DrNguyenViet.com >
Articles
>
Triệu Đà [10/3/2008]
Triệu Đà
Phát tích
Họ tộc Triệu là một họ tộc phát triển sớm ở trung lưu sông Hoàng Hà. Từ thời Xuân Thu, khi nhà Chu khởi nghiệp Thiên tử, Triệu tộc là một trong số các chư hầu hùng mạnh. Liên minh Triệu, Nguỵ, Hàn nổi tiếng trong thời Chiến Quốc vốn dĩ là dư ảnh của một liên minh bộ lạc trước thời lập quốc cua ba dòng tộc lớn mà tộc danh sau đó đã trở thành quốc danh.
Cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nước Triệu là một tiểu quốc láng giềng hùng mạnh của nước Tần, đã từng giữ thái tử nhà Tần – cha của Tần Thuỷ Hoàng làm con tin. Khi Tần Thuỷ hoàng thống nhất Trung Hoa, Triệu tộc hoàng thất gần như bị tuyệt diệt. Con dân nước Triệu tuân theo chính thể mới của đế chế Trung Hoa đầu tiên. Nhiều người họ Triệu làm quan cho nhà Tần (Triệu Cao chẳng hạn). Triệu Đà vốn là một con dân tộc Triệu của nước Tần thống nhất, đã tham gia đội quân chinh phục vùng đất Việt phương nam. Sử ký, một cuốn sách do Tư Mã Thiên, người sinh sau Triệu Đà khoảng 100 năm cho biết, quê Triệu Đà ở Chân Định (Hà Bắc, Trung Quốc). Sự việc này đáng tin, bởi vì sau khi Triệu Đà xưng đế cát cứ ở Phiên Ngung quận Nam Hải (Quảng Châu), nhà Hán đã cho người phá mồ mả tổ tiên Triệu Đà ở quê, sau này, qua bức thư của Hán Văn Đế phủ dụ Triệu Đà có nói đến việc Hán Văn Đế cho người sửa sang trông nom mồ mả và họ hàng Triệu Đà. Đây là sự kiện lớn được nhiều sử sách đương thời và sau này ghi nhận. Như vậy ông là người Hoa Hạ chính gốc. Có mấy sự kiện giúp xác định thời điểm Triệu Đà sống cùng với người Việt. Hán thư có một dòng cho biết Triệu Đà tham gia nam chinh năm 20 tuổi, trước khi Lưu Bang lập nhà Tây Hán 13 năm , tức Tần Thuỷ Hoàng năm 28 ( năm 219 trước Công nguyên). Như vậy, theo những nghiên cứu mới nhất, Triệu Đà sinh vào khoảng 239 trước Công nguyên, mất vào năm Kiến Nguyên tứ niên (137 trước Công nguyên), thọ 102 tuổi.
Tuy là người Hoa Hạ, nhưng theo Sử ký cũng như ghi chép trong Hán thư, ông sớm cùng chủ tướng của mình là Nhâm Ngao có ý định cát cứ. Nhất là sau khi Tần Thuỷ Hoàng bị Lưu Bang, Hạng Vũ tiêu diệt lập ra nhà Hán, tư tưởng lập quốc gia riêng chống Hán của Triệu Đà thể hiện rất rõ. Lực lượng quân Tần do ông chỉ huy trở thành đám tướng lĩnh lưu vong. Hoặc phải đầu hàng nhà Hán, hoặc tiếp tục chống lại nhà Hán. Ông đã chọn con đường chống Hán. Chỗ dựa chính để Triệu Đà chống Hán chính là địa danh nhân kiệt Bách Việt. Nên nhớ rằng, Nhâm Ngao, Triệu Đà cùng quân đội Tần mới chỉ cai trị ở một vùng đất mới lạ này trong vòng 13 năm thì nhà Tần xụp đổ (từ 219 đến 207 trước Công nguyên) . 13 năm thời gian là quá ngắn ngủi để tạo dựng một thể chế hoàn chỉnh và một nền văn hoá mới. Vì vậy, đội quân Tần không hàng Hán muốn tồn tại được ở đất Bách Việt phải trở thành đội quân Bách Việt. Đó là lý do tại sao Triệu Đà không thể lập lại một nước Triệu của nhà Triệu theo họ của mình mà phải chọn tên nước là Nam Việt. Bản thân ông lấy vợ người Việt, đền thờ một trong số phu nhân người Việt của ông hiện ở Đồng (Đường) Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Trọng Thuỷ là con Triệu Đà cũng gửi rể Âu Lạc. Những nghiên cứu về đồ tuỳ táng chôn trong các khu mộ táng Nam Việt cũng như xương cốt và ADN cổ phản ánh rõ ràng ưu thế Việt tộc trong quốc gia Nam Việt của Triệu Đà. Trong mộ vua Nam Việt cũng như mộ các quan thứ sử, huyện lệnh Nam Việt đều chôn theo những bảo vật của người Việt thuộc nhóm văn hoá Đông Sơn, như trống đồng, thạp đồng, rìu chiến và nỏ...Gần đây, chúng tôi nhận thấy chiếc thạp đồng Đông Sơn số 2505-29 thuộc Bảo tàng Barbier-Mueller ở Geneve rất giống chiếc thạp chôn trong mộ của Nam Việt Văn đế Triệu Muội, cháu ruột Triệu Đà và là vị vua thứ hai của Nam Việt . Chiếc thạp mới phát hiện này có khắc 22 chữ Hán theo phong cách Nam Việt, trong đó hai chữ đầu ghi địa danh có thể đọc được là Long Xoang. Theo chúng tôi rất có thể đây là một biến âm của chữ Long Xuyên, nơi Triệu Đà làm huyện lệnh trước khi lập nước Nam Việt. Như vậy, có thể đây chính là chiếc thạp liên quan đến Triệu Đà. Chiếc thạp trong mộ Triệu Muội có thể là do Triệu Đà ban tặng lại.
Nước Nam Việt do Triệu Đà lập ra rõ ràng là một quốc gia của người Việt. Một nhà nước chống laị sự bành chướng của văn hoá Hán. Dưới sức ép của nhà Hán, cũng như Nam Việt, một loạt tiểu quốc Bách Việt khác ra đời : Đông Âu, Tây Âu, Lạc Việt. Sự cọ sát giữa các tiểu quốc này có lẽ cũng tương tự như tình trạng các nước chư hầu dưới thời Chu Thiên tử. Tây Âu đã xát nhập được với Lạc Việt, trở thành Âu Lạc, thủ phủ ở Cổ Loa. Nam Việt gây hấn với Đông Âu rồi cuối cùng thôn tính Âu Lạc trở thành một tiểu quốc hùng mạnh ở khoảng giữa thế kỷ 2 trước Công nguyên. Sau khi Triệu Đà mất, nước Nam Việt bị chia rẽ và suy yếu, bị sát nhập vào nhà Hán sau Đông Âu vài chục năm (111 trước Công nguyên) .
Triệu Đà trong chính sử Việt Nam
Giao tiếp Hoa Hạ và Bách Việt vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ I trước Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều thừa nhận cuộc vận động nông nghiệp, tụ cư, văn minh và nhà nước sớm ở vùng sông Hoàng và sau đó lan xuống lưu vực sông Hoài, Hán và sông Trường Giang. Với sự hình thành các trung tâm kinh tế chính trị mạnh dưới thời Thương, Chu, thế giới người Hoa Hạ sông Hoàng đã tạo ra một cơn lốc xoáy văn hoá lan rộng ra xung quanh. Về phía nam, cơn lốc văn hoá đó nhanh chóng kích thích các trung tâm văn hoá tiền sử muộn ở trung và hạ lưu sông Trường Giang. Kết quả là sự hình thành một loạt quốc gia mới ở khu vực phương nam, lớn nhất phải kể đến : Sở, Ngô và Việt. Cục diện chiến tranh thời Chiến Quốc đã tao ra một làn sóng di dân hoà bình từ khu vực Hán hoá sớm ở lưu vực Trường Giang (Thục, Sở, Ngô, Việt…) xuống các trung tâm văn hoá Bách Việt thuộc Vân Nam (Điền), Tứ Xuyên (Trung Sơn, Dạ Lang), Ngũ Lĩnh (Quế Lâm, Tượng, Tây Âu ), Đông Hải (Mân, Đông Âu), Nam Hải (Lạc Việt). Đương thời đó là những vùng chịu ảnh hưởng của ba nền văn hoá đồng thau bản địa : Điền (Vân Nam), Ba Thục (Tứ Xuyên) và Đông Sơn (Bắc Việt Nam, Lưỡng Quảng). Bên cạnh các nhóm tộc người Bách Việt bản địa bắt đầu xuất hiện ở Hoa Nam những dòng tộc hoa hạ mới. Sự đan xen văn hoá Hoa Việt đầu tiên giúp thành tạo một hệ thống đồ đồng mới mang tên Hoài thức ở trung và hạ lưu Trường Giang. Cuộc đan xen lần này phức tạp hơn bởi địa hình phương nam bị chia cắt bời nhiều hệ núi cao, sông dày đặc. Vào khoảng cuối thiên niên kỷ I trước công nguyên ở toàn vùng Hoa Nam đã xuất hiện một số vùng văn hoá khác Hán lớn : Điền (Vân Nam), Dạ Lang (Tứ Xuyên, Quý Châu), Đông Âu (Triết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Tây Âu (Quảng Tây), Nam Việt (Quảng Đông, Quảng Tây), Lạc Việt (Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam). Trong khi đó văn hoá Đông Sơn còn khá nguyên dạng. Sự biến đổi mới chỉ xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía bắc và dọc ven biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Tại những nơi này, bộ tuỳ táng Đông Sơn được bổ sung bởi những yếu tố mới mang phong cách phương Bắc, như một số đồ đựng dùng trong lễ nghi, ăn uống và đồ gỗ sơn then. Điển hình nhất là các mộ Đông Sơn chôn trong quan tài thân cây khoét rỗng, như mộ Việt Khê, La Đôi, Kiệt Thượng, Châu Can, Châu Sơn, Phú Lương, Ngoại Độ, Động Xá, Yên Bắc …Khi khai quật các mộ gạch đầu công nguyên tại Việt Nam, nhà khảo cổ học Thuỵ Điển Olop Janse đã mạnh dạn đề xuất khái niệm văn hoá Lạch Trường nhằm diễn tả sự biến đổi của văn hoá Đông Sơn bản địa dưới tác động của các yếu tố văn hoá phương bắc. Trong Hội nghị 100 năm Khảo cổ học Việt Nam (Hà Nội, 12.2001) tôi đã đề xuất mở rông khái niệm văn hoá Lạch Trường với nội dung là sự tham gia của các yếu tố văn hoá phương bắc vào văn hoá Đông Sơn lên đến tận thế kỷ 4,5 trước Công nguyên, tức là với làn sóng nam tiến tránh nạn binh đao từ thời Chiến Quốc, mà Việt Khê là hiện tượng mở đầu tiêu biểu.
Hình ảnh phiên chợ đa tộc được mô tả bằng tượng khối trên mặt một trống đồng trong văn hoá Điền khắc hoạ bức tranh sinh động nhất cho hiện tượng giao thoa hội nhập thời Chiến Quốc và hậu Chiến Quốc ở khu vực Hoa Nam này. Trong khung cảnh đó phải thừa nhận ý thức tộc người mặc dầu đã hình thành nhưng chưa xuất hiện ý thức đối kháng và hằn thù dân tộc như sau này. Đó là môi trường mà sử sách đã ghi nhận sự tham gia của cá tộc người phương nam vào dòng chảy văn hoá phương bắc cũng như ngược lại vai trò của các dòng tộc phương bắc trong các thành tựu văn hoá phương nam. Sự tích hình thành Lạc Long Quân, Âu Cơ tạo sinh ra trăm trứng nở thành trăm con trai trong đó có Hùng Vương đầu tiên gắn với chuyến nam du của Kinh Dương vương từ Hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc), Lý Ông Trọng ở đền Chèm.
Cuộc chinh phục mang tính quân sự đầu tiên của văn minh Hoa Hạ xuống vùng Bách Việt diễn ra vào đời nhà Tần (cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên). Sau nhiều lần bị người Việt đánh bại, đến năm 219 nhà Tần mới khai thông con đường xuống phía nam, lập ra quận huyện ở Nam Hải (vùng Lạc Việt ở Quảng Đông, Quảng Tây và Dương Việt ở Hồ Nam) cũng như ở vùng núi Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên. Đây là lần đầu tiên chính quyền Hoa Hạ xác lập được ở Bách Việt Lĩnh Nam. Cuối đời Tần, quan lại Hoa Hạ của nhà Tần ở cả hai khu vực này đều cát cứ, lập quốc gia riêng cắt đứt quan hệ với Trung Nguyên. Ở Nam Hải, Triệu Đà giết các Trưởng lại người Hoa Hạ, liên kết với người Việt lập ra nước Nam Việt.
Nước Nam Việt của người Việt hay người Hoa Hạ
Cương vực
Địa bàn đầu tiên của nước Nam Việt là quận Nam Hải, gồm vùng núi Hồ Nam (bắc Ngũ Lĩnh) đến Trường Sa (thư Hán Văn đế gửi Triệu Đà), toàn bộ Quảng Đông và một phần Quảng Tây phía ven biển đông nam (mộ Quý huyện La Bạc Loan). Đô thành đóng ở quận lỵ Nam Hải có tê là Phiên Ngung (nay là Quảng Châu). Để cai trị nước mới này, việc đầu tiên, Triệu Đà thay thế tướng lĩnh Hoa Hạ không trung thành với mình bằng thủ lĩnh người Việt (Sử ký, Hán thư, Toàn thư). Cùng một phản ứng như Triệu Đà, nhiều thủ lĩnh bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc các nhóm Bách Việt khác có lãnh thổ giáp ranh với nhà Hán đều xưng vương dưới dạng thần phục hoặc chống lại nhà Hán, như Đông Âu Vương, Mân Việt vương, Dạ Lang vương, Tây Âu vương, Điền vương (và có thể cả Hùng vương nữa). Trong giai đoạn đầu, chưa đủ sức chinh phục, nhà Tây Hán thực hiện chính sách phong vương cho các thủ lĩnh bộ lạc hay tiểu quốc cát cứ vùng biên trấn (thư của Hoài Nam Vương Lưu An, Toàn thư, tr.147). Các tiểu quốc biên trấn quan hệ với Tây Hán dưới dạng thiên tử chư hầu. Nhà Triệu đã từng bước mở rộng lãnh thổ Nam Việt trong phạm vi bang giao hoà bình và quân sự với các tiểu quốc Việt láng giềng. Từ năm 185 trước Công nguyên, sau khi Lã Hậu nhiếp chính đã thực hiện một loạt biện pháp cứng rắn với các tiểu quốc phiên trấn. Đặc biệt là chính sách cấm giao thương biên ải với Nam Việt ở vùng Trường Sa (Hồ Nam). Phản ứng trước chính sách của Lã Cao Hậu, năm 182 trước công nguyên Triệu Đà xưng Đế , tấn công Trường Sa, công khai chống lại nhà Tây Hán. Năm 181 trước công nguyên, nước Nam Việt được mở rộng gần như toàn bộ phần đông của Hoa Nam nhờ việc đã thần phục được cả Đông Việt (Triết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Âu Lạc (Quảng Tây và Bắc Việt Nam). Có hai viên quan dưới thời Triệu Đà đã sang quản lý Giao Chỉ và Cửu Chân, sau khi nước Nam Việt mất, nhờ việc đem nộp sổ hộ khẩu hai quận này mà cả hai được nhà Tây Hán cho tiếp tục làm quan coi đất cũ. Điều này cho thấy việc ghi nhận Kỷ Nhà Triệu tính từ năm 181 trước Công nguyên của Việt Sử lược là xuất phát từ khi Âu Lạc (Giao Chỉ, Cửu Chân) xát nhập vào Nam Việt là có cơ sở.
