Vui buồn chuyện làng gốm Bình Đứ
Vui buồn chuyện làng gốm Bình Đức
BT-
Làng gốm Chăm Bình
Đức bao đời nay nổi tiếng với nghề làm gốm, nên còn có tên khác là làng Gọ hay
làng đồ gốm (Pley Rigok). Đó là một thôn với hơn 200 hộ dân theo nghề, nằm dọc
quốc lộ 1A, ngay trung tâm huyện Bắc Bình.
Ở Bình Đức, nghề
làm gốm nối tiếp nhau từ mẹ truyền cho con gái. Người Chăm ở đây chỉ sản xuất
những vật dụng sinh hoạt gia đình dân dã, rẻ tiền; nên địa chỉ tiêu thụ cũng
loanh quanh các vùng nông thôn. Những nồi cơm, trả kho cá, lò than, lò củi, chum
đựng nước… chỉ đủ mang lại cho các mẹ, các chị chi phí mắm muối của những bữa
cơm đơn giản; sách vở, quà bánh của trẻ con. Làm ruộng, làm rẫy vẫn là kinh tế
chính. Bởi vậy bà con chỉ tranh thủ thời gian rảnh để làm gốm, như một cách
truyền nghề và giữ nghề.
|
Nghệ nhân Đơn Thị Chưa: Người Bình Đức làm gốm
mỹ nghệ rất tinh xảo, nhưng gốm thủ công mới đem lại thu nhập |
Tín hiệu mừng đến
với làng gọ Bình Đức vào cuối năm 2008. Đó là có khá nhiều hợp đồng của các nhà
hàng, khách sạn, tiệm kim hoàn ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,
Ninh Thuận… đặt mua với số lượng lớn các loại nồi cơm, trả nấu lẩu và chén nấu
vàng. Vì sao các chủ nhà hàng, chủ tiệm kim hoàn ở vùng không thiếu lò gốm lại
lặn lội về Bình Đức đặt hàng? Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu, người từng biểu diễn nghề
làm gốm thủ công trong hội chợ đồ gốm Á Châu tổ chức tại Nhật Bản năm 1996, tiết
lộ: Bình Đức có vùng sét tốt, nên các loại nồi cơm, trả nấu lẩu, nồi kho cá…chịu
được sức nóng của của lò gas. Nồi không bị bể, mà cơm, thịt lại thơm ngon. Còn
chén nấu vàng thì vàng không bị hao hụt. Sản phẩm bình dân, giá bán cũng rất
bình dân. Một cái nồi, dạng nồi đồng chỉ 15.000 đồng, trả nấu lẩu 10.000 đồng
còn bộ 3 chén nấu vàng chỉ 5.000 đồng… Nhờ những hợp đồng này, bây giờ người làm
gốm Bình Đức đã thường xuyên làm nghề và tiêu thụ được hàng làm ra.
|
Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu, bàn tay vàng của làng
gọ Bình Đức |
Điều đặc biệt của
người thợ gốm Bình Đức là giữ nguyên vẹn nghề gốm cổ truyền từ bao đời nay. Các
chị không làm khuôn tạo sản phẩm hàng loạt, mà nặn từng sản phẩm, dù là đơn giản
hay phức tạp. Với bàn tay mềm mại, khéo léo và điêu luyện của người phụ nữ Chăm,
không thể phát hiện ra điểm khác giữa 2 sản phẩm cùng một thợ nặn. Các mẹ, các
chị đi quanh một cái bàn để nặn từng sản phẩm, chứ không ngồi hay đứng một chỗ
thao tác, không dùng bàn xoay như các nơi khác. Thành phẩm bán ra thị trường
cũng không phải qua lò nung, mà đốt thủ công, bằng cách xếp xen kẽ sản phẩm trên
mảnh đất ở rìa làng với rơm rạ, cành củi khô, chờ có gió nổi lên mới châm lửa.
Trên màu đỏ tươi tự nhiên, người thợ còn trang trí thêm cho sản phẩm bằng những
vệt màu nâu đỏ ngâm từ vỏ cây vụ, người Chăm gọi là phul buk, vảy lên những nồi,
những chum… lúc vừa lấy ra khỏi đống tro than còn nóng.
Tại các khu du
lịch ở Bình Thuận, dưới gốc cây dừa hay trước bậc thềm phòng ngủ, các lu Chăm
(pụ) chứa nước, với cái gáo dừa gác lên trên là hình ảnh khá thân quen để trang
trí; nhưng với người dân nông thôn, nước chứa trong lu Chăm luôn giữ được sự mát
lạnh tự nhiên, dù ban trưa nắng gắt, nên bà con rất thích dùng. Ngoài ra, sản
phẩm lò (khuôn) làm bánh căn, bánh xèo của Bình Đức gần đây cũng được “xuất
ngoại” khá nhiều; để người Bình Thuận xa quê hương làm 2 món ăn truyền thống,
nhớ hương vị quê nhà.
Từ sau năm 2008,
Bình Đức cũng có một số hộ tham gia làm gốm mỹ nghệ. Những bình hoa, chụp đèn,
gạt tàn thuốc, bình phong thủy, những con thú xinh xắn… mang nét độc đáo riêng,
không trùng lặp với bất cứ đâu, vì được nặn bằng tay. Nhiều trường mầm non, tiểu
học ở Bắc Bình sử dụng sản phẩm gốm của quê hương làm vật dụng dạy học, để các
cháu biết và yêu nghề truyền thống của địa phương. Nhưng theo nghệ nhân Đơn Thị
Chưa: Làm cái trả, cái nồi, sản phẩm truyền thống dễ bán hơn, vì thường xuyên sử
dụng trong cuộc sống, giá lại rẻ. Đồ mỹ nghệ chỉ bán được trong các đợt hội chợ,
triển lãm, khi các khu du lịch đặt hàng. Bởi vậy mà bà con ở Bình Đức chưa mặn
mà với gốm mỹ nghệ.
Vất vả nặn từng
cái trả, cái nồi với thu nhập ít ỏi, nhưng người thợ gốm Bình Đức luôn cho mình
giàu. Cái giàu mà nghề gốm Chăm cổ truyền mang lại cho bà con, là họ đã truyền
được nghề của tổ tiên từ đời này sang đời khác.
QUANG HUY