Chùa Hàm Long tọa lạc trong khu vực số nhà 18 phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hiện tại, khuôn viên của chùa đang bị chiếm dụng nghiêm trọng và các di sản dần biến dạng và biến mất...
|
Một tấm bia cổ của chùa Hàm Long bị "nhốt" trong nhà dân. |
Sư thầy Thích Đàm Chính cho biết: “Chùa Hàm Long có lịch sử gần 2.000 năm tuổi. Ban đầu, ở thôn Hàm Khánh có ngôi đền thờ thần Ngô Long. Theo truyền thuyết thì thần Ngô Long là vị phụ đạo chính quốc thời Hùng Duệ Vương, có công dẹp giặc Hồ Lư ở Châu Hoan. Ngô Long từng sống ở quán Long Đầu. Sau khi ông mất, dân chúng sửa quán Long Đầu khang trang, làm thành đền Hội Khánh để thờ phụng. Đến thời Lý, Vua Lý Thái Tổ đã chính thức phong cho Ngô Long danh hiệu Long thần và theo thế đất đền Hội Khánh tựa như rồng ngậm ngọc (hàm châu long), nên cho đổi đền thành chùa Hàm Long. Chùa Hàm Long thờ Phật, đồng thời cũng thờ thần Ngô Long. Từ đó trở đi, chùa Hàm Long được mở rộng quy mô đồ sộ, kiến trúc đẹp và còn được coi là trung tâm Phật giáo lớn nhất của thành Thăng Long thế kỷ XVIII...
Đến năm 1947, toàn quốc kháng chiến, do bom đạn của quân đội thực dân, chùa Hàm Long bị tàn phá nặng nề. Chùa chính và nhiều kiến trúc bị huỷ hoại chỉ còn lại hai tấm bia đá do tiến sĩ Đặng Đình Tướng và tiến sĩ Nguyễn Quý Đức dựng năm 1714; hai giếng ngọc, hai ngôi tháp tổ - đây đều là những di vật cổ vô giá.
Mấy năm sau, ngay trong hoàn cảnh kháng chiến, có các vị cao tăng đã đứng ra hưng công khuyến giáo các tín đồ, phật tử góp công góp của xây được hai dãy nhà hai tầng vừa để thờ Phật, vừa giảng pháp cho tăng ni, phật tử..., do đó chùa vừa là nơi thờ cúng, vừa là trường học Phật pháp. Theo tài liệu cổ thì niên đại xuất hiện của chùa này chỉ đứng sau chùa Khai Quốc (sau đổi là chùa Trấn Quốc) xây dựng từ thời Lý Nam Đế”.
Theo phản ánh của sư thầy Thích Đàm Chính thì hiện nay, ngôi chùa đang xuống cấp trầm trọng do bị người dân khắp nơi tới chiếm dụng. Trước đây, chùa Hàm Long có trường Vạn Hạnh dành cho các sư khắp nơi về học tập, sau này Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (trường Lý Tự Trọng cũ) mượn của chùa cho học sinh học ban ngày, còn tối cho thuê kinh doanh do đó gây ồn ào, ảnh hưởng tới chùa...
Hiện nay, những di vật cổ của chùa như bia cổ, giếng ngọc, cây đại cổ thụ - đang nằm trong khuôn viên trường Võ Thị Sáu – đang bị “xói mòn” và hủy hoại. Trong quá trình sửa chữa trường, các công nhân đã khai quật được một tấm bia cổ, nhưng do không được bảo tồn nên hiện nay tấm bia này bị “vứt lăn lóc” tại một góc trường, hằng ngày các em học sinh leo trèo lên, nên bia đã bị vỡ và các văn tự trên bia cổ dần biến mất. Giếng ngọc thì bị bịt và biến thành khu vệ sinh, giải khát của học sinh. Hai tháp tổ bị “cắt lìa” khỏi khuôn viên chùa, bởi bị nhà dân xây đè lên. Trong đó một tháp bị biến thành xó bếp của nhà dân khiến việc thờ cúng của nhà chùa rất khó khăn. Hai tấm bia cổ - dựng năm 1714 – đang rơi vào tình trạng bị “xóa sổ”. Một chiếc bị “nhốt” trong khuôn viên nhà dân. Chiếc còn lại bị “chìm” trong đường bêtông; còn ban thờ ngoài trời của chùa thành nơi cất than tổ ong của các hộ dân...
Trước tình cảnh chùa bị chiếm dụng, xâm hại nghiêm trọng, trong vòng 30 năm qua, sư thầy Thích Đàm Chính – trụ trì chùa Hàm Long - đã đưa đơn đi khắp các cấp chính quyền, song không hiểu vì sao đến nay chùa vẫn bị lấn chiếm mà không có cơ quan chức năng nào xử lý để gìn giữ bảo vệ di tích chùa?
Được biết, ngày 21.4.2010, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã có văn bản số 2767/UBND-VHKG đề nghị Bộ VHTTDL; Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho chùa Hàm Long (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tuy nhiên, hiện nay sư thầy Thích Đàm Chính chưa nhận được động thái nào từ cơ quan chức năng, còn chùa Hàm Long thì đang ngày một bị hủy hoại. Bởi vậy, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội này, trên địa bàn thủ đô có ngôi chùa cổ gần 2.000 năm tuổi sắp thành phế tích!
Hà Anh