(VTC News) - Vua Lê Thánh Tông (lên ngôi 1460 – 1497) là một vị vua nổi tiếng anh minh trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, nhà vua sinh ở đâu, kinh thành hay tại một vùng quê nào khác trên đất Việt vẫn còn là vấn đề mà đến nay còn nhiều tranh cãi giữa các sử gia và những người nghiên cứu về vương triều Lê. Nơi sinh của nhà vua vẫn còn là câu hỏi lớn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) viết: “Vua húy là Tư Thành, lại húy là Hạo, con thứ tư của Thái Tôn, ở ngôi 38 năm, thọ 56 tuổi, chôn ở Chiêu Lăng... mẹ là Quang Phục thái hậu Ngô Thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Lúc đầu, thái hậu còn làm tiệp dư, đi cầu tự, chiêm bao thấy trời cho tiên đồng rồi có thai. (Tục truyền rằng thái hậu khi sắp cữ, vì mỏi mệt thiếp đi, chiêm bao thấy đến chỗ Thượng đế. Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con thái hậu, tiên đồng ngần ngừ không chịu đi, Thượng đế giận lấy cái hốt ngọc đánh vào trán, chảy máu ra. Sau khi tỉnh dậy thì sinh ra vua, ở trán hình như có vết như thấy khi chiêm bao, mãi đến chết vết ấy vẫn còn. Năm Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3, tháng 7, ngày 20 sinh ra vua. Vua sinh ra tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh, đáng làm vua, bậc trí dũng đủ giữ nước” (SĐD-Tr.239).
Cho đến nay việc xác định nơi sinh của vua Lê Thánh Tông vẫn còn tốn rất nhiều giấy mực và công sức của các nhà nghiên cứu lịch sử ở Trung ương và địa phương. Ngay cả ĐVSKTT và các bộ chính sử khác cũng không cho biết rõ vua Lê Thánh Tông sinh ở đâu.
Sử chỉ ghi: “Mùa thu tháng 7, ngày 20, hoàng tử Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này) sinh”. (SĐD-Tr. 183). ĐVSKTT, kỷ nhà Lê quyển 7 – Tr.239 có ghi “Năm Thái Hòa, phong Tư Thành làm Bình Nguyên Vương vào ở kinh sư, vâng làm Thiên Vương hàng ngày cùng với các thân vương ở Kinh Diên học tập”... “Nghi dân phong cho Tư Thành làm Gia Vương, cho phủ riêng ở bên hữu nội điện” (SĐD).
Rõ ràng ĐVSKTT đã kín đáo mách bảo cho chúng ta biết một thông tin rất quan trọng với 4 từ “Vào ở kinh sư” (Kinh sư tức là kinh thành, nơi vua và triều đình sinh sống). “Sử ký toàn thư” do Ngô Sỹ Liên biên soạn được hoàn thành vào khoảng năm Hồng Đức thứ 10 (1479) triều vua Lê Thánh Tông. Người xưa viết sử thường rất kiệm lời, câu văn ngắn gọn mà ý tứ sâu xa, hàm chứa nhiều nghĩa rộng khắp mà lớn lao vô cùng.
Cầu Giai - xã Văn Cẩm và làng Sâm (Đông Đô), tương truyền vua Lê Thánh Tông đẻ ở đây
Giả sử nếu vua Lê Thánh Tông sinh ở chùa Huy Văn thì không bao giờ ĐVSKTT lại ghi như đã dẫn ở trên? Vì chùa Huy Văn ở ngay trong kinh thành (kinh sư)! Mà đã ở trong kinh sư thì việc gì các sử gia thời Lê lại ghi “Vào ở trong kinh sư” – đây quả là điều vô lý. Như vậy, căn cứ theo những dòng tư liệu trên thì vua Lê Thánh Tông không sinh ở trong cung, mà người sinh ở nơi nào đó bên ngoài kinh thành, năm lên 3 tuổi mới được “vào ở kinh sư ” – vào cung học tập.
