Các tin tức - sự kiện khác

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ PHÙ ĐỔNG VÀ LỄ HỘI GIÓNG – NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI DÂN GIA LÂM NÓI RIÊNG VÀ THỦ ĐÔ HÀ NỘI NÓI CHUNG 


Gia Lâm – mảnh đất cổ, với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long. Nằm ở vị trí quan trọng có mạng lưới giao thông thuận tiện đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía bắc và phía Đông như quốc lộ 5A, 5B, 1A, 1B, cao tốc Hà Nội - Hưng Yên và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; được hai dòng sông: sông Hồng và sông Đuống bồi đắp phù sa màu mỡ. Nhìn vào bản đồ ngày nay, Gia Lâm được ví như “hình thể và hình thế của hai cánh chim mạnh mẽ và rộng rãi xòe trên đôi bờ dòng sông Đuống, ôm lấy cả một miền Đông – chiến lược của Thành phố Hà Nội” (GS. Lê Văn Lan).

Cha ông ta từ xưa đã đúc rút: đất “địa linh” tất sinh “nhân kiệt”, điều này phải chăng hoàn toàn đúng với mảnh đất Gia Lâm. Gia Lâm là nơi sinh ra huyền thoại bất tử đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt đó là Đức Thánh Chử Đồng Tử và Đức Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, hai trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Gia Lâm còn là quê hương của những con người đã góp phần làm giàu thêm trang sử nước nhà như: Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Biểu, Danh nhân Cao Bá Quát, Tướng Nguyễn Sơn...
Đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các em nhỏ, hình tượng Thánh Gióng và truyện Thánh Gióng có sức lôi cuốn một cách kỳ lạ, đi vào đời sống của nhân dân một cách tự nhiên dẫu thời gian biến đổi vạn vật.
Thánh Gióng biểu trưng cho hào khí của bản hùng ca từ ngàn xưa vọng lại, là niềm tự hào, là sự hội tụ những nét đẹp nhất, tiêu biểu nhất, cao quý nhất của những con người yêu nước.
Thánh Gióng biểu trưng cho các đức tính “trí – trung – dũng” của người làm tướng, đại diện cho ý chí của nhân dân, khi đất nước lâm nguy đã đặt lên vai sứ mệnh lịch sử lớn lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Thánh Gióng còn là bản tình ca tuyệt đẹp về tình mẫu tử, sự khoan dung, độ lượng của người chiến thắng trước kẻ thù và niềm khát khao sống trong một thế giới hòa bình
Câu chuyện kể về một cậu bé được sinh ra ở Làng Gióng (xã Phù Đổng), khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc, cưỡi ngựa bay lên trời.
Ngài đã được thiêng hóa thành vị Thánh bất tử, bảo vệ hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. Hàng năm, nhân dân Phù Đổng đều mở hội để tưởng nhớ và tri ân công đức của ngài.
Lễ hội Gióng làng Phù Đổng là lễ hội truyền thống thường niên, hình thành từ thời Lý, được dân chúng các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên và làng Hội Xá đứng ra tổ chức, trở thành lễ hội nổi tiếng vùng châu thổ Bắc Bộ. Xưa kia hội được tổ chức từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch. Nay Lễ hội Gióng được diễn ra trong 3 ngày từ mồng 7 đến ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch.
 

Lễ hội Gióng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

 
Lễ hội Gióng là là một Lễ hội thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân. Sức hấp dẫn của Hội Gióng còn là ý nghĩa giáo dục, lòng yêu nước, truyền thống và ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Mọi giá trị văn hóa gần như được tích hợp trong hàng loạt các hệ thống biểu tượng nghệ thuật độc đáo, để ngàn năm qua luôn thu hút du khách thập phương về tham dự.
Hội Gióng đã được cộng đồng bảo tồn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc văn hóa, chứa đựng những sáng tạo, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng hòa bình.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, ngày 16/11/2010, Tổ chức UNESCO đã công nhận Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để Lễ hội Gióng được thực hành nhuần nhuyễn và lưu truyền qua hàng thế kỷ, không thể thiếu không gian linh thiêng, đó là Khu di tích lịch sử Phù Đổng – được nhân dân làng Phù Đổng dựng lên để tôn vinh, tưởng nhớ người anh hùng của quê hương mình.
Lễ hội Gióng cùng với Khu di tích lịch sử Phù Đổng hòa quyện và gắn chặt trở thành một thực thể không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Phù Đổng nói riêng và nhân dân Gia Lâm nói chung.
Khu di tích lịch sử Phù Đổng đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)ban hành Quyết định xếp hạng số 09/QĐ ngày 21/02/1975.
 
