Di tích chùa Bắc Mã (xã Bình Dương, huyện Đông Triều) hay còn gọi là địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo khu di tích này đã tiến hành từ nhiều năm qua nhưng hiện vẫn còn dở dang, là nỗi trăn trở của địa phương và khiến không ít du khách cảm thấy xót xa.
Nằm trong khuôn viên địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều hiện nay không chỉ có chùa Bắc Mã mà còn có nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều. Đến đây ngay trước thời điểm diễn ra lễ hội xuân chùa Bắc Mã, không khí chuẩn bị rộn ràng nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận nét hoang sơ, tiêu điều. Vườn cây um tùm, những đống gỗ làm dở dang phủ bạt lặng lẽ trong ẩm mốc, bia đá, chân tảng… của di tích xưa nằm rải rác. Tam quan chùa rất bề thế đã hoàn thiện cũng đóng cửa làm nơi để đồ cũ, mặc cho bụi phủ...
Tam quan chùa Bắc Mã xây dựng xong từ lâu nhưng chỉ đóng cửa để đấy. |
Chùa Bắc Mã có lịch sử từ lâu đời, sau này, trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa năm 1945, chùa Bắc Mã lại đóng vai trò quan trọng. Nơi đây đã trở thành căn cứ cách mạng của Mặt trận Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa và kéo dài suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau nhiều thăng trầm, công trình không còn giữ được kiến trúc xưa. Anh Vũ Xuân Thi, cán bộ văn hoá xã Bình Dương cho biết: Chùa hiện nay được xây dựng năm 1999 cùng với nhà lưu niệm, sau này, chùa cũng được sửa chữa thêm. Năm 2010, Bộ VH - TT&DL đã có thoả thuận tại văn bản số 203 ngày 20-4-2010 về việc tu bổ, tôn tạo di tích này; sau đó, tỉnh có Quyết định số 2348 ngày 9-8-2010 phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình. Theo đó, nhiều hạng mục của chùa sẽ được xây dựng như: Tam quan, tam bảo, nhà tổ, gác chuông, nhà tăng… nhưng nay mới cơ bản đầu tư tu bổ, tôn tạo xong tam bảo, tam quan, gác chuông, nhà bia. Cấu kiện gỗ của những hạng mục khác đã tập kết về khuôn viên chùa nhưng từ lâu vẫn… phủ bạt để đấy, nguy cơ mục nát rất cao do đặt ngoài trời, ẩm thấp, điều kiện bảo quản sơ sài.
Anh Thi cũng cho hay là sau này, qua khảo cổ khuôn viên phía trước nhà lưu niệm xây dựng từ trước đã phát hiện ra mặt bằng ngôi đình cổ. Để có thể tôn tạo lại ngôi đình trên nền cũ thì khu nhà lưu niệm lại phải đẩy lùi về phía sau. Theo dự án Quy hoạch và tu bổ, tôn tạo chùa Bắc Mã đang lập, việc tôn tạo dự kiến sẽ gồm nhiều hạng mục như: Đình Bắc Mã (gồm nghi môn, đại đình, nhà tả - hữu vu, cổng phụ), khu nhà lưu niệm, khu phát huy giá trị (nhà thuỷ đình, tượng đài Đệ tứ Chiến khu…) và hạ tầng kỹ thuật (sân, đường đi, tường rào, hồ bán nguyệt…). Tổng mức đầu tư hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn đang trình Bộ VH - TT&DL để xin điều chỉnh, bổ sung các hạng mục trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Mặc dù chưa được phê duyệt nhưng thực tế, qua điều tra, khảo sát, kiểm đếm để phục vụ cho dự án kể trên thì tổng diện tích đất cần thu hồi để mở rộng các công trình là 2,7ha của 66 hộ dân (11 hộ là đất thổ cư, còn lại là đất lúa, đất khác), trong đó có 2/3 trường hợp cần đất tái định cư theo quy hoạch.
Ông Bùi Văn Hàm, thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương là hộ phải di dời khi tiến hành dự án cho biết: Gia đình tôi có hơn 900m2 phải thu hồi cũng là toàn bộ diện tích đất của gia đình. Biên bản kiểm kê đã có, nhưng thoả thuận đền bù thì chưa. Người dân chúng tôi không gây khó khăn gì, vì thu hồi đất của bà con là để mở rộng cho công trình lịch sử trên chính quê hương mình, chỉ mong rằng phương án đền bù sẽ thoả đáng với bà con… Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cũng khẳng định: Dự án có quy mô rất lớn, địa phương rất mong mỏi công trình sớm được hoàn thiện, nhưng giờ chỉ biết chờ đợi thôi!
Vậy là địa phương rất đồng thuận với việc tu bổ, tôn tạo các công trình xưa. Nhưng làm sao để đẩy nhanh tiến độ dự án, không để thực trạng công trình dở dang, nhiều hạng mục bắt đầu có dấu hiệu hư hại, xuống cấp như hiện nay? Để trả lời câu hỏi này rất cần sự vào cuộc tích cực hơn của các cơ quan có trách nhiệm với công trình.
Ngọc Mai