Hình tượng rồng trong điêu khắc đình làng Vĩnh Phúc

19/01/2012

Nằm trong nghệ thuật điêu khắc đình làng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Vĩnh Phúc (từ TK XVII-XIX) có một vị trí đặc biệt, nơi lưu giữ mảng đề tài điêu khắc gỗ phong phú, đặc sắc; hầu như trên các thành phần kiến trúc như bức cốn, ván nong, cái kẻ, chiếc bảy, con rường,...đều được nhà điêu khắc xưa trang trí làm mềm mại và đẹp hơn cho phần kết cấu kiến trúc vốn cứng cáp, thô mộc. Bên cạnh đề tài mô phỏng cuộc sống thường nhật của người dân lao động như: Gia đình hạnh phúc, Lễ hội xuống đồng, Đi săn về, Đấu vật, Đua thuyền, Đá cầu...Còn có các đề tài trang trí Tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), Tứ linh (long, ly, quy, phượng); trong đó hình tượng Rồng luôn được đề cao và chú ý khắc hoạ nổi bật hơn trong các mảng đề tài trang trí kiến trúc đình làng; bởi xuất phát từ quan niệm dân gian Rồng mang biểu trưng của sức mạnh vũ trụ, với uy quyền “mưa thuận, gió hoà” mang đến cho cư dân nông nghiệp lúa nước mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, sung túc.

 

             Từ các ngôi đình làng có mặt sớm ở Vĩnh Phúc như Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường (huyện Bình Xuyên), Thổ Tang, Bích Chu (huyện Vĩnh Tường) đến các ngôi đình có niên đại muộn hơn như Đình Nam, Hòa Loan, (huyện Vĩnh Tường), Đồng Văn (huyện Yên Lạc), Đình Chu, Sen Hồ (huyện Lập Thạch),... Thông qua sáng tác các ý tưởng nghệ thuật luôn được đề cao qua nội dung thể hiện như: Phụ nữ cưỡi Rồng, Rồng mẹ con, Rồng mẹ dạy con đi mây về gió, Rồng hút nước, Cá hoá Rồng... Qua đó cho thấy, đề tài chính về hình tượng Rồng trang trí trong kiến trúc đình làng Vĩnh Phúc nằm ở hai dạng. Thứ nhất: đề tài Rồng và con người thường gặp trong trang trí ở những ngôi đình thời Lê; thứ hai: đề tài Rồng và phượng, lân, rùa; hoặc Rồng và cá chép; Rồng và cây thường gặp ở cả những ngôi đình niên đại thời Lê và Nguyễn (thế kỷ XVII- XIX). Nói như thế, hình tượng rồng vốn mang biểu tượng sức mạnh siêu tự nhiên và xã hội nhưng trong điêu khắc đình làng hình tượng rồng được các thợ điêu khắc xưa phác họa sinh động, linh vật rồng cao xa mà gần gũi với đời sống thực, tất cả được bố cục ngẫu hứng trên các thành phần kiến trúc nhưng lại mang ẩn chứa các cặp phạm trù triết lý âm dương, cùng những khát vọng cuộc sống no đủ hạnh phúc và chinh phục thiên nhiên của cư dân nông nghiệp xưa trên đất Vĩnh Phúc.

            Bức chạm Phụ nữ cưỡi rồng ở đình làng Tiên Canh (Bình Xuyên) là đại diện cho hình ảnh đẹp và cao quý của người phụ nữ - tiên cưỡi trên lưng rồng, đầu đội mũ, khuôn mặt trái xoan, mình cởi trần mặc váy thật gợi cảm; hai cánh tay tròn lẳn giơ lên ngang vai như đang múa. Sự kết hợp khéo léo giữa hình tượng rồng (dương) với tiên nữ (âm) thể hiện khát vọng yêu đương, muôn loài sinh sôi nảy nở theo quan niệm của cư dân lúa nước; nhưng ở một ý nghĩa khác hình tượng rồng mang biểu tượng sự linh thiêng, quyền lực của vua chúa mà người thợ lại khéo léo đặt cô gái-nàng tiên khoả thân ngồi lên mình rồng là điều chế giễu của người nông dân đối với giai cấp thống trị. Nằm chung với mảng đề tài khắc họa rồng - phụ nữ, chúng ta còn gặp bức chạm Múa rồng đình Hương Canh (Bình Xuyên) được người thợ xưa chú ý khắc hoạ nổi bật, ở vị trí trung tâm bức chạm là cô gái độ tuổi đôi tám, mặc trang phục mỏng manh đang say sưa trong vũ điệu uyển chuyển bên cạnh hình tượng rồng; đầu rồng nhô nghiêng, bờm râu uốn nhịp, lưng lượn cong như muốn ôm lấy thân hình cô gái; hình tượng này đủ gợi nên ước vọng âm dương hoà hợp, mưa thuận, gió hoà của người xưa.

            Bức “Cưỡi rồng” ở đình Ngọc Canh lại đề cao khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người qua nội dung diễn tả phối cảnh trung tâm là một con rồng, bên cạnh rồng là một người đội mũ, dáng vẻ quyền quý qua các vật trang sức; bên dưới có một người hầu mình cởi trần, đóng khố đang quỳ, tay giơ lên như muốn nâng đỡ người kia lên lưng rồng. Xung quanh bức chạm là một không gian ước lệ với những đám mây được chạm trổ cách điệu các ngọn lửa hình đao mác bay bổng. Cùng chung với đề tài “Cưỡi Rồng” chúng ta còn gặp trên thân bẩy hiên đình Thổ Tang còn chạm cả một đầu rồng to, mắt mở, miệng há, nanh dài, các râu, ria bay cong vút, chân phải rồng có móng, cầm chặt một chú rồng. Chú rồng con đang ngóc đầu nhìn ngược lên phía trên có ba người; khuôn mặt mỗi người rất vui tươi, có hai người đang cầm tay nhau như múa, còn người kia ngồi khoanh chân ngắm nhìn. Toàn cảnh bức chạm vốn tính động lại động hơn, gợi cho người xem như đứng trước một chú rồng mạnh mẽ cùng gia đình kia vừa bay từ chín tầng mây xuống vậy.

            Ngược lại với chủ đề “Cưỡi rồng” ở đình Ngọc Canh, Thổ Tang trên là một bức chạm khác trên đình Tiên Canh, người thợ đục con rường trên thành một con rồng có hình đao lửa, thân mình trơn, không vảy; tiếp đến là một người đang ngồi, đầu đội mũ kiểu vương miện, hai tay giang ngang vai, xung quanh có hình đao mác tua tủa; ở phần dọc của bức cốn chạm nổi một đầu rồng miệng phun ngọc, bờm tóc được chạm trổ uốn cong như rồng đang bay ngược chiều gió. Qua hình tượng trên có thể thấy bức chạm mang ẩn ý sự đề cao quyền lực của giai cấp phong kiến xưa, mà đại diện cho là chiếc “vương miện” người kia đang đội trên đầu và hình tượng rồng mạnh mẽ mang biểu tượng quyền lực.

            Bức chạm cảnh “Táng mả hàm rồng” trong đình Ngọc Canh lại thể hiện rõ hơn quan niệm phong thuỷ của người xưa qua khung cảnh một chiếc đầu rồng to choán ngợp không gian thực, miệng rồng đang há, mắt mở to, các ria, râu, tóc xoắn hình lưỡi mác hất sang ngang; hai bên có người đang đứng, một người tay cầm một chiếc hộp đưa vào miệng rồng. Hình tượng người trong bức chạm mang nét mô phỏng, không chú ý về tỷ lệ cân xứng, mà vẫn có thể cảm nhận vẻ đẹp, cũng như dụng ý của nội dung miêu tả ước vọng tìm nơi đất cát vượng trong quan niệm phong thuỷ để táng thân chủ gia đình hay dòng họ với hy vọng cầu phúc trạch muôn đời.

            Bên cạnh các đề tài khắc hoạ về hình tượng rồng với con người, là những bức chạm cảnh Rồng trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), Cá hoá Rồng, hoặc Rồng hoá trúc,… là mô tuýp quen thuộc thường gặp trên trang trí các công trình kiến trúc công cộng dân gian Vĩnh Phúc. Trong đó có những bức chạm khá tiêu biểu như “Tứ linh quần tụ” trên đình Ngọc Canh được nhà điêu khắc xưa phác hoạ chính giữa là hình tượng một con Rồng oai phong đang gồng mình, đầu ngẩng cao, mắt lộ to, các bờm tóc bay ngược về phía sau, miệng há rộng hút ngọn nước cuồn cuộn chảy; trong dòng nước một chú cá chép cong đuôi tung mình nhảy, như cố thoát ra khỏi cột nước đang bị rồng cuốn. Ở phía trên bức chạm phác hoạ hình chim phượng mềm mại, đang sải cánh bay lượn, miệng cắp cuốn sách; phía đối xứng là một khóm sen, ẩn khuất dưới chiếc lá kia là một rùa vàng đang rất bình tâm trước những con nước đang bị Rồng hút cuồn cuộn chảy;  và phía đối xứng bên phải là một chú lân, đầu nghểnh cao trước khung cảnh kỳ thú với bao la sóng nước vần vũ. Bức chạm được người nghệ nhân xưa chạm lộng, bong gợi đường nét bay bổng, tinh tế kết hợp với kỹ thuật sơn son thếp vàng tạo tác phẩm lung linh, huyền diệu trước ánh sáng.

            Ở bức khác miêu tả cảnh “Rồng mẹ dạy con đi mây về gió” được khắc hoạ đẹp với lối bố cục đồng hiện, Rồng mẹ được phác hoạ với chiếc đầu to, các ria, bờm hình lưỡi mác hất sáng hai bên, gợi cảm giác choán ngợp cả không gian thực và ảo, bên dưới có một chú rồng con đang thò đầu ra từ đám mây cuồn cuộn, đầu nghiêng nghiêng như thể đang lắng nghe và thực hiện động tác hướng dẫn của rồng mẹ. Hình tượng rồng mẹ to lớn, bên cạnh rồng con bé nhỏ tạo cho người xem cảm nhận tình cảm chở che của người mẹ đối với con

            Bức chạm “Rồng-Phượng” đình Thứa Thượng (Tam Dương) mang ý nghĩa âm dương giao hòa. Phượng (âm) đang trong tư thế bay, đôi cánh sải rộng, hướng nhìn xuống phía rồng (dương). Hình rồng được miêu tả cách điệu qua chiếc đầu to lớn, nhô lên khỏi hình mây lá cách điệu, tay trước rồng bám trên một cuồng mây, các bờm râu uốn lượn bay bổng như gặp gió, miệng rồng ngậm ngọc như thể muốn dâng lên cho chim phượng; hoạt cảnh gợi tả cảnh âm duơng giao hoà, hay cảnh tình yêu nam nữ,...Tất cả đều mang ước vọng mong cầu cuộc sống sinh sôi nảy nở, trời đất mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Nếu như bức chạm Phượng Rồng ở đình Thứa Thượng mang hình ảnh âm dương (nam nữ) giao hoà; thì ở bức chạm đình Hùng Vĩ (Yên Lạc) lại miêu tả cảnh chống thiên tai của người xưa qua hình tượng một con rồng dữ tợn - mang biểu tượng của tự nhiên (mây, mưa, gió...) đang há miệng, gồng mình thổi gió, phun mưa cuồn cuộn chảy; trên cột nước có một chú cá chép (biểu tượng con người) đang gồng mình như đề kháng trước cột nước đang muốn cuốn trào kia. Hình tượng cá chép qua bức chạm là một ẩn ý sâu sắc gợi cho người xem liên tưởng tới sức mạnh phi thường của người nông dân trong phòng chống thiên tai, lũ lụt thường tác động xấu tới cuộc sống và canh tác nông nghiệp.

            Từ các bức chạm rồng mang tính cường điệu hoá, ta lại gặp không ít những bức chạm đơn, thuần phác nhưng ẩn chứa quan niệm về phương hướng, sắc màu qua bốn đầu dư ở đình Nam (Lũng Ngoại-Vĩnh Tường), mỗi đầu dư chạm một đầu rồng dữ tợn với đôi mắt to, miệng há nhe nanh, bờm tóc hất ngược sang hai bên. Điều đáng chú ý là các chi tiết trên bốn đầu rồng lại được tô màu chủ đạo của bốn hướng đông (xanh), tây (trắng), nam (đỏ), bắc (đen) theo quan niệm màu sắc, phương hướng của xưa về kiến trúc xây dựng. Hoặc trên bức cốn đình Hoà Loan lại chạm trổ rồng hóa lá sinh động qua gốc rễ khóm hoa là chiếc đầu rồng, còn phần thân, cành lá, hoa lại diễn tả rất thực như toàn bộ khóm hoa vừa được thoát thân từ thân rồng vậy.

            Điều đặc biệt về hình tượng rồng lại nằm ở bộ cửa võng đình Tiên Canh trang trí dày đặc rồng trên cột, cửa cả thảy có đến hàng trăm con rồng ngắm trông dữ tợn, uy nghiêm với hàng nghìn đao mác tua tủa; phía trên bộ cửa võng người thợ chạm lưỡng long chầu nguyệt phóng đạt, uyển chuyển; qua đây có thể thấy rõ các thủ pháp chạm trổ đã được người thợ phát huy tối đa, kết hợp kỹ thuật với sơn son, thếp vàng truyền thống làm nổi bật chủ đề phản ánh sinh động, lôi cuốn gợi cho người xem cảnh “Quần long tụ hội-thiên hạ thái bình”, hay ước mơ thi cử đỗ đạt của các nho sinh - con em của cư dân nông nghiệp vùng đất Hương Canh xưa.

            Song song với đề tài về hình tượng rồng trang trí trên các đình làng Vĩnh Phúc còn nhiều, song nét chính các đề tài trang trí thường giống nhau; nếu có khác cũng chỉ là đôi chút khác về phong cách thể hiện của từng nhóm thợ làm đình mà thôi; còn hình tượng, nội dung, sự chuẩn mực thì vẫn chung nhất trong một quan niệm của người Việt. Bên cạnh đó, rồng còn xuất hiện ở một số trang trí tiêu biểu như Tháp Bình Sơn, tháp sứ chùa Trò, chùa tháp Kim Tôn (thế kỷ XIV), bậc thềm đền đá Phú Đa, đình Hoà Loan (thế kỷ XVIII), đao đình Nam-Lũng Ngoại (đầu thế kỷ XIX)… Tất cả cùng góp phần làm phong phú thêm cho hình tượng rồng trên đất Vĩnh Phúc nói riêng và hình tượng rồng Việt Nam nói chung.

            Ngày xuân năm Rồng, nêu vài nét về hình tượng Rồng trong nghệ thuật điêu khắc đình làng Vĩnh Phúc, âu cũng là điều mong muốn năm mới ai cũng được như Rồng bay.

 

Các tin đã đưa ngày: