Theo thần phả, sắc phong cùng truyền thuyết dân gian ở địa phương thì đình, nghè Sen Hồ thờ nhân vật lịch sử thời Hùng Vương là Hùng Hiển, người có công đánh thắng giặc Ân. Hùng Hiển được thờ làm thần hoàng tại đình, nghè Sen Hồ. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Ngoài phần tế được thể hiện theo tục lệ cổ truyền và các nội dung thần phả đã để lại, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người…
Đình Sen Hồ được xây dựng theo hướng Đông Nam trông ra một ao nhỏ, có kiến trúc thời Lê Trung Hưng. Nhà đại đình gồm năm gian, hai dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung đỡ khá vững chắc gồm bộ vì chính và hệ thống xà đai gắn kết giữa các vì để tạo thành bộ sườn nhà. Các vì có kết cấu tương đối đồng nhất theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Do được sửa chữa vào những giai đoạn sau nên hai vì hồi chỉ được bào trơn, bào soi nom khá nhẹ nhàng. Những bộ vì còn được bảo lưu nhiều mảng chạm trang trí cổ khá độc đáo. Phần tam giác trên hai câu đầu của hai vì bên chạm nổi, bong kênh, chạm lộng rồng, phượng. Các linh vật này được dàn trải khắp trên bề mặt của các bức cốn và được kết hợp, điểm xuyết các hình hoa sen, rùa, cá chép, long mã, vân mây và văn động vật như trâu, hươu… Cũng trên hai bộ vì giữa, đầu kẻ được trang trí hoa văn hình rồng, rồng lá cách điệu, các con rường chạm nổi các hình văn thực vật, văn mây. Các họa tiết trang trí trên kiến trúc đình được thể hiện nổi khối, thân mập bằng những nét chạm mạch lạc, dứt khoát. Kỹ thuật thể hiện và đề tài trang trí đã cho thấy những mảng trang trí kiến trúc đình Sen Hồ thuộc về giai đoạn chuyển tiếp từ nền nghệ thuật Lê Trung Hưng sang Nguyễn.
Nền đại đình được tôn cao 50cm so với mặt sân, hai gian hồi được tôn cao để làm chỗ ngồi cho các giáp mỗi khi có việc làng. Ở gian giữa, sát với tường hậu cung làm thành cung cấm để thờ thần. Trong cung có khám thờ bằng gỗ chạm khá cầu kỳ và những pho tượng thị giả.
Đình Sen Hồ lưu giữ nhiều mảng chạm khắc trang trí nghệ thuật đặc sắc
Nghè Sen Hồ có quy mô kiến trúc lớn hình chữ Tam. Ba nếp nhà được xây dựng kế tiếp nhau theo hướng Tây Nam và liên hệ với nhau trong một khoảng không gian khép kín.
Nhà tiền tế xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai. Mái lợp ngói ta, phía trước của hai bức tường hồi xây trụ biểu cao gần ngang với nóc mái. Lòng nhà tiền tế chia thành năm gian không đều nhau. Mặt trước mở ô cửa lớn hình chữ nhật, phía sau để trống thông với trung đường. Bộ khung đỡ mái nhà tiền tế được làm theo nhiều dạng khác nhau, hai vì hồi có kết cấu kẻ truyền, hai vì gian bên được kết hợp các con kể và ván mê được tạo thành nhiều bức cốn để trang trí. Hai vì giữa là kiểu vì quen thuộc trong kiến trúc thời Nguyễn “thượng chồng rường giá chiêng hạ bẩy”. Mỗi vì gồm bốn hàng chân, mái phân “thượng tứ, hạ ngũ”, hàng hiên hẹp phía trước tương ứng với khoảng hoành.
Trung đường là một lớp nhà ngang gian nằm sát phía sau của tòa tiền tế. Nhà được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái được làm theo hai dạng khác nhau kiểu “vì kèo quá giang” và kiểu “chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Trong kiến trúc này, hai gian bên được để trống, gian giữa đặt một hương án lớn và nhiều đồ thờ tự khí cho việc tế lễ, thờ thần. Sau trung đường là hậu cung, phần thờ tự chính của kiến trúc nghè. Về quy mô, kiến trúc này có kích thước tương ứng với ngôi nhà ngoài và cùng được xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ nhà được làm thống nhất theo kiểu kẻ truyền. Thân của các con xà, kẻ được bào trơn, bào soi.
Nền nhà hậu cung được tôn cao 40cm so với bên ngoài, mặt trước làm hệ thống cửa bức bàn, phía sau xây tường bao. Bên trong các bên được để trống, gian giữa làm sàn gỗ cao 1m30 để làm cung cấm, trên đặt long ngai, bài vị.
Trong các bộ phận kiến trúc của nghè Sen Hồ, tiền tế được trang trí nhiều mảng chạm có giá trị trên bộ khung nhà. Trong nhà tiền tế, các chi tiết của mỗi vì đều được thể hiện các hoa văn truyền thống bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng và chạm bong kênh. Các họa tiết văn thực vật, văn mây, sợi trên bề mặt của các con rường được thể hiện nổi khối, thân mập trông rất khỏe khoắn. Cả hai mặt của các đầu bẩy được trang trí đề tài rồng. Tám bức cốn nách được phủ kín hoa văn theo những đề tài chim phượng, hoa cúc kết hợp với văn mây, rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh và văn chữ triện.
Tuy là sản phẩm của điêu khắc dân gian truyền thống thời Nguyễn song các mảng chạm của kiến trúc nghè vẫn mang giá trị thẩm mỹ cao, giàu sáng tạo.
Hiện nay, đình - nghè Sen Hồ còn lưu giữ được nhiều di vật mang tính lịch sử có giá trị, gồm nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau gồm: một khám thờ gỗ chạm rồng; một long đình; một hương án chạm rồng, tứ linh, tứ quý; chín pho tượng thờ, một cỗ long ngai, bài vị; một bộ kiệu bành; một bộ bát bửu thế kỷ XIX; một đôi hạc gỗ có niên đại thế kỷ XVII-XVIII; một hương án gỗ thế kỷ XVIII…Ngoài ra, còn có một cuốn thần phả, 07 đạo sắc phong thần thời Nguyễn. Có thể nói, bộ di vật văn hóa lịch sử trong khu di tích Sen Hồ rất phong phú, đa dạng. Trong số này, các di vật gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, công phu. Cây hương đá là cổ vật quý của thời Lê Trung Hưng. Ngoài việc làm đẹp cho di tích, những cổ vật này còn là những tư liệu quý trong việc tìm hiểu về lịch sử của địa phương và sự phát triển văn hóa dân tộc.