Có
hai đường lên núi theo hai sườn Đông, Tây của Núi Dài Nhỏ. Sườn Đông
cận tỉnh lộ 948, đối diện với núi Két (Anh Vũ Sơn). Sườn Tây cận Quốc lộ
91 cạnh Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tịnh Biên.
Qua một đêm ở chợ biên
giới Xuân Tô... 7 giờ sáng, sương mù vẫn còn ngun ngút, lãng đãng trên
đỉnh Ngũ Hồ Sơn, chúng tôi uống vội ly cà phê nóng hổi rồi theo sự hướng
dẫn của anh Ba Đông- chủ quán cà-phê võng dưới chân núi- chúng tôi hăng
hái lên đường từ sườn phía Tây của Núi Dài Năm Giếng.
Đường đi ban
đầu thoai thoải theo triền núi, thấp thoáng vài ngôi nhà đơn sơ nép mình
dưới bóng cây rừng thâm u mát mẻ. Chúng tôi đi qua những rẫy bắp – hoa
phất phơ trong gió, những giàn đậu đũa bông tím nhạt quyến rũ đàn
bướm... Đường đi bắt đầu ngoằn ngoèo lên dốc. Bạn sẽ gặp khá nhiều loài
hoa rừng như mua, trâm ổi, bằng lăng, duối dại và đôi khi, bất ngờ có cả
những đóa lan rừng trắng trong mộc mạc, điểm xuyết nhị vàng! Tiếng chim
chìa vôi ríu rít, líu lo bên những "vồ” đá cheo leo, một vài chú "nhen”
(sóc con) nhảy chuyền thoăn thoắt trên những nhánh trâm rừng đầy trái
sum sê, chín mọng. Cảnh vật hoang sơ, thanh bình, như một bức tranh
thiên nhiên tuyệt vời, lãng mạn.
... Nửa đường, đến một khúc ngoặt,
ta sẽ gặp "điện Ngọc Hoàng”. Anh Bùi Ngọc Hưng là cháu ruột của "Cô Ba”-
người giữ điện kể rằng: cách đây hơn 20 năm, có một chàng trai phong
nhã của xứ Bạc Liêu đến đây du sơn, ngoạn cảnh. Đêm ngủ lại trên núi nằm
mộng thấy "thần tiên” xuất hiện trên tảng đá rất to! Chàng ta đã tâm
nguyện một điều gì đó... Tám năm sau chàng trai trở lại và lập điện tu.
Về sau, người này mất và an táng gần đấy - Điện Ngọc Hoàng là một hang
núi nhỏ, sâu hun hút, bí ẩn gần đó là Khe Gió. Đứng từ Khe Gió ta thấy
núi Trà Sư chập chùng xanh thẳm, xa hơn là những cánh đồng nước trắng
xóa, mênh mang của nước bạn Campuchia.
... Cuối cùng chúng tôi cũng
đã đến được năm giếng nước trời sau một cuộc hành trình khá vất vả nhưng
nhiều thú vị. Chúng tôi gặp "đoàn” Tây Ninh ở tận miền Đông cũng vừa
lên tới theo ngả sườn núi phía Đông của Ngũ Hồ Sơn. Theo huyền thoại dân
gian của Thất Sơn kể lại: thuở tạo thiên lập địa, Thái Thượng Lão Quân
vân du qua vùng núi nầy, ông đã dùng năm ngón tay của mình bấu, ấn vào
bãi đá để làm dấu! Những dấu ngón tay ấy đã biến thành năm cái giếng nhỏ
trên nền đá. Những giếng nước trời nầy "sâu không đáy” và không bao giờ
cạn nước!
Năm Giếng nằm lộ thiên giữa một bãi đá rộng thoáng đãng.
Mỗi miệng giếng rộng cỡ miệng thùng phuy nhưng không được tròn lắm. Cạnh
Năm Giếng có một ngôi miếu nhỏ gọi là Điện Bà nằm trên một tảng đá lớn.
Theo sự quan sát của chúng tôi, thì quả thật năm cái giếng ấy nằm rời
ra giống như dấu ấn của những đầu ngón tay trên nền đất sét, với đầu
ngón cái co vào hướng giữa lòng bàn tay, bốn đầu ngón tay kia nằm rời
nhau, so le không thẳng hàng! Có thể đây chỉ là sự ngẫu nhiên của tạo
hóa nhưng mang trong ấy những huyền thoại kỳ bí giống như bàn chân tiên ở
núi Ba Thê (Thoại Sơn) và núi Cô Tô (Tri Tôn)!
Về việc giếng sâu
không đáy và không bao giờ cạn thì theo giải thích của vài người - giếng
giống như những hang động "mi-ni”, ăn luồn vào lòng núi. Nước ở Năm
Giếng không bao giờ cạn. Múc vơi nước, ít phút sau nước sẽ đầy trở lại!
Cách đó không xa có một tảng đá tròn khá lớn, trên mặt tảng đá có một
phiến đá vuông như cái ghế đôn. Dân ở đây nói đó là "Đá Tiên Ngồi”!
Chinh
phục Núi Dài Năm Giếng là một chuyến du khảo thể nghiệm, khám phá những
bí ẩn mang màu sắc tâm linh, huyền thoại của dân gian. Và, đây cũng là
chuyến đi thực tế. Bạn sẽ có dịp gặp gỡ, hàn huyên với những bà con nông
dân chơn chất một nắng hai sương, canh tác, trồng trọt trên Ngũ Hồ Sơn.
