Cập nhật: 8:16 AM GMT+7, Thứ sáu, 04/07/2014
    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành nghiên cứu nhiều khu vực, nhiều di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó góp phần làm sáng tỏ và phong phú thêm lịch sử hàng nghìn năm văn hiến mảnh đất Thăng Long - Hà Nội xưa. Trong phạm vi ấy, chúng tôi đã khảo sát tại khu vực làng cổ Mai Động xưa - vốn là làng cổ ven đô, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nay thuộc phạm vi quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.


    Với góc độ tiếp cận, nghiên cứu về khảo cổ học, sẽ cùng tìm hiểu hiện trạng các di tích và di vật liên quan trực tiếp tới lịch sử, văn hoá vùng đất Mai Động, trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá bước đầu nhằm góp phần cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cũng như tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa trong bối cảnh “đô thị hóa” của vùng đất phía nam ngoại vi Thăng Long xưa đang có những tác động mạnh mẽ.

     Phố Hoàng Mai, quận Hoàng Mai hiện nay.

     Phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai hiện nay.

    - Kết quả khảo sát  khu vực Mai Động cho thấy đây là nơi còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc quan trọng gắn bó mật thiết sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng như đình, nghè, chùa.

    + Đình Mai Động thờ Đức Thánh Tam Trinh. Ngài là tướng của Hai Bà Trưng và đã lập công tích lớn. Không chỉ là một võ tướng (đô [vật] Trinh), đối với khu vực Mai Động, Ngài còn là người đã dạy chữ và truyền nghề làm đậu phụ nổi tiếng cho dân làng. Chính bởi vậy khi Ngài hoá, đã được dân làng Mai Động và lân cận thờ làm Thành hoàng (Văn thánh đức cao truyền đất Việt. Võ thần oai mạnh dậy trời Nam).

     Đường phố mang tên Đức Thánh Tam Trinh.

    Hiện đình còn 5 bia đá ghi rõ về vùng đất cổ Mai Động, lịch sử xây dựng và những người có công đóng góp tôn tạo. Đáng chú ý nhất là tấm bia dựng năm Chính Hoà thứ 20 (1699), cho biết khá đầy đủ lịch sử lâu đời của vùng đất. Vào thời Lê - Trịnh, ngôi đình được Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh, hiệu là Diệu Kính quê ở ốc Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc xứ Thanh Hoá (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) xây dựng. Tại di tích còn lưu giữ  42 đạo sắc phong từ thời Vĩnh Tộ (1622) đến các vua Nguyễn, rất quí hiếm, không phải di tích nào cũng có được.

    + Nghè Mai Động nằm liền kề với đình là nghè Mai Động. Nghè được dựng lại vào năm Duy Tân thứ 10 (1916), với lối bố cục chữ Tam trong một khuôn viên không còn được rộng thoáng như vốn có. Đáng chú ý, phía trước nghè còn một ao nhỏ, tương truyền đây là giếng Ngọc trong truyền thuyết có liên  quan đến Đức Thánh Tam Trinh.

    + Chùa Mai Động (Thiện Khánh tự) đang được bà con trong vùng tôn tạo khang trang với qui mô khá bề thế. Trong chùa hiện còn lưu giữ tấm bia niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (1680) cho biết lịch sử vùng đất Mai Động và quá trình trùng tu lại chùa Thiện Khánh, gắn với công tích của Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh. Trong chùa còn tượng chân dung của bà và người em là bà Trịnh Thị Ngọc Nhị.

     Tháp cổ chùa Mai Động.

     Bia đá thời Lê – Vĩnh Trị thứ 5 (1680) chùa Mai Động.

    + Đình Mơ Táo là di tích thờ vọng Đức Thánh Tam Trinh. Do quá trình đô thị hoá, khuôn viên đình đã thu hẹp, chỉ là kiến trúc 3 gian 2 chái. Di vật là tấm bia niên hiệu Chính Hoà năm thứ 20 (1699) và bộ kiệu long ngai còn khá nguyên vẹn và đẹp, niên đại khoảng thế kỷ 18.

    + Đền Mơ Táo còn gọi là đền Ba Cây, do trước đây trong khuôn viên của đền có ba cây muỗm cổ kính, nên người dân trong vùng đã gọi là đền Ba Cây. Xunh quanh di tích này có nhiều truyền thuyết về một di tích có lịch sử lâu đời và rất linh ứng. Di vật còn lưu giữ trong chùa đáng chú ý nhất là đôi câu đối niên hiệu Khải Định Nhâm Tuất (1922) (Tiền Lê thắng tích thiên niên miếu. Cổ Động Mai hoa tứ tự hương)

    +  Chùa chùa Mơ Táo (Phúc Khánh tự) có qui mô khá lớn, được nhân dân trong vùng cùng khách thập phương cung tiến, tôn tạo khang trang. Di vật còn lưu lại trong chùa là các tấm bia thời Nguyễn (Tự Đức năm 1860 và Bảo Đại năm thứ 6, năm 1931) . Đáng chú ý là quả chuông thời Tây Sơn (niên hiệu Bảo Hưng nhị niên - 1802) đã được biết tới bởi minh chuông đã cho biết đến tình hình tôn giáo, tín ngưỡng vào bối cảnh lịch sử "đặc biệt". Chuông do Trần Thái An là Hiệp trấn xứ An Quảng đúc.

     Chùa Mơ Táo.

     Bia đá thời Nguyễn ở chùa Mơ Táo.

    Ngoài ra, nơi đây còn có những tài liệu, địa danh liên quan trực tiếp đến khởi nghĩa Lam Sơn, trong trận bao vây thành Đông Quan vào mùa xuân năm 1427. Đó là di tích Cầu Voi, nằm trên con đường Tam Trinh hiện nay (ở phía trước chợ Mai Động). Đây là vị trí đã được dân gian và các nhà nghiên cứu xác nhận là di tích gắn liền với hai vị tướng của Lê Lợi là Nguyễn Xí và Đinh Lễ trong trận truy kích giặc Minh do Vương Thông chỉ huy. Trong trận này, voi của hai vị dũng tướng đã bị sa lầy, vì vậy mà cả hai vị đều bị bắt, sau đó Đinh Lễ bị giết, còn Nguyễn Xí đã chốn thoát.

    Cầu Voi, nơi diễn ra trận chiến của nghĩa quân Lam Sơn năm 1427.

    Khi xưa đây là vùng đất có nhiều gò đống, liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Quá trình đô thị hoá đã làm cảnh quan thay đổi nhiều, song vẫn in đậm nét trong tâm thức của người dân nơi đây qua những địa danh: đống Cờ Voi, đống Cơm, đống Vật, đống Cái Cua, đống Lăng...

    Nhận xét bước đầu

    Khu vực làng Mai Động xưa là một vùng đất cổ, nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều nhân vật và diễn ra các sự kiện gắn với lịch sử dân tộc. Hiện vật có niên đại sớm nhất hiện biết ở khu vực Mai Động là các công cụ và đồ trang sức bằng đá thuộc văn hoá Phùng Nguyên, cách đây trên 3.000 năm (được phát hiện ở khu vực nhà máy cơ khí Mai Động từ khoảng những năm 1960).

    Vào đầu Công nguyên, khu vực Mai Động chắc hẳn đã là nơi có cư dân đông đúc, hơn thế có thể là một trung tâm vùng đất phía nam Hà Nội lúc bấy giờ, gắn với các di tích liên quan đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đặc biệt là Đức Thánh Tam Trinh.

    Vào thời kỳ lịch sử, Mai Động có vị trí và vai trò nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử Thăng Long, Hà Nội. Vùng đất này đã gắn liền với tên tuổi của danh tướng Trần Khát Trần - người có công tích lớn khiến kinh thành Thăng Long tránh khỏi sự tàn phá của quân Chiêm. Khi đó, Mai Động là một trại, nằm trong Thái ấp Cổ Mai, đất phong thưởng của vua Trần cho anh em Trần Khát Chân, Trần Hãng. Thái ấp Cổ Mai khá lớn, trải rộng từ Bạch Mai, Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động xuống đến hai xã Trần Phú và Yên Sở, huyện Thanh Trì. Ngày nay, các làng Tương Mai, Hoàng Mai, Khuyến Lương và Yên Duyên đều thờ Trần Khát Chân làm Thành hoàng làng.

    Đến đầu thế kỷ 15, Mai Động là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn trong việc vây đánh giặc Minh ở thành Đông Quan. Sự kiện này đã được sử sách và truyền thuyết dân gian phản ánh.

    Từ cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, Mai Động là một làng của huyện Long Đàm, sau đổi  Thanh Đàm rồi huyện Thanh Trì. Từ những năm 40 của thế kỷ 20, Mai Động nhiều lần sáp nhập với một số làng làm thành đơn vị hành chính mới. Ngay nay, Mai Động trở thành một phường thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đang có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

    Trong số các di tích kể trên, tập trung hơn cả là hệ thống các di tích liên quan đến Đức Thánh Tam Trinh và các vị danh tướng của khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài các hệ thống di tích nêu trên, vùng đất Mai Động còn là nơi lưu giữ nhiều di tích, các truyền thuyết dân gian có liên quan đến Trần Khát Trân, đến các vị danh tướng thời Lê, các vị Quận công, Quận chúa thời Lê -  Trịnh cũng rất đáng được quan tâm nghiên cứu.

    Kiến nghị bảo tồn và phát huy giá trị

    Trước bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, sự phong phú về loại hình di tích ở khu vực Mai Động, để có thể phát huy được giá trị di tích, trong thời gian di tích rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục về  giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

    Một trong những điểm cần chú trọng đó là đó là khu vực Cầu Voi, mặc dầu đã được mang tên rất có ý nghĩa như vậy, song có lẽ chưa đủ bởi còn ít người biết tới nó với đầy đủ ý nghĩa lịch sử. Nên chăng cần có biển hiệu giới thiệu một cách khái quát về di tích cung cấp thêm những thông tin liên quan về trận đánh lịch sử này. Làm được như thế hẳn sẽ phát huy tốt hơn giá trị và ý nghĩa lịch sử của di tích.   

    Mai Động là nơi có mật độ phân bố dày đặc các di tích gắn với lịch sử - văn hoá của dân tộc, đây là niềm tự hào của cư dân làng Mai Động. Trước niềm tự hào đó, nhiều di tích đã được xây dựng, tôn tạo khang trang. Tuy nhiên, trước sự phát triển của đời sống hiện đại, nhiều di tích đã bị ảnh hưởng không theo chiều hướng tốt. Phần lớn các di tích đều bị thu hẹp về không gian, bị lấn chiếm, khiến cho cảnh quan không tương xứng với giá trị và ý nghĩa của di tích. Vì vậy thời gian tới rất cần có qui hoạch tổng thể cho hệ thống các di tích nơi đây.

                      TS.Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc BTLSQG



    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Văn hóa Đông Sơn

    Cổ vật Việt Nam

    Văn hóa Óc Eo – Phù Nam

    • Di sản văn hóa Phật giáo
    • Đèn cổ Việt Nam
    • Khu vực:

    Liên kết Website

    Thống kê truy cập

    • Trực tuyến: 848
      Thành viên online:
      0
      Số lượt truy cập: 16653120