Bỏ qua nội dung chính

Dọc miền đất nước

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Ve-Book
Đăng ký thẻ bạn đọc
Sản phẩm thông tin
Hướng dẫn
Quan tri CMs
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Dọc miền đất nước > Bài đăng > Về địa danh Thủ Đức
Về địa danh Thủ Đức

Trong thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An (Thủ Đức) được chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định (TP.Hồ Chí Minh ngày nay). Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (1862), nhân dân Thủ Đức đã cùng với nhân dân Nam bộ đứng lên kháng chiến, tham gia chặn tàu chiến trên sông Sài Gòn với những địa danh còn lưu lại như: Đá Hàn, Vàm Tắc, Đồng Cháy...

Dưới thời chính quyền Sài Gòn (1955 - 1975) quận Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định. Về địa danh Thủ Đức căn cứ vào một số di tích còn lưu lại tại địa phương, ta có thể xác định rằng, đó là tên của một người có công lớn trong việc khai lập chợ Thủ Đức hiện nay.

Tại thị trấn Thủ Đức hiện còn lại một ngôi mộ cổ, kiến trúc theo hình voi phục. Ngôi mộ có 2 vòng tường trong ngoài bao quanh. Gắn liền phần chân mộ là tấm bia đá granit cao 42cm, rộng 32cm và dày 4cm. Bia khắc 37 chữ Hán, chia thành một hàng ngang và 3 hàng dọc, số chữ Hán này đã mờ vì trải qua năm tháng và mưa nắng. Nội dung bia mộ như sau: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông nước Đại Nam. Ông mất ngày 19 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890”.

Như vậy thì đã rõ: tên hiệu của ông Tạ Huy là Thủ Đức. Vậy vấn đề đặt ra là tên gọi Thủ Đức đã xuất hiện đầu tiên từ ông tiền hiền Tạ Huy? hay danh xưng này đã có sẵn mà ông Tạ Huy đã lấy làm tên hiệu cho mình? Bia mộ không ghi năm ông mất, chỉ biết năm lập mộ là Canh Dần 1890. Còn tôn danh “tiền hiền” của ông cũng gây cho nhiều người nhiều thắc mắc. Theo nhiều tài liệu đã ghi chép thì ông Tạ Huy hay Tạ Dương Minh là thủ lĩnh của thiểu số người Hoa "bài Thanh phục Minh" bị nhà Thanh truy đuổi ráo riết nên lẩn tránh, di cư sang Việt Nam. Được chính sách "chiêu dân lập ấp" rộng rãi của triều đình nước ta thu nhận và khuyến khích. Ông Tạ Huy và thiểu số người Hoa di trú này đã thần phục bổn triều và tự nguyện làm thần dân nước Việt. Tại vùng Linh Chiểu Đông xưa kia, họ đã cùng một số cư dân người Việt, người Champa, người Chân Lạp khai khẩn đất hoang, mở rộng canh tác rồi lập nghiệp.

Theo tác giả Trang Thanh Liêm viết trên báo Văn hóa (số 12- 1996) thì tại đình Linh Chiểu Đông (tức đình Linh Đông) ở Thủ Đức, hiện còn từ đường Tạ Dương Minh. Theo ban quý tế thì từ đường này được di chuyển từ chợ Thủ Đức về đây khoảng thập niên 70 sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975. Trong từ đường có biển ghi nội dung được dịch là: "Từ đường Tạ Dương Minh, tiền hiền họ Tạ, hiệu Thủ Đức húy Huy - Chánh đản ngày 19-6".

Căn cứ nội dung bia mộ ông Tạ Huy và từ đường Tạ Dương Minh, chúng ta có thế kết luận: ba danh xưng là Tạ Huy - Thủ Đức - Tạ Dương Minh là của một người.

Trong tác phẩm Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (Nxb Phát Toán, 1909, Q.1) có ghi:

"Thủ Đức chợ nhóm rất đông

Hai bên phố xá chánh trung nhà làng

Đình thần vén khéo nghiêm trang

Thưởng niên tế tự kỷ cang kinh thành

Dẫu xưa chữ nghĩa học hành

Nay hãy để dành khí tập phong thinh

Thuở xưa ông Tạ Dương Minh

Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu này

Mả người cải táng mới đây

Bởi làng xin bạc đổi xây mộ phần

Quan trên niệm nghĩa thi ân

Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành

Hương chức ở tất hậu tình

Mỗi năm ngày kỵ xung quanh tới đều

Nam phụ lão ấn dập dìu

Hương đăng trà quả mỹ miều khiết tinh

Miếu đề chữ Tạ Dương Minh

Cất riêng ra chỗ một mình quy mô

Đã tu miếu lại đắp mồ

Mỹ tai nhơn lý thanh hồ nghĩa Phong..."

Qua đó ta có thể kết luận rằng, do những đóng góp to lớn của ông Tạ Huy - Thủ Đức - Tạ Dương Minh, cùng việc khai lập chợ Thủ Đức xưa, nên ông đã được dân chúng nơi đây tôn thờ là tiền hiền? Và cũng từ tên chợ mà phát sinh ra tên gọi Thủ Đức để chỉ một vùng đất giàu truyền thống ngày nay ?...

Tạp chí Xưa & Nay số 346 tháng 12/2009

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.