Đình Hào Nam là một trong những ngôi đình cổ của làng Hào Nam thờ Linh Lang Đại vương có công đánh giặc ngoại xâm, còn đền Hào Nam thờ bà Vạn ngọc thủy tinh Công Chúa, tức công chúa phù Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt. Thời Trần, Hào Nam thuộc khu Thập Tam Trại của kinh thành Thăng Long. Đến thời vua Gia Long (1805), làng Hào Nam thuộc Trại Hào Nam, phường Thịnh Hào, Tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận.
Theo sử sách để lại, thời Lý, có cô gái làng Bồng Lai (nay thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội) đến cư ngụ ở đất Trại Chợ ven hồ Thủ Lệ. Cô gái có nhan sắc rất đẹp nên đã được tuyển vào làm cung phi cho vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Bà phi trẻ này không vào ở trong cung nội mà lại xin vua cho ở lại Trại Chợ. Bà sinh được một Hoàng tử. Hoàng tử ra đời giữa đất nước có giặc ngoại xâm. Lúc đó, giặc Tống cậy thế có quân hùng thế mạnh ào ạt tiến đánh nước ta. Nhiều tướng quân ra đánh mãi mà chưa thắng được, nhà vua rất lo lắng sai sứ giả đi tìm người tài giỏi trong nước. Lúc sứ giả đi tới làng, Hoàng tử thưa với mẹ gọi sứ giả và tâu rằng “Xin cho ta 1 lá cờ đào cán dài 10 trượng lớn và thớt voi, ta sẽ dẹp yên giặc nước”. Được cờ, voi, Hoàng tử cầm cờ chỉ voi, voi liền phục xuống. Hoàng tử cưỡi voi cầm cờ ra trận, voi chạy như bay. Cờ phất bên Đông, bên Đông giặc tàn, cờ chỉ bên Đoài, bên Đoài giặc tan. Đánh thắng xong quân địch, Hoàng tử trở về Trại Chợ mắc bệnh rồi mất. Trước khi mất, ông nói với vua cha rằng: “Ta là con thần Rồng nước lên giúp vua đánh giặc giữ nước, xong công việc rồi phải trở về cùng Rồng nước”. Vua Lý Thái Tông phong làm Linh Lang Đại vương và sai lập đền, miếu thờ ông ở các nơi như: Trại Thủ Lệ ngay trên cung điện cũ ở gò Long Thủ; Làng Bồng Lai quê hương bà mẹ và các làng Đại Quan, Hào Nam… là những nơi ông đã trú quân. Đến thời Trần, vua Trần Nhân Tông phong sắc “Bình vương mông thượng đẳng thần”. Thời Lê, vua Lê Nhân Tông sắc tặng “Phối đồng thiên địa, vạn cổ lưu truyền”. Nhớ công ơn ngài, hàng năm, dân Hào Nam tế lễ Ngài ngày 13 tháng Chạp - ngày sinh; 13 tháng 2 - ngày hóa; ngày 12 tháng 9 âm lịch - ngày đại yến khao quân.
Xưa kia, đình - đền Hào Nam chỉ là một doi đất nhỏ (mỏm đất) được bồi nhô ra đầm lầy ao hồ còn 3 phía (hướng Đông Bắc) là có hình cong (khum khum) ôm lấy phần đất nhô ra giữa đầm hàng ngày có nước chảy róc rách, tôm cá nối đuôi nhau xếp thành hàng chầu vào phía trước đình. Có câu: “Ba mươi cá đi ăn khao/Mồng một cá ở sông Thao cá về/Mồng hai cá đi ăn thề/Mồng ba cá về, cá vượt vũ môn”. Lạch nước chảy qua cống Kênh gốc đa rồi đến phố Hoàng Cầu ngày nay. Ngày trước phía trước đình còn có một bến đò nhỏ (Bến Thuyền xưa) để cho nhân dân qua đình rồi xuống đò đi sang đền. Trải qua bao năm thế sự đổi thay, bây giờ các đầm ao, lạch nước quanh di tích đã mất đi ít nhiều.
Đình Hào Nam được xây dựng vào những năm đầu triều Nguyễn, với một quần thể kiến trúc quy mô rộng lớn, độc đáo với kiểu dáng và hướng đình. Hầu hết các đình, đền của nước ta đều quay hướng Nam, Đông Nam thì đình Hào Nam lại quay hướng... độc (hướng Đông Bắc). Đây được coi là hướng lạnh lẽo, không tốt trong cách chọn hướng xây dựng đình, đền, nhà cửa của người Việt. Điều đó có thể thấy người Thăng Long xưa rất linh động và tinh tường trong việc chọn hướng xây dựng đình, đền. Nhìn một cách tổng thể, đây là công trình đồ sộ và bề thế. Hệ thống kiến trúc đình bao gồm nhiều lớp: cổng Tam quan, Tả vu, Hữu vu, Đại đình, Hậu cung và nhà tiếp khách.
Cổng đình - đền Hào Nam
Cũng như đình ở các nơi khác, nghi môn là kiến trúc không thể thiếu được của đình. Hai cột đồng trụ nghi môn có thượng cầm hạ thú, dưới cột thay hình Long, Ly, Quy, Phượng của ngôi đình khác, ở đây chỉ có duy nhất chữ “Linh”. Điều này phần nào đã nói rõ tất cả sự linh thiêng cũng như khác biệt của đình Hào Nam. Ngoài ra, ở hai bên đầu hồi đình, cạnh cột đồng trụ có gắn bức phù điêu cá chép hóa rồng. Bởi Hào Nam là vùng trũng, nhiều tôm cá, đây cũng là một nét văn hóa vật thể làm nên cái riêng, cái đặc sắc của nơi đây.
Đình được thiết kế theo hình chữ Đinh ngược gồm Tả vu, Hữu vu, Đại đình và Hậu cung. Tòa Đại đình có 5 gian, 18 cột, mọi họa tiết vẫn được giữ nguyên như thuở ban đầu. Nét đặc sắc trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ nhân còn giữ được, tập trung ở hình tượng hổ phù trên bộ vì nóc ở gian giữa, sát thượng lương với mắt quỉ, mũi sư tử, má bạnh, trán lạc đà, sừng nai, chân khuỳnh để cầu được mùa, no đủ. Dưới hổ phù là rồng lá và đôi lân sinh động. Lân mang đầu rồng, thân thú dáng hình tự nhiên uyển chuyển trên nền mây cuộn. Mặt bên của câu đầu là rồng và chim phượng đang múa, rất sinh động… đều thể hiện sự tinh tế, tài hoa của nghệ nhân dân gian.
Tòa Đại đình - đình Hào Nam
Hậu cung của ngôi đình mang tính chất sâu lắng nhất, đó là nơi thờ tự chính của ngôi đình nó thể hiện tính chất thâm nghiêm nhất trong tổng thể kiến trúc của di tích. Hậu cung cũng có nhiều mảng chạm khắc với đề tài tứ linh ở y môn, cửa võng, hương án, khán thờ mang đậm nét của nghệ thuật chạm gỗ cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 15 đôi câu đối, trong đó, một số đôi câu đối có đắp nổi hình lân, phượng rất tinh tế, ca ngợi công đức Linh Lang Đại vương:
Hào khí phong quang bách phúc trang nghiêm hựu tự
Nam Thiên hiển hách thiên thu đỉnh thịnh Phật như Tiên
Dịch nghĩa:
Hào khí sáng trăng soi, trăm phúc trang nghiêm chùa kề miếu
Trời Nam hiển hách ngàn thu thịnh vượng Phật rồi Tiên
Ban thờ Công đồng với nhiều họa tiết chạm khắc rất độc đáo
Đình - đền Hào Nam là một trong những cụm di tích thuộc diện “Tối Linh Từ”. Theo lưu truyền trong dân gian, hằng năm, mỗi khi Hào Nam tổ chức lễ hội rước kiệu Đức Linh Lang Đại vương lên Thủ Lệ (nơi chính thờ Linh Lang) thì đều có hiện tượng “kiệu bay” khiến nhân dân địa phương càng thêm tự hào về ngôi đình cổ kính của mình. Hiện tượng “kiệu bay” này được nhân dân lưu truyền bằng những câu thơ:
“Dân Hào Nam niềm vui khôn xiết
Khách thập phương dâng lễ rất đông
Dân ta con cháu Lạc Hồng
Hào Nam - Thủ Lệ lạ lùng kiệu bay”.
