NGHEANDOST - CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN, SỐ 11/2014
Thực trạng và giải pháp di dời hiện vật “ngoại lai” ra khỏi các đơn vị, di tích trên địa bàn Nghệ An
Ngày đăng tin : 12/5/2014
.

Đặt vấn đề

Có một thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng mới được phản ánh thời gian gần đây, đó là trên cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng có nhiều đơn vị, di tích sử dụng các biểu tượng, hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, đặc biệt là không đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa nước ta. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã có Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Bộ cũng đã cử Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khảo sát một số tỉnh, thành phố, quyết tâm trong năm 2014 phải di dời tất cả những hiện vật này ra khỏi di tích và cơ quan, công sở, đảm bảo đón tết Ất Mùi mang đầy đủ giá trị văn hóa Việt Nam. Trước thực trạng đó, Sở VH-TT&DL Nghệ An cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị, cơ quan, các huyện báo cáo về tình hình sử dụng hiện vật ngoại lai trên địa bàn. Đến nay, theo báo cáo chưa đầy đủ, ở Nghệ An có 32 di tích, 7 cơ quan công sở có đặt hiện vật “ngoại lai”, chủ yếu là sư tử đá.

Tuy nhiên, việc thực hiện di dời các hiện vật nảy sinh và gặp rất nhiều khó khăn, với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Vấn đề đặt ra là:

Thứ nhất, Bộ Văn hóa có công văn không được sử dụng các hiện vật “ngoại lai” nhưng những nơi đã sử dụng và sử dụng lâu năm thì giải quyết như thế nào?

Thứ hai, việc di dời phải tiến hành bằng cách nào? Vì hiện vật khá nhiều, có nhiều hiện vật rất đồ sộ, việc di dời đòi hỏi phải có kinh phí. Hơn nữa, di dời hiện vật “ngoại lai” ra khỏi di tích, đơn vị thì đưa về đâu cho phù hợp?

Thứ ba, giải pháp nào để người dân, cán bộ, ban quản lý di tích nhận thức đúng về giá trị của văn hóa thuần Việt?

Với mục đích đó, Chuyên san KHXH&NV tổ chức tọa đàm nhằm góp một phần tiếng nói trong việc di dời hiện vật “ngoại lai” ra khỏi các đơn vị, các di tích, trả lại không gian văn hóa thuần Việt, đồng thời đề xuất với UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch hoàn chỉnh, ra văn bản chính thức trong việc tổ chức thực hiện.

1. Ông Bùi Quang Phương - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, UBND thành phố Vinh:

 Cần có quy chế rõ ràng, quy định pháp lý cụ thể về việc tiếp nhận công đức

bằng các hiện vật”

Khi thực hiện công văn của Bộ Văn hóa, có một thực tế trên địa bàn thành phố Vinh là cái gì đưa vào các di tích, đơn vị thì dễ, nhưng đưa ra khỏi di tích thì rất khó. Năm 2006, thành phố đã ban hành quy định về việc quản lý công đức bằng hiện vật tại các di tích, nghĩa là những hiện vật có trong hồ sơ quy định của UBND thành phố thì khi công đức mới được nhận. Tuy nhiên, những người quản lý các di tích, đình đền thường hạn chế về nhận thức văn hoá nên việc tiếp nhận hiện vật công đức một cách dễ dãi. Vừa qua UBND thành phố có cử đoàn đi kiểm tra và phát hiện trên địa bàn thành phố Vinh có 3 nơi vi phạm là đền Trìa ở xã Hưng Lộc, đền Trường Tạ và nhà thờ họ Lê. Chúng tôi cũng đã giải thích và hướng dẫn cho họ di dời nhưng đến nay việc di dời tiến hành còn chậm. Việc này, theo chúng tôi, ngoài khuyến cáo họ di dời, chúng ta nên có các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu văn hóa, hướng dẫn cho họ sau khi di dời phải đặt những linh vật nào thay thế cho phù hợp với di tích.

Để thực hiện việc di dời có hiệu quả, theo tôi nên: Tuyên truyền để người dân, những người quản di tích, cán bộ văn hóa cơ sở hiểu được; Cần có quy chế rõ ràng, quy định pháp lý cụ thể về việc tiếp nhận quản lý công đức bằng các hiện vật; Biện pháp lâu dài là phải quản lý các cơ sở chế tác, phải hướng dẫn, quy định để họ nhận thức được những mẫu linh vật nào là thuần Việt để chế tác và tư vấn cho khách hàng.

2. Ông Phan Văn Hùng - Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An:

“Đây là hiện tượng văn hóa gắn với tâm linh

nên cực kỳ nhạy cảm và khi thực hiện phải rất thận trọng”

Đây là vấn đề mà trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và cho đến bây giờ, các văn bản cơ bản về mặt quản lý nhà nước chưa đưa ra được một giải pháp nào. Bởi vì đây là hiện tượng văn hóa và nó gắn với tâm linh cho nên cực kỳ nhạy cảm và khi thực hiện phải rất thận trọng.

Về mặt pháp lý:

Nghị định 98/2010.NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Trong đó điều 4: Những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa: Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích, hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch; Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị di tích; Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Như vậy trên lĩnh vực di tích thì hành lang pháp lý đã quy định rất rõ.

Về thực trạng:

Trên cả nước hiện vật “ngoại lai” xuất hiện ở di tích và công sở từ trên 10 năm nay: Sư tử đá ở đền Trình - chùa Hương (Hà Nội), sư tử đá có ở đình và chùa Mộ Lao - Hà Đông - Hà Nội; chùa Linh Ứng (Đà Nẵng),... và nhiều công sở khác đều có sư tử đá trước cổng, trước nhà như trước UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Nga Sơn, Ngân hàng, Sở Y tế,... Ở Nghệ An: Sư tử đá xuất hiện ở các di tích trọng điểm: đền Quả Sơn (Đô Lương), Di tích Truông Bồn (Đô Lương), đền Cờn (Quỳnh Lưu),... Ở các công sở: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ đội biên phòng, Cục thuế, Công an thành phố,...

Về giải pháp:

Trên cả nước đang có rất nhiều ý kiến khác nhau đối với việc di dời các hiện vật “ngoại lai” này, theo tôi: Để tình trạng trên kéo dài chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự non kém của chúng ta (tình trạng cả nước) về quản lý nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa, từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Trong bối cảnh toàn cầu hóa,  chúng ta cần tỉnh táo xử lý trước mọi tình huống. Điều hiện tại, trước mắt và lâu dài là chúng ta phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường tuyên truyền giáo dục để mọi người hiểu rõ và thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Ông Trần Mai Dương - Chánh Thanh tra, Sở VHTT&DL Nghệ An:

“Phải cương quyết di dời các hiện vật “ngoại lai” ra khỏi các đơn vị, di tích”

Việt Nam chúng ta có rất nhiều mẫu linh vật, thời đại nào cũng có và việc đặt linh vật đều được cha ông nghiên cứu kỹ. Lâu nay vấn đề đặt linh vật người dân không chú ý, một số người dân có tiền, nhưng thiếu kiến thức về linh vật nên dẫn đến việc cung tiến các hiện vật ngoại lai không phù hợp cho các di tích đình đền. Trong Luật Di sản cũng đã quy định rất rõ về điều này. Đối với Nghệ An, từ năm 1998, Sở Văn hóa Thông tin đã tham mưu cho UBND tỉnh những quy định trong việc tiếp nhận, sử dụng các hiện vật công đức trong các đền chùa, di tích. Việc tiếp nhận hiện vật phải xem xét cẩn thận và công khai, phải có sự chấp thuận của các cơ quan, sở, ban quản lý di tích. Nguyên nhân nữa là do trách nhiệm quản lý của cấp cơ sở buông lỏng, chưa làm tốt nên dẫn đến việc sử dụng một cách tràn lan.

Để khắc phục thực trạng này, Bộ Văn hóa đã ra Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, tiếp đó, Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Phòng Di sản và Thanh tra Sở đã tham mưu cho Sở VH-TT&DL ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, cơ quan, các huyện báo cáo về tình hình sử dụng các hiện vật ngoại lại trên địa bàn. Vừa qua chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra 7 di tích thì trong đó có 5 di tích vi phạm. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Văn hóa là đối với các di tích phải cương quyết di dời, trong 5 di tích vi phạm ở Nghệ An, Bộ yêu cầu trước 15/11 phải đưa ra hết, nếu địa phương, di tích nào không thực hiện thì sẽ suy xét trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường hướng dẫn cho cơ sở; gửi ảnh để phân biệt đâu là hiện vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt; Tổ chức các cuộc triển lãm những linh vật Việt Nam thời xưa. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí để nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề này. Đối với các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng yêu cầu không được đặt hiện vật ngoại lai, nếu lỡ đặt thì phải di dời; trong các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cần tuyên truyền hoặc gắn vào tiêu chí gia đình, khối xóm văn hóa.

Đối với câu hỏi: những hiện vật ngoại lai sau khi di dời thì đặt ở chỗ nào? Trước hết khẳng định phải đưa ra khỏi di tích, sau đó có thể mỗi địa phương sẽ chọn một địa điểm để tập kết, hoặc sẽ tiến hành chế tác lại Sở VH-TT&DL sẽ có cácgiải pháp cụ thể hơn.

4. Bà Phan ThỊ MỸ HẠnh - Trưởng Ban Quản lí Di tích & Danh thắng Nghệ An:

“Việc di dời phải có sự hỗ trợ

từ cơ quan chuyên môn và sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh”

       Từ khi có công văn của Bộ VH-TT&DL, cán bộ Ban Quản lý chúng tôi mỗi khi đến các di tích đều dành thời gian để tuyên truyền, giải thích rõ về các hiện vật “ngoại lai” và vì sao phải di dời các hiện vật đó. Ban Quản lý các di tích sau khi nghe chúng tôi giải thích họ cũng đồng ý di dời, tuy nhiên họ vẫn băn khoăn: Thứ nhất: Vì sao đó lại là hiện vật “ngoại lai” khi mà chúng tôi đặt đá lại ở Ninh Bình, thợ chế tác của Việt Nam? Thứ 2, nếu đưa ra thì để ở đâu? Thứ 3, kinh phí đâu để đưa ra? Thứ 4, hiện vật gắn với di tích từ lâu rồi, đã tâm linh hóa rồi bây giờ mà di dời lỡ có vấn đề gì xảy ra thì làm sao, ai chịu trách nhiệm?

Trước những câu hỏi đó, Ban Quản lý Di tích và danh thắng đã trăn trở rất nhiều. Theo ý tôi, những di tích đã vi phạm thì phải buộc di dời, tuy nhiên phải có sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn và sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Đối với câu hỏi di dời xong sẽ đặt ở đâu? Đã có một số ý kiến tham mưu mỗi huyện có xưởng để nghiền những con sư tử đó làm đá công nghiệp, hoặc đưa về tập trung một chỗ sau đó thuê nghệ nhân về chế tác lại, kêu gọi công đức xã hội hóa. Sau đó đưa vào công viên, vườn hoa cây cảnh để đặt,v.v...

Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn phải nâng cao nhận thức cho nhân dân và các cán bộ quản lý di tích, cán bộ văn hóa cơ sở. Để thực hiện việc nâng cao nhận thức cần phải mở những lớp tập huấn về  kiến thức di sản. Có như thế, Ban QL các di tích sẽ không tiếp nhận hiện vật “ngoại lai” và những hiện vật không phù hợp khác.

5. Ông TrẦn MẠnh CưỜng - Thư viện tỉnh Nghệ An:

“Cần nhận thức rõ hơn về linh vật Việt để có những giải pháp phù hợp...”

Dư luận gần đây đang nói nhiều về việc “hiện vật ngoại lai” cũng như “linh vật thuần Việt”. Vậy điểm khác nhau giữa chúng là gì? Giải pháp nào để loại bỏ những hiện vật “không thuần Việt”?

Về linh vật Việt: Trước tiên phải khẳng định linh vật Việt có bề dày lịch sử, từ thời Lý, tại các ngôi chùa nổi tiếng tại nước ta khu vực phía Bắc đã có linh vật, cụ thể như chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội), chùa Thông (Thanh Hoá), chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh)... Đây là những linh vật có thực được các nghệ nhân dân gian sáng tạo nên và hình ảnh của nó xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa, tư tưởng do tổ tiên ta từ xưa để lại. Linh vật Việt rất phong phú, đa dạng với nhiều loại linh vật như nghê, sư tử, voi, hổ, chó, rồng... và cách tạo hình hoàn toàn khác với sư tử đá Trung Quốc, đặc biệt là sư tử Trung Quốc thường thấy hiện nay.

Xứ Nghệ tuy các vật mất mát nhiều nhưng vẫn còn nhiều nơi bảo lưu được các hiện vật gốc, cụ thể như: Cặp chó đá tại đền Quan Lớn Bùng, Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An; Cặp hổ và nghê tại đền Thần, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Cặp nghê tại đền thờ Danh nhân Nguyễn Huy Tự, Can Lộc, Hà Tĩnh; Cặp nghê tại đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Trọng, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; Cặp chó đá và nghê tại đền thờ Tể tướng Nguyễn Văn Giai, Can Lộc, Hà Tĩnh.... Linh vật Việt chứa đựng nét thẩm mĩ cao, trong đó tiêu biểu là hình tượng con nghê, là con vật thường thấy nhất trong hệ thống công trình văn hoá của nước ta. Nghê của người Việt có kích thước nhỏ bé, cân đối. Nó có hai chức năng: một là hoan hỉ chào đón ở lối vào, hai là tạo ra sự thương cảm, trầm ngâm ở các đền miếu. Qua những chi tiết nói trên, rõ ràng linh vật Việt có hình ảnh và dấu ấn rất đậm nét trong lịch sử dân tộc. Vì vậy không lẽ gì mà người Việt thời hiện đại lại không tiếp nối truyền thống ông cha mà lại đi dùng linh vật ngoại lai.

