Sông Mã
Sông Mã | |
---|---|
Sông Mã đoạn qua thị trấn Sông Mã |
|
Các quốc gia lưu vực | Việt Nam và Lào |
Độ dài | 512 km |
Cao độ cửa sông | 0 m |
Lưu lượng trung bình | 52,6m³/s |
Diện tích lưu vực | 28.400 km² |
Thượng nguồn | Điện Biên |
Cửa sông | Cửa Hới (Lạch Hới) |
Sông Mã là một con sông của Việt Nam và Lào có chiều dài 512 km, trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km và phần trên lãnh thổ Lào dài 102 km.
Mục lục |
Khái quát[sửa]
Sông Mã có hai nguồn chính, nguồn thứ nhất từ phía Nam tỉnh Điện Biên (núi Tuần Giáo) chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La rồi qua lãnh thổ Lào, nguồn thứ hai bắt đầu từ sườn phía Bambusao[1], hai nguồn này đều đổ vào Thanh Hóa qua địa phận tỉnh Sầm Nưa. Tại Thanh Hóa, sông tiếp tục giữ hướng Tây Bắc - Đông Nam chảy qua các huyện phía Bắc của tỉnh, hội lưu với sông Chu rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ theo 2 nhánh sông (nhánh phía Nam vẫn gọi là sông Mã, nhánh phía Bắc gọi là sông Lèn) ở Lạch Hới (cửa Hới) nằm giữa huyện Hoằng Hóa và thị xã Sầm Sơn cùng Lạch Sung (cửa Sung) nằm giữa huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.
Lưu vực của sông Mã rộng 28.400 km², phần ở Việt Nam rộng 17.600 km², cao trung bình 762 m, độ dốc trung bình 17,6%, mật độ sông suối toàn lưu vực 0,66 km/km².[1]. Lưu lượng nước trung bình năm 52,6 m³/s.
Sông Mã chủ yếu chảy giữa vùng rừng núi và trung du. Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt Nam.
Hệ thống sông Mã[sửa]
Hệ thống sông Mã gồm dòng chính là sông Mã và 2 phụ lưu lớn là sông Chu, sông Bưởi. Hệ thống sông này có tổng chiều dài là 881 km, tổng diện tích lưu vực là 39.756 km², trong đó có 17.520 km² nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Tổng lượng nước trung bình hàng năm của toàn bộ hệ thống sông là 19,52 tỉ m³[2].
Các phụ lưu lớn của sông Mã là sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày đều hợp lưu với sông Mã trên địa phận Thanh Hóa. Ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ như sông Lũng, sông Sơn Trà, sông Nậm Soi.
Tiềm năng thủy điện lý thuyết của hệ thống sông Mã là 12 tỷ kW, tiềm năng có thể khai thác là 4.732 triệu kW và tiềm năng kinh tế là 2,43 tỷ kW. Cùng với nhiệm vụ phát điện, hệ thống này còn có nhiệm vụ thủy lợi: cấp nước cho nông nghiệp, chống lũ hạ du[2].
Sông Mã có độ dốc nhỏ, các công trình thủy điện chủ yếu tập trung vào phụ lưu của nó là sông Chu[2].
Tên gọi[sửa]
Theo dân gian, sông có tên gọi "Mã" vì dòng nước chảy xiết như ngựa phi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về từ nguyên học thì Mã là âm một chữ Hán để ghi tên thật: "sông Mạ", trong đó "mạ" là một từ tiếng Việt cổ còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung có nghĩa là "mẹ". Và tên gốc con sông có nghĩa là "sông lớn"[3].
Ở Lào, sông Mã được gọi là nậm Mã với nậm nghĩa là sông thường dùng ở miền Trung Lào.
Sử Việt còn gọi sông Mã là Lỗi Giang.
Lịch sử[sửa]
Trong cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời của học giả Đào Duy Anh xuất bản năm 1964, ông này lấy dẫn chứng lịch sử và cho rằng dòng chính của sông Mã bị thay đổi vào thời nhà Nguyễn. Theo nhận định này ngoài cửa Sung, sông Mã còn đổ ra biển bằng cửa chính là Lạch Trường với dòng chính là sông Tào Xuyên ngày nay (sử cũ gọi là dòng Ngu giang). Đầu đời Nguyễn, một trận lũ lớn đánh đắm một bè gỗ lim ở cửa vào sông Ngu, bè ấy bị phù xa lấp mà chẹn nghẽn đường sông, thì sông ấy mới dần dần bị hẹp lại. Sau khi dòng sông Ngu bị hẹp lại thì sông Mã trổ rộng ra ngách sông nhỏ trước kia ở giữa núi Hàm Rồng và núi Châu Phong, đổ ra cửa biển Lạch Hới như ngày nay[4].
Hình ảnh[sửa]
-
Sông Mã khi chảy qua cầu Hàm Rồng.
Chú thích[sửa]
- ^ http://www.scribd.com/doc/40303968/H%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-song-ngoi-vi%E1%BB%87t-nam
- ^ a b c Lưu vực sông Mã.
- ^ Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006, tr. 132
- ^ Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Đào Duy Anh (1964)
Liên kết ngoài[sửa]
- Bài Lên miền Tây xứ Thanh trên website của Tổng cục Du lịch.
- Bài Sông Mã mùa xuân của Thủy Trần trên báo Tuổi Trẻ Online
- Bài Buôn bè trên sông Mã của Hà Đồng trên báo Tuổi Trẻ Online
- Nghe trực tuyến bài Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao Lời
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về Sông Mã |