Theo truyền thuyết,
làng Quảng Bá là đại bản doanh của Phùng Hưng khi tiến đánh thành Tống Bình (Hà
Nội ngày nay) để tiêu diệt quân nhà Đường. Các dấu tích còn lại đến ngày nay là
gò Lá Cờ (nơi cắm cờ của các tướng chỉ huy khi tập trận), gò Bến Trùm (nơi quân
lính xuống tắm sau những giờ luyện tập), gò Con Mộc (nơi quân lính tập mộc
khiên), hồ Thủy Sứ (nơi neo đậu bến thuyền chiến đấu). Để ghi nhớ công lao của
Phùng Hưng, dân làng đã dựng đình thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng.
Quần thể kiến trúc
của đình gồm: cổng đình, 2 bên giải vũ và kiến trúc chính (đại đình – hậu cung)
được xây dựng theo hình chữ nhị. Đại đình gồm 7 gian, mái lợp ngói, ở chính
giữa bờ nóc có đắp hình hổ phù và mặt trời, hai đầu hồi đắp nổi hoa văn hình mây
cuộn và cá hoá rồng. Các vì kèo được làm theo kiểu giá chiêng và trang trí vân
mây, hoa lá cách điệu.
Đáng chú ý là các bức cốn của đình được chạm trổ rất tỉ
mỉ, bức bên phải chạm rồng, lân; bức bên trái chạm rồng, phượng. Đặc biệt, bộ
cửa võng sơn son thiếp vàng với đề tài cửu long tranh châu của đình được tạo
tác tinh tế đến từng chi tiết.
Hậu cung của đình
gồm ba gian, ở giữa bờ nóc có đắp hình bầu rượu và cá hoá rồng, phía trên các
vòm cuốn đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, phượng hàm thư, lân vờn cầu ... Ở
gian giữa hậu cung đặt ngai thờ Phùng Hưng cùng một nhang án mang phong cách
thế kỉ 17 – 18 với các hoạ tiết chạm rồng, hoa lá, mặt trời.
Đình Quảng Bá hiện
nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: 16 đạo sắc phong Phùng
Hưng của các đời vua, các bức hoành phi và câu đối ca ngợi Phùng Hưng cùng các
vị tướng sĩ, nhưng đặc sắc nhất là tấm bia đá (Đường Lâm Phùng Hưng Kí) được
dựng năm 1841, khắc tới 3000 chữ Hán, ghi lại các sự kiện về người anh hùng dân
tộc Phùng Hưng.
Hàng năm, lễ hội
đình Quảng Bá được tổ chức 2 lần vào 09/2 đến 11/2 âm lịch (hội chính) và 10/8
âm lịch (lễ tế vọng). Trong lễ hội, theo truyền thống, nhân dân một số nơi khác
cùng thờ Phùng Hưng sẽ về đình Quảng Bá tế lễ. Ngoài ra lễ hội còn có lễ rước
nước, khóa tụng kinh của các sư chùa Quảng Bá cùng nhiều lễ tế truyền thống
khác. Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân
tộc như: múa sư tử, múa cờ, múa trống, múa sênh tiền, hát quan họ, hát chèo,
hát văn, tổ tôm điếm, thi cờ tướng, chọi gà …
Đình
Quảng Bá đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du
lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào năm 1994.