Trong chuyến công tác tại Tuyên Quang, tôi rất ngạc nhiên khi được các đồng nghiệp chiêu đãi món cá tầm - loại cá nước lạnh đã nuôi thành công ở Lào Cai, nay xuất hiện ở tỉnh bạn. Đồng nghiệp khoe: Tuyên Quang có hệ thống sông, suối khá phong phú, đặc biệt là hồ thủy điện trên địa phận huyện Nà Hang mang lại tiềm năng lớn trong nuôi thủy sản. Do vậy, nhiều hộ dân địa phương đã nuôi thành công loại cá nước lạnh, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
|
Nuôi thuỷ sản trên hồ thuỷ điện Nà Hang. |
Lời giới thiệu của đồng nghiệp khiến tôi tò mò hơn về vùng đất Nà Hang. Thật may, trong lịch trình thăm thủy điện Tuyên Quang, tôi gặp lại cô bạn đồng hương Hoàng Thị Thúy quê ở phường Nam Cường (thành phố Lào Cai) nhưng làm dâu tận Nà Hang. Khi từ thành phố Tuyên Quang vượt hơn 100 km, qua con đèo quanh co chạy ven sông Gâm, tôi cứ nhủ trong lòng: Không biết chàng trai Nà Hang nào có duyên đến độ một cô gái xinh xắn như Thúy từ thành phố Lào Cai sôi động theo về làm dâu trên huyện miền núi xa xôi. Nhưng rồi, khi đặt chân đến Nà Hang, tôi cảm nhận được sự sinh sôi đang đầy ắp vùng đất theo ngôn ngữ tiếng Tày nghĩa là "ruộng cuối" này.
Gặp nhau chưa được bao lâu, Thúy đã rủ tôi xuống bến cá ở khu vực lòng hồ tham quan vì đã đến giờ các thuyền về bến. Hóa ra, khi về làm dâu ở đây, đang không biết tìm kế gì sinh nhai thì hàng xóm mách: Tôm, cá lòng hồ nhiều lắm, mình không đánh bắt thì buôn đi, bán lại cũng được. Nhà ngay sát lòng hồ, không lẽ chịu đói? Thúy mạnh dạn xuống bến thu mua tôm, cá và sinh sống nhờ sản phẩm trên hồ thủy điện từ đó. Mỗi ngày hai đợt, vào lúc sáng sớm và chiều tối (đây là thời điểm các thuyền đánh cá cập bến), cô phóng xe máy xuống bến để "ăn" hàng. Chọn được loại nào, cô liên hệ với các đầu mối rồi đóng hàng cho họ. Cũng có khách dưới xuôi "đánh" hẳn xe đá lên mua hàng chạy thẳng về bán ở chợ đầu mối Hà Nội, nhưng cũng phải qua đầu thu mua như Thúy. Việc buôn bán của cô bạn đồng hương phụ thuộc vào lượng cá, tôm mà các nhà thuyền đánh bắt được mỗi ngày. Cô bảo: Được hội tụ nguồn nước từ 3 dòng sông nên lòng hồ thủy điện Nà Hang có rất nhiều tôm, cá quất, chép, nhiều nhất là cá mương... Mỗi chuyến, có thuyền bắt được hàng chục kg tôm và vài tạ cá mương. Tôm bán đổ tại bến khoảng 150.000 đồng/kg; cá mương chỉ có 10.000 đồng/kg, rẻ như vậy nhưng chủ thuyền cũng kiếm tiền triệu mỗi chuyến. Thúy chỉ là người ở giữa, chuyên mua bán sang tay, ăn chênh lệch vài giá, mỗi ngày cũng thu nhập 300 - 400.000 đồng.
Nghe cô bạn kể chuyện làm ăn từ nguồn tài nguyên trên vùng lòng hồ, tôi thấy hấp dẫn nên theo cô đi ven bờ trái thủy điện Tuyên Quang chừng 2 km tới bến cá. Lúc này khoảng hơn 4 giờ chiều, bến cá (cũng là bến neo thuyền máy dịch vụ chở khách du lịch lòng hồ) náo nhiệt. Trên bến đã có mấy chiếc ô tô tải nhỏ đang chuẩn bị đá để đóng hàng. Từng nhóm người hò nhau vần các thanh đá tảng vài chục kg ra khỏi hộp rồi đập nhỏ, sau đó chờ thùng xốp đóng cá, tôm. Ngay tại mép sông, những chủ buôn làm bè cá để dự trữ hàng. Khi hàng về, họ chuyển lên bè chờ khách đến đóng hàng. Hầu như loại tôm, cá to, ngon nhất được chọn bán cho các mối hàng, còn lại mới đổ về chợ huyện. Vừa xuống khỏi xe máy, Thúy đã lội ủng bước xuống khu bè để kiểm tra hàng. Tôi thấy mọi người chào hỏi nhau rất thân tình... Ngoài những thuyền đánh cá, người buôn bán trao tay như Thúy cũng khoảng chục người, chưa kể một số làm công việc khuân vác và đóng hàng thuê.
|
Lòng hồ thuỷ điện Nà Hang. |
Tôi được biết, nằm trong khuôn viên hồ là hai khu nuôi cá tầm quy mô lớn. Cá tầm được nuôi trong môi trường thích hợp nên cho năng suất cao. Ngọn nguồn món cá tầm tôi được chiêu đãi có lẽ chính là ở nơi này. Người dân Nà Hang không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá tự nhiên, nhiều hộ còn tự làm lồng nuôi cá trên lòng hồ. "Đất lành, chim đậu", cô bạn đồng hương của tôi còn kéo được cả bố mẹ ruột từ thành phố Lào Cai sang đầu tư làm lồng nuôi cá ở đây. Mới vụ đầu tiên chưa biết được - mất thế nào, nhưng họ tin, lòng hồ thủy điện Nà Hang sẽ nuôi sống họ.
Chia tay gia đình Thúy khi trời đã chạng vạng, trên tay là một thùng tôm tươi rói cô bạn mua hộ từ bè tôm dưới lòng hồ. Thúy tiếc rẻ thay tôi vì không còn thời gian chở tôi đi thuyền dạo quanh lòng hồ và thắp hương ở ngôi đền thiêng Pắc Tạ. Cô khoe: Lòng hồ rộng lắm, nhiều thắng cảnh đẹp chẳng khác gì Hạ Long trên núi đâu, lần sau nếu lên Nà Hang, chị không nên bỏ lỡ.
Phải, nếu được trở lại Nà Hang, quê hương thứ hai của người bạn đồng hương, tôi sẽ không quên lời mời hấp dẫn này./.