Làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội dù vẫn được gọi là làng "cổ" nhưng thực tế thì đã mất đi nhiều nét cổ kính, rêu phong vốn có.
Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là dù những ngôi nhà cổ cuối cùng - là linh hồn của làng cổ, đang tiếp tục biến mất bởi "cơn lốc đô thị hóa" thì các cấp chính quyền và người dân vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để bảo tồn một di sản vô giá.
Tiếc cho một làng cổ
Làng Cự Đà xưa có tên cổ là Ngô Khê thôn, nằm cạnh dòng sông Nhuệ, đường giao thông trong làng có cấu trúc hình xương cá, rất khoa học. Các cụ cao niên trong làng kể rằng, theo thuyết phong thủy, làng ở địa thế thuận lợi "nhất cận thị, nhị cận giang". Ở đầu làng có một gò cao có tên gọi là Đống Già, các nhà khảo cổ học về nghiên cứu đã khẳng định đây là một ngôi mộ gạch thời Bắc thuộc.
Theo nhận định của các nhà khảo cổ khi về đây nghiên cứu thì chứng tích mộ gạch như đã tìm thấy đã minh chứng Cự Đà từng có thời kỳ là trung tâm kinh tế, xã hội sầm uất. Vì thế mà ngay từ năm 1929, dọc con đường chính của làng đã có đèn điện thắp sáng, là làng có đèn điện sớm nhất vùng Hà Đông khi đó.
Nhà cổ ở Cự Đà giữa "cơn lốc đô thị hóa"
Cùng cán bộ văn hóa xã Cự Khê Vũ Văn Bằng, chúng tôi vào thăm gia đình ông Đinh Tân Thịnh, một trong số ít người vẫn giữ được nếp nhà Việt cổ, quyết không để con cháu phá dỡ xây dựng nhà mới. Miêu tả về ngôi nhà, ông Thịnh nói: "Ngôi nhà có lối kiến trúc 5 gian 2 dĩ, với 2 phần rõ rệt là nội tự, ngoại khách. Nội tự là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên, có không gian linh thiêng và thoáng đạt; ngoại khách là nơi chủ nhà dùng để tiếp khách, bạn bè, người thân".
Toàn bộ ngôi nhà có 28 chiếc cột, được làm bằng gỗ dổi và gỗ xoan đào, đường kính 8 cột trong khu vực nội tự là 30cm, cột ở hiên và buồng là 25cm. Các chân đế cột đều làm bằng đá xanh, điêu khắc thủ công với các đường nét hoa văn mềm mại và uyển chuyển. Phía ngoài ngôi nhà có 2 cột hoa biểu, ngồi trấn phía trên đỉnh là đôi nghê và bên cạnh là đôi cá chép được đắp vẽ tinh xảo, sinh động.
Theo ông Bằng, "nếu so sánh niên đại nhà cổ của làng Cự Đà thì kém làng Đường Lâm, nhưng về giá trị nghệ thuật kiến trúc thì hơn hẳn". Ông Bằng cho biết, nhà cổ ở Cự Đà hầu hết là lối kiến trúc 5 gian 2 dĩ, hay còn gọi "7 tiền 7 hậu, cửa võng bức bàn", mang đậm phong cách thời Nguyễn với lối chạm trổ hoa văn điển hình và mang giá trị nghệ thuật cao. Riêng với ngôi nhà của ông Thịnh vẫn giữ được nguyên bản, kể từ nội thất đến sân lát gạch Bát Tràng, cổng vào và bể nước.
Nói về lịch sử ngôi nhà, ông Thịnh kể, "duy nhất ngôi nhà này ở làng Cự Đà không ghi niên đại trên nóc nên nhiều nhà khoa học vào thăm, nghiên cứu đều đưa ra dự đoán độ tuổi khoảng trên 200 năm". Ngôi nhà của ông Thịnh từng là nhà của cụ Trịnh Văn Cối, thường gọi là cụ Hai Tiêu, đại địa chủ có tới hàng nghìn mẫu ruộng. Tương truyền, cụ Hai Tiêu dựng ngôi nhà này bằng việc "mua dỡ" nguyên bản của một người dân ở tỉnh Hà Nam và được chuyên chở bằng thuyền đò theo sông Nhuệ về làng Cự Đà.
Không chỉ có những ngôi nhà thuần Việt, ở Cự Đà vẫn còn một số ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp đặc trưng hoặc pha tạp hai lối kiến trúc phương Tây - phương Đông.
Nổi tiếng nhất là ngôi nhà hai tầng của ông Đinh Văn Tường đang ở, cho dù bị hư hỏng ở một số góc tường, mái, cửa sổ... do trận giao tranh ác liệt giữa quân ta và quân Pháp vào năm 1947 gây ra, nhưng với những họa tiết trang trí bắt mắt trên tường, bậu cửa, tường hoa, vẫn khiến bất cứ người khách nào đi qua đường phải dừng lại ngắm nhìn.
Ngoài ra, biệt thự xây từ thời Pháp thuộc của ông Nguyễn Văn Bảo và bà Trịnh Thị Hồng cũng còn nhiều nét quyến rũ với những hoa văn chạm trổ trên cột nhà, xà nhà, mái rất mềm mại...
Một điểm khá thú vị nữa là khi vào thăm làng Cự Đà chúng tôi phát hiện nhiều gia đình vẫn giữ được bảng đánh số nhà từ xưa. Theo các tài liệu ghi chép lại, việc đánh số nhà ở làng bắt đầu thực hiện từ năm 1929, khi ấy Cự Đà mới chỉ có khoảng 300 nóc nhà, nằm dọc trong các xóm.
Cách đánh số nhà ở Cự Đà không chỉ nói lên tư duy quản lý làng xóm khoa học, mà còn góp phần khẳng định sự chính thống của từng ngôi nhà, vì ngay từ thời ấy, những ngôi nhà xây dựng trên đất trồng trọt, lấn chiếm, cơi nới đều không được gắn số nhà.
Hãy cứu lấy di sản
Tiếng thơm "làng cổ Cự Đà" thì vẫn còn, nhưng những hình ảnh làng quê cổ kính yên bình nơi đây thì đang mất dần theo thời gian. Nét cổ kính còn sót lại mà du khách về thăm làng Cự Đà dễ nhận thấy nhất ở thời điểm này là ở 12 xóm của làng cơ bản vẫn giữ được cổng vòm.
Ông Vũ Văn Bằng chua xót nói: "Vài năm trước, nhiều ngõ xóm trong làng vẫn còn giữ được những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng giờ thì bê tông hóa hết rồi. Nơi những chiếc cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng không còn lại dấu tích xưa. May mắn nhất là tòa nhà Hội đồng, nhà Thọ từ, đình, chùa vẫn còn, hiện là nơi họp hành và thực hiện các nghi lễ trong làng của nhân dân".
Điều đáng tiếc nhất ở Cự Đà chính là quy hoạch của làng cổ đã bị phá vỡ hoàn toàn. Người trong làng Cự Đà vẫn rỉ tai nhau, từ khi có tiền từ đền bù đất (80% diện tích đất nông nghiệp của Cự Đà đã, đang tiếp tục bị thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển đô thị, kinh tế xã hội), rất ít người trong làng muốn giữ lại nhà cổ, nhất là những người trẻ tuổi vì những bất tiện trong sinh hoạt mà họ phải trải qua hằng ngày.
Chính vì thế mà "cơn lốc đô thị hóa" đã len lỏi đến mọi gia đình. Giờ vào các ngõ, tất cả chỉ là những ngôi nhà bê tông cao vút, hiếm hoi mới gặp được mái nhà còn giữ ngói mũi rêu phong. Thống kê sơ bộ của xã Cự Khê cho thấy, giai đoạn 1945-1975, làng Cự Đà có đến hơn 100 ngôi nhà cổ, niên đại từ 100 đến 130 năm, nhưng đến nay chỉ còn 51 ngôi.
Song song với tình trạng phá nhà cổ xây dựng nhà mới thì những ngôi nhà còn tồn tại đến ngày nay cũng đang đứng trước nguy cơ bị biến mất. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó cơ bản nhất là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của người dân.
"Mỗi gia đình đều có thêm nhiều thế hệ nên sinh sống trong một ngôi nhà cổ là rất khó khăn và bất tiện. Việc họ phá dỡ để xây dựng những ngôi nhà cao tầng cho tiện bề sinh hoạt là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền cho người dân hiểu để bảo tồn chứ cũng không thể giúp đỡ gì hơn. Nếu muốn sửa sang lại nhà cổ theo đúng nguyên gốc cũng rất tốn kém, người dân không có tiền" - ông Phương phân trần.
Theo quan điểm của lãnh đạo xã Cự Khê và những lời chia sẻ từ tâm can của chính người dân Cự Đà thì bản thân họ rất muốn giữ lại nhà cổ, nhưng "giữ bằng cách nào và với cơ chế, chính sách gì?" thì lại là câu hỏi họ đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời đáp.
Chia sẻ về nỗi niềm giữ nhà cổ, ông Đinh Tân Thịnh tâm sự: "Trong tâm tôi chưa bao giờ muốn phá nhà cổ đang ở. Các con tôi cũng từng đề đạt nguyện vọng này để xây dựng nhà mới, nhưng tôi quyết giữ. Nhưng chẳng biết khi tôi chết đi, các con tôi có giữ được không. Nghĩ mà thấy buồn và tiếc, tiếc cho một tiếng thơm đã được lưu danh và nhiều người biết đến". Và, trong lúc chưa có sự hỗ trợ nào từ các cấp có thẩm quyền, cứ chu kỳ 25-30 năm ông Thịnh lại tiến hành sửa chữa nhà một lần. "Tôi đảo ngói, thay rui bị mục, chống thấm, chống dột. Mỗi lần như thế cũng tốn công, tốn của lắm. Thợ thì kêu mãi mới tìm được, ngói thì phải tìm mua lại của những gia đình người ta phá nhà cũ trong làng".
Gia đình ông Nguyễn Văn Bảo và bà Trịnh Thị Hồng cũng vậy, họ phải gắng gượng bằng nhiều cách để giữ lại ngôi nhà có kiến trúc Pháp mà họ rất yêu quý và trân trọng. Ngôi nhà được giữ gìn rất cẩn thận, tường, gạch, cổng, sân đều đã rêu phong hoen ố. Ở phía ngoài, mọi thứ vẫn còn được giữ nguyên vẹn với những phù điêu, họa tiết phương Tây đắp nổi.
Nhưng ở phía trong ngôi nhà gần như chỉ còn lại tường bao quanh, các cửa kính đã phải thay do bị vỡ. Bà Hồng cho biết, "sống trong ngôi nhà tuổi đã hơn 100 năm, lại được xây dựng bằng vôi vữa nên cũng lo lắng mỗi khi mưa gió, giờ mà sửa chữa như kiểu cổ cũng khó lòng kham được".
Đáng trân trọng nhất là người dân đã biết giữ gìn di sản trước ma lực của đồng tiền. Với ông Thịnh, đã từ chối thẳng thừng lời trả giá của người mua đồ cổ cho đôi nghê đến 180 triệu đồng; với gia đình ông Bảo, bà Hồng, đã nhiều lần phải tiếp khách và từ chối lời hỏi mua bộ bát tiên gắn ở ngay trên cửa chính ra vào.
Dù như thế nào thì khi nghe những lời này chúng tôi cũng thấy mừng cho làng Cự Đà, vì với những con người biết hy sinh cái riêng thì hy vọng những hình ảnh cuối cùng của làng cổ sẽ vẫn được giữ lại trong tương lai gần. Mong mỏi lớn nhất của chính quyền xã Cự Khê cũng như người dân làng Cự Đà bây giờ là được Nhà nước quan tâm, có cơ chế, chính sách để phát huy, bảo tồn các giá trị làng cổ.
Theo Chí Kiên