Triều đình và hoàng thất
Triều đình Nam Việt còn mang nặng màu sắc chế độ thủ lĩnh bộ lạc. Điều này được sứ giả nhà Hán là Lục Giả mô tả lại rất rõ qua hai lần đi sứ sang Phiên Ngung (“vua ngồi xổm tiếp sứ giả”). Văn tự Hán ở Nam Việt rất kém phát triển. Có thể nhận thấy thông qua những minh văn chữ Hán được khắc rất xấu và mắc nhiều lỗi chính tả trên cả những đồ ngự dụng dành riêng cho Hoàng Đế và phu nhân trong mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Muội. Nước Nam Việt tuy của một ông vua Hoa Hạ nhưng duy trì nhiều phong tục và luật lệ hoàn toàn khác Hán. Dường như ông cháu Triệu Đà đã cố tình duy trì như vậy để khắc hoạ tính khác Hán của triều đình Nam Việt của người Việt. Bản thân Triệu Đà lấy vợ Việt . Đến đời con là Trọng Thuỷ tương truyền cũng gửi rể Âu Lạc. Vị vua thứ năm (Thuật Dương Vương) cũng lấy vợ người Việt. Có lẽ chỉ có Anh Tề (vua thứ ba) lấy vợ họ Cù người Hán khi làm Thái tử con tin sống trên đất Hán. Năm 111 nước Nam Việt mất vào tay nhà Tây Hán sau 93 năm tồn tại, trong đó riêng Triệu Đà đã ở ngôi điều hành đất nước tới 71 năm. Hoàng thất họ Triệu đã là thành tố chính hình thành một dòng tộc Triệu lớn mạnh hiện còn phổ biến trong số người Choang, Tày Nùng ở Quảng Tây và các tỉnh biên giới miền bắc nước ta như Cao Bàng, Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn… Khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được những gương đồng ghi rõ minh văn “Triệu thị tác kính” thuộc những thế kỷ đầu công nguyên. Họ Triệu cũng từng hai lần phục quốc thành công trong thời bắc thuộc với Triệu Quốc Đạt cùng em gái là Triệu Thị Trinh (Triệu Ẩu) vào thế kỷ thứ 2, và Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) vào thế kỷ thứ 6.
Triệu Đà trong chính sử Việt Nam
Thái độ của sử gia Việt Nam qua các đời đối với Triệu Đà
Triệu Đà và nước Nam Việt được ghi chép rất sớm trong chính sử Trung Quốc. Chính sử Việt Nam được xây dựng chính thức dưới triều đại nhà Lý, nhưng sách sử còn lại hiện chỉ có ở đời nhà Trần. Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần hiện còn lưu lại trong Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) đời Lê rồi sau đó được biên dẫn lại trong Việt sử Thông giám cương mục đời Nguyễn. Ngay từ những cuốn sử chính thống đầu tiên đó, nền sử học chính thống của nước ta đã ghi nhận vai trò của những nhân vật lịch sử đã có công trong việc tạo dựng và dành lại độc lập dân tộc. Lời than của Lê Văn Hưu được ghi lại trong Toàn thư (tập 1, tr.160) khi nhận định về tình trạng đất nước dưới quyền thống trị của các thứ sử, thái thú nhà Hán phản ánh tâm trạng của nhân dân, triều đình và sử gia Việt Nam đương thời :”Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ, Bắc kinh đường xa không biết kêu vào đâu, bất giác xen lẫn cảm thương hổ thẹn, muốn tỏ lòng thành như Minh Tông nhà Hậu đường, thường thắp hương khấn trời : Xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà, để khỏi bị người phương Bắc cướp vét”. Vì vậy, phàm bất kể nhân vật thuộc gốc tích thế nào mà có ý tưởng và hành động đem lại độc lập cho nước Việt đều được nhà nước Lý, Trần và các sử gia tôn vinh. Đó là lý do tại sao Kỷ Nhà Triệu và Kỷ Sĩ Vương đã tồn tại suốt trong chính sử phong kiến Việt Nam. Việc “Bình Ngô Đại cáo” do Nguyễn Trãi soạn đã tuyên nhà Triệu lên mở đầu cho chuỗi triều đại độc lập của Việt Nam (“Trải qua Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần…”) cũng nằm trong hệ tư tưởng chung đó. Có thể nói, Lê Văn Hưu là người đã thiết lập nền nếp đó, khi ông nhận xét về Triệu Đà :” Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân tâm, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương bắc không thể lại ngấp nghé được”.
Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh kỹ về kỷ nhà Triệu trong Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Sử lược ta thấy Việt Sử lược chỉ tính nhà Triệu có 74 năm thôi chứ không phải 93 năm như Toàn thư. Do đâu mà có sự sai khác đó ? Đó là tác giả Việt Sử lược chỉ tính thời gian nhà Triệu từ khi sát nhập Âu Lạc vào Nam Việt mà thôi, trong khi Toàn thư tính toàn bộ thời gian tồn tại của Nam Việt.
Triệu Đà và nước Nam Việt bắt đầu bị phê phán để đưa ra khỏi chính sử Việt Nam từ Ngô Thì Sĩ khi ông viết Việt sử Tiêu án dưới thời Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Đây là thời kỳ dân tộc ta vừa trải những biến động xã hội lớn, trong đó xuất hiện những tư tưởng chống xâm lược, phục hưng dân tộc phi thường của Quang Trung Nguyễn Huệ đồng thời xuất hiện tư tưởng bán nước, cõng rắn cắn gà nhà của Gia Long Nguyễn Ánh và Lê Chiêu Thống. Trong hoàn cảnh đó xuất hiện ý thức bài ngoại trong hệ tư tưởng một số sử gia Việt Nam. Với hệ tư tưởng đó, Triệu Đà, Sĩ Nhiếp là những người gốc Hoa Hạ đương nhiên không thể được tôn vinh như trước nữa.
Quốc Sử quán triều Nguyễn sau đó đã tôn trọng quan niệm của những người viết sử thời Trần, Lê về Triệu Đà và Sĩ Nhiếp. Thậm chí, để tôn vinh lại quốc hiệu Việt, triều đình nhà Nguyễn đã từng tái sử dụng quốc hiệu “Nam Việt” và danh xưng “Hoàng Đế” của Triệu Đà nhằm đối chọi với mưu đồ bành chướng của nhà Thanh. Hai ngôi đền thờ Triệu Đà hiện còn ở Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) và Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) đều nhận được sắc phong ca tụng công đức và kinh phí tu sửa của các đời vua Lê, Nguyễn. Đó cũng chính là ý nguyện của những người dân trong vùng.
Trong thời đại chúng ta, Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi sử dụng lịch sử như một vũ khí động viên tinh thần yêu nước của nhân dân, đã tiếp thu tư tưởng làm sử truyền thống đó khi Người cũng mở đầu chuỗi các triều đại Việt Nam độc lập bằng nhà Triệu . Cho đến ngày hôm nay, không phải mọi nhà sử học đều có cùng quan điểm đánh giá tích cực về Triệu Đà và nước Nam Việt, trong đó tiêu biểu nhất là ý kiến có phần cực đoan của ông Lê Mạnh Thát trong tác phẩm : “Lục độ tập kinh và Lịch sử khởi nguyên dân tộc Việt”.
