1. VĨNH BIỆT NÀNG TÔ THỊ
Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội 154km về phía Bắc là một vùng phong cảnh nên thơ của Tổ Quốc, nơi có tên trên bản đồ Việt Nam từ năm 981 và là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh hùng trong suốt nhiều thời kỳ giữ nước. ....
Từ thị xã Lạng Sơn qua khỏi sông Kỳ Cùng là đã có thể nhìn thấy bóng dáng nàng Tô Thị, một phiến đá thiên tạo trên dãy núi đá vôi ở phía Bắc, trong giống người đàn bà ôm con ngóng trông về một phương trời xa xăm nào đó. Không biết từ bao giờ, dân gian ta gọi đó là núi Vọng Phu (trông chồng) với nhiều câu chuyện đầy huyền thoại và lãng mạn. Trên đất nước ta, trí tưởng tượng phong phú của người dân đã đặt cho nhiều ngọn núi có cái tên vọng phu, như ở Bình Định, ở Khánh Hòa chẳng hạn. Nhưng không đâu bằng Lạng Sơn, nàng Tô Thị với núi vọng Phu đã trở thành một biểu tượng của lòng sắt son, đã là nguồn thi hứng của bao danh nhân nho sĩ lỗi lạc.
Nguyễn Du đã cảm xúc khi đứng trước nàng Tô Thị:
“Thạch da, nhân da, bỉ hà nhân.
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân
Vạn kiếp điều vô vân vũ mộng
Nhật trinh lư đắc cổ kim thân”
(Đá chăng? Người chăng? Đó là ai?
Đứng sững đầu non nghìn năm rồi
Muôn kiếp mây mưa không vướng mộng
Lòng son nay trước trọn bao đời)
Nàng Tô Thị, núi Vọng Phu được dân gian truyền lại qua một huyền thoại đầy tính thi ca. Tục truyền rằng, nơi đây ngày xưa có một cô gái nhan sắc mặn mà. Nàng lấy chồng sinh được đứa con trai. Một hôm người chồng ra đi rồi mãi mãi không về. Chiều chiều nàng Tô Thị bồng con lên đỉnh núi mong ngóng. Trải qua bao năm dãi dầu mưa nắng nàng mỏi mòn và rồi hóa đá.
Trong dân gian có nhiều câu chuyện giải thích thêm lý do tại sao người chồng của nàng Tô Thị bỏ đi mãi không về. Có truyền thuyết nói rằng chồng nàng Tô Thị là Đậu Thao làm lính đời xưa, đi chống phong kiến Phương Bắc và không còn có ngày trở lại. Đó là hình ảnh của người chinh phụ đầy tính hào hùng và lãng mạn.
Thế nhưng cũng có huyền thoại truyền tụng một câu chuyện đầy kịch tính. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ sinh được hai anh em một trai một gái. Một hôm thằng anh nghịch ngợm kê một lóng mía trên đầu em gái để róc vỏ. Lưỡi dao bén phạm vào đầu làm đứa em bất tỉnh. Chủ nhỏ sợ cha mẹ rầy đã bỏ xứ mà đi. Mười lăm năm sau hai anh em gặp nhau như người xa lạ và họ đã kết nghĩa vợ chồng. Một hôm nhân khi âu yếm, người chồng nhận ra trên đầu vợ mình có vết sẹo dài, anh hỏi và nghe vợ kể lại lai lịch của mình theo lời mẹ cha. Anh đau xót cảm thấy đã xúc phạm vào điều thiêng liêng nhất. Thế là không nói một lời anh bỏ nhà ra đi – người vợ mòn mỏi lên núi chờ chồng và...hóa đá.
Dù chuyện dân gian có thế nào đi nữa, nhưng ít ra câu chuyện về nàng Tô Thị đã nói lên một điều mang tính chất phẩm giá và lòng sắt son của người phụ nữ. Phải chăng vì vậy mà nàng Tô Thị đã đi vào thi cả, đã đi vào tâm hồn của dân tộc, trở thành một biểu tượng cao quý của tình nghĩa vợ chồng. Nàng Tô Thị đã sống mãi trong lòng người và núi đá Tô Thị đã được ghi vào sử sách. Thế nhưng bây giờ thì nàng Tô Thị đã vĩnh biệt chúng ta. Nàng không chết vì thiên nhiên tàn phá. Trời đất hàng thế kỷ đã khắc họa một sự trung trinh về người phụ nữ trong huyền thoại này. Nàng Tô Thị đã chết vì sự thô bạo và dốt nát của một số người...
Vào tháng bảy năm 1991, nàng Tô Thị đã bị giật sập và người ta đã đem nàng nung vôi. Chuyện kỳ lạ ở phía bắc con sông Kỳ Cùng xảy ra từ hai ba năm nay. Dư luận và báo chí ở địa phương đã nhiều lần báo động điều này khi một đơn vị khai thác đá vôi lên đây đào bới cả một quần thể thiên nhiên nổi tiếng ở Lạng Sơn. Người dân ở đây ban đầu phàn nàn sau đó là căm phẫn và bây giờ là hối tiếc. Nhưng mọi sự cũng đã rồi.
Điều đáng nói ở đây là việc “hành quyết” nàng Tô Thị hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên hay do sơ suất.
