Ngày 22 Tháng 1, 2009 | 04:00 AM

Lãm Sơn Tự - Đại trụ rồng đá Đất Việt

Lãm Sơn Tự - Đại trụ rồng đá Đất Việt

Giadinh.net - Một tuyệt tác điêu khắc được tạc vào năm Quảng Hữu thứ 22 (1086), cột đá chùa Dạm với tên chữ “Lãm Sơn Tự” là công trình lưu truyền cho hậu thế một giá trị nghệ thuật đặc sắc của điêu khắc thời Lý - một nền điêu khắc đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Phần còn lại của Đại trụ rồng đá (Ảnh: TG).

 
Trơ gan cùng tuế nguyệt gần 1.000 năm qua, công trình điêu khắc độc nhất vô nhị này vẫn giữ trong lòng không ít bí mật chưa được khám phá.

Như một huyền thoại

Thời gian gần đây, Kinh Bắc rộ lên thông tin về những “báu vật” mới được phát hiện, như mộ tổ nhà Lý ở Dương Lôi (còn nghi vấn), khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu (duy nhất có ở Việt Nam), lò gốm cổ Đương Xá (thế kỷ X, sớm nhất ở Việt Nam, còn nguyên vẹn), tượng có cốt xương thiền sư Như Trí (thời Lê, tại chùa Tiêu)... Tuy nhiên, khi lập danh sách hiện vật để đề nghị được công nhận là “bảo vật quốc gia” lên Cục Di sản Văn hoá, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh vẫn liệt cột đá chùa Dạm là bảo vật đứng đầu. Men theo hàng trăm bậc được làm từ những phiến đá rêu phủ, chúng tôi tìm lên chùa để chiêm ngưỡng công trình tuyệt kỹ của cha ông. Cột đá Lãm Sơn Tự đứng vững chãi phía ngoài khuôn viên nhà chùa, một mặt tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng đến hàng nghìn mét vuông. Phần còn lại của cột đá hiện nay cao hơn 5 mét.
 

Cụ Phạm Thị Tẹo giới thiệu về dấu tích của chùa Dạm xưa (Ảnh: TG).

Xét về niên đại, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng cột đá chùa Dạm được tạc từ thế kỷ XI. Sự bí ẩn, kỳ lạ của cột đá này trước hết ở chỗ có rất nhiều giả thuyết cho rằng đây là một cột cờ. Phần trên của cột đá, có những hốc được đục vuông vắn, có giả thuyết cho đó là những mố để dựng một ngôi chùa một cột xưa kia. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều nhà khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa lịch sử đồng tình, thì cột đá chùa Dạm là chiếc Linga, một biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực dân gian có nguồn gốc từ văn hóa Chămpa. Nhưng cũng có giả thuyết khác cho rằng, trên đỉnh cột đá cũng có thể là tòa sen, chứ không nghiêng về giả thuyết ngôi chùa trên đỉnh cột. Bởi hình tượng rồng đội tòa sen là mô típ rất phổ biến ở trong các ngôi chùa Việt. Những di vật thời Lý, như ở pho tượng A Di Đà của chùa Phật Tích, ở đế bệ hình bát giác có trang trí những hình rồng, những hình rồng này đều nằm ở phía dưới tòa sen, là nơi Phật an tọa. Nhưng đến nay, tất cả đều chỉ dừng lại ở giả thuyết.

Báu vật bị lãng quên

Tất cả sẽ không bị đưa vào màn bí ẩn nếu cột đá còn nguyên bản. Nhưng theo truyền khẩu của nhân dân địa phương, khoảng thế kỷ XVI cây cột đã bị sét đánh gãy. Cụ Phạm Thị Tẹo, người tình nguyện trông coi chùa kể: “Người xưa kể rằng, cột đá là tấm bia để tưởng nhớ đến tinh thần giữ nước của một người dân Việt...”. Tương truyền, người Trung Quốc yểm Cao Biền ở đất này để xâm chiếm nước ta. Họ nhờ một người dân đốt lần lượt 100 nén hương, cháy hết thì Cao Biền sẽ dậy. Nhưng người này, sau khi biết âm mưu của người Trung Quốc đã đốt 100 nén cùng một lúc, dẫn đến việc Cao Biền phải dậy non, không đủ sức mạnh để chiếm nước ta”. Cho dù đó chỉ là một truyền thuyết, nhưng tích “Cao Biền dậy non” vừa là niềm tin, vừa là niềm tự hào của tinh thần ý thức bảo vệ đất nước của người dân Việt.
 

Ông Phạm Mạnh Tập khoe giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam (Ảnh: TG).

Cụ Tẹo cho biết thêm, cột đá thiêng không phải là thứ đá lấy ở núi Lãm, bởi vùng này không có thứ đá đặc biệt đó. Ở trên một ngọn núi cao, hiểm trở, người đi bộ còn vất vả thì việc làm sao các bậc tiền nhân đưa đá được lên núi cũng là điều bí ẩn. Giải thích điều này, ông Phạm Mạnh Tập, Trưởng Ban quản lý chùa Dạm cho biết, loại đá để tạc Lãm Sơn Tự người ta chỉ tìm thấy ở Đông Triều, Thiên Thai, Phả Lại. Rất có thể đá được đưa bằng đường sông Hồng về. Để đưa được đá về đây, người ta phải đào ngòi Con Tên, dẫn đến tận chân núi. Nhưng một khối đá to như thế, đưa lên núi bằng cách nào thì không ai biết. “Ngày trước, nhà khoa học Hoàng Lê sau khi về nghiên cứu đã đề ra giả thuyết là đá được nghiền ra rồi mang lên núi mới đắp. Nhưng nếu tận mắt xem phần gãy phía trên đỉnh cột mới thấy đó là một khối đá nguyên bản, thể hiện những đường vân của thớ đá chứ không phải theo kiểu phạt ngang” - ông Tập nói.

Khoe với tôi rằng, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục chùa Dạm có cột đá chạm rồng lớn nhất Việt Nam nhưng ông Tập  không khỏi băn khoăn: “Người dân sở tại luôn ước nguyện một ngày nào đó phục dựng lại nguyên vẹn kiến trúc cho chùa Dạm, nhưng khát vọng này xem ra còn rất xa vời. Cột đá chùa Dạm từng được nhiều nhà nghiên cứu xưng tụng, coi là báu vật hàng đầu của quốc gia vẫn ngày ngày nằm đó trong quên lãng thờ ơ của con người đương đại”. 
 

Toàn cảnh Lãm Sơn Tự nhìn từ trên cao xuống, phía trước là ngòi Con Tên (Ảnh: TG).

 
Đứng dưới chân cột đá thiêng, nhìn về phía ngòi Con Tên chúng tôi cảm tưởng được những chứng tích lịch sử của thời cha ông dựng và giữ nước. Nhưng nay, đại danh lam này phải chịu cảnh điêu tàn và không biết bao giờ mới được đánh thức. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, nhiều di tích lịch sử quan trọng được tôn tạo, thế nhưng chùa Dạm - một trong những công trình bề thế của triều đại nhà Lý thì vẫn đang bị lãng quên.
 

Sử sách ghi lại rằng, chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, còn gọi là núi Dạm, mất 9 năm mới xong. Ngày nay, núi Dạm thuộc về xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa còn có nhiều tên gọi khác: chùa Đại Lãm, Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám, vì chùa được khởi dựng để làm nơi tu hành của Nguyên phi Ỷ Lan, cũng là nơi khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám, trên núi hiện còn một cái giếng có tên gọi là Bống. Hiện tại, nền thứ ba và bốn của ngôi chùa vẫn còn dấu tích chùa và đền thờ Bà Tấm - Nguyên phi Ỷ Lan. Ở đây còn tấm bia đá nhỏ, khắc năm Chính Hòa thứ 17 (1696) cao 0,65m, rộng 1,40m. Bia “Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo Hộ Pháp” cho biết trước đây chùa chưa có Hộ Pháp và hàng ngàn người làm việc phúc, tu bổ chùa, dựng thêm tượng. Ngoài ra, ở di tích chùa Dạm còn tìm được phần đầu tượng đá Kim Cương. Các chân đế cột bằng đá cỡ lớn chạm khắc hoa văn đẹp của công trình thời Lý còn sót lại và nhiều mảnh đất nung hình con vịt, con rồng, hoa lá...

 
Nguyễn Quang Thành

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC