Hues » Địa điểm » Danh thắng » Di tích lịch sử » 05-11-2011 12:21 am

Lăng Dục Đức (An lăng)

Lăng Dục Ðức tên chữ An Lăng là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Dục Ðức, vị vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn. Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhấtlàng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố chưa đầy 2km.

Lăng Dục Đức (An lăng)

Cổng An lăng, bên trong là nơi chôn cất và thờ cúng vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân

Khái niệm khu lăng Dục Ðức thường dùng hiện nay là để chỉ toàn bộ quần thể kiến trúc nằm trong một khu vực rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Ðức).

An Lăng nằm ở khu vực trung tâm, diện tích khoảng 1ha. Lăng gồm 2 khu vực: khu lăng mộ và khu tẩm thờ đặt song song với nhau. Cả hai khu đều có tường thành bao bọc. Lăng quay mặt về phía tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.

Lăng Dục Đức (An lăng)

Lăng Dục Đức xưa 

Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Chân, sinh năm 1852, lên 2 tuổi được vua Tự Đức chọn làm con nuôi. Sau khi vua Tự Đức băng hà, theo di chiếu truyền ngôi, triều thần đã đưa Ưng Chân lên ngai vàng vào ngày 19-7-1883. Vị vua trẻ được gọi theo tên tư thất của mình là Dục Đức (Dục Đức đường – nơi ở của vua trong kinh thành lúc chưa lên ngôi). Nhưng thời gian làm vua của Dục Đức quá ngắn ngủi, chỉ ba ngày sau đã bị truất phế vị tội dám lược bở một đoạn văn trong di chiếu truyền ngôi của tiên đế và bị tống vào ngục. Ngày 24-10-1883 (ngày 6 tháng 9 năm Giáp Thân), ông vua bất hạnh đã chết đói trong nhà ngục, thi hài được gói vào manh chiếu, giao cho vài tên lính gánh đi chôn. Giữa đường gánh bị đứt dây, thi hài rơi giữa đường, mọi người đã chọn chỗ đất “thiên táng” đó làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của nhà vua và mai táng qua loa.

Lăng Dục Đức (An lăng)

   Sáu năm sau, con trai của Dục Đức là Bửu Lân được đưa lên làm vua đặt niên hiệu là Thành Thái (1889-1907). Đầu năm 1890, Thành Thái cho xây dựng lăng mộ của vua cha ngay tại nấm mồ “thiên táng” đó và đặt tên là An Lăng. Nghi lễ thờ cúng vua Dục Đức đều được tổ chức ở chùa Tường Quang, cách đó 200m. năm 1892, vua Thành Thái đổi tên chùa thành Kim Quang.

Năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng điện Long An ở phía phải lăng mộ làm nơi thờ cúng vua cha, và xây các công trình phụ như Tả, Hữu Phối đường (trước), Tả, Hữu Tùng viện (sau) dành cho bảy bà vợ thứ của vua cha ăn ở, lo việc thờ phụng. Năm 1906, bừa Từ Minh (vợ chính vua Dục Đức, mẹ vua Thành Thái) qua đời, triều đình cho quy hoạch lại khu lăng mộ vua Dục Đức, làm thành khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông, theo kiểu song táng.

 Lăng Dục Đức (An lăng)

  Năm 1907, vua Thành Thái bị truất ngôi vì có tư tưởng chống Pháp, con trai Thành Thái được đưa lên ngôi, đó là Duy Tân. Năm 1916 vua Duy Tân lại bị bắt vì tội tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Thái Phiên và Trần Cao Vân tổ chức. Duy Tân cũng bị đày biệt xứ như vua cha. Năm 1953 vua Thành Thái được trở về nước và sống ở Sài Gòn, năm 1954 ông mất, thi hài được hoàng tộc đưa về chôn trong khuôn viên lăng Dục Đức… Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được cải táng từ Trung Phi đưa về chôn cạnh mộ vua Thành Thái. Hiện giờ An lăng là khu mộ chung của ba thế hệ vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con), Duy Tân (cháu).

So với các lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn. Lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơ. Lăng gồm hai khu vực: Điện Long An và lăng mộ vua cùng hoàng hậu đều lấy cồn Phước Quả ở đằng trước làm tiền án, khe Mụ Niêm chảy trước mặt làm yếu tố Minh đường và ngọn núi Tam Thai phía sau làm Hậu chẩm.

Lăng Dục Đức (An lăng)

Toàn cảnh An Lăng 

 Toàn bộ khu lăng mộ hình chữ nhật có diện tích 3445 m2 , bên trong không có Bi đình và tượng đá. Vào lăng phải qua cổng tam quan khá lớn xây bằng gạch trên có mái giả. Sau cửa là Bái đình, không có tượng đá mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch nhằm trang trí. Kế đó là một cửa tam quan 3 tầng cũng xây mái giả và trang trí hình ảnh hoa lá bằng cách đắp nổi sành sứ… Chính giữa Bửu thành có một nhà huỳnh ốc được xây dựng trên nền hình vuông mỗi cạnh khoảng 8m, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Nội thất trang hoàng đơn giả. Một cái sập và một cái bàn đều bằng đá thanh dùng để bày hương án và lễ vật khi cúng kỵ. Hai bên tả hữu là mộ vua Dục Đức và Hoàng hậu Tư Minh nắm đối xứng nhau. Tấm bình phong trước một vua có đắp nổi hai chữ “hỷ” (song hỷ) ghép lại với nhau, đối xứng với “song hỷ” là hình ảnh chữ “thọ”, “Hỷ” là vui mừng, “thọ” là sống lâu. Ở nơi chơn người chết mà vui mừng và sống lâu! Nó bắt đầu từ quan niệm “sống gửi thác về” của người Phương Đông thuở trước.

Lăng Dục Đức (An lăng)

khu lăng mộ 

   Điện Long An ở trung tâm khu vực tẩm, được xây dựng theo khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế. Bên trong có ba án thờ bài vị các vua: Dục Đức (và vợ thờ ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải). Phái sau điện Long An này xưa là chốn hậu cung của các bà vợ vua giờ được mở rộng, sửa sang. Đó cũng là nơi yên nghỉ của hai ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân, trong khu vực này còn có nhiều ngôi mộ của những người trong quyến thuộc các vị vua trên…

Lăng Dục Đức (An lăng)

   Lăng Dục Đức được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước và vương triều Nguyễn có nhiều biến động. Nó cung mang quy cách kiến trúc chung của các lăng khác nhưng cũng có một số nét nghệ thuật cá biệt và ý vị riêng, nhất là trên lĩnh vực trang trí. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật như vậy, lăng Dục Đức làm phong phú thêm cho sắc thái và chất lượng của quần thể kiến trúc lăng tẩm các vua nhà Nguyễn ở cố đô Huế.

 

Nguồn-ảnh : http://www.huexuavanay.com

 

Lăng Dục Đức (An lăng)

Địa chỉ: phường An Cựu, thành phố Huế

Bình luận Facebook

bình luận

Đánh giá

Thêm biểu tượng vào bình luận