Về giải pháp: Việc đầu tiên là phải tổ chức nhiều cuộc triển lãm về linh vật (ảnh và hiện vật phiên bản) để đưa hình tượng các linh vật đến với  người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mục đích của triển lãm là để nhân dân cũng như các nghệ nhân chế tác linh vật được tận mắt ngắm nhìn và tìm hiểu về cách tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa của nghê, sư tử Việt trong đời sống tâm linh người Việt. Đi kèm với mỗi hình tượng sẽ có những phần chú thích, chú giải và những bài viết nói rõ niên đại, chất liệu, cách tạo hình, đặc điểm nổi bật và ý nghĩa tâm linh của linh vật trong từng thời kỳ.

Thứ hai, cần nhanh chóng thực hiện xuất bản sách giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống của Việt Nam dưới dạng cẩm nang hình ảnh. Sách và tài liệu cần được xuất bản với số lượng lớn, phát hành rộng rãi tới các địa phương, như vậy sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, trên cơ sở đó phát huy sáng tạo các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại.

Khi đã xuất bản sách và các ấn phẩm về linh vật Việt, phải đến tận các cơ sở sản xuất, chế tác đá khuyến khích và hướng dẫn nghệ nhân chế tác theo mẫu Việt. Các nghệ nhân ở làng nghề chế tác linh vật sẽ được tham khảo những mẫu linh vật tại bảo tàng, tại sách và tài liệu để cho ra đời những sản phẩm linh vật Việt, vượt qua vấn đề mỹ thuật để trở thành động lực kinh tế cho các làng nghề chế tác linh vật. Đó cũng là nơi để người dân tìm hiểu, phân biệt linh vật thuần Việt với hiện vật “ngoại lai” về cả đặc điểm và ý nghĩa văn hóa.

6. Ông NguyỄn TrỌng ThẮng - Ban Quản lý đền Hoàng Mười:

“Chúng tôi cần được cung cấp các mẫu linh vật, hiện vật

được phép sử dụng trong các di tích...”

Đối với các di tích như đền Hoàng Mười mỗi năm đón một lượng khách đến chiêm bái rất đông. Vì sự linh thiêng của đền mà có rất nhiều người cung tiến hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật “ngoại lai”. Tuy nhiên, việc tiếp nhận các vật phẩm cung tiến có khi được báo cáo, có khi lại không báo cáo với Ban Quản lý khiến Ban Quản lý đền chúng tôi cũng khó nắm bắt được tình hình.

Thực hiện công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Ban Quản lý đền chúng tôi đã cho tiến hành di dời hai con sư tử đá “ngoại lai” ra khỏi khu vực đền, sau đó đưa vào kho lưu trữ. Tuy nhiên, là những đơn vị trực tiếp thực hiện việc di dời, Ban Quản lý đền chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan khi đưa ra các giải pháp để thực hiện việc di dời thì phải cung cấp cho chúng tôi những mẫu linh vật, hiện vật nào có thể được đưa vào, hoặc không được đưa vào để chúng tôi nhận biết.

Cũng không thể trách được cán bộ quản lý đền như chúng tôi, vì khi khách cung tiến, chúng tôi không thể xin phép hết cấp này đến cấp khác, vì như thế khách đã về mất rồi, hoặc có khi họ nói gửi lại, chúng tôi cũng không thể từ chối. Họ cũng sẽ đánh giá thái độ đón tiếp của chúng tôi đối với tấm lòng thành của họ.

7. Họa sỹ Phan Minh NgỌc - Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

“Sắp tới, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ cho xuất bản cuốn sách viết về linh vật Việt...”

Chúng ta có thể thấy việc sử dụng những con sư tử đá ngoại lai hiện nay là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của nước ta. Người Việt chúng ta thường sử dụng con nghê đi liền với con hạc, đặt trên các mái nhà, đình, đền, chùa với mục đích xua đuổi tà ma. Đó là nét văn hóa đặc sắc của chúng ta mà chúng ta cần bảo tồn và phát huy. Chứ không phải đi học hỏi, lai căng, bắt chước các hình thức văn hóa nước ngoài một cách không phù hợp, như hiện tượng hiện vật “ngoại lại” như đã nói trong thời gian qua.

Về giải pháp, giải pháp cơ bản nhất, có hiệu quả nhất hiện nay là chúng ta tuyên truyền, quảng bá rộng rãi những hình ảnh linh vật Việt, khuyến cáo nhân dân, các di tích thực hiện việc di dời những hiện vật không phù hợp và sử dụng những hiện vật phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ngày 17/10 vừa qua, Viện Mỹ Thuật Việt Nam cũng đã tổ chức triển lãm hình ảnh các linh vật Việt. Sắp tới, Hội Mỹ Thuật Việt Nam cũng sẽ cho xuất bản cuốn sách nói về các linh vật Việt qua các thời kỳ, niên đại để người dân có thể tìm hiểu. Đồng thời cuốn sách sau khi in cũng sẽ đặt ở những nơi công cộng để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu, và phổ biến một cách rộng rãi nhất.

Kết luận

Qua những ý kiến bàn luận tại cuộc tọa đàm hôm nay, chúng ta có thể rút ra những vấn đề chính về nguyên nhân cũng như những giải pháp trong việc di dời các hiện vật ngoại lai ra khỏi các đơn vị, di tích trên địa bàn Nghệ An:

Thứ nhất, nguyên nhân của thực trạng sử dụng hiện vật ngoại lai ồ ạt như hiện nay là do sự buông lỏng quản lý của nhà nước, chúng ta không hướng dẫn, không kiểm tra dẫn đến một số di tích, đơn vị, cơ quan đưa hiện vật ngoại lai đặt tại cơ quan, di tích của mình.

Thứ hai, ban quản lý cơ sở và đại bộ phận người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về linh vật, về văn hóa, về di sản... dẫn đến còn mơ hồ về lĩnh vực này.

Thứ ba, trong thời gian gần đây, việc cung tiến các linh vật, hiện vật đặt tại các di tích đền, chùa, cơ quan,... diễn ra khá phổ biến, đi liền với sự chưa hiểu biết của người dân, nhất là các ban quản lý di tích danh thắng ở cơ sở nên dẫn đến tình trạng này.

Về giải pháp: - Chúng ta đồng tình cao với việc dứt khoát phải di dời các linh vật, hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với văn hóa Việt Nam ra khỏi di tích, đơn vị. Tuy nhiên, vấn đề di dời khá phức tạp nên cần có sự chỉ đạo của UBND tỉnh; sự vào cuộc của các ban ngành, nhất là ngành văn hóa - thể thao và du lịch.

- Để tiến hành công việc di dời khả thi, đòi hỏi Đảng ủy, UBND, ban văn hóa của xã, phường phải chủ trì trong vấn đề này. Nếu để một mình Ban quản lý di tích sẽ không thực hiện được. Sở VHTT&DL, UBND tỉnh phải có công văn hướng dẫn cụ thể gửi về địa phương. Mặc dù khó khăn, có thể đụng đến vấn đề tâm linh nhưng chúng ta phải kiên quyết, có giới hạn thời gian. Đối với những di tích đặc thù thì tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nhất định cho ban quản lý.

- Phải tăng cường sự quản lý, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn như Ban Quản lý di tích danh thắng để tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, cán bộ quản lý di tích về lĩnh vực này. Và xác định đây là việc bảo vệ, bảo tồn giá trị tốt đẹp về văn hóa của dân tộc.

Một vấn đề nữa là cần tổ chức các cuộc triển lãm về linh vật Việt để tuyên truyền cho người dân hiểu được, tạo sự đồng tình, đồng thuận trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

XEM CÁC BÀI TRONG SỐ NÀY
 
Dương Vân
PHỤ TRÁCH
Hải Yến
SUPPORT
Hoàng Nghĩa - Dương Hạnh
SUPPORT
038.3 564.869
10
Hôm nay : 2181
Hôm qua : 3426
Trong tháng : 109803
Tất cả : 3517732
cổng thông tin điện tử hoạt động khoa học công nghệ Nghệ An
Cơ quan thường trực: Sở Khoa Học và Công Nghệ Nghệ An.
Cơ quan trị sự: Trung tâm thông tin Khoa Học Công Nghệ và Tin Học.
Địa chỉ: Số 75A Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Điện thoại: 0383.842471 - 0383.564869
Hộp thư: thongtinkhcnnghean@gmail.com
© Ghi rõ nguồn ngheandost.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.
Giấy phép thiết lập số :96/GP-TTĐT ngày 16/05/2011 do cục quản lý phát thanh,truyền hình và thông tin điện tử cấp