Nguồn nước tạo nên Bàu Rộc bắt nguồn từ dãy núi cao có tên là Hào Hà. Bên phải núi Hào Hà xuôi về phía Đông có các núi Tượng Sơn (lèn Voi), Kỳ Sơn (lèn Cờ), Quy Sơn (lèn Rùa). Bên trái có núi Dẻ, núi Ông Do, núi Hố Mui, Động Xanh, núi Mã Sại, cồn Thung. Thượng nguồn của Rộc Giang (Bàu Rộc) có suối Gạo, nhân dân địa phương gọi là Khe Gạo. Cuối thời Trần, Chánh sứ Bái Dương hầu Phan Vân đã huy động nhân dân đắp đập ngăn nước Khe Gạo để tưới cho cánh đồng rộng đến mấy trăm mẫu nơi đây. Công trình thuỷ lợi này gọi là đập nước Bàu Trang. Nước Bàu Trang chảy về Đập Bài, rồi chảy về xuôi hoà với dòng nước suối Khe Đá Điếu bắt nguồn từ Tượng Sơn, chảy qua Kỳ Sơn, Quy Sơn tạo thành Bàu Rộc.
Trước đây, Bàu Rộc là một dòng sông khá dài, chảy qua Kẻ Rộc, Kẻ Duỗi, xuống Kẻ Thạng, Kẻ Ngu, đổ ra sông Điển. Nước Bàu Rộc cùng với nước sông Cẩm Giang, sông Dinh, Bàu Sừng đã tưới mát cho đồng bằng Yên Thành trồng lúa đạt năng suất cao, chất lượng gạo ngon nổi tiếng.
Cách đây mấy trăm năm, Bàu Rộc bị bồi lấp dần và trở thành con sông cụt dài vài km, nằm ở giữa Kẻ Rộc và Kẻ Duỗi. Đoạn phía trên Bàu Rộc có một vũng nước, diện tích khá rộng, sâu đến mấy sải, nhân dân địa phương gọi là Vũng tắm voi.
Theo gia phả họ Nguyễn Duy ở xã Tiền Thành (nay là xã Bắc Thành), dưới triều đại Tây Sơn có một người tên là Nguyễn Duy Có, quê ở xã Tiền Thành (xưa là Kẻ Rộc), huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An được vua Quang Trung phong là Tiền Trung úy Trung lĩnh hầu thống lĩnh Thanh - Nghệ nhị xứ Thượng tướng quân, chuẩn bị lực lượng thu hồi đất Lưỡng Quảng. Vùng đất Kẻ Rộc là địa bàn Nguyễn Duy Có luyện quân. Tướng binh của Nguyễn Duy Có thường tắm ở nơi có vũng nước rộng và sâu ở Bàu Rộc. Từ đó ở Bàu Rộc có địa danh “Vũng tắm voi”.
Trước Tết Kỷ Dậu (1789) hơn một tháng, sau lễ duyệt quân ở Phù Thạch - tỉnh lỵ Nghệ An, vua Quang Trung tổng chỉ huy đại quân Tây Sơn rời Phù Thạch, lên Nam Đàn, vượt Truông Băng và Truông Hến ra vùng Trù, Ú, theo đường mòn phía Đông chân núi Bồ Sơn (động Tụ Và), qua Bộng, Vẹo, vượt Bàu Rộc, ra Kẻ Mõ, Kẻ Sàng, lên Tam Lễ (nay là xã Quỳnh Tam), vượt dốc Bò Lăn, ra Thanh Hoá, Ninh Bình, đến Thăng Long. Như vậy, Bàu Rộc nằm trên con đường hành quân của vua Quang Trung ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh giữa Tết Kỷ Dậu (1789).
Trước cuộc hành quân của vua Quang Trung, từ xa xưa nhân dân vùng Tây Nam huyện Yên Thành, cụ thể là nhân dân vùng tổng Vân Tụ xưa, muốn qua vùng trung tâm của huyện Yên Thành đều phải vượt qua Bàu Rộc. Nhân dân vùng Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương muốn đưa đặc sản của mình ra vùng trung tâm Yên Thành bán rồi mua lúa gạo về hay nhân dân vùng trung tâm Yên Thành muốn sang vùng Tây Nam huyện, rồi lên Đô Lương, vào Nam Đàn, Thanh Chương càng phải vượt qua Bàu Rộc.
Phương tiện vượt qua Bàu Rộc hồi đó chỉ có bè hoặc thuyền, về sau có cầu tre chênh vênh, đi lại hết sức khó khăn.
Đến cuối thế kỷ XIX, ở Kẻ Duỗi (lúc này gọi là làng Cự Phú) có ông Nguyễn Bá Thuyết là người có tài, có tấm lòng vàng, lại giàu lòng thương dân, hàng ngày được chứng kiến tận mắt cảnh vất vả, khó khăn của nhân dân khi vượt qua Bàu Rộc, nên ông đã đề xướng việc xây cầu bắc qua Bầu Rộc. Ông đã thuê người giỏi kỹ thuật thiết kế. Nguyên liệu xây dựng cầu hoàn toàn bằng đá. Vị trí bắc cầu được chọn nơi chiều rộng của Bàu Rộc hẹp nhất, dài 34m. Cầu được thiết kế thành 17 nhịp, chiều dài của mỗi nhịp 2m, chiều rộng của cầu là 1,20m. Do đó, chiều rộng của tấm đá được linh hoạt để tận dụng được nhiều tấn đá khai thác được. Nếu tấm này rộng 0,8m thì tấm đá ghép song song nằm kề cạnh chỉ cần rộng 0,4m là được hoặc tấm này rộng 0,7m thì tấm kia rộng 0,5m. Trên mặt mỗi phiến đá được chạm khắc đường viền chạy song song theo chiều dọc phiến đá. Trên mỗi đà ngang của nhịp cầu được đục chốt chắc chắn. Khi ghép xong 34 phiến đá, mặt cầu phải đảm bảo có hình dáng cầu vồng, giữa cầu cao hơn hai đầu cầu 0,5m để tăng độ chịu lực của cầu và trông rất ngoạn mục. Hai đầu mố cầu, mỗi bên có 4 tấm đá được gắn kết chắc chắn.
Khi cầu đá đã có thiết kế hoàn chỉnh, nguyên vật liệu và kinh phí xây dựng được tính toán đầy đủ, ông Nguyễn Bá Thuyết đã gọi một số người thân cận, giàu tâm huyết đi vận động, quyên góp nhân dân trong vùng đóng góp kinh phí. Khi có đủ kinh phí, mới thuê thợ khai thác, sản xuất các tấm đá có kích thước theo yêu cầu đã được tính toán theo thiết kế, ở 4 mỏ đá: Thanh Hoá, lèn Hai Vai, lèn Vũ Kỳ, lèn Cờ. Thợ kỹ thuật xây dựng, lắp ghép cầu là những người có tay nghề cao ở Thanh Hoá và làng Trung Phường (Diễn Châu), chia là hai nhóm, làm từ hai đầu vào giữa cầu.
Hai khu vực đầu cầu có những công trình kiến trúc văn hoá tâm linh… Phía Bắc thuộc Kẻ Rộc, có đình làng Phúc Thành to đẹp, có làng Cự Phú linh thiêng. Dọc hai bên bờ Bàu Rộc là rừng cây xanh tốt, có nhiều đàn chim đến làm tổ, sáng chiều có tiếng chim hót líu lo. Đến năm 1960, hai bờ Bàu Rộc vẫn còn nhiều cây cổ thụ và nhiều loài chim trú ngụ. Gần đầu cầu phía Bắc có dựng tấm bia 4 mặt, khắc ghi công đức của những nhà hảo tâm đóng góp tiền của, công đức xây dựng cầu.
Cầu đá bắc qua Bàu Rộc là một công trình kiến trúc hoàn toàn bằng đá, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, có vẻ đẹp độc đáo giữa vùng quê lúa Yên Thành trù phú.
Sau khi cầu được khánh thành, dòng người qua lại trên cầu ngày càng đông vui, tạo thêm vẻ thịnh vượng, sôi động của một vùng quê êm ả đã lâu đời.
Đầu thế kỷ XX, tỉnh lộ 538 được xây dựng nối liền quốc lộ 7 với quốc lộ 1A ở Cầu Bùng, chạy ngang qua cánh đồng sau, bùn lầy ở phía dưới Bàu Rộc tạo thêm điều kiện thuận tiện cho khách qua lại. Tuy vậy, dòng người đi qua cầu đá vẫn đông vui. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975), nhiều đơn vị bộ đội tăng cường cho tiền tuyến lớn ở miền Nam cũng thường hành quân qua cầu Bàu Đá bắc qua Bàu Rộc. Trên con đường hành quân từ Bắc vào Nam, khi đến trạm liên lạc ở xã Bắc Thành và Trung Thành, bộ đội nghỉ lại một ngày, tối đến lại đi qua cầu đá sang xã Nam Thành, Liên Thành cắt quốc lộ 7 ở ngã tư Công Thành, theo đường mòn ở phía Đông chân núi Bồ Sơn (động Tù Và), vượt Truông Băng trên núi Đại Huệ đến huyện Nam Đàn, rồi đi tiếp vào Nam.
Trận lụt lớn vào năm 1988 đã làm sập 7 nhịp cầu, nhân dân và chính quyền xã Nam Thành đã tu sửa lại chu đáo, để người dân qua lại dễ dàng. Cùng với cảnh quan Bàu Rộc, cảnh quan làng quê tọa lạc đôi bờ Bàu Rộc, nét đẹp độc đáo của cầu đá bắc qua Bàu Rộc đã tạo nên một cảnh đẹp hiếm có ở nơi đây, là niềm tự hào của vùng quê lúa Yên Thành./.