Có một Hà Nội khác…

Lâu nay, nhiều người biết đến Hà Nội với nét lãng mạn của mặt nước hồ, sự trầm mặc, cổ kính của đền đài, phố cổ và những ngõ ngách, hàng quán in dấu đời người. Nhưng ít ai để ý còn có một Hà Nội khác, một Hà Nội rợp bóng cây xanh, trong đó có những cây đã trở thành cổ thụ là chứng nhân cho bao thời cuộc đổi thay.

“Linh hồn” của thủ đô cổ kính chắc chắn sẽ nhạt nhòa đi rất nhiều nếu không có những cội cây - đời người này.

Những cây đa huyền thoại

Cây đa đền Bà Kiệu

Cũng như bao người Hà Nội, từ lâu tôi đã hiểu rằng cây đa - bến nước - sân đình là “linh hồn” của quê tôi. Cây đa cổ thụ tán rộng, rễ sum suê có ý nghĩa che chở cho dân làng, là biểu tượng cho sức mạnh trong tâm linh người Việt. Cây đa thờ thành hoàng làng, “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, do vậy mà dưới gốc đa hoặc là đầu làng, hoặc là ở các di tích lịch sử... vẫn là những bát hương thờ cúng. Trong tâm khảm của nhiều người cây đa còn là biểu tượng của nguồn cội. Khi xa quê, nỗi nhớ nhung thường có hình ảnh cây đa cổ thụ đầu làng.

Cây đa già bên Am Mỵ Châu (Đông Anh, Hà Nội) cũng mang nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng đáng tiếc nó đã chết cách đây ít lâu. Dấu tích còn lại là bộ rễ vĩ đại, cuốn vòm, tạo thành cổng vào Am. Trong quá khứ, cây đa già này không chỉ là linh hồn của một vùng đất Đông Anh, mà còn là niềm tự hào của thủ đô ngàn năm văn vật. Với sức sống lan tỏa, những rễ con chịu thương chịu khó bắt vào lòng đất, tìm chất dinh dưỡng để nuôi cả cơ thể đồ sộ.

Loài đa có sức sống mãnh liệt, có thể sống đến hàng trăm năm, vì nó có bộ rễ sinh khí, buông thõng từ trên cao, bắt đất nuôi cây mẹ hoặc phát triển thành nhành cây mới có thể thay thế thân cây mẹ đã bị mục rỗng vì thời gian. Nó giống như một sự chuyển đổi thể xác rất ngoạn mục mà cũng rất đặc trưng. Cây đa già Cổ Loa khó có thể chết nếu như đất mẹ không bị bê tông hóa, làm cho rễ con không tìm được đất trong khi thân chính lại mục rỗng vì sâu bệnh. Cổ Loa không còn cây đa ngàn năm, người dân thương tiếc trồng thế vào gốc cũ một cây đa con ươm từ hạt cây đa mẹ. Nhưng chẳng biết bao nhiêu đời người nữa để cây đa con bao trùm được đình Cổ Loa giống như cây đa ngàn năm đã từng.

Đấy là chuyện cây đa “ngoại thành”, trong lòng Hà Nội còn có rất nhiều cây đa cổ thụ khác như cây đa trong công viên Bách Thảo, trên đường Hàng Gai, trong khu nhà Thái Học ở Văn Miếu, đầu đường Yên Phụ... Nhưng phần vì chen lấn tường vôi, phần vì bị “chặt chém” để xây dựng mà chẳng mấy cây đa cổ thụ có điều kiện để bề thế như cây đa trong trụ sở báo Nhân Dân. Cây đa này được mệnh danh là “cây đa số 1 Đông Dương” vì vẻ hoành tráng và tuyệt mỹ của nó. Tán lá sum suê như mấy mái nhà lớn, chùm rễ li ti phủ xuống cùng với chồi non như cánh rừng rậm rịt, thân cây khổng lồ cả chục người ôm không xuể.

Không được xanh um và cao to, bề thế như “cây đa số 1 Đông Dương”, cây đa bên đền bà Kiệu (phố Đinh Tiên Hoàng) có dáng sần sùi và “nổi tiếng” về xuất xứ và độ tuổi. Cây đa có từ thế kỷ XVII cùng với việc xây dựng đền Bà Kiệu. Ông Quý 70 năm tuổi đời và hơn 50 tuổi... ngồi gốc cây đa trầm ngâm kể chuyện xưa mà ông cũng chỉ được nghe ông bà kể lại: “Chỗ đứng của cây đa bây giờ từng là một cây gạo lớn. Các quan thời bấy giờ đi lễ đền thường buộc ngựa vào gốc cây gạo. Cây đa ban đầu chỉ là một mầm cây mọc lên từ hạt đa do con chim lạ mang về thả dưới gốc gạo. Rồi cây đa lớn dần, bọc quanh, “nuốt” chửng cây gạo và cây gạo chết đi để lại một hõm sâu trong lòng cây đa”.

