Điểm Tin Việt

Wednesday, Oct 16th

Last updateWed, 16 Oct 2013 8am

DIEMTINVIET.COM Đời Sống Du Lịch Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Yên Bái

Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Yên Bái

Yên Bái là tỉnh nằm sâu trong nội địa nhưng lại là cửa ngõ của miền Tây Bắc, là đầu mối giao thông giữa đông bắc và tây bắc, giữa cửa khẩu Lào Cai và Hà Nội.

Phía bắc tỉnh Yên Bái giáp Lào Cai, Hà Giang, phía tây nam giáp Sơn La, phía đông giáp Tuyên Quang, phía nam giáp Phú Thọ.

Địa hình của tỉnh gồm có núi, đồi và thung lũng. Hệ thống sông suối chằng chịt lắm thác ghềnh. Khí hậu chia làm hai vùng, vùng thấp và vùng cao. Nhiệt độ trung bình năm từ 18ºC – 28ºC.

Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch

Yên Bái là tỉnh có nhiều dải rừng lớn. Rừng có nhiều gỗ quí như pơmu, lát hoa, chò chỉ... Nhiều cây dược liệu và nhiều loại động vật quí hiếm. Sản vật của tỉnh Yên Bái là quế Văn Yên, chè Suối Giàng, nếp Tú Lệ. Yên Bái có mỏ đá quí nổi tiếng Lục Yên.

Thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh. Tỉnh Yên Bái có nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc biệt là hồ Thác Bà, một trung tâm sinh thái, giải trí, leo núi, khám phá rừng tự nhiên. Thắng cảnh Yên Bái còn giữ được nhiều vẻ hoang sơ, môi trường sinh thái chưa bị ô nhiễm rất hấp dẫn đối với khách du lịch.

Thành phố Yên Bái cách Hà Nội khoảng 180km.Tỉnh nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai. Tỉnh có quốc lộ 32 đi Lào Cai, Phú Thọ, quốc lộ 37 đi Tuyên Quang.

 

Đi đâu ?

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu


Nà Hẩu xinh đẹp, quyến rũ và trù phú trước ưu đãi của thiên nhiên nằm gọn giữa chốn thâm nghiêm của hàng ngàn hécta rừng nguyên sinh càng trở nên kiêu hùng và bí ẩn và có thể trở thành một trong những khu sinh thái tuyệt vời nhất của tỉnh Yên Bái.



Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Khu vực Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các hợp thủy.

Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục chủ yếu là các loài như Chò nâu, Giổi, Trám...; tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như Gội, De, Giẻ...; tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, Dương sỉ, Cau rừng...; Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như Lát Hoa, Pơ mu... phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên.

Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Chủ yếu còn các loài thú như Chồn, Cầy hương, Lợn rừng, Rắn... và một số loài chim.

Bên cạnh đó, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông và Dao với những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc như trang phục và nhà ở... vẫn được gìn giữ khá nguyên bản.

Hiện nay đã có đường từ trung tâm huyện Văn Yên đến trung tâm khu bảo tồn. Trên tuyến hành trình đến khu bảo tồn, du khách có thể dừng chân, thăm quan những rừng quế tại xã Đại Sơn.

Thác Mơ (Yên Bái) vẻ đẹp hùng vĩ của miền sơn cước


Lên Mù Cang Chải, từ trên cao du khách sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài khoảng 3.000 mét. Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương.



Thác Mơ nằm giữa đỉnh Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải). Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Đi bộ khoảng 30 phút từ quốc lộ 32 vào đến chân thác, ngồi trên các bè mảng thả trôi, du khách sẽ cảm thấy như đang lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Với những dòng thác chảy dài trong suốt, bọt tung trắng xoá, phía dưới là dòng nước trong vắt, trên cao là khoảng trời xanh với muôn màu hoa rừng nở.

Nghỉ ngơi một lát, du khách đi tiếp đến điểm thác một tầng, dòng nước chảy theo hình xoắn ốc - là điểm lý tưởng để thưởng thức dòng nước sạch trong mát và có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát - xa đôi bàn chân sau một chặng đường dài đi bộ.

Để đến được điểm thác 4 tầng, du khách tiếp tục đi bộ ngược theo dòng thác Mơ. Tầng thứ nhất của điểm thác 4 tầng trải dài khoảng trên 30 mét, dòng nước đổ từ trên cao xuống như những dây kim cương chảy mãi khiến người ta bị mê hoặc bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tầng thứ hai dàn trải như một hồ nước nhỏ bọt tung trắng xoá - đây là điểm lý tưởng nhất để du khách có cảm giác mạnh nếu có nhu cầu thả mình theo dòng thác để thư giãn. Tầng thứ 3 lại được thắt lại giống hình miệng phễu khiến cho khung cảnh thật huyền ảo, cuốn hút lòng người. Tầng thứ 4 như một rèm cửa trong cung điện nguy nga, đổ từ trên cao 5 mét xuống.

Điểm thác 4 tầng này là nơi ấn tượng nhất để du khách có thể lưu lại những hình ảnh đẹp có một không hai khi lên Mù Cang Chải. Dừng chân ở nơi đây có cảm giác như mưa xuân đang rơi nhè nhẹ: những giọt nước bay man mát trước mặt chính là do sự va đập của dòng thác từ trên cao vào những tảng đá, tạo cho du khách một cảm giác tuyệt vời, mọi mệt mỏi đều tan biến hết.

Đèo Lũng Lô

Đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32B) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), nằm về phía Đông Bắc thị trấn Phù Yên, cách 33 km.

Hơn 200 ngày đêm vừa mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn, đèo Lũng Lô đã trở thành con đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Đèo dài 15 km, từ km 349 đến km 364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954) qua đèo này.

Đền - chùa ở Yên Bái


ĐỀN TUẦN QUÁN

Đền Tuần quán trước thế kỷ 19 được gọi với cái tên là miếu Quán Tuần, nay được gọi là Đền Quán Tuần hoặc Đền Tuần Quán.

Vị trí: Toạ lạc tại bờ phải ngòi Tuần Quán chảy ra tả ngạn sông Hồng thuộc phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái

Cảnh địa: Trước mặt đền là Sông Hồng, sau lưng là dãy gò bát úp. Ngòi Tuần Quán chảy uốn lượn phía đông cửa đền

Lịch sử hình thành: Miếu Quán Tuần có từ thế kỷ 15 toạ lạc ở phía trong đường sắt Yên Bái – Hà Nội ngày nay, thờ mẫu Liễu Hạnh và Đệ Nhị Thượng Ngàn. Một thời gian sau chuyển xống Văn Phú.

Giữa thế kỷ 19, tướng Lưu Vĩnh Phúc (quân Cờ đen) được triều Nguyễn phong làm Phòng ngự xứ Thuỷ Vĩ đã về thăm Tuần ải quan, ông muốn việc lễ bái của lính được thuận tiện đã cho rước tượng Mẫu từ Văn Phú về gần với địa điểm miếu  Quán Tuần thế kỷ 15 và cho dựng miếu tại đây.

Năm 1910, tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Bái được khai thông, miếu Quán Tuần lúc này trở thành đền, thu hút khá đông đảo khách thập phương đến chiêm bái. Thời điểm này, một số thương nhân lớn sau khi làm lễ xin Mẫu (hầu bóng) đã xây dựng đền tại vị trí cửa ngòi Tuần Quán, đúng vị trí đền hiện nay. Đền được xây gian Công đồng.

Năm 1914-1915, ông bố chánh Yên Bái sau nhiều năm cầu tự ở đền thấy linh thiêng đã  làm lễ hầu giá Mẫu xin tu bổ.  Gian hậu cung  (cung thượng ) đã được xây thêm.

Năm 1929, nhân dân đóng góp xây bên ngoài, đắp cột trụ và tượng ông Thiện, ông Ác. Năm 1941, sửa lại cổng và sân. Năm 1942 dựng thêm nhà oản bằng gạch.

Trong kháng chiến, nhà oản bị cháy. Do vị trí ở sát cầu Tuần Quán nên bị ảnh hưởng của bom đạn, cộng với mưa nắng xâm thực, đền hư hại nghiêm trọng.

Năm 1993, một số người có thiện tâm khởi xướng và được sự ủng hộ của nhiều thiện nam, tín nữ, đền được khôi phục như ngày nay, đáp ứng nhu cầu lễ bái của dân quanh vùng và khách thập phương đến lễ bái.

Lễ tiết đền Tuần Quán (theo âm lịch):

+ Mùa Xuân : - Lễ Thượng Nguyên (15-1)

- Hội mẹ (3-3)

+ Mùa Hạ: Giỗ quan lớn tuần Chanh (15-5)

+ Mùa Thu: Tiệc cha Đức Thánh Trần (20-8)

+ Mùa đông: Lễ tất niên, đóng cửa đền (25-12)

(* Lễ hội của đền Tuần Quán hiện chưa có điều kiện triển khai phong phú.)

Đền Tuần Quán được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh

ĐỀN ĐÔNG CUÔNG

Đền Đông Cuông là một trong những đền lớn ở thượng lưu sông Hồng  toạ lạc tại xã Đông Cuông. Tương truyền đền thờ Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Chồng bà là Hà Văn Thiên - hậu duệ của trại chủ Quy Hoá Hà Đặc, Hà Bổng hy sinh trong chiến tranh chống lại quân Mông - Nguyên. Sau khi bà mất, dân lập đền thờ. Năm 1914, trong cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp, 5 nghĩa quân người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông bị thực dân Pháp hành quyết đã được nhân dân đưa về tôn thờ tại đền. Thời phong kiến, đền được 4 đời Vua phong sắc về “có công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân” và xã Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho theo trước phụng thờ chư thần và chăm nom đền miếu.

Ngoài tuần rằm mồng một, tứ thời bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ chính là ngày Mão đầu tháng Giêng và Mão đầu tháng Chín. Cứ 3 năm một lần đền lại tổ chức lễ hội lớn. Đền Đông Cuông là nơi khách thập phương và dân bản địa đến chiêm bái. Đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp quốc gia

ĐỀN NHƯỢC SƠN

Đền Nhược Sơn toạ lạc tại xã Châu Quế Hạ. Đền thờ “quan lớn Nhược”. Theo truyền ngôn, quan lớn Nhược là tù trưởng bộ tộc Tày miền Tây Bắc trại Quy Hoá, chiến đấu dưới quyền lãnh đạo của Tổng binh họ Hà, đó là dũng tướng Hà Chương. Ngài đã được  triều đình phong hầu là “Bình Nguyên Thượng Tướng Trung Dũng Hầu”. Trong trận giáp chiến với quân Mông - Nguyên tràn vào Bắc Quy Hoá, vị tù trưởng đã bị trúng tên độc của kỵ binh giặc và chạy đến Nhược thì mất. Hiện tại, tại cung đại bái đền Nhược Sơn thờ pho tượng quan lớn Hà Chương,.

Ngoài các tiết lễ theo kiểu thờ thánh mẫu, ở đền Nhược Sơn còn có lễ Tứ Việt được tổ chức mỗi năm hai lần vào ngày 20 tháng Giêng và 20 tháng Chín âm  lịch hàng năm. Ngày 20 tháng Chín tương truyền là ngày hoá của Quan lớn Nhược - Hà Chương. Nhân dân mổ lợn, làm cốm cúng và đón khách thập phương đến hương khói, thờ cúng Ngài. Ngày 20 tháng Giêng hàng năm, nhân dân  mổ trâu (trâu đen, sừng bằng tai), làm bánh cốm, bánh dầy dâng lên Ngài cầu cho đất nước thanh bình, nhân dân yên ổn làm ăn, mùa màng bội thu.

