Trong hai ngày 23 và 24-8, hàng vạn khách thập phương đổ về chùa Ông, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (
Quảng Ngãi) dự lễ hội chùa Ông. Việc phục dựng lễ hội chùa Ông không chỉ để góp phần bảo tồn một di tích lịch sử quốc gia mà còn góp phần sống lại một thời phồn hoa nơi cảng biển xưa.
Chùa Ông ngày lễ hội
Chùa Ông là một trong nhiều chùa ở Thu Xà xưa - một thương cảng nổi tiếng của Quảng Ngãi, nơi cộng cư giữa cộng đồng Hoa - Việt. Theo ông Từ Quang Tuấn - trưởng ban quản lý chùa Ông, từ nhiều thế kỷ trước, người Minh ly hương từ Trung Quốc sang đã chọn vùng đất cuối sông Trà Khúc để cùng với cộng đồng người Việt lập nên thương cảng, đào con sông Đào chảy ra cửa Lở và cửa Cổ Lũy tạo nên cảnh “trên bến dưới thuyền”.
Thương cảng Thu Xà trở thành thương cảng nổi tiếng của miền Trung (theo Đại Nam nhất thống chí, Thu Xà chỉ xếp sau Hội An và hơn hẳn Tân Quan, Bình Định). Thế nhưng, theo tháng năm và chiến tranh, cảng xưa mất dần vị thế và phố xưa cũng chẳng còn nguyên vẹn.
Bích Khê - một thi sĩ người Quảng Ngãi nổi tiếng với trường phái thơ tượng trưng trong dòng văn học lãng mạn từng sống và mất ở nơi này - đã viết về cảnh vật đổi sao dời ở thương cảng của một thời này.
“Nơi đây: Thành phố đời ngưng mạch
Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
Đường lên hội quán sương khuya xuống
Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?"
(Làng em - Bích Khê)
Đó là những câu thơ viết về Thu Xà trong nửa đầu thế kỷ 20, còn sau đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phố cổ Thu Xà bị đổ nát và chùa chiền cũng bị hư hỏng rất nhiều. Duy chỉ có chùa Ông, tức Quan Thánh tự là còn nguyên vẹn.
Chùa được xây dựng theo kiểu chữ tam theo mô thức nhà rường miền Trung vào năm 1821 và đã trải qua 4 lần trùng tu để thờ Quan Công, Chu Thương và Quan Bình. Những pho tượng này được thờ ở gian chính, ở hậu cung có 45 pho tượng bà Thiên Hậu chở che cho ngư dân miền biển, tượng bà Kim Đẩu trông coi việc sinh nở làm bằng gỗ, bằng đất sét nung, bằng đồng.
Xe hoa có tượng đức Quan Thánh
Ở chùa Ông nhiều thế kỷ trước năm nào cũng tổ chức lễ hội và không chỉ thu hút người dân ở Thu Xà mà còn khắp nơi gần xa đổ về. Người dân thắp hương tế Đức Quan Thánh ở trong chùa, thắp hương dưới tượng Phật Bà Quan Âm, bà Thiên Hậu và ngay cả dưới tượng ngựa Xích Thố của đức Quan Thánh.
Cũng trong khuôn viên chùa, người dân tổ chức lễ đăng đàn chẩn tế. Tượng của đức Tiêu Diện được với ra ngoài sân. Ở phía dưới có nhiều lễ vật nhưng toàn là vật chay tịnh như cháo trắng, trái cây để cúng những âm hồn. Rồi họ xem múa lân, múa sư rồng. Một lễ phóng sinh chim trời và cá được tiến hành bên sông Vực Hồng đổ ra cửa biển Cổ Lũy.
Đêm xuống cũng trên sông này người dân thả hoa đăng để nhớ những người từng ngược xuôi trên dòng sông đưa những thương thuyền ra khơi xa, tỏa đi muôn nơi chở theo quế, sa nhân, đường phổi, đường phèn và khi trở về đầy ắp tơ lụa bán cho dân trong vùng; những ngư dân đã bỏ mình nơi biển cả...
Lễ hội chùa Ông vì vậy không chỉ mang nét văn hóa tín ngưỡng của người Hoa, người Việt mà còn cả tín ngưỡng của cộng đồng cư dân vùng ven biển miền Trung.
Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Theo: TTO