Tháp Mẫm qua một số tượng, phù điêu

Thursday, 10th December 2009

Preview Preview Preview

Rõ ràng với tượng chim thần Garuda, phù điêu thần Siva và một loạt tượng khai quật được ở tháp Mẫm đã minh chứng một cách thuyết phục rằng nghệ thuật điêu khắc đá của người Chămpa xưa trên đất Bình Định đã đạt đến đỉnh cao và mang một phong cách riêng. Phong cách ấy được các nhà nghiên cứu gọi là phong cách tháp Mẫm, đại diện cho khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách tháp của cả tỉnh Bình Định, không thua kém gì với phong cách tháp Po-na-ga Khánh Hoà.

          Tháp Mẫm qua một số tượng, phù điêu  

                                                                                                        Mai Thìn

a. Vị trí địa lý và nguồn gốc tên gọi

          Nằm ở phía Bắc đồi Long Bích giữa suối Bàn Khê và sông Quai Vạc thuộc địa phận thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tháp Mẫm giờ chỉ còn là một gò đất um tùm xoài, mít với lởm chởm gạch vụn và đất sỏi.

          Gò tháp Mẫm do ông Mắm cai quản, nên người dân Vạn Thuận gọi gò tháp Mẫm là gò ông Mắm. Vì thế có người lầm tưởng tên gọi tháp Mẫm là phiên âm từ  tiếng Mắm, song thực tế thì vậy mà không phải vậy.

          Theo bà con thôn Vạn Thuận kể lại thì gò này từ lâu đã thuộc đất vườn của nhà họ Nguyễn, do ông Nguyễn Mai (đã chết) cai quản. Từ gò này, ông Nguyễn Mai khai thác củi, trồng cây trái thu hoa lợi để cúng giỗ từ đường họ Nguyễn - một dòng họ lớn ở thôn Vạn Thuận.

Ông Nguyễn Mai lấy bà vợ người Đập Đá làm nghề bán mắm dạo, nên người ta gọi là Ông Mắm, bà Mắm, lâu dần thành quen. Khi bà Mắm mất, ông Mai lấy vợ lẽ là bà Huỳnh Thị Hạ, nay đã 82 tuổi (tính đến năm 2004) hiện giờ có nhà ở ngay  gò tháp Mẫm.

          Theo lời kể của thầy Thích Mật Hạnh trụ trì chùa Tân An, bà Huỳnh Thị Hạ vợ ông Mắm và nhiều cụ cao niên khác, thì gò Tháp Mẫm đã có từ trước chứ không liên quan gì đến tên ông Mắm. Các cụ kể, năm 1934 có một đoàn khảo cổ dùng xe, máy khai quật Gò Ông Mắm, lấy đi nhiều tượng đá và cổ vật quí hiếm. Sau đó, người dân tiếp tục đào lấy gạch về xây nhà, còn đá xanh  thì cạy về làm hòn đá mài hoặc kê ang nước. Sư thầy chùa Tân An cũng  lấy được một ít gạch về xây chùa. Còn giới sưu tầm đồ cổ thì tiếp tục lén lút đào bới tìm tượng quí.

Năm 2002, khi dùng xe cơ giới  xúc đất ở Gò tháp Mẫm làm đường bê tông, người ta đã phát hiện được 2 tượng sư tử và voi - sư tử ở hai hố khác nhau, mỗi tượng nặng gần hai tấn, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.


(Tượng sư tử phát hiện ở tháp Mẫm 2002. ảnh maithin)

b . Những hiện vật  vô giá
[1]

Theo các tài liệu để lại thì cuộc khai quật qui mô năm 1934, 1935 mà bà con thôn Vạn Thuận chứng kiến là do nhà khảo cổ học J.Y Clayes và Hội nghiên cứu Đông Dương  thực hiện.

Đợt khai quật này đã thu được rất nhiều hiện vật đẹp, phong phú như tượng, phù điêu các vị nam thần, nữ thần, vũ nữ, tượng Drapalla, tượng phật, chim thần Garuda, Naga, sư tử, voi, Makara... được chạm khắc rất công phu mang tính nghệ thuật cao đem trưng bày ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện có riêng một phòng tháp Mẫm, trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỉ XII - XV có nguồn gốc xuất xứ từ tháp Mẫm, trong đó có một số tượng nổi bật, như:

Tượng thần sáng tạo Brahma, một trong ba vị thần quan trọng nhất của Ấn Độ giáo.

Đôi khi  Brahma còn được xem là thần của sự thông thái. Có nhiều giai thoại thú vị về sự ra đời của Brahma. Theo Puranas, Brahma được sinh ra từ một đoá hoa sen mọc từ rốn của thần Vishnu vào buổi bình minh của vũ trụ. Một giai thoại khác lại cho rằng Brahma sinh ra từ một quả trứng vàng có tên là Hiranyagarbha. Khi quả trứng tách ra làm hai nửa, Brahma sinh ra và các phần còn lại của quả trứng ngay lập tức hoá thành núi non, sông ngoài vạn vật, mọi sự sống trong vũ trụ bắt đầu từ đó.

      Nghệ thuật truyền thống thể hiện Brahma ở dạng phù điêu với bốn đầu, bốn tay cầm bốn vật tượng trưng. Mỗi cái đầu của thần được xem như tượng trưng cho một pho kinh Veda. Vật cưỡi của thần là chú ngỗng Hamsa. Mặc dù là một trong ba vị thần tối cao, ở Ấn Độ Brahma ít được thờ cúng hơn so với hai vị thần còn lại là Vishnu và Shiva.

          Tượng Gajasimha, hay còn gọi là voi - sư tử, là con vật thần thoại Ấn Độ. Thông thường, đầu voi tượng trưng cho sự thông thái của các thần và mình sư tử thể hiện uy quyền của các vua. Tác phẩm thể hiện Gajasimha kích thước to lớn, trong tư thế đứng, cổ đeo lục lạc, vòi vươn lên cao vừa trang nghiêm vừa ngộ nghĩnhNăm 2002, nhân dân Nhơn Thành cũng đã tình cờ phát hiện thêm tại tháp Mẫm một tượng có hình dạng và kích thước gần giống như tượng này , nhưng vòi bị gãy một phần (xem ảnh). 


(Tượng voi -sư tử phát hiện ở tháp Mẫm 2002. ảnh maithin)
Tượng thần Shiva
, vị thần phức tạp nhất, và đồng thời có nhiều quyền năng nhất trong số các vị thần Ấn Độ giáo. Thông thường người ta biết đến Shiva như là vị thần huỷ diệt, đồng thời cũng là thần sáng tạo. Ngoài ra, theo thần thoại Ấn Độ, Shiva còn là vị thần của những vũ điệu (dõng chúa), thần sơn cước, thần chết. Shiva được thờ cúng rộng rãi duới hình dạng một linga.

     Tác phẩm này thể hiện Siva trong tư thế ngồi xếp bằng, trên mình có sợi dây rắn Naga quấn qua vai. Mặc dù phần đầu, hai cánh tay phụ, một phần tay phải trước và những vật cầm tay đã bị gãy vỡ, tác phẩm vẫn còn rõ những chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo thể hiện qua các đồ trang sức trên cổ, tay và trang phục. Tác phẩm mang phong cách Tháp Mẫm, tuy nhiên motip chuỗi ngọc trai gợi nhắc đến phong cách Mỹ Sơn A1, một ví dụ điển hình cho khuynh hướng kế thừa những chi tiết của các phong cách nghệ thuật đi trước của các tác phẩm điêu khắc Chăm.

Tượng thủy quái Makara. Theo thần thoại Ấn Độ, thủy quái Makara là vật cưỡi của thần đại dương Varuna. Trong điêu khắc Chăm, Makara còn được gọi là rồng, thường hay được thể hiện thành một cặp đôi đối xứng nhau, đặt ở lối vào các ngôi đền,  giữ  gìn sự yên tĩnh, tôn nghiêm cho nơi thờ cúng, trú ngụ của các vị thần linh.  Tác phẩm Makara ở tháp Mẫm này là một tượng tròn, ở tư thế nằm, được cách điệu với sự pha trộn nhiều chi tiết của nhiều con vật khác nhau, hai chân trước cùng đầu vươn cao, lòng bàn chân mở ra phía trước tạo nên tư thế vừa ngộ nghĩnh vừa hung dữ.

Tượng Garuda có mình người, mỏ và cánh của chim nhưng đầu và chân lại giống sư tử. Chim đứng xòe cánh, tay phải cầm một con rắn  hai đầu, miệng ngậm đuôi rắn, chân phải đạp lên một đầu rắn khác.

     Garuda là vật cưỡi của thần Vishnu và nữ thần Laksmi.  Thần thoại Ấn giáo cho rằng Garuada và Naga luôn bất hoà với nhau và mối bất hoà này bắt nguồn từ việc mẹ của Garuada bị mẹ của loài rắn phỉ nhục. Các nghệ sĩ Chăm đã dành nhiều tác phẩm thể hiện chim thần Garuda ở dạng phù điêu hoặc tượng tròn.

 Tượng Rồng được thể hiện ở dạng tượng tròn, tư thế nằm, hai chân trước đặt hướng về trước,  hai chân sau đưa ngược lên về sau tạo nên dáng vẻ rất ngộ nghĩnh. Chiếc vòng lục lạc đeo ở cổ khắc họa thêm nét sinh động, vui tươi. Đầu rồng có vẻ chưa tương xứng với toàn bộ bố cục tác phẩm. Các chi tiết tinh xảo trên mình, đầu và đuôi rồng là sự kết hợp của nhiều con vật khác nhau. Toàn bộ tác phẩm thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo và tính hài hước của các nghệ sĩ Chăm.

    Thông thường, rồng được thể hiện thành một cặp đôi, đặt song song trước lối ra vào của tháp Chăm. Hiện vật còn lại cùng cặp với hiện vật này đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris.

Trong số các tượng, phù điêu mang phong cách tháp Mẫm còn có hai tác phẩm khá độc đáo là phù điêu thần Siva bốn tay và tượng chim thần Garuda.

             Phù điêu thần Siva 4 tay hiện được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những tác phẩm đẹp. Ở đây, thần Siva ngồi trong tư thế hai chân chùng xuống, hai cánh tay của thần đưa lên đầu trong tư thế rất đặc biệt. Đầu đội miện có gắn những hạt cườm chạy quanh trên đỉnh miện. Giữa trán có đính huệ nhãn - đó là con mắt thứ ba để thần nhìn thấu suốt về cuộc sống hiện tại và tương lai. Hai hàng lông mày của thần được kéo dài từ tâm trán đến vành tai, hai tai chảy dài đến cằm và đeo những vòng trang sức, đặc biệt cổ thần Siva đeo cườm nổi. Hai tay còn lại của thần, tay trái cầm cây đinh ba có cán, tay phải cầm một thanh kiếm. Cổ tay và hai cánh tay cũng được trang trí nhiều vòng ngọc quí.

          Quanh bụng thần Siva đeo một vòng cườm, phần dưới có đeo một dây thắt lưng và mặc sampot chảy dài từ bụng đến gót chân, giống hình chiếc lưỡi uốn cong. Đây là đặc trưng trang phục trong điêu khắc tháp Mẫm. Trên sampot được trang trí những hoa văn hình tam giác và hình zich - zắc, loại hoa văn này ngày nay vẫn còn lưu lại trên vải dệt của một số dân tộc ít người ở Cao Nguyên miền Trung Việt Nam. Phía sau lưng thần là một tấm dựa lưng được trang trí theo hình ngọn lửa, đây là một bố cục mới lạ trong nền điêu khắc Chămpa mà trước đó chưa hề thấy xuất hiện. Tác phẩm này có niên đại thế kỷ XII.

     Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, tượng và phù điêu Shiva chiếm số lượng tương đối lớn, được thể hiện ở nhiều phong cách nghệ thuật, nhiều tư thế khác nhau. Trong tập tục của người Chăm xưa, các vị vua  có công trạng sau khi chết thường được phong thần, và thờ thần Shiva cũng chính là thờ vua. Các vua Chăm  tự nhận mình là các hoá thân của thần Siva, được tái sinh trên cõi đời này để cứu giúp thần dân của họ vì vậy các vua thường kết hợp tên mình với tên gọi của thần Siva.

             Phù điêu thần Siva có 4 tay đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng là một trong những tác phẩm đẹp và có giá trị, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa mang phong cách tháp Mẫm - đó là giai đoạn mà nền điêu khắc Chămpa đạt đến trình độ cao trong cách tả thực.

          Tượng chim thần Garuda[2] còn có một tiêu bản khác khá đẹp, được chạm khắc trong tư thế đứng, cao 0,96m, hai tay giơ lên, nắm chặt hai rắn Naga để lộ hai bàn tay mạnh mẽ, dứt khoát, mặt nhìn thẳng về phía trước, trên đầu trang trí ba chuỗi cườm nổi vòng qua trán chạy dài đến cổ. Trán chia đôi bởi một gờ nổi bổ dọc từ đỉnh đầu xuống cổ, nhô cao, hai mắt tròn mở to để lộ sống mũi cao.

          Miệng thần Garuda há rộng để lộ ra những khoảng trống to trong vòm họng, tư thế giận dữ, dồn nén bóp chết 2 con rắn Naga. Quai hàm dưới bạnh ra để  lộ rõ 4 khối u, 2 cổ tay đeo hai vòng trang sức to bản, còn hai rắn Naga mình tóp lại, đuôi cong ngược lên cố vùng vẫy để thoát chết.

          Ngực và cổ của chim thần Garuda đeo tấm giáp to với những hoa văn hình xoắn để bảo vệ, hai bên ngực được trang trí 2 bông hoa nhiều cánh đang xoè, bụng tóp lại để lộ bộ ngực vạm vỡ, mặc sampot với dây thắt lưng to bản, đính những hạt viền tròn chia thành hai lớp kế tiếp nhau. Sampot thả dài đến bàn chân, giữa thắt gút giống như hai lá đề, bên dưới xoè ra như một chiếc quạt, hai chân đeo hai vòng trang sức to bản với những vòng cườm nổi, kẻ dọc rất tỉ mỉ và đều đặn...

          Cách thể hiện chim thần Garuda mang phong cách Bình Định khác với Garuda ở Trà Kiệu, đó là hoa văn trang trí cầu kỳ, hoa nhiều cánh, có những hình xoắn móc, dây lưng thường đính những hạt viền tròn, cách điệu cao giống như một con thú. Còn phong cách Trà Kiệu là loài có lông vũ, hình thức thể hiện mũ hay niệm trên đầu là những hình lá đề xếp thành từng tầng.

          c .  Định hình một phong cách đặc trưng của vùng miền

          Rõ ràng với tượng chim thần Garuda, phù điêu thần Siva và một loạt tượng khai quật được ở tháp Mẫm đã minh chứng một cách thuyết phục rằng

nghệ thuật điêu khắc đá của người Chămpa xưa trên đất Bình Định đã đạt đến đỉnh cao và mang một phong cách riêng. Phong cách ấy được các nhà nghiên cứu gọi là phong cách tháp Mẫm, đại diện cho khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách tháp của cả tỉnh Bình Định, không thua kém gì với phong cách tháp Po-na-ga Khánh Hoà.

          Hiện nay các tiêu bản chim thần Garuda mang phong cách Bình Định có một số được bảo quản tại các di tích tháp Chăm ở Bình Định và Bảo tàng Bình Định, một số khác đang được lưu giữ ở Bản tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, Bảo tàng lịch sử tại TP. Hồ Chí Minh và Bảo Tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Mặc dù tháp Mẫm đã phế tích từ khi nào, và lý do ra sao, chưa ai giải thích được, song qua những gì mà các nhà khảo cổ phát hiện được, họ đã xếp tháp Mẫm thuộc niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII và là tháp đại diện cho khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách tháp Bình Định, gọi là phong cách tháp Mẫm, song hành cùng phong cách tháp Po-na-ga Khánh Hoà.

Ngày nay, đường lên gò tháp Mẫm khá thuận lợi nhờ nó nằm gần quốc lộ 1A và có đường bê tông bằng phẳng rộng lớn.

Cạnh gò  tháp Mẫm còn có chùa Tân An do thầy Phước Huệ lập  năm Tự Đức thứ 13. Đây là một trong nhiều chi phái của chùa Thập Tháp. Hiện chùa do thầy Thích Mật Hạnh (sinh 1919) quê ở Đập Đá trụ trì. Chùa xoay mặt hướng Đông, lưng gối đầu lên hướng gò tháp Mẫm với đầy vẻ thâm nghiêm u tịch.

Đặc biệt, trong các xóm ven chùa, ven tháp Mẫm hiện còn một số  nhà lá mái giữ đầy đủ phong cách nhà lá mái Bình Định, như nhà ông Nguyễn Cao  Đệ, Nguyễn Hữu Nguyện, hoặc nhà ông Lưu, ông Đáng... với nhiều đồ thờ cổ giá trị, phong phú và sân vườn, cây cảnh khá đẹp.

Nếu biết trùng tu, khai thác thì Chùa Thập Tháp, gò tháp Mẫm, chùa Tân An, nhà lá mái... ở riêng thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành sẽ làm nên tuyến tham quan nhiều ý nghĩa cho khách thập phương../.



[1] Phần này có sử dụng tài liệu về  một số tượng, phù điêu trưng bày ở phòng Tháp Mẫm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.


[2] Theo thần thoại Ấn Độ thì chim thần Garuda được xem là vua của các loài chim và là vật mà thần Visnu thường cưỡi. Garuda là thù địch của loài rắng Naga (con vật sống dưới nước). Theo thần thoại Ấn Độ, nguyên nhân của mối thù đó là do mẹ Garuda đã bị mẹ của rắn Naga bắt làm nô lệ và bị sỉ nhục, nên Garuda luôn tìm cách giết Naga để báo thù cho mẹ. Thực chất của cốt truyện lại mang tính xã hội, tượng trưng cho sự xung đột giữa những bột lạt săn bắn ở miền núi, mà tín ngưỡng vật tổ của họ là Garuda (diều  hâu) với những bộ lạc đánh cá, với tín ngưỡng vật tổ của họ là rắn thần Naga (rắn nước). Hình tượng chim thần Garuda bắt rắn Naga trong trường hợp điêu khắc đá này liên quan đến nội dung phản ảnh ý nghĩa lịch sử xã hội của Chămpa hơn là ý nghĩa thần thoại hay tôn giáo.