Du ngoạn núi Sam huyền thoại

08/09/2010 07:02:59

- Người xưa nói "Núi không tại cao, có tiên thì linh", câu này quả là đúng với danh thắng Núi Sam - ngọn núi được xem là biểu tượng của miền đất địa linh Châu  Đốc, miền Tây Nam Bộ.

Ngọn núi huyền thoại

Từ thành phố Long Xuyên phóng thẳng đến thị xã Châu Đốc khoảng 54km, từ đây vào đến chân núi Sam chỉ 5km. Con đường trải nhựa thẳng băng, đen nhánh, bóng loáng như một dải lụa Tân Châu. Hai bên bờ là bát ngát đồng lúa, xa xa, những rặng cây xanh rướn lên, báo hiệu những làng mạc rải rác xen lẫn vài kiểng chùa theo phái Tiểu thừa.

 

d
Núi Sam nhìn từ xa.

 

Núi Sam hiện ra đột ngột như một chú sam khổng lồ chắn ngang đường. Những cây phượng vĩ trên sườn núi đá đã thay lá non vẫn còn giữ lại những chùm hoa đỏ rực cuối hè. So với các rặng núi hùng vĩ ở miền Trung, miền Bắc, núi Sam lẻ loi chỉ đáng gọi là một ngọn đồi vì chỉ cao khoảng trên dưới 240m (có chỗ nói 228m hoặc 310m...).

Nhưng ngọn đồi này chứa trong nó cả một di sản với nhiều công trình di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia như miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hang cùng những thắng cảnh như vườn Tao Ngộ, tịnh xá Bạch Vân... 

"Tứ đại cảnh" của núi Sam

Mỗi năm có hàng triệu lượt người đến với núi Sam. Thu hút du khách đông nhất là mùa lễ hội vía Bà vào cuối tháng tư âm lịch với trung tâm điểm là miếu nằm giữa hàng trăm cây phượng vĩ cổ thụ. Ngôi miếu này là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có tổng thể hài hòa, uy nghi với hình khối tháp, kiểu hoa sen nở.

Sư Ngọc Minh cho biết, miếu Bà được xây dựng đầu tiên vào khoảng năm 1820 - 1825 khi phát hiện ra tượng Bà trên đỉnh núi Sam. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret thì tượng Bà Chúa Xứ là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thời trung cổ, thuộc loại tượng thần, được tạc theo dáng người ngồi, vật liệu bằng đá sa thạch, có giá trị nghệ thuật cao.

 

x
Tây An cổ tự.

 

Chếch mé đối diện miếu Bà là ngôi chùa cổ Tây An nổi tiếng, nằm trên ngã 3 núi Sam từ Châu Đốc vào. Chùa do Tổng đốc An Giang là Doãn Uẩn lập từ năm 1847, sau được các hòa thượng Nhất Thừa, Thế Mật trùng tu và nổi danh trong thiên hạ khi Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên về đây ẩn tu.

Chùa Tây An mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc kết hợp với kiến trúc nghệ thuật Ấn - Hồi. Chùa theo Phật giáo Bắc tông, dòng thiền Lâm Tế, trong chùa có hơn 11.000 pho tượng có giá trị nghệ thuật và tôn giáo cao.

Cũng nằm bên sườn đông núi Sam là khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu cổ kính. Cả cuộc đời của Thoại Ngọc Hầu gắn liền với sự nghiệp khai phá mở cõi vùng biên ải và nằm lại muôn đời ở núi Sam. Từ năm 1817, ông chỉ huy đào kênh Thoại Hà nối liền Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay) đến Rạch Giá dài hơn 30km, rồi đào kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc tới Hà Tiên dài gần 100km, rộng hơn 36m và sâu 2,9m. 

Cho đến nay, 2 con kênh này vẫn chiếm vị trí quan trọng trong việc giao thương và phát triển nông nghiệp. Trước khi qua đời vào năm 1829, Thoại Ngọc Hầu đích thân chỉ huy xây dựng sơn lăng. Đó là một khối kiến trúc cổ nằm giữa những tán cổ thụ và tường thành dày trông uy nghi đường bệ. Muốn lên lăng phải qua 9 bậc thang đá ong dài cả trăm mét vào sân lăng rộng lớn có tiểu đình, dựng bản sao bia Thoại Sơn, đại bác, tượng nai, hổ... 

 

d
Chính lăng Thoại Ngọc Hầu.

 

d
Mộ Phật thầy Tây An.

 

d
Di tích "Bửu Sơn Kỳ  Hương" ở núi Sam.

 

d

Trong chùa cổ Tây An.

  Vòng qua mé tây núi Sam là di tích Chùa Hang huyền thoại được dựng từ năm 1840 trên một miệng hang. Tương truyền hang này chạy dài từ núi Sam đến núi Cấm (khoảng 10km) là và hang của một con mãng xà tinh tu luyện hiếu kỳ.

(Còn nữa)

Vùng đất phên giậu


Núi Sam có tên chữ là  Vĩnh Tế Sơn do vua Minh Mạng ban cho, lấy tên của bà  Châu Thị Tế - chánh thất của Thoại Ngọc Hầu, khi ông chỉ huy đào xong con kênh nối liền từ Châu Đốc đến tận Hà Tiên từ năm 1819 - 1824. Trước đó, núi Sam là vùng đất trọng yếu của quân thứ An Giang đạo (tương đương cấp quân khu ngày nay) vì địa thế hiểm trở, giáp biên giới Campuchia, từ trên đỉnh có thể bao quát cả vùng Châu Đốc.

 

Thiên Tường