Có một số nhà nghiên cứu cho rằng, vua Lê Thánh Tông sinh ở chùa Huy Văn khi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao bị vua Lê Thái Tông nghe theo lời xiểm nịnh của Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh (mẹ của Thái tử Bang Cơ – vua Lê Nhân Tông sau này), đã định hãm hại bà Tiệp dư nhưng do có sự tấu trình của vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ nên vua Lê Thái Tông đưa bà ra sống ở chùa Huy Văn.
Theo tài liệu dịch thuật của nhà Hán học Dương Quảng Châu và một số nhà nghiên cứu khác thì tấm bia ở chùa Huy Văn (ngõ Văn Chương, Hà Nội) chỉ ghi: “Mẹ Vua là Ngô Thị Ngọc Dao, người Động Bàng, huyện Yên Định. Khi còn là Tiệp dư, bà cầu tự và mộng thấy Thượng đế cho kim đồng xuống đầu thai, mà sinh ra vua”. Điều này gia phả họ Lê và quốc sử đều chép như vậy. Còn theo truyền miệng thì bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đã có thai rồi mới đến chùa này.
Vậy bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử Tư Thành ở trong cung rồi mới ra chùa Huy Văn? Hay khi bà ra chùa Huy Văn rồi mới sinh hoàng tử Tư Thành? Hay bà sinh hoàng tử Tư Thành ở một nơi nào khác ngoài kinh thành? Có một điều rất rõ ràng đó là bản thân Tư Thành đã có một thời gian sống với mẹ ở chùa Huy Văn, nhưng ở vào giai đoạn nào thì vẫn là vấn đề nan giải. Nhiều khả năng sau khi sinh ra hoàng tử Tư Thành một thời gian (khoảng 2 đến 3 năm) thì mẹ con bà Tiệp dư mới về sống ở chùa Huy Văn khi hoàng tử Tư Thành được vua Lê Nhân Tông phong làm Bình Nguyên Vương. Vì thế chính sử mới ghi: “Năm Thái Hòa thứ 3 phong làm Bình Nguyên Vương, vâng làm Thiên Vương, vào ở kinh sư, hàng ngày cùng với các thân vương ở kinh diên học tập” (SĐD –Tr.239).
Như vậy, hoàng tử Tư Thành nếu không sinh ở trong cung thì sinh ra ở đâu? Các tư liệu lịch sử cho chúng ta biết, khi vua Lê Thái Tổ băng hà, hoàng tử Nguyên Long – (Lê Thái Tông) lên kế vị lúc đó chưa tròn 9 tuổi.
Sau này vua Thái Tông có khá nhiều phi tần, trong đó có 3 người được vua sủng ái là bà Phi Dương Thị Bí, Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh đã dèm pha bà phi Dương Thị Bí (mẹ ở Thái tử Nghi Dân với vua Lê Thái Tông) nên năm thứ 2 (1441) nhà vua đã: “Giáng Dương Thị Bí làm người đàn bà thường. Trước đây Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân, vua lập làm Thái tử” (SĐD-Tr. 141) và “Mùa hạ, tháng 6, Hoàng thái tử Bang Cơ sinh...” và “tháng 11 ngày 16, lập Hoàng tử Bang Cơ làm Hoàng Thái Tử...”, còn “Hoàng Thái Tử trước là Nghi Dân thì phong làm Lạng Sơn Vương, Hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương” (SĐD-Tr.182).
Theo các tư liệu điền dã, truyền thuyết và phả ký của dòng họ Đinh ở Thanh Hóa, Đô Kỳ - Đông Đô, Hưng Hà, Song An (Sáo Đền – Vũ Thư) và “Ngô gia” thế phả thì chuyện Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao nằm mơ thấy tiên đồng đầu thai khi bà đang mang thai đã đến tai của Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh. Chính vì lí do đó mà Tiệp Dư đã bị Nguyên Phi tìm cách hãm hại vì sợ sau này ngai vàng rơi vào tay con của Tiệp dư. Nguyên phi đã phế truất Ngô Thị Ngọc Dao xuống chức Tu dung (người quản các nữ hầu của vua).
Đền thờ bà Vú, người đỡ đẻ và nuôi vua Lê Thánh Tông tại làng Sâm (Đông Đô- Hưng Hà)
Để cứu bà Tiệp dư chắc hẳn vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và một số trung thần đã phải can ngăn vua Thái Tông nhiều lần nên cuối cùng nhà vua: “Đồng ý chờ sau khi bà Tiệp Dư sinh nở xong thì sẽ tính sau”. Sau này cũng chính bà Nguyễn Thị Lộ cùng với Đinh Liệt, Nguyễn Xí... tìm cách đưa Tiệp dư Ngô Ngọc Dao trốn khỏi kinh thành khi sắp đến kỳ sinh nở. Phải chăng đó mới là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết thê thảm của vợ chồng Nguyễn Trãi và dòng họ ông sau này.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Hoàng tử Lê Tư Thành được sinh ở chùa Huy Văn. Thực tế tình hình cung đình lúc đó khó có khả năng hoàng tử được sinh ra ở đây. Vì chùa Huy Văn là nơi nhiều người biết đến, lại ở ngay trong kinh thành sẽ không tránh khỏi sự dòm ngó của Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và người cùng phe cánh với bà. Xét về khía cạnh tín ngưỡng chúng ta cũng thấy việc sinh đẻ ở trong chùa là điều mà nhân dân ta từ xưa đến nay đều rất kiêng kị.
Giả sử nếu hoàng tử được sinh ở trong chùa thì liệu có giấu được Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh hay không? Và hoàng tử liệu có thể sống yên thân để sau này lên làm vua được không? Chắc chắn rằng khó có thể chuyện hoàng tử sinh ở chùa Huy Văn, đấy là chưa nói đến việc uy tín, sự ảnh hưởng của các nhà sư trong chùa trước dư luận xã hội khi có người sinh con ở trong chùa. Và liệu phe cánh của Hoàng Thái Hậu có để cho các nhà sư sống yên thân để tu hành ở chùa Huy Văn hay không? Chắc hẳn là không. Vậy rõ ràng chúng ta có thể tin rằng hoàng tử Tư Thành không sinh ở chùa Huy Văn.
Vậy hoàng tử sinh ở địa phương nào? Nơi ấy phải xa kinh thành và thuộc phạm vi quyền hạn quản lý của một đại thần giữ chức vị cao trong triều hay của người có quyền thế, quyền lực thì mới đảm bảo an toàn được cho mẹ con Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Căn cứ vào Phả ký “Ngô Gia thế phả”, “Đinh tộc thế phả” - ở Đông Đô, “Ngọc phả họ Đinh” và “Gia phả họ Đinh” ở Thanh Hoá giúp chúng ta tìm ra được nơi mà hoàng tử Tư Thành ra đời: Đó là làng Đô Kỳ, thuộc đất Thần Khê - Diên Hà xưa – nay là xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Căn cứ vào các cuốn phả nêu trên, đặc biệt là Gia phả họ Đinh ở làng Đô Kỳ và Gia phả họ Đinh ở xã Bình Lăng, Hưng Hà (đây là phả một chi của Lân quốc công Đinh Liệt – khai quốc công thần Triều Lê) đều cho chúng ta biết rất rõ việc đón bà Ngô Thị Ngọc Dao (đã gần đến ngày sinh đẻ) về Đô Kỳ lánh nạn Phạm Đồn là có thật.
2 cây thị cổ do Đinh Liệt trồng
Vậy Phạm Đồn là ai? Theo các tài liệu chính sử và gia phả của dòng họ Đinh thì Phạm Đồn vốn là bề tôi tin cẩn của vua Lê Nhân Tông và Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh. Việc luôn luôn kề cận vua và Thái hậu, chắc hẳn Phạm Đồn đã để ý tới biến động của Tiệp phi Ngô Thị Ngọc Dao. Sau này Phạm Đồn cấu kết với Thái tử Nghi Dân - Lạng Sơn Vương, giết vua Lê Nhân Tông và Thái hậu, đưa Nghi Dân lên làm vua. Vì thế ngay cả khi hoàng tử Tư Thành được Nghi Dân phong làm Gia vương, thì theo gia phả các dòng họ Đinh ghi lại: Bà Ngô Thị Ngọc Dao cũng không về cung mà vào sống ở chùa Huy Văn vì lúc đó Phạm Đồn và vây cánh đang thắng thế. Ngay cả khi Nghi Dân bị hạ bệ, Phạm Đồn bị Đinh Liệt, Nguyễn Xí giết, bà Ngọc Dao cũng không nhập cung. Nên vua Lê Thánh Tông phải cho xây ở trong chùa Huy Văn một cung điện nhỏ để mẹ sống tại đó.