Ở Núi Dài Năm Giếng có khá nhiều vườn cây ăn trái sum suê, tươi tốt xen
lẫn giữa cây rừng như xoài, nhãn, chuối, bồ quân, mãng cầu ta, mít,
ổi... Ở những triền núi, những vồ đá phủ đầy thanh long. Chị Nguyễn Thị
Duyên (dân Nhà Bàn) cho biết, bà con nông dân Ngũ Hồ Sơn hiện nay có
trồng thêm nhiều cây ngải bún và cây huyền là hai loài cây cho thu nhập
khá. Bột củ huyền (bột nưa) hiện bán hơn 30.000đ/kg, bột củ huyền được
du khách và người hành hương ưa chuộng bởi tính mát và bổ dưỡng. Ngải
bún dùng để làm gia vị nấu bún cá, có hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn.
Đường
lên Núi Dài Năm Giếng ở sườn Đông dài gần 1km, hơi dốc, vừa mới được
"Nhà nước và nhân dân cùng làm” mở rộng, tráng xi măng hơn phân nửa để
xe hai bánh có thể lên tới đỉnh. Ở Sườn Tây, dài chừng 1,5km, theo ông
Nguyễn Văn Đông (Ba Đông), cán bộ hưu trí ở Ngũ Hồ Sơn cho biết: Nhà
nước đã có kế hoạch cùng bà con nhân dân ở đây, sắp tới, sẽ mở đường
thông thoáng để khách du lịch và người hành hương có thể dễ dàng lên
"Năm Giếng” tham quan, vãn cảnh. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng vài chục,
có khi cả trăm người tìm đến, leo lên Ngũ Hồ Sơn để khám phá những giếng
nước trời còn nhiều bí ẩn!
Du khách có thể đến Ngũ Hồ Sơn từ thành
phố Hồ Chí Minh: Theo đường 1A về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận đi Sa Đéc,
sang phà Vàm Cống đến thành phố Long Xuyên. Từ đây, theo đường 91 đi
Châu Đốc, đến Nhà Bàn, Xuân Tô (Tịnh Biên). Đường khá tốt dài khoảng
290km. Nhân dịp, bạn cũng nên ghé siêu thị miễn thuế và chợ biên giới
Tịnh Biên gần đấy để mua một số hàng (giá thường rẻ hơn nội địa từ 10%
đến 20%) về sử dụng và làm quà tặng, biếu người thân.
Vùng Tịnh Biên
(An Giang) là nơi có rất nhiều cây sầu đâu mọc hoang trên nền đất bán
sơn địa. Người Khmer gọi sầu đâu là "sdau”, về sau loại cây này được
thuần dưỡng, trồng nhiều nơi ở các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng
Tháp. Sầu đâu là cây thân gỗ. Cành lá sum sê, trổ bông vào mùa xuân.
Gỏi
sầu đâu là món ăn lạ miệng, hấp dẫn. Gỏi sầu đâu thường được chế biến
từ lá sầu đâu non cùng khô cá tra, cá lóc hoặc khô cá sặt. Gỏi sầu đâu
mới ăn vào thấy nhẩn, đắng nhưng khi nhai, nuốt vào lại cho vị ngọt ngon
bất ngờ. Đây là món ăn dân dã, yêu thích của người miền Tây, nhất là
các tỉnh cận biên giới Campuchia.
Trước đây vài chục năm, vào mùa khô
mới có thể ăn gỏi sầu đâu, đó là thời kỳ lá sầu đâu rụng và đâm chồi,
đọt non. Bây giờ muốn ăn lúc nào cũng có. Người ta lặt trụi lá già, tưới
nước, bón phân, sầu đâu sẽ đâm chổi, ra lá non quanh năm.
Gỏi sầu
đâu trộn với thịt ba chỉ, thịt đùi, tai, mũi heo luộc là món ngon dễ
làm, cách chế biến như sau: Thịt heo rửa sạch, luộc chín, xắt mỏng.
Nhúng chùm lá sầu đâu vào nước sôi vài phút, đem ra tuốt lấy lá non. Khô
cá tra, cá lóc hoặc cá sặt nướng, xé nhỏ, bỏ xương. Nếu không có cá khô
thì dùng cá tươi nướng hoặc luộc chín, xé nhỏ, bằm xoài và xắt dưa leo,
có thể dùng me cho vào nước sôi, gạn lấy nước chua, cũng có thể sử dụng
cà chua bỏ ruột hoặc dứa xắt mỏng. Xắt củ hành tây và ít rau thơm, pha
chút đường, bột ngọt, nước mắm. Tất cả cho vào trộn đều với lá sầu đâu
là đã có món gỏi ngon. Vị đắng đót, dìu dịu, nhân nhẩn của lá sầu đâu
cùng với chút vị béo của thịt luộc thái mỏng, vị giòn thơm của khô cá
sặt xé nhỏ và một ít tôm thẻ trộn qua nước sôi.
Đến An Giang, không
ăn gỏi sầu đâu trộn với thịt luộc, khô đồng thì thật là đáng tiếc! Đây
là món ăn dân dã độc đáo nhưng không phải nơi nào cũng có!
Ảnh: Ngũ Hành Sơn hấp dẫn du khách bởi cảnh vật hoang sơ, thanh bình, như một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời