Văn hóa - Thể thao » Di sản văn hóa
Giải mã dinh thự Hoàng A Tưởng
Hàng trăm năm nay, người Bắc Hà (Lào Cai) xem dinh thự Hoàng A Tưởng vừa là niềm tự hào, nhưng cũng thắm đượm nỗi buồn. Tự hào khi cả một vùng cao nguyên rộng lớn toàn đá xám ngoét lại mọc lên một dinh thự tuyệt đẹp. Buồn, vì dinh thự đó đã “hút” bao nhiêu máu và nước mắt của một thời đã qua.
Từ TP Lào Cai ngược lên hướng bắc 85km, qua những cung đường uốn cong khúc khuỷu như con bạch xà là đến thị trấn Bắc Hà huyền thoại. Màu hoa đào quyện bên những xống váy mèo thơ mộng càng làm cho cao nguyên rực rỡ hơn. Bên nồi thắng cố chợ phiên, người ta rỉ tai nhau những câu chuyện về Hoàng A Tưởng…
Toàn cảnh dinh thự Hoàng A Tưởng.
Một thời… nức danh
Trước cách mạng tháng Tám, cũng như tình hình chung Việt Nam, một vùng rộng lớn Lào Cai vẫn đắm chìm trong sự hà khắc của chế độ phong kiến. Chưa hết, đặc thù vùng cao đã chia tách và phân hóa các bộ phận giai cấp để bóc lột. Và nổi lên trong giới quý tộc thời gian này ở cao nguyên Bắc Hà là cha con Hoàng Yến Chao - Hoàng A Tưởng.
Những ai đã từng đặt chân lên với thị trấn miền biên ải Simacai đều trầm trồ thán phục cái vẻ trầm tư cổ kính và những giá trị lịch sử của dinh thự Hoàng A Tưởng, bởi cái màu thời gian và những huyền thoại về chủ nhân của dinh thự như còn lưu dấu trên mỗi cây cột nhà hay những góc tường rêu phong cũ kỹ.
Nhắc tới dinh thự, nhiều cao niên sinh sống tại xứ mây trắng này vẫn còn nhớ như in những quy định cống nạp nguyên liệu sáp ong ở các vách núi của người dân để xây dựng dinh thự xa hoa. Sau nhiều năm lịch sử không thể phủ nhận việc dân Bắc Hà một cổ nhiều tròng, ngoài tiền thuế má, nô dịch còn phải nộp thuốc phiện theo định kỳ để nhà họ Hoàng hưởng lợi. Do độc quyền trong việc bán muối và nhu yếu phẩm khi có sự bảo hộ của Pháp, đã tạo nên sự giàu có khủng khiếp của Hoàng A Tưởng.
Khu nhà chính với màu vàng rực.
Tương truyền, trước khi dinh thự Hoàng A Tưởng được khởi công, họ Hoàng đã mời một thầy địa lý nổi tiếng người Trung Quốc sang chọn thế đất. Địa mạch vô cùng quan trọng khi xây dựng một công trình kiên cố lâu bền nên thầy địa lý đã phải dùng đến cả 2 chiêu là thuật phong thủy và phép xem thuật phong thủy để chọn được đất âm dương hài hòa. Sau 2 năm tìm kiếm, thầy địa lý cũng tìm được khu đất tụ cả long - mạch - thủy - sa. Đó là khu đất cao ráo vuông vức hướng đông nam, phía sau và hai bên phải trái đều có núi. Phía trước có suối và núi “mẹ bồng con”.
Kiến trúc Á - Âu hài hòa
Công trình bắt đầu được khởi công vào năm 1914. Vật liệu để làm nên công trình được Hoàng A Tưởng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Người ta kể rằng, xi măng sắt thép được chở bằng máy bay từ dưới xuôi lên. Còn gạch ngói được họ Hoàng cho sản xuất tại chỗ bằng đất sét trong lòng các dãy núi, dưới sự giám sát của các chuyên gia gốm nung người Trung Quốc. Dinh thự được thiết kế do hai KTS người Pháp và Trung Quốc. Do vậy, dinh thự Hoàng A Tưởng mang tính kết hợp kiến trúc Á - Âu hài hòa. Nhân công là những thợ xây giỏi nhất lấy trong các nhà tù và họ chia ra để làm các công đoạn khác nhau.
Núi “Mẹ bồng con” - luôn được nhắc đến trong giai thoại của dinh thự họ Hoàng.
Nhìn tổng thể, dinh thự họ Hoàng rất hài hòa. Vòm trên cùng của ngôi nhà chính có đắp nổi hai cành nguyệt quế, giữa có lỗ rỗng hình mặt nguyệt. Xung quanh khu nhà Hoàng A Tưởng có đường rào dày gồm 3 cổng: Một chính và hai phụ. Bốn phía tường rào đều có lỗ châu mai, thường xuyên có hai trung đội lính canh phòng cẩn mật.