Nhưng tại sao bà Ngọc Dao lại được vợ chồng Nguyễn Trãi và Đinh Liệt bí mật đưa về sống ở Đô Kỳ? Vào thế kỷ thứ 15 đến đầu thế kỷ thứ 19, vùng đất Đông Đô, Tây Đô, Bình Lăng thuộc hai huyện Duyên Hà và Thần Khê phủ Tiên Hưng - trấn Sơn Nam Hạ. Vào thời kỳ đó làng Mậu Lâm và Đô Kỳ còn tồn tại dưới địa danh là hai xã. Xã Mậu Lâm gồm làng Sâm và làng Sành; xã Đô Kỳ gồm làng Duyên Trường, Khánh Lai, An Nội, Phú Lễ, Đồng Phú, Phú Năng. Hai xã trên cùng với xã Đô Mỹ, Y Đún thuộc tổng Y Đún.
Theo gia phả họ Đinh thì khoảng cuối thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15 Thủy tổ họ Đinh ở Đô Kỳ là ông Đinh Thỉnh gốc từ làng Thủy Khối (Hoằng Hoá – Thanh Hóa) ra đất Đô Kỳ dạy học. Ở nhà phú ông họ Phạm. Ông Đinh Thỉnh lấy người con gái nuôi của dòng họ này và sinh ra Đinh Tôn Nhân. Sau này Đinh Tôn Nhân tìm về Lam Sơn theo Lê Lợi, ông đã lấy em gái Lê Lợi, sinh ra Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Bồ. Đinh Lễ sinh ra Đinh Thị Ngọc Kế. Đinh Lễ bị chết trận, Đinh Thị Ngọc Kế ở với chú ruột là Đinh Liệt. Sau này bà lấy Duyên ý vương Ngô Từ - Một gia thần của Lê Lợi và sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao.
Đinh Liệt có hai người con là Đinh Đột và Đinh Thế Hiển. Đinh Thế Hiển sinh ra Đinh Thế Thực và Đinh Thế Biểu. Sau này Đinh Thế Biểu sống ở vùng trang ấp của họ Đinh – chính là ấp Đô Kỳ - Đông Đô – Hưng Hà. Theo gia phả họ Đinh khi bà Ngô Thị Ngọc Dao được Đinh Liệt, Nguyễn Xí bí mật đưa đi lánh nạn đã về ở Đô Kỳ với mẹ đẻ là Ngô Thị Ngọc Kế (lúc này bà Kế đang ở với cháu là Đinh Thế Biểu). Hiện ở Đô Kỳ còn sắc phong thần ghi rõ công lao của Đinh Thế Biểu, ông được phối thờ tại từ đường họ Đinh ở Đô Kỳ. Rõ ràng vào giai đoạn này vùng đất Đô Kỳ - Thần Khê – Diên Hà nằm dưới sự kiểm soát của thế lực họ Đinh. Đây lại là nơi rất xa kinh đô, ở vùng hoang vắng, hoàn toàn kín đáo.
Việc các công thần nhà Lê chọn đất Đô Kỳ là nơi lánh nạn của Ngô Thị Ngọc Dao trong khi sắp sinh nở là điều hoàn toàn hợp lý. Tục truyền con sông cầu Chay là biên giới tự nhiên giữa Diên Hà và Thần Khê ở thế kỷ 15. Những người hộ giá bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao do Đinh Liệt và Nguyễn Xí cắt cử khi về đến cầu Chay (thôn Gia Lạc – nay thuộc xã Văn Cẩm và bên kia cầu là Mậu Lâm, làng Sành - Đông Đô) thì bà Tiệp Dư lên cơn đau dữ dội, trở dạ mãi mà chưa sinh đẻ được.
Phả họ Đinh ghi lại (và dân gian vẫn truyền tục rằng): Lúc đó bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đã sai thắp hương để cầu trời khấn phật mong mẹ tròn con vuông. Lời khấn có câu: “Nếu là con mẹ con cha/ Thì sinh ở đất Diên Hà Thần Khê/ Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh/ Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi”. (Vạn Ninh có người nói là Vạn Chài hoặc là cửa biển; có người lại cho rằng đó là chốn yên nghỉ vĩnh hằng – bãi tha ma).
Lời khấn vừa dứt thì bà Ngọc Dao sinh ra một người con trai (sau này ĐVSKTT đã viết: “Vua sinh ra tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh” (SĐD-Tr.239). Bà đặt tên con là Tư Thành.
Tại thôn Mậu Lâm (nay thuộc xã Đông Đô) hiện còn đền thờ bà Vú Sữa. Theo thần tích, thần phả và truyền thuyết dân gian thì bà vú có tên là Hoàng Thị Hiến, người ở làng Mậu Lâm (Sâm) đã giúp Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao khi sinh nở hoàng tử, được mẹ tròn con vuông. Bà Hiến vốn nổi tiếng trong vùng về tài đỡ đẻ và tài chữa bệnh bằng lá cây, dược thảo. Tương truyền bà cũng chính là người đã cho hoàng tử bú sữa ngay sau khi người vừa mới sinh ra.
Cây thị cổ ở làng Đô Kỳ (do Tướng công Đinh Liệt - thời Lê trồng)
Sau khi khi bà Vú Sữa chết, vua Lê Thánh Tông đã chuẩn cho dân làng lập đền thờ, đèn hương phụng sự, triều đình đã cấp cho dân làng Mậu Lâm 17 mẫu ruộng để thu lộc hàng năm cúng tế bà.
Tại đền bà Vú Sữa đến nay vẫn còn cây quéo (xoài) và cây đa cổ thụ có tuổi đời trên 500 năm - nằm sát tường đền. Tương truyền hai cây này được trồng ngay sau khi nhà vua cho xây dựng đền thờ bà Vú. Trong đền có bức đại tự ghi: “Trung Nghĩa Nữ”. Các triều vua đời sau đều có sắc phong là: “Thanh (Thánh) Cung Trinh Kỳ Hộ Quốc”. Trong Đền còn lưu các đôi câu đối: “Nhũ mẫu linh đơn phù nhi nữ/ Danh thơm mậu địa cổ kim lai” và “Trinh thục mẫu nghi lưu bất hủ/ Nữ trung đoan chính thế vô cương”. Còn có: “Hiển hách Lê triều thiên hạ mẫu/ Cung linh việt địa nữ trung tiên”.
Cũng theo gia phả họ Đinh thì sau khi sinh nở bà Ngọc Dao được đưa về sống tại Đô Kỳ. Tại đây, dòng họ Đinh đã tìm được hai người nhũ mẫu trông nom nuôi dưỡng chăm sóc mẹ con hoàng tử. Đền thờ hai bà nhũ mẫu hiện còn ở Đô Kỳ và Y Đún.
Ở làng Đô Kỳ ngày nay còn 2 cây thị cổ thụ có tuổi đời trên 500 năm. Theo phả họ Đinh ở Thanh Hóa ghi lại thì chính Đinh Liệt là người trồng hai cây thị này ở trước cửa chùa làng, khi ông bí mật đưa Ngô Thị Ngọc Dao về sống tại Đô Kỳ.
Đền thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, thân mẫu vua Lê Thánh Tông tại làng Đô Kỳ, Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình.
Chuyện hoàng tử Tư Thành sống lưu lạc ở Thần Khê - Diên Hà cuối cùng cũng bị lộ. Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh cho bắt giam Đinh Liệt. Sau này do có sự tấu trình của các trung thần nên triều đình đã cho đón hoàng tử Tư Thành về kinh và phong làm Bình Nguyên Vương (khi đó hoàng tử mới 2-3 tuổi). Sau một thời gian bị giam cầm, vợ chồng Đinh Liệt mới được Thái hậu thả ra khỏi nhà giam.