Đền Nhược Sơn là nơi khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái và kính viếng  mộ vị danh tướng đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Di tích Đền Nhược đã được Bộ văn hoá thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử -  Văn hoá cấp quốc gia.

ĐỀN ĐẠI CẠI:

Tên gọi: Đền Đại Cại có tên  cổ là đền Ta Cại (theo tiếng Tày là Đền Ngòi cây vải vì dọc bờ ngòi cạnh đền xưa trồng nhiều vải. Này nay Đền Đại Cại còn một số tên gọi khác như Đền Tân Lĩnh (gọi theo tên xã), đền Bến Lăn (gọi theo tên xóm).

Vị trí: Đền Đại Cại thuộc thôn Sâng, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên gần cửa ngòi Tân Lĩnh, bên bờ trái tả ngạn sông Chảy.

Lịch sử hình thành: Theo sách cũ và người xưa truyền lại thì đền Đại Cại có từ trước thời Tự Đức, toạ lạc cạnh miếu Hắc Y, bên bờ phải ngòi Đại Cại. Đền làm bằng gỗ tứ thiết, thiết kế  theo kiểu chữ ĐINH, thờ Phật, thờ tam toà Vương Quốc Mẫu, Đức Thánh Trần. Có 2 gian là Đại bái và Hậu cung  (Vật liệu xây dựng đền quý hiếm song nghệ thuật kiến trúc đơn giản chỉ bào chơn đóng bén). Năm 1931, được xây gạch, lợp ngói giữ nguyên hình dáng  và diện tích cũ. Vắng bóng nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Năm 1991đền được tu bổ, đến năm 2001 hoàn thành như ngày nay.

Lễ tiết: Đền thờ Phật và các chư thánh nên lịch lễ đều tương tự như các đền khác : Xuân – Thu nhị kỳ, tứ thời bát tiết (Thượng Nguyên khai từ, tiệc Mẹ, Phật đản, nhập hạ, tán hạ, tiệc Cha, cơm mới, giỗ Hoàng Cô, Hoàng Cậu, tất niên)

Riêng tiệc chúa bà Vũ Thị Ỏn và hai bà hầu vào ngày 25-2 (âm lịch)  gắn với lễ  tiết “bà Chúa khao quân”.

ĐỀN THÁC BÀ

Tên gọi: đền có tên gọi là đền Thác Bà hoặc đền Mẫu Thác Bà.

Vị trí: Tên núi Hoàng Thi, hướng đông bắc, dựa lưng vào núi, nhìn ra sông Chảy.

+ Lễ tiết: đền Thác Bà hiện có bốn kỳ tiệc chính hàng năm là  Thượng Nguyên,  Khai hạ, Tán Hạ, Tất niên (ngày tính theo âm lịch như các đền khác)

Bản Mông bên suối


Vào mùa nước đổ, khoảng từ trung tuần tháng 5 dương lịch, đứng trên đỉnh đèo Cao Phạ nhìn xuống, sẽ thấy bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) thấp thoáng trải dài theo dòng suối dưới chân đèo. Những mảnh ruộng bậc thang dưới nắng ánh lên như những tấm gương lớn, tôn thêm vẻ đẹp của một bản vùng cao người Mông nơi đây.



Người phụ nữ Mông giặt vải bên suối.

Men theo con đường nhỏ ven suối vào bản, chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Không khí trong lành, vẳng bên tai chúng tôi tiếng róc rách của dòng suối. Những rặng hoa dâm bụt đỏ thẫm bên hàng rào phên tre, như bao bọc, ôm trọn lấy những ngôi nhà có sàn bằng gỗ, tường lịa ván, mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Theo con đường mòn ấy, bạn có thể với tay chạm vào những thảm rêu mượt mà, xanh như mạ non phủ dày trên mái nhà gỗ.

