Hành trình "đòi" lại di tích quốc gia Chùa Ông Bắc: Trước thuê sau chiếm!
(08/08/2011)
|
Toàn cảnh Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Bắc Đế Miếu
|
VH- Chùa Ông Bắc được xây dựng cách đây hơn trăm năm tại Long Xuyên theo lối kiến trúc liên hoàn – là di tích văn hóa và lịch sử cấp Quốc gia. Thế nhưng, từ mấy chục năm nay, di tích này đã bị xâm hại, chiếm đoạt. Không chỉ Ban tế tự nhà chùa phải “lao tâm khổ tứ” vác đơn gõ cửa tòa các cấp mà nhiều ban, ngành và chính quyền của tỉnh An Giang cũng phải vào cuộc để đòi lại sự nguyên vẹn cho di tích - Vì đâu nên nỗi (?!).
Trước thuê, sau chiếm!
Bắc Đế Miếu (thường gọi là Chùa Ông Bắc) tọa lạc tại 68 đường Phạm Hồng Thái, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, An Giang. Cách đây hơn 100 năm, chùa được cộng đồng người Hoa xây dựng theo kiến trúc liên hoàn độc đáo, bao gồm chánh điện, Đông lang (hành lang phía Đông) và Tây lang (hành lang phía Tây) đối xứng 2 bên. Ngày 15.6.1987, Bộ VHTT (nay làBộ VHTTDL) đã ra Quyết định số 112-VH/QĐ công nhận Chùa Ông Bắc là Di tích lịch sử vàvăn hóa.
Ngày 15.5.1951, Hội quán Quảng Đông tại Long Xuyên (tổ chức đang quản lý Bắc Đế Miếu) và ông Thái An làm bản giao kèo với nội dung: “…Điều 1: ông Thái An có quyền phụ trách quản lý toàn bộ phần đất hành lang bên phải của Hội quán, ngoài việc tu sửa sắp xếp cho ổn thỏa ra, được phép tồn chứa hàng hóa đồ đạc và làm ăn kinh doanh chính đáng… song bất cứ làm điều gì đều phải thông qua và được sự đồng ý của người phụ trách Hội quán mới được làm, không được cho người khác thuê mướn để làm nhà ở. Điều 2: người quản lý ngoài quyền được hưởng ghi trong điều 1 phải đóng góp, tiền hương hỏa hằng tháng là 300 đồng…”.
Gia đình ông Thái An quản lý, sử dụng và đóng tiền thuê Đông lang đến sau ngày giải phóng. Tháng 5.1975 thì không đóng nữa. Trước năm 1987, Hội quán Quảng Đông yêu cầu gia đình ông Thái An phải trả lại Hội quán nhà và đất Đông lang cho thuê trên. Trong khi chưa được giải quyết thì Bắc Đế Miếu được Bộ VHTT công nhận là Di tích lịch sửvàvăn hóa – một hình thức nhằm bảo vệ sự nguyên vẹn của di sản, thúc đẩy việc trả lại Đông lang sớm hơn. Năm 1990, ông Thái An chết, ông Thái Hòa là con ông Thái An tiếp tục sử dụng Đông lang.
Năm 1995, Ban tế tự Bắc Đế Miếu chính thức gửi đơn đến Thanh tra tỉnh An Giang xin giải quyết. Tại Biên bản ghi nhận ý kiến trình bày về việc khiếu tố ngày 21.2.1998 của Thanh tra tỉnh An Giang, ông Thái Hòa đồng ý trả lại cho Chùa Ông Bắc Đông lang và diện tích gắn liền mà ông đã sử dụng. Ông Thái Hòa chỉ yêu cầu trả lại chi phí nâng nền, tu sửa bên trong Đông lang.
Đồng thời ông cũng xác nhận hiện đang sở hữu căn nhà 70 Phạm Hồng Thái và căn nhà số2 Phan Thành Long hiện đang cho thuê buôn bán (cả 2 nhà đều liền kề Đông lang của Bắc Miếu).
Ngày 8.5.1999, Thanh tra tỉnh cùng cơ quan chức năng của thành phố Long Xuyên tiến hành xác minh, đo đạc hiện trạng nhà đất tranh chấp. Trong khi đang giải quyết thì ông Thái Hòa bị tai nạn giao thông chết. Bà Thái Phương là em ruột ông Thái Hòa đã quản lý và sử dụng căn nhà 70 Phạm Hồng Thái và cả phần Đông lang. Bà Thái Phương không đồng ý trả lại tài sản cho Hội quán với lý do: …sau khi thuê đất của Hội quán, cha bà đã xây dựng nhà ở như hiện nay. Mặc dù là đất của Hội quán nhưng gia đình bà đã sử dụng từ năm 1951 cho đến nay do vậy thuộc quyền sử dụng của bà (?).
Hai tòa, hai cách xử
Do Bắc Đế Miếu thuộc cộng đồng người Hoa nên ngày 19.6.2000, Ban chấp hành Hội Tương tế người Hoa có giấy xác nhận số 06/XN, ủy quyền ông Lôi Cẩm Chương là Trưởng ban Tế tự Bắc Đế Miếu làm người đại diện cho Hội Tương tế và thay mặt cho Ban tế tự đứng ra khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) TP Long Xuyên đòi tài sản với bà Thái Phương. Ban Tế tự cung cấp cho TAND TP Long Xuyên toàn bộ văn bản có liên quan đến tranh chấp (như đã nêu ở trên) khẳng định phần Đông lang cho thuê bao gồm nhà và đất, kiến trúc căn nhà đang tranh chấp ở phía Đông giống hệt nhà phía Tây của chùa và được xây dựng cùng thời gian với chánh điện.
Từ tài liệu và chứng cứ nêu trên, Bản án sơ thẩm số17/DSST ngày 20.2.2002 của TAND TP Long Xuyên nhận định: ông Lôi Cẩm Chương được Hội Tương tế người Hoa TP Long Xuyên ra quyết định số 03/QĐ–TC ngày 27.3.2000 công nhận là Trưởng ban Tế tự của Bắc Đế Miếu nhiệm kỳ 2000 – 2002.
Do đó, TAND TP Long Xuyên chấp nhận ông Lôi Cẩm Chương được đại diện Bắc Đế Miếu để tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn trong vụ án. Bản án cũng đưa ra các căn cứ để khẳng định nhà, đất thuộc khuôn viên của Bắc Đế Miếu nên buộc bà Thái Phương phải trả cho Bắc Đế Miếu nhà đất có diện tích 103,85m2 và công nhận sự tự nguyện của Bắc Đế Miếu để hỗ trợ chi phí di dời 3 triệu đồng cho bà Thái Phương. Bà Thái Phương kháng án, TAND tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 375/DSPT ngày 3.6.2002, TAND tỉnh An Giang hủy án sơ thẩm, trả lại đơn kiện cho ông Lôi Cẩm Chương với lý do: “Bắc Đế Miếu (Chùa Ông Bắc) được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự về các hình thức sở hữu và quy định của Luật Di sản văn hóa thì Chùa Ông Bắc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Khoản 4 điều 55 Luật Di sản văn hóa quy định: Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ. Ban Tế tự Chùa Ông Bắc không phải là cơ quan nhà nước về quản lý di sản văn hóa nên không cóquyền khởi kiện, không phải là nguyên đơn. Cấp sơ thẩm thụ lý, xét xử là không đúng, do đó cần hủy bản án, trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự”. Đồng thời lại viện dẫn: “Bà Thái Phương là con của ông Thái An đang sử dụng phần đất trên đó có cất nhà, gia đình bà đã sử dụng từ năm 1951 đến nay. Theo quy định tại điều 2 Luật Đất đai thì bà được tiếp tục sử dụng. Khi có quy hoạch thì sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành về đền bù giải tỏa”. Tòa tuyên bố: “Bản án này là chung thẩm”.
Phương Nam-Lâm Quang
|