Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện thần Thổ địa Đằng Châu
Theo Sử ký của Đỗ Thiện thì thần vốn là thần thổ địa ở miếu cổ đất Đằng Châu. Xưa ,vào cuối thời Lê Ngọa Triều, Lý Thái Tổ chưa lên ngôi, nắm giữ binh quyền, được phong thực ấp ở đất Đằng. Một hôm,ông đi chu du tới đó, bỗng gặp mưa to, gió lớn nổi lên, liền quay lại hỏi mọi người: “Bên bờ sông là đền thờ thần nào, có linh nghiệm không?”. Người trong thôn trả lời :”Đây là đền cổ thờ thổ thần châu Đằng, dân cầu mưa thì được mưa, rất linh nghiệm”. Thái Tổ nghiêm giọng nói: “Nếu có được trận mưa gió này, nhưng bên kia sông thì tạnh nắng mới là linh nghiệm”. Một lát sau, một bên sông thì tạnh, còn một bên sông thì mưa. Vua lấy là lạ, mới cho sửa chữa lại đền thờ và đốt hương cầu mưa. Có người trong làng làm bài thơ ca ngợi như sau (1):Đẹp thay Vua lớn nổi uy danh
Thổ địa Đằng Châu thần hiển linh
Làm gió mưa nay không phạm tới
Bên mưa trút nước bên nắng hanh.
Thái Tổ nghe nói thế tự nghĩ mình có âm đức.
Đến khi Ngoạ Triều bạo ngược, Thái Tổ mưu việc đại sự, bèn tới đền cầu khẩn. Đêm ấy, nằm mơ thấy thần nhân đến bảo: “Muốn thắng được thắng, muốn thành được thành.Các nơi đều theo về. Thiên hạ được thái bình. Ba năm dân lạc nghiệp, Bảy miếu cũng an bình”. Thái Tổ chưa hiểu rõ, nhưng có người thầy bói nói rằng: “Đó là điềm lành”. Đến khi Thái Tổ lên ngôi bèn đổi đất Đằng Châu lên thành phủ Thái Bình, phong thổ thần Đằng châu là “Khai Thiên Thành Hoàng Đại vương”. Đến năm Trùng Hưng (2) nhà Trần phong thêm các chữ: “Khai Thiên Trấn Quốc”. Đền thờ trong đê, thường hay bị nước lũ tràn về, nước sông dâng cao, người trong thôn thường thấy ngựa xe, võng lọng, lính hầu tuần hành y như những người hộ đê. Vì thế, đê tuy thấp nhưng không bị xoi mòn, đúng là nhờ thần lực của Thần vậy. Mãi sau này, đê lở gần tới đền, đến cuối năm Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên (3), thì đắp nền trên đê, xây chùa. Một đêm, quan lại và bọn thợ ngủ trên đám cỏ, thấy dưới chân đê có người tới mượn cuốc, xẻng. Lát sau, chỗ đền thấy mơ hồ thấy tiếng động như có đoàn người xếp hàng. Đến sáng đã thấy đền chuyển dời về bên trái đê ba thước, thật là linh dị.
Tri phủ Khoái Châu Hoàng Nam Kim, trong ngày phụng lệnh đến an thần lạc vị có thơ đề trên đền rằng (4):
Chia đất bãi hoang ngời hiển hách
Khai Thiên thần dựng cảnh uy nghiêm
Xây xong muốn biết đâu linh dị
Thần lực dời đền trong một đêm
Chú Thích:
1) Mỹ hỉ đại vương uy vọng trọng 美矣大王威望重
Đằng Châu thổ địa hiển thần linh 滕州土地顯神靈
Khước giáo bạo vũ vô xâm phạm 却教暴雨無侵犯
Biên na bàng đà biên na tình 邊那滂沱邊那晴
2) Trùng Hưng là niên hiệu của vua Trần Nhân Tông từ năm 1285 đến năm 1292.
3) Thống Nguyên là niên hiệu của vua nhà Hậu Lê Cung Hoàng từ năm 1522 đến năm 1526. Năm Bính Tuất niên hiệu Thống Nguyên tức năm 1526.
4) Phân thổ châu khư phi hách hách 分土州墟丕赫赫
Khai Thiên huyền tạo ngưỡng nguy nguy 開天玄造仰崴崴
Từ thành dục thức chân linh tích 祠成欲識眞靈跡
Nhất dạ thần công diệu chuyển đi. 一夜神功妙轉移
(Nguyễn Hữu Vinh)
Bình:
• Tương truyền thần Thổ Địa Đằng Châu là Phạm Bạch Hổ, một trong 12 sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh, qui phục Đinh Bộ Lĩnh và được phông Thân Vệ Đại Tướng Quân. Ngày nay Phạm Bạch Hổ được thờ phụng tại Đền Mây, thuộc địa phận thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, Thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
• Truyện này có ý nói người đó chân mạng đế vương (Lý Công Uẩn) thì được thần thánh tôn trong và tuân phục cả trước khi được làm vua, và được thần thánh hỗ trợ để lên ngôi vua. Đây là khái niệm vua là thiên tử (con của trời), thay trời trị quốc, trong truyền thống Nho giáo.
• Tuy nhiên, vì cố tăng vai trò của thần thánh và thầy bói lên cao quá mà biến vua thành dốt. Câu thần nói như thế này: “Muốn thắng được thắng, muốn thành được thành.Các nơi đều theo về. Thiên hạ được thái bình. Ba năm dân lạc nghiệp, Bảy miếu cũng an bình.” Câu này mà vua không hiểu phải nhờ thầy bói cho biết “Đó là điềm lành” thì e rằng trí tuệ của vua chẳng có một tí nào?
Hay là vua rất thông mình? Thay vì chính mình nói ra thì để thần nhân và thầy bói nói, đám bàng dân mới tin náo nức?
(Trần Đình Hoành bình)
Câu thần nói như thế này: “Muốn thắng được thắng, muốn thành được thành.Các nơi đều theo về. Thiên hạ được thái bình. Ba năm dân lạc nghiệp, Bảy miếu cũng an bình.” Câu này mà vua không hiểu phải nhờ thầy bói cho biết “Đó là điềm lành”. con nghĩ đây cũng là một kế sách để nhà vua có thể thu phục nhơn tâm hoặc do người đời truyền tục sai lệch về cách đánh giá câu nói trên.
Phản hồi bởi nguyễn văn hoàng | Tháng Chín 6, 2010