Phú Gia – Ngôi đình nghìn tuổi

Petrotimes - 

(Petrotimes) - Đình Phú Gia hay còn gọi là đình Khai Nguyên, quán Già La là nơi thờ phụng, tưởng niệm về một vị tướng thời Hùng Vương có công đánh giặc cứu nước đem lại cuộc sống no ấm hạnh phúc cho nhân dân.

Là một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị nhiều mặt trong kho tàng văn hóa Nhà nước nằm trong di tích quan trọng của văn hóa Hồ Tây lịch sử. Cho đến nay, lai lịch về ngôi đình vẫn còn nhiều điều bí ẩn.

Dấu ấn truyền thuyết

Theo sử sách, làng Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã suy tôn thần Khai Nguyên, một tướng thời Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân giữ nước, làm thành hoàng làng. Tương truyền ngài còn có công trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành và được vua ban 12 đạo sắc, phong làm Thành hoàng làng với 12 chữ “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.

Theo các bậc cao niên kể thì: “Tương truyền vị tướng đời thứ 6 của Vua Hùng, có tên húy là Nhự hay còn gọi là thần Già La và thần Khai Nguyên trên đường đi đánh giặc Ân bị giặc chém vào cổ ngả đầu về một bên vẫn phi ngựa về làng. Đến đoạn vườn Hồng, nơi có cây đa táo tại ngã ba Nhật Tân có một quán hàng nước, ngài bèn hỏi bà hàng nước: “Cổ tôi thế nay liệu còn sống được không?”. Bà hàng nước xem và trả lời: “Ngài có là người nhà trời mới sống được!”. Sau đó ngài phi ngựa đi được một quãng về đến đầu làng Phú Gia thì chết, sau khi chết dân làng Phú Gia lập đền thờ để ghi nhớ công lao. Câu chuyện đó còn truyền tụng ở địa phương cho đến ngày nay, đặc biệt có chi tiết người làng Gạ (Phú Gia) nói kiêng từ chết thành là “chít” cũng từ đó.

Cuốn thư gỗ sơn son thiếp vàng ghi chữ Túc Tinh Cao

Vậy thần Khai Nguyên là ai? Trước hết phải kể đến truyền thuyết về giấc mộng được ghi trong cuốn sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên có đoạn viết: Thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường có thứ sử Quảng Châu là Lư Ngư sang đô hộ nước ta đóng ở thôn An Viễn khoảng giữa 2 huyện Long Đỗ và Từ Liêm. Một hôm đi chơi thấy chỗ đất này bằng phẳng rộng rãi, cây cối tốt tươi, có sông Già La tổ sơn dẫn mạch, địa thế tuyệt đẹp. Lư Ngư liền sai lập phủ lỵ và dựng đền giữa thờ Huyền Thiên Đế Quân. Một đêm Lư Ngư mộng thấy một cụ già tóc bạc phơ đến bảo Ngư rằng:

“Quán này nên đặt là Khai Nguyên, thôn này cũng đặt là thôn Khai Nguyên, dựng bia để biểu dương công đức của thần”. Khi Ngư thức dậy theo lời cụ già bèn đặt tên quán, tên thôn, dựng bia cạnh làng Xuân La (nay thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ) và nêu rõ công vua Khai Nguyên nhà Đường. Qua các triều đại ngôi đền linh thiêng được gọi là quán Già La hay còn gọi là thần Già La, khoảng năm 725.

Còn trong cuốn thần phả “Bản xã thần ký” còn lưu giữ tại đình thì Đại vương là vị thổ thần. Chuyện rằng, lúc đó đê bị nước lớn dâng lên phá vỡ khiến dân chúng quanh vùng rơi vào cảnh lầm than. Các quan trong triều không thể tìm cách khắc phúc dã tấu biểu lên vua. Ngài bèn lệnh cho quan khâm sai về lập đàn tế lễ, sáng hôm sau vào giờ Thìn có một cây gỗ lớn trôi đến ngăn dòng nước lũ. Để ghi nhớ công ơn của vị thổ thần, vua cho nhân dân xây dựng miếu để thờ phụng trên thế đất “hình nhân bái tướng”, bên ngoài hoa tươi đầy cửa, bên trong bút nghiên hội tụ, phía đông có dòng nước ngược chầu về, phía nam có nhà minh đường mở ra, phía tây dựa trên thế “rùa vàng ngậm châu”, phía bắc có núi tổ dẫn mạch. Xung quanh ruộng đất chầu về như lá cờ lớn trên gò, bên ngoài thất diệu (mặt trăng, mặt trời, ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) bao quanh 3 vòng cầu vồng tiếp dẫn, ở giữa có giếng chí huyệt. Từ đó, làng đổi thành Phú Gia mang nghĩa một làng quê trù phú, đình được dân thờ phụng kể từ đó.

Ông Công Văn Tung giới thiệu về đôi Cẩm Kê có từ thế kỷ XII

Sang đến đầu thời Nguyễn, do bãi sông Hồng bị sạt lở, cư dân sau một thời gian ly tán đã trở về bắt tay vào xây dựng lại vào năm 1258 để ghi nhớ công đức của thần dựa trên tờ quy ước và thần tích cổ trong đình, thống nhất đặt tên là đình Phú Gia. Nằm trước tam quan chùa Bà Già cổ kính, theo lối kiến trúc “tiền Thánh hậu Phật” trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua 2 cuộc tàn phá của chiến tranh đình không còn giữ được cấu trúc như ban đầu. Năm 2001, đình được Nhà nước công nhận di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, năm 2009 đình được phục dựng lại gần như nguyên bản và năm 2010 đình Phú Gia được gắn biển công trình nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội. Hiện nay, Ban Quản lý di tích đình Phú Gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu bổ sung về mặt lịch sử cho ngôi đình.

Kho tàng di sản văn hóa

Đình Phú Gia còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần Khai Nguyên. 12 Đạo sắc phong, trong đó có 8 đạo thời Lê, 1 đạo thời Tây Sơn và 3 đạo thời Nguyễn. Mới đây, người dân địa phương đã bổ sung thêm 4 đạo sắc phong nữa, ngoài ra đình đang lưu giữ một đôi hạc, một đôi lân, một đôi kim kê được tạc khắc tinh xảo cùng nhiều hiện vật thờ tự khác từ thế kỷ XVII. Đặc biệt trong đình Phú gia còn lưu giữ tấm bài vị thời Mạc, đó là hiện vật cực kỳ quý hiếm của thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên, theo lệ hàng năm vào mùng 8/1 (âm lịch), dân làng Phú Gia lại mở hội để tưởng nhớ tới ngài, âu cũng là một nét văn hóa đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Lễ hội bao gồm Lễ tế thần, dâng hương rước kiệu, thổi xôi, ca hát, đấu võ, chọi gà… Lễ mở cửa bắt đầu từ sáng sớm ngày 8/1, các cụ ông trong đội tế lễ làm lễ Bao Sái (lau tượng).

Khuôn viên đình Phú Gia

Ông Công Văn Tung, Phó tiểu Ban Tổ chức lịch sử và xây dựng đình Phú Gia cho biết, nghi thức Bao Sái mỗi năm sẽ do 1 xóm trong làng Phú Gia đảm trách. Và cứ 3 năm một lần, làng sẽ tổ chức lễ Mộc Dục tượng (té nước). Buổi chiều làm lễ khai mở cửa đình và phát trang phục để chuẩn bị cho những ngày lễ hôm sau.

Từ lúc 7h ngày 9/1, đó là lễ rước nước với màn dâng lễ được thực hiện với sự tham gia của các cụ ông, cụ bà trong trang phục lễ hội cổ truyền cùng nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Nghi lễ rước nước từ đình xuống bến được tiến hành ngay sau đó. Đoàn rước bao gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; đội khiêng chĩnh (chóe) để đựng nước; 2 đội nhạc lễ: bát âm, đồng văn (trống); đội cấm vệ quân hầu Thánh sẽ lần lượt xuống thuyền, rồi từ từ chèo ra giữa sông Hồng để lấy nước, mặt khác biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng, biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc… Ngoài ra, nước lấy về dùng để làm lễ Bao sái, Mộc Dục cho những ngày lễ khác trong năm. Sau khi lễ rước nước kết thúc, các sư trong chùa sẽ làm lễ tụng kinh. Buổi chiều, lễ tế Nhập tịch (tế Túc yết) nghĩa là phải “túc” trực trong buổi đêm hoặc chiều và ra mắt (yết) do các cụ tế nam đảm nhiệm và tiến hành.Sau đó, các dòng họ, gia đình trong làng dâng đồ lễ Thánh.

Bước sang ngày chính hội 10/1, từ 6 giờ chiêng trống đã nổi lên như báo hiệu lễ hội đó là khoảng thời gian các đoàn và nhân dân vào dâng hương lễ thánh. Sau đó đội tế chính của làng bao gồm 8 người mặc áo xanh, chủ tế đeo “Bối tử” chân đi hia. Nghi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm trong tiếng nhạc bát âm gồm ba “chầu tế” dâng hương, dâng rượu và dâng trà để tế Nhập tịch. Buổi chiều, từ 14h đội dâng hương nữ sẽ tổ chức các nghi lễ theo các tuần hương, rượu, trà, sau đó nhân dân và khách thập phương vào lễ Thánh. Cũng theo như trình tự tuần tế buổi sáng và chiều, bắt đầu từ 20h sẽ làm buổi lễ tế cuối cùng được đánh giá rất quan trọng, đó là lễ đêm trung diễn ra trong không khí trang nghiêm do đội tế nam đảm nhiệm.

Trong những ngày lễ hội các trò chơi dân gian diễn xướng văn nghệ tạo lên không khí sôi động, lạc quan đầm ấm. Hát chèo, hát quan họ, diễn các tích cổ, chọi gà, đánh cờ bỏ. Quảng bá đặc sản làng quê như chè xôi, bánh đa kê, bánh trôi bánh chay… Ngày 11/1 cuối cùng của lễ hội, buổi sáng, dân làng và các đội tế tập trung tại sân đình để cùng chứng kiến lễ tế hạ hội, kết thúc lễ hội đình Phú Gia. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi đấu cờ tướng,kéo co, bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, thi chọi gà, tổ tôm điếm, biểu diễn văn hóa, văn nghệ…

Việc giữ gìn và bảo vệ ngôi đình cho thế hệ mai sau là biểu hiện trân trọng những di sản văn hóa quý hiếm cho thủ đô và cả nước, để đình Phú Gia là nơi giáo dục cho thế hệ sau góp phần bảo vệ vốn cổ của quê hương, gìn giữ một nét văn hóa trên đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

M. Kiên


Tin mới