Một số tư liệu khảo cổ
có liên quan đến Triệu Đà và nước Nam Việt
1- Mộ táng thời Nam Việt ở Quảng Đông, Quảng Tây
Nam Việt tồn tại 93 năm (207 đến 111 trước Công nguyên). Về mặt khảo cổ học chúng ta có một hệ thống mộ táng thuộc thế kỷ 2 trước Công nguyên ở Quảng Đông, Quảng Tây làm chuẩn so sánh cho khái niệm khảo cổ học Nam Việt. Tiêu biểu nhất là mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Muội Quảng Châu, Quảng Đông, mộ một viên quan thuộc hàng huyện lệnh ở La Bạc Loan, Quý Huyện, Quảng Tây và hệ thống mộ Quảng Châu, Hợp Phố được xếp vào niên đại Tây Hán sớm. Thoạt đầu, các nhà khảo cổ học Trung Quốc xếp các mộ này vào văn hoá Tây Hán nói chung. Nhưng càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng như quốc tế ưa dùng thuật ngữ Nam Việt hay Giao Chỉ để hàm chỉ sự khác biệt mang tính địa phương của văn hoá khảo cổ dưới tác động của nước Nam Việt tương tự như hiện tượng nền văn hoá vào thời Tây Hán nhưng rất khác Hán ở Vân Nam (văn hoá Điền). Nền tảng của nền văn hoá này là văn hoá đồng thau Bách Việt, trong đó yếu tố Đông Sơn khá đậm nét.
Như phần trên đã nói, trước khi đoàn quân Tần nam chinh Bách Việt vào cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, do những biến động chính trị ở lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử, nhiều quý tộc, thương nhân và bại tướng người Sở, Ngô, Việt (Câu Tiễn) đã di chuyển xuống phía nam hoà nhập với các nhóm Bạch Việt còn lại ở Hoa Nam. Họ có thể là những người gốc Hoa Hạ hoặc là người Bách Việt đã Hoa Hạ hoá trong quá trình dăm bảy trăn năm gia nhập khối chư hầu của nhà Chu, từ thời Xuân Thu qua Chiến Quốc. Sự tham gia của làn sóng này thể hiện ở ba hướng : A - Hướng qua Tứ Xuyên đi vào tây nam đến khu vực Điền Trì mang nặng màu sắc văn hoá Sở. B- Hướng qua Tứ Xuyên, Quế Châu đi vào tây nam Ngũ Lĩnh (Quảng Tây, huyện Văn Sơn thuộc Vân Nam) nơi đầu nguồn của các dòng sông chính đi về phía Đông vào Quảng Đông – sông Tây Giang và vào Việt Nam, sông Hồng, Lô, Chảy. C- Hướng ven biển, từ vùng nước Việt cũ của Câu Tiễn, cửa sông Trường Giang, lưu vực sông Hoài, xuống Đông Âu (Triết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến) và Lạc Việt ở Quảng Đông (Trung Quốc), Quảng Ninh (Việt Nam), đồng bằng ven biển Việt Nam. Chính làn sóng này đã tham gia làm biến đổi màu sắc các nền văn hoá khảo cổ bản địa ở khu vực này, nền tảng cho sự ra đời một loạt tiểu quốc mang màu sắc chế độ thủ lĩnh phương nam, như Điền, Dạ Lang, Tây Âu, Nam Việt, Đông Âu, Mân Việt, Lạc Việt. Ngoài những yếu tố rất chung của Trung Nguyên, mỗi hướng mang theo tính địa phương của mình hoà nhập vào những nhóm Bách Việt phương nam lớn bị chia cắt nhiều bởi địa hình sông núi phương nam.
Văn hoá Nam Việt thoạt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hàng vạn quân tướng người Hoa Hạ nước Tần đồn trú, đặc biệt ở các khu vực quận huyện (Phiên Ngung, Hợp Phố, Quý Châu). Sau khi Nhà Hán thành lập, chỉ trừ không đày 5 năm dưới thời Lữ Hậu cấm giao thương, nền văn hoá Nam Việt có quan hệ trao đổi mạnh với Trung Nguyên thông qua Trường Sa (Hồ Nam). Điều đó giải thích tồn tại nhiều dấu ấn văn hoá Tây Hán trong bộ di vật Nam Việt bên cạnh những đồ Đông Sơn bản địa và đồ đã từng ảnh hưởng Hoa Hạ thời Chiến Quốc. Việc so sánh với các ngôi mộ cùng thời ở Trường Sa, như mộ Mã Vương Đôi, mộ Vương Quang sẽ giúp thấy tính khác biệt của bộ đồ Nam Việt chính là ở khối lượng đồ gốm và đồ đồng phong cách Đông Sơn, Nam Hải.
2- Mộ táng niên đại tương đương Nam Việt phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam
Những mộ Đông Sơn chôn trong quan tài thân cây khoét rỗng tìm được phổ biến ở dồng bằng miền bắc nước ta sẽ cho chúng ta những tư liệu so sánh tốt nhất với những biến đổi văn hoá nói ở phần trên. Ngôi mộ sớm nhất thuộc loại này vẫn là mộ số 1 ở Việt Khê. Niên đại hợp lý cho mộ này là khoảng thế kỷ 3-4 trước Công nguyên, tức thuộc niên đại Chiến Quốc, thời điểm trước khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc và cử đoàn quân nam chinh Bách Việt. Nhóm mộ cùng loại ở Châu Can (Hà Tây) cũng nằm ở khung niên đại này. Họ là những người sử dụng gốm Đường Cồ thuần tuý. Công cụ, vũ khí bằng đồng mang đậm nét phong cách Đông Sơn. Đồ gỗ sơn then xuất hiện sớm, mới chỉ dừng ở đồ uống (nhĩ bôi), đĩa, khay, cán giáo. Đồ đựng đồng ảnh hưởng kiểu dáng phương bắc nhưng được chế bằng nghệ thuật đúc và trang trí Đông Sơn.
Mộ Nam Việt muộn hơn. Nhờ so sánh với đồ tuỳ táng trong mộ La Bạc Loan và mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Muội chúng ta có thể nhận ra niên đại và tính chất Nam Việt trong bộ đồ tuỳ táng chủ nhân mộ thân cây khoét rỗng ở Kiệt Thượng thuộc Chí Linh (Hải Dương) và loạt mộ cùng loại khai đào ở vùng trũng dọc sông Đáy thuộc hai huyện Phú Xuyên, Ứng Hoà (Hà Tây). Đồ đựng dùng trong ăn uống tiêu biểu là đĩa có vành dạng chậu, quai hổ phù, vật rót rượu dạng “Di”, các nạo đồng mỏng đi cùng bộ đồ Đông Sơn điển hình.
Hà Nội, 30.5.2008
Nguyễn Việt
OTHERS ARTICLES
[8/13/2011]
Nguồn cội hình thành truyền thuyết Thánh Gióng
[8/13/2011]
Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn
[8/13/2011]
Yên Bái - Vùng đất của những thạp đồng Đông Sơn lớn nhất và đẹp nhất
[8/29/2010]
Ly's name of Giao Chỉ during Han Age
[1/11/2010]
Khảo sát dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn
[1/10/2010]
Những người dân xa xứ đã từng hiến đất mở rộng kinh thành Thăng Long ở TK 15
[10/26/2008]
Thạp đồng Đông Sơn của huyện lệnh Long Xoang (Xuyên) Triệu Đà
[10/20/2008]
Âu Lạc và Giao Chỉ - một số vấn đề ngữ âm học lịch sử
[10/1/2008]
Thanh kiếm ngắn Đông Sơn mang hình tượng Hai Bà Trưng
[10/1/2008]
Đai hội Khảo cổ học Thế giới (WAC-06)
[8/7/2008]
ArchaeoEthnobotany records of Canarium in Vietnam and in SEA
[8/7/2008]
Hoabinhian Macro Botany
[8/6/2008]
Homeland of the HoaBinhian in Vietnam
[8/6/2008]
Hoabinhian Food Strategy in Vietnam
[8/6/2008]
Archaeology of Death in Vietnam
|