 

Cổng Đền Thượng

 
Năm 2013, Khu di tích lịch sử Phù Đổng là một trong 5 di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sau hơn 3 tháng khẩn trương nghiên cứu, tập hợp các tư liệu, khoa học, lịch sử để lập hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt, ngày 12/6/2013, Hội nghị thông qua hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia Đặc biệt Khu di tích lịch sử Phù Đổng đã được tổ chức. Căn cứ Biên bản và Bản đồ hiện trạng khoanh vùng Khu di tích lịch sử Phù Đổng gồm 10 địa điểm, được chia thành 5 Khu đo, cụ thể:
Khu đo I gồm: Đền Thượng, Chùa Kiến Sơ, Đình Hạ Mã, Chùa Hương Hải với diện tích: 26.581,2m2
- Đền Thượng: còn được gọi là đền Gióng, nơi thờ Đức Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương.
Tương truyền khởi nguồn từ một ngôi miếu có từ thời Hùng Vương thứ 6, trên nền đất cũ của mẹ Thánh Gióng.
- Chùa Kiến Sơ: Tên chữ là “Kiến Sơ tự”. Nhiều nhà nghiên cứu giải thích: “Kiến” có nghĩa là xây dựng, kiến thiết, “Sơ” là cái đầu tiên, cái gốc gác, cái cội nguồn. “Kiến Sơ” có nghĩa là nơi gặp gỡ đầu tiên giữa thiền sư Vô Ngôn Thông với thiền sư Cảm Thành; cũng hàm nghĩa dòng thiền Vô Ngôn Thông buổi ban đầu gặp gỡ và nảy nở trên đất Việt tại ngôi chùa Kiến Sơ.
- Đình Hạ Mã: Nơi xuống ngựa để đi vào đền làm lễ.
- Chùa Hương Hải: tên cổ là (Hương Hải Ni viện) đây là Ni viện Phật giáo đầu tiên ở nước ta được lập vào thời Lý (1009-1225). Tên chữ là “Linh Ứng tự” (chùa Linh Ứng).
Khu đo II gồm: Đền Mẫu (Đền Hạ), Bãi Đánh cờ Soi Bia, Giá Ngự với diện tích: 28,956,2m2
- Đền Hạ: Nơi phụng thờ đức Thánh Mẫu (mẹ Thánh Gióng) nên còn gọi là đền Mẫu. Tên chữ là “Khánh Quang điện” (điện Khánh Quang).Theo thần tích làng Phù Đổng thì trước đây đền thờ Thánh Mẫu được thờ chung ở đền Thượng. Đến năm Chính Hòa thứ 4 (1683), tách ra thờ ở đền riêng trên đất làng Ngô Xá (quê của bà – tức làng Đổng Viên), năm 1693, dân làng mới di dời về vị trí hiện nay.
- Bãi đánh cờ Soi Bia: nơi diễn ra trận đánh thứ hai của ngày hội.
- Giá Ngự: Vào ngày hội, dân làng kéo ngựa thờ từ đến Thượng đến Giá Ngự, nhìn về phía Soi Bia để chứng kiến cuộc chiến giữa đoàn quân của Thánh Gióng và giặc phương Bắc.
Khu đo III: Miếu Ban với diện tích 814,1m2 ,  nơi thờ đức Thánh Mẫu, nơi Gióng ra đời. Tên chữ là “Dục Linh từ” (đền Dục Linh).
Khu đo IV: Cố Viên- còn gọi là “Vườn xưa”, “vườn rau”, “vườn cà”.
Khu đo V: Khu đánh cờ Đống Đàm- Nơi diễn ra trận đánh thứ nhất của ngày hội.
Với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng đan xen nhau mang dấu ấn khởi dựng của nhiều giai đoạn lịch sử, mỗi một công trình kiến trúc lại có những giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử và đặc biệt là về giá trị kiến trúc nghệ thuật lại có vẻ đẹp mang đặc trưng riêng. Tập trung tại các di tích:
1. Cụm di tích thờ Thánh Gióng và Thánh Mẫu gồm các di tích: Đền Thượng, Đền Hạ, Miếu Ban:
Khu di tích Phù Đổng có niên đại khởi dựng từ rất sớm và còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất với qui mô kiến trúc bề thế, khang trang mang phong cách nghệ thuật từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Trong các điểm di tích thờ Thánh Gióng, đáng quan tâm là đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên vương) gồm nhiều hạng mục kiến trúc được bố cục hài hòa, đăng đối trong không gian khép kín tạo nên bức tranh cổ kính, đậm chất huyền thoại. Khu Đền Thượng với tòa thủy đình phía trước với kiểu dáng khá đẹp, uyển chuyển, tuy cuối thế kỷ 18 đã được tu sửa nhưng phần nhiều vẫn mang phong cách của kiến trúc cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Trang trí trên kiến trúc tòa thủy đình tập trung tại các mảng chạm khắc gỗ được tạo tác công phu, tỷ mỷ với đề tài là những hoạt cảnh như người săn hươu trong rừng trúc với dòng chữ “Quân tử trúc tố tâm phùng mỹ lộc” và cảnh người ngửa mặt lên bắn phượng hoàng: “Trượng phu tùng ngưỡng diện xạ phượng hoàng”, rồi cảnh người thổi ống sì đồng trong đoàn đi săn ... 
 

