Back Bạn đang ở trang: Home Lịch sử Lễ hội Hội làng Mai Động
Thứ hai, 16 Tháng mười một 2009 09:57

Hội làng Mai Động

Viết bởi 
Đánh giá mục này
(0 bỏ phiếu)

Hội làng Mai Động được tổ chức hàng năm vào ngày 4 - 6 tháng giêng hàng năm tại Đình Mai Động, quận Hai Bà Trưng. Lễ hội được tổ chức nhằm ôn lại chiến công và tưởng nhớ Tướng Tam Trinh - Một vị tướng của Hai Bà Trưng.

Hội làng Mai Động được tổ chức hàng năm vào ngày 4 - 6 tháng giêng hàng năm tại Đình Mai Động, quận Hai Bà Trưng. Lễ hội được tổ chức nhằm ôn lại chiến công và tưởng nhớ Tướng Tam Trinh - Một vị tướng của Hai Bà Trưng

Vào sáng mồng 4 Tết hàng năm, nhân dân phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng tổ chức rước rất trọng thể tưởng niệm tướng Tam Trinh - người đã cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân Tô Định, thu phục sáu mươi nhăm thành trì.

Tướng Tam Trinh sinh ra và được rèn luyện tại lò vật võ huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá. Những năm đầu công nguyên ông đi thăm thú khắp nơi và dừng chân tại hương Cổ Mai (trong đó có làng Mai Động ngày nay). Thuở ấy, nơi đây là những rừng mơ bạt ngàn. Ông mở trường bên bờ sông Kim Ngưu dạy văn, dạy võ cho con em trong vùng. Người theo học rất đông. Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà, ông đưa ba nghìn tráng đinh cùng nhiều bô lão lên sông Hát Môn ứng nghĩa. Biết ông là người hiếu nghĩa, lại có tài, Hai Bà Trưng cử ông làm tướng, dẫn một đạo quân lớn, tiến thẳng tới trị sở giặc ở Luy Lâu. Trước sức tiến công như gió bão, lại bị bất ngờ, quân nhà Hán tan chạy. Nhưng đất nước thanh bình không được bao lâu, năm 43 Mã Viện lại kéo quân sang cướp nước ta. Tướng Tam Trinh được Hai Bà Trưng cử về trấn giữ vùng đất phía nam Hà Nội ngày nay. Ít lâu sau, ông về Mai Động đào hào đắp luỹ cùng nhân dân chống giặc. Khi nghe tin Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát, đô Tam Trinh quyết chiến một trận và hi sinh vào đêm 10 tháng Hai năm Quý Mão (43).

Tưởng nhớ ông, nhân dân Mai Động dựng đình thờ ông làm thành hoàng. Nhân dân đất Việt tôn vinh ông là tổ vật của cả nước. Đôi câu đối ở đình ghi:

“Đức bác thánh văn truyền Việt địa
Ung dung thần vũ trấn Nam thiên”

Tạm dịch:

“Văn thánh đức cao truyền đất Việt
Võ thần vui mạnh dậy trời Nam”

Ngày nay, sau nhiều cơn binh lửa, Mai Động vẫn còn giữ được Nghè là nơi ông ngự, giếng Ngọc là nơi ông cùng quân sĩ tắm mát ngày xưa, ngôi đình làng bề thế, được trùng tu đúng một trăm năm trước còn nguyên vẹn đến ngày nay. Nhằm bảo tồn cụm di tích quý này, năm 1986, Nhà nước đã quyết định xếp hạng đình, Nghè Mai Động và cấp một phần kinh phí tôn tạo. Năm 1990, con đường lớn nằm bên sông Kim Ngưu, chạy qua chiến trường xưa đã được thành phố Hà Nội đặt tên là đường Tam Trinh. Do có nghề làm đậu phụ, có từ thời  Tam Trinh truyền lại nên đến nay đời sống dân làng vẫn khá sung túc. Toàn bộ đường làng đã được lát gạch, đổ bê tông. Bên những vườn quả sum suê là những nhà tầng kiến trúc đẹp, đua nhau mọc lên.

Đặc biệt, nhằm ghi nhớ truyền thống hào hùng, hàng năm Mai Động mở hội vật vào các ngày mồng 4, 5, 6 tháng Giêng. Ngày trước, sau cuộc rước và tế cáo yết thành hoàng, các cuộc đấu được diễn ra trên Đống Vật. Hội làng Mai Động đã trở thành nỗi nhớ niềm thương của nhiều thế hệ. Những năm đất nước còn cách chia, nhà văn Vũ Bằng từ đất Bắc di cư vào sống ở xứ sở mai vàng đã tả tâm trạng trong “Thương nhớ mười hai”: - Tôi thích mơ về một thuở thanh bình xưa cũ đi về Mai Động xem thi vật (…). Bây giờ ngồi nghĩ lại những tay đô ấy, thực quả tôi không biết bắt đầu từ đâu và nói thế nào cho hết được cái mê say, cảm phục của tôi hồi đó. Tôi chỉ biết rằng nếu tôi nhắm mắt lại, đến tận bây giờ tội vẫn còn mường tượng được cái màu da đỏ như táo Tầu của họ, những bắp thịt  ở tay lúc thường mà chạy đi chạy lại như con chuột và cái bụng lép kèm kẹp cũng có những bắp thịt chạy dọc chạy ngang. (…) và tôi nhớ cả nữ đô Tô Thị Hằng vật nhau một buổi với chín đô đàn ông bằng những phép,  “cuốn chỉ”, “ra ràng”, “vào tay tư”, “bắt bò” biến hoá như thần mà đến lúc lĩnh giải vẫn cười nói thong thả như một người mới đi chơi về”.

Năm nay, do được chuẩn bị chu đáo, hội Mai Động diễn ra sôi nổi hào hùng. Dẫu trời rét đậm, nhưng vẫn có khoảng một trăm đô từ Bắc Ninh, Từ Liêm, Thanh Trì, trong đó có đô ở tuổi thiếu niên về dự giải. Người tới xem và cổ vũ khá đông, sân đình chỉ chứa được một phần, số còn lại đứng chật đường quanh đình nghe tường thuật qua loa phóng thanh. Trước ngày mở hội, nhiều tổ chức và cá nhân đã tài trợ cho giải. Trong khi thi đấu, nhiều miếng hay được người xem tán thưởng và có người đóng góp thêm cho giải nhất.

Các đô ở các quận, huyện nội, ngoại thành Hà Nội và các tỉnh khác đều về thi đấu từ mồng 4 đến mồng 6 Tết ở làng Mai Động (nay là phường Mai Động).

Đến nay, hội vật làng Mai Động vẫn giữ được dáng vẻ riêng. Vào mùa hội tới, nếu được Sở Thể dục Thể thao Hà Nội tổ chức lại sới vật theo quy mô xưa, các đô đăng ký dự giải được tập huấn thì tin chắc hội vật Mai Động sẽ thu hút hàng vạn người tới dự.

Theo Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.

 

Đọc 2644 thời gian Sửa lần cuối vào Thứ hai, 18 Tháng một 2010 01:43