Không nằm ở vị trí trung tâm thành phố như công viên Vị Xuyên, công viên Tức Mặc gắn liền với Khu di tích lịch sử cung Thiên Trường thành một quần thể văn hóa với những công trình hồ nước, cây xanh, hệ thống cầu và đặc biệt là công trình bảo tàng cổ vật xây dựng trong những năm chiến đấu ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Không nhiều người biết rằng đây là một trong những công trình mang dấu ấn chủ nghĩa biểu hiện, do chính kiến trúc sư lão thành Nguyễn Cao Luyện thiết kế.
Có một thời gian dài, công trình được quản lý và sử dụng như khu vực quân sự nên người dân ít có cơ hội lai vãng. Những năm gần đây, cùng với mở rộng phát triển, chính quyền địa phương đã quy hoạch, cải tạo và đưa công trình vào sử dụng, trở thành một điểm văn hóa công cộng được ưa thích.
Công trình mở cửa tự do, là nơi được nhiều đôi uyên ương lựa chọn để thực hiện những bộ ảnh cưới. Không mấy khó khăn để các cơ sở dịch vụ chụp ảnh trang bị thêm những phụ kiện trang trí để tác nghiệp trong công viên này.
Nhiều người thành Nam xa quê cũng tìm về chốn cũ để lưu lại những hình ảnh kỉ niệm quê hương
Đáng tiếc là, vẻ đẹp cổ kính của công trình đang bị bôi bẩn bởi thiếu một sự chăm sóc đầy đủ. Hầu hết những hồ nhỏ trở thành chốn ao tù, nước đọng và rác rưởi ngập ngụa. Những tán cây cổ thụ cứ vô tình trút lá,theo thời gian khô tàn phủ dày khắp nơi “tố cáo” rằng công trình ít được quét dọn
Tại công trình Bảo tàng Cổ vật do KTS Nguyễn Cao Luyện (dựa trên sự kiện quân dân Nam Định bắn rơi một máy bay Mỹ tại địa điểm cạnh đó) đưa ra một bản thiết kế với ý tưởng độc đáo: Hình dáng một con sư tử, nằm vồ lên một con ó (mảnh đất có hình con chim xòe cánh). Con sư tử là quân dân Nam Định và con ó là lực lượng không quân Mỹ.
Ở cuối sư tử là hông nằm trên một hồ nước nhỏ. Tuy nhiên, thật khó hình dung sự sáng tạo của KTS tài hoa khi mà hồ nước nay chỉ còn là cái bể cạn phủ đầy bèo tấm.
Trên thực tế, chúng tôi cũng có ghi nhận được những hình ảnh của sự chăm sóc, đầu tư cải tạo, nâng cấp và vệ sinh trong công viên. Tuy nhiên những hoạt động này quá nhỏ lẻ, khó có thể cải thiện được sự nhếch nhác, hoang phế của công trình nếu không có sự quan tâm xứng đáng của cơ quan quản lý công trình văn hóa này.
Hồng Diên – Đình Hà