 
Cùng với thủy đình là tòa phương đình, tiền tế, trung tế, hậu cung.…..hiện còn bảo lưu được những mảng chạm thể hiện trên ván dong, cốn nách, đầu dư, con rường…mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII của kiến trúc đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ.
Nếu như ở đền Thượng là trung tâm của cụm di tích thờ Thánh Gióng, từ bố cục mặt bằng kiến trúc đến cách trang trí được chú ý cẩn thận, đậm đặc mang đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Lê thì ở đền Hạ, miếu Ban lại có phần giản lược hơn nhiều. Trên các con rường, câu đầu, cốn chủ yếu là các đề tài lá lật, vân xoắn, rồng lá…mang đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Cùng với giá trị về mặt kiến trúc, hệ thống di vật của các di tích thờ Thánh Gióng như đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban lại rất đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, có niên đại nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn.
 

Một trong số 37 đạo sắc phong của Đền Thượng

 
Đặc biệt là hệ thống sắc phong tại đền Thượng, trong 37 đạo sắc phong, có niên đại từ thời Lê (từ Lê Trung Hưng – Tây Sơn đến thời Nguyễn), trong đó sắc sớm như: niên hiệu Dương Hòa 5 (1639); cùng nhiều tấm bia đá được tạo tác từ thời Lê, như bia Hiển linh từ thạch bi, niên hiệu Hoằng Định 6 (1606), bia dựng năm Vĩnh Thọ 3 (1660); Những di vật có niên đại tạo tác vào thời Nguyễn vô cùng phong phú tại các di tích, như: bộ long đao, kiếm thờ, kiệu rước, tượng Thánh Gióng, hương án, giá văn, cửa võng, câu đối, chân nến, bát bửu …. là những tư liệu rất quí hiếm góp phần nghiên cứu về nhiều mặt như: địa danh hành chính qua từng thời kỳ, lịch sử, mỹ thuật, nghệ thuật trang trí cũng như các khía cạnh khác của đời sống xã hội đương thời.
2. Chùa Kiến Sơ, Chùa Hương Hải:
Đây là hai trung tâm phật giáo lớn ở nước ta cách ngày nay hơn một thiên niên kỷ. Với vị thế địa – văn hóa, địa – chính trị của xứ Kinh Bắc xưa, vùng đất Phù Đổng đã sớm trở thành cái nôi của Phật giáo ở nước ta, nơi phát tích của thiền phái Vô Ngôn Thông ở thế kỷ thứ IX.

Tam quan Chùa Kiến Sơ

 
Chùa Kiến Sơ mang trên mình giá trị lịch sử to lớn, đó là nơi gắn bó với tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng nhà Lý, người đã có quyết sách táo bạo cho rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, lập nên đất “Kinh sư của muôn đời”. Vì vậy, nhắc đến chùa Kiến Sơ là nhắc đến tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn. Chính tại đây, Công Uẩn đã được nuôi dưỡng, học hành, bồi dưỡng nhân cách, tư chất của một vị anh quân, đó là tiền đề căn bản để khi có đủ điều kiện, Lý Công Uẩn có thể đảm trách và gánh vác nhiệm vụ nặng nề của quốc gia dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nhà nước Đại Việt. Các hạng mục công trình Chùa Kiến Sơ hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh. Đáng quan tâm ở đây là tam quan chùa với hai tầng mái bảo lưu được phong cách của kiến trúc cổ truyền đến các hạng mục kiến trúc trong chùa được kết cấu theo kiểu chữ “công” với nền thượng điện khá cao mang nhiều dấu tích của một ngôi chùa cổ từ thời Mạc trở về trước cùng hệ thống động liên hoàn (5 động) đắp bằng vôi vữa, tuy có niên đại vào thời Nguyễn nhưng được tạo tác với dáng rất đẹp, có kích thước lớn. Hệ thống tượng tròn (chùa Kiến Sơ), đã đạt được những yêu cầu chuẩn của nghệ thuật tạc tượng đương thời, trong đó, những pho tượng đáng quan tâm như tượng Lý Công Uẩn, tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông và thân mẫu Lý Công Uẩn được tạo tác với tỷ lệ cân đối, đường nét chau chuốt, tỷ mỷ.
Chùa Hương Hải – Ni viện phật giáo đầu tiên ở Việt Nam được lập vào thời Lý (1009-1225). Ni sư Diệu Nhân (1041 – 1113), thuộc đời thứ 17 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từng trụ trì và viên tịch tại đây. Chùa Hương Hải qua thời gian dài tồn tại, cùng những bước thăng trầm của lịch sử nên các cấu kiện gỗ dường như phai nhạt, chỉ còn hạng mục nhà mẫu với các bộ vì kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng cùng lối trang trí trên kiến trúc như lá lật, vân xoắn, văn triện mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống tượng tròn đáng quan tâm tại chùa là: bộ Tam thế, A Di Đà tam tôn, Tuyết Sơn, Di Lặc, Bồ tát, Mục Kiền Liên…được tạo tác cân đối, từ cách bố cục đến những đường nét trang trí trên áo rất tinh tế, uyển chuyển, mang đậm phong cách tượng của thời Nguyễn.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật đặc trưng,có giá trị đặc biệt tiêu biểu, Khu di tích Phù Đổng đã hội tụ những tiêu chí để trình Thủ tướng chính phủ xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Ngày 09/12/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg công nhận Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Cùng với Lễ hội Gióng – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Khu di tích lịch sử Phù Đổng đã được nâng tầm xếp hạng, đây là vinh dự lớn lao và trách nhiệm to lớn của huyện Gia Lâm, của Thủ đô Hà Nội trong việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy hết tiềm năng của Khu di tích. Đồng thời, Khu di tích sẽ luôn là địa chỉ đỏ hấp dẫn du khách thập phương trong nước và bạn bè quốc tế đến, tìm hiểu về du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
 
                            Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Gia Lâm

Ý kiến của bạn
Họ tên
Thư điện tử
Tiêu đề

Reload Image
Mã bảo mật:

Nội dung
 

Bài viết khác
- Huyện Gia Lâm tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây xuân Quý Tỵ năm 2013 (Ngày đăng:20-02-2013)
- Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ huyện Gia Lâm tổ chức gặp mặt cán bộ công chức, viên chức, nhân viên cơ quan nhân dịp đầu xuân mới Quý Tỵ 2013. (Ngày đăng:22-02-2013)
- Hội nghị học tập, quán triệt các Nghị quyết và Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) (Ngày đăng:23-02-2013)
- Xã Đa Tốn đẩy nhanh triển khai hoàn thành sản xuất vụ xuân. (Ngày đăng:23-02-2013)
- Gặp mặt truyền thống “Tuổi trẻ Gia Lâm vững bước quân hành”. (Ngày đăng:26-02-2013)