Khu du tích Nhị Thanh, Tam Thanh và núi Tô Thị cách thị xã Lạng Sơn không bao xa và việc tàn phá di tích này không phải diễn ra trong một ngày một tháng, không phải chỉ là năm bảy người đục đẽo, mà là cả một “đội quân” được tổ chức qui mô. Trên hiện trường ấy, hơn một năm nay đã diễn ra biết bao vụ nổ mìn, biết bao âm thanh chát chúa, khói bụi thì mịt mù năm này tháng nọ. Lò nung vôi ở cửa động Nhị Thanh gần đó đã tiêu hủy nàng Tô Thị và biết bao nhiêu bài thơ của các bậc danh nhân chí sĩ một thời ghi khắc vào núi đá, hang động.
Ngô Thì Sĩ (cha của Ngô Thì Nhiệm), một danh nhân của đời Lê Cảnh Hưng đã ghi vào quần thể văn hóa này một bài thơ nổi tiếng và khắc cả chân dung mình vào một động thạch nhũ:
“Nhân cưỡi lừa chơi chốn động xưa
Dùng dằng bên động cảnh càng ưa
Suối trong đá trắng đường reo gọi
Núi trước nàng Tô dãi nắng mưa”.
Có sống vào thời buổi này chắc chắn Ngô Thì Sĩ cũng sẽ phải đau lòng khóc khi phải vĩnh biệt nàng Tô Thị, vĩng biệt nguồn thi hứng dạt dào.
Chung số phận với nàng Tô Thị là núi Tam Thanh với nhiều hang động nối tiếp. Đối diện với núi Vọng Phu, nằm trong dãy núi đá vôi, cách thị xã Lạng Sơn chứng 2km ở phía Tây Bắc, Tam Thanh có ba hang động rất đẹp.
Động Nhất Thanh nhỏ nhất, bên trong đó có thờ Phật và tượng Ngô Thì Sĩ. Bên động Nhất Thanh là Nhị Thanh không rộng bằng nhưng khá sâu, chiều dài khoảng 500 mét xuyên từ bên này sang bên kia núi. Trước hang có nhiều cây cổ thụ rợp bóng, những cụm phong lan nhiều màu sắc rũ xuống rất dịu dàng. Hang động này có nhiều nhũ đá đủ màu sắc lung linh. Ra khỏi cửa hang Nhị là Tam Thanh, không sâu nhưng cao đến hơn 8 mét với nhiều nhũ đá đẹp. Dưới hang có dòng suối róc rách, bên trong hang có ngôi chùa cùng tên Tam Thanh là nơi nhiều du khách thường xuyên đến đây viếng cảnh.
Chính tại ngôi chùa này, sau ngày nàng Tô Thị bị nung vôi, cái đứa con của nàng được một bà lão giữ chùa mang về đây thờ cúng. Bà lão giữ chùa đã tìm thấy chiếc đầu ấy khi người ta định nung vôi và một sự cảm xúc đầy nhân ái đã khiến bà kính cẩn nhặt lấy mang về thờ. Đây là phần “thân xác” duy nhất của mẹ con nàng Tô Thị còn được giữ lại, không phải do ngành văn hóa hay cơ quan bảo vệ di tích mà do một bà lão tốt bụng và nhận chân được cái giá trị thiêng liêng của cuộc sống này: đó không phải là đồng tiền kiếm được mà là tình người.
Còn ngành văn hóa thông tin thì sao? Nhà của đồng chí Quyền giám đốc Sở Văn hóa Thông Tin Lạng Sơn ở Pò Xoài, cách nàng Tô Thị và các khu di tích hang động chưa đầy 1km. Bộ Văn Hóa Thông Tin và Thể Thao cách Nàng Tô Thị và núi Tam Thanh 154km(Ý nói ở Hà Nội) và chẳng phải đã không nghe được những lời than vãn về đợt tàn phá di tích này, bởi trong thời đại hiện nay các phương tiện khoa học kỹ thuật đã rút ngắn chiều dài khọng gian lẫn khoảng cách thời gian.
Phải chăng, nàng Tô Thị không thể khóc than khi bị người ta đem nung vôi vì nàng đã hóa đá. Cho nên không ai trong số những người trách nhiệm nhận ra lời kêu cứu bi thảm của một người vợ thủ tiết chờ chồng?
Phải chăng chỉ có những than vãn nói lên lời mới đánh thức được lương tri?
Bây giờ thì nàng Tô Thị đã vĩnh biệt chúng ta. Và rồi đây, dù đời sau có xây dựng bao nhiêu nàng Tô Thị đi nữa cũng không thể nào bù đắp được một món quà tặng đầy ý nghĩa mà thiên nhiên đã ban cho chúng ta.
Kết thúc bài viết, chúng tôi xin ghi lại xúc cảm của nhạc sĩ Lê Thương, người đã làm tôn vinh lòng sắt son của người chinh phụ trong trường ca Hòn Vọng Phu nổi tiếng được anh sáng tác cách đây gần nửa thế kỷ, lấy nguồn cảm hứng âm nhạc từ sự tích nàng Tô Thị.
“Tôi vô cùng thương tiếc khi biết người ta giết nàng Tô Thị: Đó là sự mất mát tình cảm không chỉ của riêng tôi mà còn là sự tiêu hủy những nguồn thi hứng, nhạc cảm: một sự xúc phạm thiên nhiên thô bạo. Lợi lộc có đáng bao nhiêu đâu mà người ta phải làm một việc sai lầm như thế”.
Dù sao thì nàng Tô Thị cũng đã vĩnh biệt chúng ta!
22.9.1991
(Trích Khởi Hành)