm cho làng quê.
 


Nhà thơ Quang Dũng.

Người khai khoa cho họ Tạ và cũng là vị Tiến sĩ đầu tiên của Đại Phùng là Tạ Đăng Vọng. Ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1683), niên hiệu Chính Hòa thứ 4, đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Con trai ông là Tạ Đăng Huân rất thông minh. Năm 29 tuổi, Tạ Đăng Huân đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thìn (1700), đời Lê Hy Tông, sau làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Lễ. Tiếp theo, Tạ Đăng Đạo, con trai thứ của Tạ Đăng Huân, rất thông minh, là học trò của danh sĩ Phạm Đình Hổ. Năm 30 tuổi, Tạ Đăng Đạo đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), đời Lê Hiển Tông, sau làm quan Lễ khoa cấp sự trung. Sau khi họ Tạ Đăng có ba đời liên tiếp đỗ Tiến sĩ, vua Lê Hiển Tông ban cho đôi câu đối (phiên âm: Lịch triều tử tước công, hầu, bá / Kế thế đăng khoa phụ tử tôn (dịch nghĩa: Trải qua các đời vua đều được phong tước công, hầu, bá / Kế tiếp thế hệ đỗ đại khoa từ cha đến con, cháu)…

Đến nay, nhà thờ họ Tạ Đăng ở Đại Phùng vốn là ngôi nhà cũ của quan Ngự sử Tạ Đăng Vọng, người khai mở đại khoa cho cả vùng quê Đại Phùng. Gian chính giữa nhà thờ có bức đại tự: Tổ đức tuấn kiệt (Đức nghiệp tổ tiên to lớn). Đó là vinh dự lớn cho dòng họ Tạ và cũng là tiếng thơm, là niềm vui của người Đại Phùng từ xưa. Niềm vui đó đã thể hiện trên bức chạm gỗ ở đình Đại Phùng mô tả cảnh dân làng mừng đón vị Tiến sĩ vinh quy. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đình Đại Phùng được tạo dựng, hoặc trùng tu rất lớn sau khi ông Tạ Đăng Vọng đỗ Tiến sĩ. Như vậy, cũng cho thấy thêm một nét rất cởi mở của tâm hồn và tài năng người Đại Phùng.

Từ xưa đến nay, văn hiến làng Đại Phùng vẫn tiếp tục hội tụ thêm cái đẹp cao của thiên hạ, của thời đại. Truyền thống hiếu học của họ Tạ Đăng và truyền thống làm kinh tế giỏi của họ Bùi đâu chỉ riêng trong hai họ đó nữa, mà còn thịnh đạt ở nhiều dòng họ khác… Đã có nhiều con, cháu của họ Đại Phùng học qua bậc đại học, thành những nhà giáo, nhà kinh tế, nhà khoa học có tài. Riêng dòng họ Bùi, còn có một tài năng khá đặc biệt. Đó là nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), tên thật là Bùi Đình Dậu, đã để lại cho đời những bài thơ như Mắt người Sơn Tây, và Tây tiến, sống lâu dài trong nền chương Việt Nam!