Ông Quý ngồi khắc bút bên gốc cây đa

Ông Quý làm nghề “khắc bút” bên gốc đa mấy trăm tuổi, nhìn vào đó người ta có cảm giác không gian lắng đọng, thời gian không trôi. Như hình ảnh xưa cũ nào đó lạc trong phố phường nhộn nhịp. Những năm 60 của thế kỷ trước, “khắc bút” được xem là nghề thời thượng, bởi chiến tranh loạn lạc người ta cần một món đồ, một dấu tích dành tặng nhau. Những năm đó, ông Quý đã ôm hộp đồ nghề cùng chút hoa tay để kiên nhẫn ngồi gốc đa làm nghề khắc bút. Giờ đây, nghề khắc bút đành rơi vào quên lãng “vì người ta đã quá quen với những món quà lưu niệm bóng bẩy, được trưng hoàng lộng lẫy trong các cửa tiệm chứ mấy ai còn nhớ chuyện khắc bút kỷ niệm này” - ông Quý tâm sự.

Bảy mươi năm tuổi đời, từng nhiều lần xa gia đình tham gia kháng chiến, nhưng khi về đến Hà Nội ông Quý lại chung thủy với nghề cũ và quấn quýt với cây đa đền Bà Kiệu này, đơn giản vì một lẽ “cây đa là nhân chứng của câu chuyện đời tôi” - ông Quý nói. Bao nhiêu năm ngồi dưới gốc đa, cả ông Quý cả cây đa đã chứng kiến bao nhiêu câu chuyện vật đổi sao dời. Bây giờ, tán lá và các hốc bọng khổng lồ của cây đa này đang chở che cho nhiều đứa trẻ không nhà. Những trưa hè oi bức hay đêm đông giá rét, chúng tìm đến gốc cây đa như mái nhà của mình.

Cũng có những tình cảm với cây cổ thụ đến nỗi mải miết theo đuổi quá khứ như ông Quý, cô Nga (54 tuổi) đã từng làm ăn tận bên Đông Âu vẫn không quên được cây đa gắn bó với tuổi thơ của mình. Hết những năm tháng phiêu du bên xứ người, cô lại về ngồi bán nước bên gốc đa Nhà Bò trên phố Lò Đúc. Cả cuộc đời cô Nga gắn liền với cây đa này, từ lúc cất tiếng khóc chào đời ở nhà hộ sinh B, nằm cạnh cây đa hay từ cái thời trốn ngủ trưa đi hái búp đa, nhặt quả đa về chơi, nhặt lá đa về làm quạt. Bây giờ, cô coi nó như một người bạn già thân thiết không nỡ rời xa.

Phố phường hôm nay đã khác. Lò Đúc đã không còn những con cò về làm tổ. Tán đa xưa thương nhớ những cánh cò. Người phố Lò Đúc cũng khác xưa, mấy ai còn nhớ đến cái tên dân dã “bang cò ỉa” lưu luyến một thời. Nhưng gốc đa Nhà Bò hơn trăm năm vẫn đứng đấy để chứng kiến sự ra đời của biết bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu thân phận con người đến rồi đi trên cõi đời này.

Hai năm nữa, nhà hộ sinh B (nhà hộ sinh bên cây đa Nhà Bò) sẽ được xây to lớn hơn và vì thế cây đa Nhà Bò cũng nằm trong diện “quy hoạch”. Người ta sẽ cưa xẻ những cành đa vướng vào công trình, cây đa sẽ trở lên què cụt. “Mà ngay cả bây giờ nó cũng bị gò bó, chèn ép bởi công trình xây dựng rồi nói gì đến hai năm nữa” - cô Nga buồn rầu nói! Hai năm nữa thôi, cây đa Nhà Bò chắc chắn sẽ đổi thay, nhưng bây giờ vào mỗi tuần rằm, dưới gốc đa vẫn có bóng người xì sụp khấn vái cầu mong mẹ tròn con vuông. Trong họ, từ lâu cây đa này đã là một linh thần “bên nhà hộ sinh”.