Chưa hết, phía sau nhà còn có một hầm thoát hiểm kiên cố và hàm chứa nhiều điều bí mật. Có lẽ vì thế, mà sau 7 năm xây dựng, đến ngày khánh thành toàn bộ cúp thợ xây hầm, người cầm bản vẽ và thi công đã… mất tích. Có người cho rằng, Hoàng A Tưởng đã “thủ tiêu” họ để giữ bí mật cho hầm nhà. Ngoài việc xây dựng dinh thự để thể hiện quyền uy thống trị. Nhà họ Hoàng còn mang đậm xu hướng cách tân công trình theo kiểu bền chắc của Pháp, cổ kính của Tàu. Toàn bộ mái ngói và công xôn gỗ là của Pháp nhưng được kết hợp với kiến trúc tâm linh của Trung Quốc qua các hình rồng phượng và tứ linh.
Với khu đất rộng tới 10 nghìn m2 trên một quả đồi bằng, diện tích xây dựng công trình hai tầng lên tới 4 nghìn m2. Đủ tất cả các phòng cho các bà vợ, những đứa con và khu ở riêng cho các quan, cố vấn người Pháp… Có thể khẳng định, dinh thự Hoàng A Tưởng là một kỳ quan của cao nguyên Bắc Hà. Có giá trị kiến trúc và lịch sử to lớn, phản ánh một thời kỳ hoàng kim của Thổ ty Hoàng A Tưởng, nhưng cũng đượm buồn bởi máu, nước mắt và bao công sức của nhân dân Bắc Hà.
Tu sửa khác biệt và biện giải
Công trình đẹp là thế, cổ kính và tráng lệ như vậy nhưng giờ đây, khi ai đó nhìn vào, không ít người phải giật mình hoảng hốt về một dinh thự cổ bỗng “biến” thành “nhà mới” với nền màu sơn vàng chóe ngự giữa những đồi xanh núi đá.
Bậc thang vòng lên dinh thự.
Nhiều lứa sinh viên kiến trúc, nhiều nhà xây dựng, cả những người yêu cảnh đẹp hoài cổ đều tiếc cho dinh thự Hoàng A Tưởng khi chính quyền tỉnh Lào Cai quyết định tu sửa lại công trình theo cách “chẳng giống ai”. Chính người viết bài này cũng phải ngỡ ngàng về một dinh thự cổ hàng trăm năm vàng rực, mới tinh như mới hoàn thành vài tháng. Nhiều nhiếp ảnh gia thoạt buồn với lớp sơn tô vẽ bề ngoài đã biến dinh thự tuyệt đẹp rêu phong thành một công trình không mấy ấn tượng.
Đem thắc mắc đến ông Trần Tiến Thanh - Phó trưởng phòng Thông tin tư vấn thuộc Trung tâm Thông tin du lịch tỉnh Lào Cai, ông Thanh cho biết: “Lúc đầu mới tu sửa, tôi cũng nghe nhiều ý kiến phản đối vì làm mất giá trị dinh thự cổ. Nhưng rồi nghĩ lại thấy tu sửa như thế là hợp lý. Ngôi nhà nhiều chỗ bong lở xuống cấp, nên chúng tôi cho thợ làm lại và sơn bằng màu vàng nguyên bản theo như ngôi nhà cũ. Chỉ tiếc rằng, màu vàng sáng quá nên có cảm giác… mới”.
Lời biện giải của ông Thanh có vẻ có lý nhưng một điều ai cũng biết, giờ đây dinh thự Hoàng A Tưởng không thể được như xưa.
- Chùa Việt trên đất bạn Lào (02/11)
- Phát hiện hố chôn gốm sứ cổ độc đáo (16/10)
- Giải mã những bí ẩn trong văn bia cổ nhất Việt Nam (06/10)
- Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành Di tích quốc gia đặc biệt (01/10)
- Chiêng “khủng” ở Đà Lạt có vàng (10/08)
- 13 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (12/05)
- Vịnh Hạ Long đã chính thức được công nhận là kỳ quan thiên nhiên mới (30/03)
- Trùng tu nhà cổ Đường Lâm (05/03)
- “Tam bảo” miền Tây (26/02)
- Độc đáo Tây Thành (21/01)
- Nỗi niềm nhà rường Huế (20/01)
- Huyền tích ngôi nhà cổ xây dựng trong một đêm (17/01)
- Đá ong mai này liệu có còn ? (17/01)
- Nghiên cứu bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị (30/12)
- Công nhận di tích lịch sử Cách mạng Địa đạo Xuân Lộc (27/12)
- Vịnh Hạ Long lọt danh sách điểm đến tốt nhất thế giới 2011 (02/12)
- Hà Tĩnh: Phát hiện đền cổ bị chôn vùi dưới cát (03/11)
- Phát hiện dấu tích thành Tân Sở (27/09)
- Huyền ảo Bà Nà (18/08)
- “Di chỉ khảo cổ học” hang Đồng Trương kêu cứu (18/08)