Gia phả họ Đinh ở Đô Kỳ có viết: Khi vua Lê Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành trở về, bà Ngô Thị Ngọc Dao đi đón con. Trên đường về kinh bà có nhắc tới chuyện xưa khi đi lánh nạn ở Đô Kỳ. Nhà vua đã cho dựng đền thờ Ngoại tổ mẫu ở Đô Kỳ, Bình Lăng, Sáo Đền – Song An và đền thờ các bà Vú đã có công nuôi dưỡng mình khi còn ấu thơ. Hiện ở làng Đô Kỳ còn đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao.
Trong đền có bức Đại tự Lê Triều Quốc Mẫu, cạnh đền có một ngôi chùa cổ, ở phía trước chùa là hai cây thị già hơn 500 năm tuổi. Tương truyền trước đây chính là nơi vua Lê Thánh Tông đã xây cho mẹ một hành cung ở Đô Kỳ và đặt tên “Dụ Phúc Đường”. Sau này khi bà mất dân làng và dòng họ Đinh đã tu sửa thành ngôi đền để thờ bà gọi là đền Bà Quốc Mẫu.
Hiện ở tổng An Lão, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương xưa – nay là xã Song An, huyện Vũ Thư còn đền thờ ngoại tổ của vua Lê Thánh Tông. Nơi đây phối thờ bà Đinh Thị Ngọc Kế, Ngô Thị Ngọc Dao và dòng họ Đinh. Hiện trong Từ đường họ Đinh ở Bình Lăng, Đông Đô còn lưu đôi câu đối: “Quốc Sử lưu bi, địa kế thúy đình thang mộc ấp/ Thần Châu (Khê) hưng nhượng, danh trì Mỹ lý dịch di hương” (Tạm dịch: Quốc sử lưu bia đá, ấp thang mộc nơi đây kế tiếp với đất Thúy (Thúy Cối, quê gốc họ Đinh). Huyện Thần Khê khôi phục ngôi vua, danh vang làng Mỹ nay còn thơm đến cháu con.
Hiện ở làng Đô Kỳ còn có 4 miếu ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các miếu trên được xây dựng ở rìa làng. Dân làng truyền rằng xưa vẫn gọi là Tứ Trấn hoặc Tứ Phủ. Đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao được xây dựng ở giữa làng. Cạnh đền là ngôi chùa cổ tương truyền do ông Đinh Liệt cho xây dựng, quanh chùa còn đắp tường cao như thành. Cuộc sống nơi đây phồn thịnh, dân cư đông đúc, ngựa xe tấp nập không kém gì chốn đô hội.
Vì có cảnh đẹp và thành quách uy nghiêm nên truyền rằng khi người của Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh về đây săn tìm tung tích bà Ngô Thị Ngọc Dao và hoàng tử Tư Thành đã phải thốt lên đúng là một Kỳ Đô.
Sau này khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi vua, vùng đất này được mang địa danh là Đô Kỳ. Căn cứ vào các thần tích, thần phả của các chi dòng họ Đinh và đền thờ Lê Triều Quốc Mẫu, đền bà Vú còn tồn tại trên đất Đô Kỳ ngày nay cùng với các sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây, chúng ta có thể tin rằng đất làng Sâm, Đô Kỳ - Tổng Y Đún xưa chính là nơi sinh của Hoàng tử Tư Thành – vua Lê Thánh Tông sau này. Đây cũng là nơi mà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao ẩn tránh sự truy đuổi của Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh và vây cánh.
Đến nay, đền thờ Lê Triều Quốc Mẫu vẫn còn được bảo tồn và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Thái Bình, khẳng định sự hiện diện của bà Tiệp dư và vua Lê Thánh Tông từng sinh sống ở đây trong sự đùm bọc yêu thương của dòng họ Đinh và nhân dân Tổng Y Đún, Thần Khê - Diên Hà xưa.