Lộc vừng cổ thụ và lộc vừng chín gốc

Lộc vừng cổ thụ bên hồ Gươm

Đời cây cũng giống đời người, cũng chịu cái vòng “sinh-lão-bệnh-tử”. Mà thực tế, người Hà Nội mấy năm nay đã da diết buồn chứng kiến cái chết của nhiều cổ thụ. Những cái chết đấy làm cho nhiều người “chảy máu mắt”, vì dường như mất đi một phần “linh hồn” của mảnh đất thủ đô.

Hồ Gươm đã từng có rất nhiều “linh hồn” như thế, nhưng rồi theo năm tháng hoặc là do sự thờ ơ của con người mà nhiều “linh hồn” đã biến mất dần. Quanh Hồ Gươm chỉ còn lại vài cây cổ thụ đếm đủ trên... một bàn tay! May là còn sót lại được vài cây cổ thụ nổi tiếng như cây “lộc vừng cổ thụ” và “lộc vừng chín gốc”. Hai cây có vẻ đẹp làm lên nét đặc trưng của Hồ Gươm mà không nơi nào có được.

“Cây lộc vừng chín gốc” có gốc cong cong, la đà mặt nước giống như chín con rồng hội tụ. Chẳng ai biết nó đã bao năm tuổi, nhưng nhiều cụ già chiều chiều tản bộ qua Hồ Gươm như vẫn tìm thấy hình bóng tuổi thơ của mình trên thân cây trơn nhẵn, dấu tích của một thời thơ bé trèo leo, tắm hồ.

Có một truyền tích về cây “lộc vừng chín gốc” rằng: chẳng biết ai đó khi xưa đã bỏ quên túi hạt lộc vừng bên hồ để bây giờ thành chín cây cổ thụ rễ cuốn vào nhau trong lòng đất sâu. Thủ đô qua bao thời khói lửa, cây lộc vừng bên Hồ Gươm này đã chứng kiến biết bao cuộc chia ly của trai gái Hà thành lên đường đi kháng chiến. Bây giờ, mỗi độ thu về, hoa lộc vừng nở, các nhà nhiếp ảnh lại quáng quàng chộp lấy máy ảnh, í ới gọi nhau lên Hồ Gươm chụp hoa lộc vừng như sợ vuột mất những khoảnh khắc đáng nhớ. Mà không quáng quàng không được, lộc vừng chỉ nở hoa tầm độ nửa tháng, sau đó hoa tàn lụi để ấp ủ dành đến mùa sau.

Hoa lộc vừng rất đẹp, đỏ một màu đỏ mà nhà văn Băng Sơn đã khéo ví hoa lộc vừng như “tràng pháo đỏ treo la đà cành cao cành thấp”. Hoa nở vào đêm, đến sáng xác hoa vung vãi như người ta trải thảm đỏ.

Có những ngày xuân, lá non trên cành lộc vừng chưa bung hết mang đến một màu vàng rất... gợi thu, một nét thu trong gió xuân rất hiếm gặp. Có lẽ chỉ ở Hồ Gươm mới có những cảnh độc đáo như vậy. Nhiều gia đình Hà Nội bây giờ có thú chơi lộc vừng cổ thụ với niềm tin sẽ mang lại sự may mắn và tài lộc. Còn các đôi trai gái hay nhặt những cánh hoa đỏ thắm cài lên mái tóc nhau như lời thề ước thủy chung.

Cây cổ thụ và những cái nhất

Thờ thần cây đa cầu bình an

Hàng muỗm lâu năm nhất là những cây trồng trong đền Quán Thánh. Phía mé bên tay phải đền có hai cây muỗm cổ, tương truyền trồng từ thời Trần. Sử sách còn chép lại, vào tháng 5 năm 1255, trồng 500 trượng toàn cây muỗm suốt từ bến Hồng Tần (chợ Bưởi) đến đê quai vạc Tuần Thần, dọc sông Cái (Đại Việt sử ký toàn thư).

Có một tích “Chia muỗm” rằng vua Trần Thái Tông cho mời tất cả quan hầu cận đến để chia muỗm nhưng Hoàng Cự Đà không được ăn vì đã hết. Khi quân Nguyên đến bến Đông, Hoàng Cự Đà vẫn hậm hực chuyện không được ăn muỗm vua ban, nên dùng thuyền nhẹ trốn đi. Sau chiến thắng quân Nguyên, Cự Đà bị buộc tội bất trung. Vua Trần Thái Tông đã nhận lỗi “chia muỗm không đều” của mình mà độ lượng tha giết cả nhà Cự Đà... Không biết cây muỗm trồng trong đền Quán Thánh liệu có phải là cây muỗm trong tích “chia muỗm” kia? Không dám đoán chắc nhưng người ta tính tuổi hàng muỗm cũng trên dăm trăm năm, chính hàng muỗm cổ này làm cho chốn đền thiêng càng thêm phần u tịch.

Bây giờ, hàng muỗm bên đền Quán Thánh chỉ còn lại bảy cây cổ thụ. Một “cụ” muỗm mới mất năm 2001. Thời “cụ” muỗm còn sống, người ta đo đường kính thân cũng gần mét rưỡi! Chả thế mà thanh niên Hà Nội khi xưa đã dùng mìn định đốn cây đổ để chặn xe của giặc Pháp. Mìn nổ nhưng chỉ để lại một hốc to trong thân cây. Những “cụ” muỗm còn lại cũng có đường kính gần bằng đường kính “cụ” muỗm đã chết và chiều cao 25-30m, tương đương với ngôi nhà bảy tám tầng.

Nếu như có một cuộc thi bình chọn “Cây cổ thụ Hà Nội và những cái nhất”, thì tôi chắc chắn bình chọn cây muồng ở cổng công viên Bách Thảo cho danh hiệu “cây cổ thụ lực lưỡng nhất”. Cây cổ thụ này cũng đã hơn trăm tuổi, sừng sững như một tòa nhà chục tầng, đập ngay vào mắt những người qua đường vì dáng vẻ đồ sộ của nó. Thân cây tủa ra nhiều nhánh, ngoẹo sang trái, nhánh ngoẹo phải giống hệt những cánh tay lực sĩ vươn dài đầy thách thức, vụng về nhưng cũng rất sinh động.

Ở Hà Nội còn có cây bồ đề ở chùa Một Cột. Sau này, người ta hay gọi cây này là “cây ngoại giao” vì đó là cây của tổng thống Ấn Độ trồng tặng Bác Hồ (năm 1958) để đáp lễ việc Bác Hồ đã trồng tặng Ấn Độ một cây đại (cây nhà Phật) trong chuyến thăm Ấn Độ trước đó. Tương truyền cây bồ đề này được tách từ cội cây nơi Phật Thích Ca đắc đạo, đem trồng nơi đây và đã thành cổ thụ…

* * *

Hà Nội giờ đây không còn nhiều cây cổ thụ. Một loạt cây có tuổi vài trăm năm đã chết cách đây ít lâu! Có thể vài chục năm nữa, những cây mới trồng bây giờ sẽ lên tuổi “cổ thụ”, nhưng liệu có còn những cây cổ thụ đã trải theo bao cuộc đổi thay như là một phần “linh hồn” của thủ đô này?

Thử tưởng tượng, một ngày người Hà Nội trải qua giấc mơ “Từ Thức” độ dăm chục năm, tỉnh dậy bàng hoàng trước sự thay đổi của phố phường liệu có bật khóc dưới gốc cây cổ thụ?

Nhưng cũng không phải tưởng tượng nhiều. Đôi khi đi qua Hồ Gươm, qua một góc đường nào đó tôi lại thấy hình ảnh ấy, hình ảnh những đôi bàn tay cụ già nhăn nheo run run rờ lên gốc cây cổ thụ như đang nói chuyện, đang tìm cách giao cảm với quá khứ. Lúc đó tôi mới hiểu hết câu: “Một rừng cây - một đời người”.

Theo QUỲNH LIÊN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
(0)
LƯU Ý: Phần Ý kiến bạn đọc của TTO (Tuổi Trẻ Online) là diễn đàn để bạn đọc thảo luận, thắc mắc và chia sẻ ý kiến với tin bài TTO đã đăng. TTO sẽ biên tập các ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. TTO hoan nghênh đón nhận và xuất bản những ý kiến khách quan, có tính xây dựng, tôn trọng cộng đồng. TTO từ chối hoặc xóa bỏ bất cứ lời bình nào không hợp thuần phong mỹ tục, các ý kiến cực đoan, không tôn trọng người khác. Các ý kiến viết bằng ngoại ngữ, tiếng Việt không dấu hoặc sai nhiều chính tả sẽ không được xuất bản. Các quảng cáo, ngôn ngữ html và đường link đều không được đăng. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của bạn đọc.