Cách đình khoảng 20m theo hướng Tây là ngôi đền còn gọi là đền Nhà Bà, thờ Vạn ngọc thủy tinh Công Chúa. Trước đền có trụ biểu xây vuông 4 cạnh, cao sừng sững soi bóng xuống hồ bán nguyệt. Trên đỉnh trụ, đặc sắc nhất là hình 4 con chim phượng chạm đuôi vào nhau, đầu quay ra 4 phía. Trong đền, hậu cung còn bức đại tự Đạo Đại quang và đôi câu đối:
Phổ hóa công cao sơn vạn trượng
Tế sinh đức chước nguyệt thiên thu
Dịch nghĩa:
Công bà như núi cao muôn trượng
Đức giúp quyền sinh như rọi ngàn thu
Chính điện nơi thờ Vạn ngọc thủy tinh Công chúa
Trong kháng chiến chống Pháp (1946 -1954), đình - đền Hào Nam là nơi Đội Tự vệ Cứu thương của làng Hào Nam tham gia chiến đấu cùng các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn thuộc Tiểu đoàn 523 bảo vệ Hà Nội. Đình - đền Hào Nam là trụ sở của Khu ủy Văn Miếu và Liên khu III. Ban chỉ huy khu Văn Miếu đã chọn đình - đền Hào Nam làm địa điểm liên lạc, tập kết của cán bộ hoạt động nội thành đồng thời là nơi cất dấu vũ khí, tài liệu, họp bàn kế hoạch xây dựng phong trào kháng chiến, diệt tề, trừ gian chống khủng bố của địch. Hiện nay, trong đền Bà vẫn còn lưu giữ hai căn hầm bí mật từ thời chiến tranh để lại.
Trải qua bao cuộc binh đao, hưng phế, người dân nơi đây ý thức rất rõ về công lao của các anh hùng có công với đất nước nên không ngừng giữ gìn, tôn tạo, tu bổ công trình. Chính vì vậy, nơi đây vẫn giữ được một không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng. Đặc biệt, đình - đền Hào Nam là nơi có 8 cây cổ thụ trăm năm tuổi được Hội BVTN&MT Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam gồm: 3 cây Đại hoa trắng, 2 cây Si, 1 cây Đa lông, 1 cây Bồ đề và 1 cây Muỗm. Đây cũng là những cây cổ thụ đầu tiên của quận Đống Đa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây Si đại thụ tại đình Hào Nam được Hội BVTN&MT Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Ngoài ra, trong khuôn viên đình - đền Hào Nam còn là nơi đặt những văn chỉ thờ đức Khổng Tử cũng là nơi vinh danh một nhà giáo tiêu biểu ở thế kỷ 17 đó là nhà giáo Vũ Thạnh (1644 -1727). Sau khi từ quan, ông về mở trường dạy học cho người dân ở phường Hào Nam. Nhằm ghi nhớ công lao của ông, Thành phố đã quyết định lấy đoạn đường từ phố Giảng Võ (đối diện phố Núi Trúc) đến phố Hào Nam (nơi có trường của Vũ Thạnh ngày xưa) đặt tên là phố Vũ Thạnh.
Đình và đền Hào Nam đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 5/2/1994. Đầu năm 2009, UBND thành phố Hà Nội cũng quyết định phong tặng cho đình - đền Hào Nam là Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.