Rộng bậc thang Mù Cang Chải : Kỳ tích của đồng bào Mông


Rời thành phố Yên Bái, chúng tôi vượt 200 km đường đèo dốc, theo quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, nơi có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đẹp mê hồn. Dưới bàn tay lao động cần cù, thông minh và sáng tạo của đồng bào Mông nơi đây, những thửa ruộng như những cung đàn, nốt nhạc trải dài bên sườn núi. Vào mùa lúa chín, du khách có dịp qua đây sẽ bị hút hồn bởi sóng lúa vàng ươm.



Một góc vùng cao Mù Cang Chải.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di tích danh thắng được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia. Để khai thác tốt tiềm năng ruộng bậc thang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc ở Mù Cang Chải đang ra sức đẩy mạnh khai hoang, thâm canh tăng vụ, đồng thời tôn tạo gìn giữ, kết hợp làm ruộng bậc thang với bảo vệ tự nhiên, gắn ruộng bậc thang với lễ hội văn hóa cổ truyền như: Mừng cơm mới, gầu tào, đánh pao, bắn nỏ… Mù Cang Chải đang là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan.

Du ngoạn hồ Thác


Cách Hà Nội 180 km về phía Tây, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất và được biết đến là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.




Hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Vùng hồ Thác Bà là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em như Dao quần trắng, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá... Hội tụ sắc mầu văn hoá dân tộc với những lễ hội truyền thống độc đáo. Tham quan hồ Thác Bà, du khách được hòa mình với thiên nhiên trong những cánh rừng già xen kẽ với hàng ngàn đồi đảo, những dãy núi đá vôi trong bồng bềnh sông nước. Hồ Thác Bà từ lâu đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân Yên Bái.


Động Thủy Tiên.

Người ta ví hồ Thác Bà như một "Hạ Long trên núi" cũng phải. Đỉnh núi đủ cao vừa sức người lên, người ta có thể thỏa tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan. Động Thủy Tiên mang theo một chuyện tình lãng mạn. Một bãi rộng dưới chân núi dành cho những người thích vùng vẫy, khám phá làn nước trong xanh...

Ăn gì ? Chơi gì ?

 

Mắc khén – Nét riêng có của vùng Tây Bắc




Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Có người gọi Mắc khén là hạt tiêu rừng và khiến ta dễ liên tưởng đến cây hồ tiêu dại mọc trong rừng nhưng không phải. Mắc có nghĩa là quả, còn Khén là một loại cây thân gỗ lớn mọc trong rừng đại ngàn.

Cây Mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc. Cây Khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Cuối hè, người ta thu hái Mắc khén bằng cách leo lên cây hái hay dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống và buộc lại thành chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp dùng dần. Khi dùng Mắc Khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con. Chọn lấy một viên than củi đang cháy đượm nhất bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm ngào ngạt bay ra thì gắp than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than rồi dùng chuôi dao giã nhỏ hạt Mắc khén thành bột để chế biến đồ chấm hay làm gia vị cho các món ăn.

Xả thịt con mồi ngay giữa rừng, thợ săn sẽ đặt lại toàn bộ tim, gan, ruột của nó lên tảng đá và khấn khứa, đại ý: “Thưa Thần rừng, hôm nay tôi mượn một con vật của Thần. Tôi đã để lại bộ lòng, xin Thần cho nó cái vỏ khác để nó lại được chạy nhảy…”. Bài khấn xong là lúc những người đi săn có quyền thưởng thức phần còn lại của con thú. Và tục lệ bắt buộc phải ăn hết con mồi tại chỗ đã khiến việc sử dụng Mắc khén xát vào bên trong, bên ngoài con vật trước khi nướng trở thành thông dụng.

Mắc khén  là loại gia vị miền Tây Bắc đã đi vào huyền thoại, không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái đen được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén.

Mắc khén  thông dụng nhất dùng để chấm những chõ xôi nếp nương, thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ, dưới chân đèo Khau Phạ, thì chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng: “Nếp Tú Lệ/Tẻ Mường Lò/ Xòe Kinh Bạc”.

Loại gia vị này còn giúp thịt thú rừng trở nên thơm ngon đặc biệt. Không chỉ dùng cho những loài thú săn trên rừng, Mắc khén  còn được người Thái đen sử dụng trong cách nướng cá ”pa pỉnh tộp” có nghĩa là “cá nướng gập” đầy quyến rũ. Để làm được món ''Pa Pỉnh Tộp'', người ta chọn loại cá chép nặng khoảng 0,5kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo sạch vảy để khi ướp gia vị ngấm đều vào cá. Sau khi mổ cá và bỏ mật cá bắt đầu ướp và nhồi gia vị. Người ta không mổ cá đằng bụng mà lại mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp con cá mềm mại gấp dễ dàng hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá.

Người chưa ăn không thể cưỡng lại được khi tưởng tượng, huống gì khách đã ăn quen. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của Mắc khén  tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.

Dẻo thơm hạt nếp Tú Lệ


Nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nôi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong, khi đồ lên có vị dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được.



Ruộng lúa nếp Tú Lệ.

Đó là giống nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả - theo tiếng của người Thái) - loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò này.

Mang gạo ấy đồ lên được đĩa xôi vừa dẻo, lại có vị béo ngậy và ngọt đậm vô cùng, hương thơm bay khắp bản. Con trai trong bản ăn giống nếp ấy trở thành những thanh niên khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng, làm nương không biết mệt, khi cất tiếng thổi khèn, tiếng khèn làm say lòng gái bản.



Các cô gái Thái ăn giống nếp ấy thì có nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh, miệng cười như hoa, quay sa dệt vải, hoa văn như có hồn làm đám trai bản ngẩn ngơ, thổn thức…

Theo cách giải thích của các nhà khoa học, giống nếp Tú Lệ có vị thơm, ngon như vậy là do điều kiện địa lý khá đặc biệt của vùng đất này. Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày.

Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin (thành phần chính quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo) rất lớn. Thêm một yếu tố nữa là do đất Tú Lệ tơi xốp, màu mỡ, dễ ngấm nước, khí hậu ở Tú Lệ trong lành thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên nếp Tú Lệ vừa sạch, vừa có mùi thơm rất lạ. Và kì lạ hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.

Không ít người thấy giống nếp quý, đã mang đi nơi khác trồng, hạt gạo dù vẫn dẻo nhưng không còn giữ được hương thơm đặc trưng của nó. Nhiều người còn quả quyết, nếp Tú Lệ phải được nấu với nước suối Mường Lùng mới thấy hết hương vị thơm ngon của nó.

Độc đáo khèn Mông


Một trong số những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Mông là những nhạc cụ của dân tộc Mông, mà tiêu biểu là chiếc khèn - nhạc cụ gắn liền với đời sống và sinh hoạt của họ. Trong những ngôi nhà gỗ của đồng bào Mông, khèn được treo ở vị trí trang trọng và dễ nhìn thấy nhất. Bạn tôi, một người am hiểu về khèn Mông bảo: “Vào nhà chỉ cần nhìn thấy chiếc khèn là người ta biết ngay trong nhà có đàn ông, hơn nữa đó là một người đàn ông mạnh mẽ và tài hoa”.

Khèn Mông được làm từ gỗ pơmu cùng sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Các ống trúc này được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Trúc làm ống phải phơi đủ độ khô, không được ẩm lại không quá khô thì khèn mới kêu hay. Quan trọng nhất là khâu khoét lỗ cho lưới đồng rồi bịt lại bằng dây rừng cho thật chặt, thật khít. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưới đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa…