Toàn cảnh chùa Báo Ân
Ngoài ra chùa Báo Ân còn được biết đến bởi đây còn là chốn danh lam có mối quan hệ mật thiết với cuộc đời tu hành của các vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm (Pháp Loa và Huyền Quang), đặc biệt với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 – 14, đến nay trải qua quá trình tồn tại lâu dài, hiện nay chùa Báo Ân có quy mô nhỏ bé với bố cục mặt bằng hình chữ Đinh và mới được xây cất gần đây. Mặc dù vậy trong chùa còn lưu lại hệ thống tượng pháp và đồ thờ tự có niên đại muộn, trong đó đáng chú ý nhất là 6 tấm bia đá và một cây hương đá (thiên đài) dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1709), tấm bia có niên đại sớm nhất được xây dựng năm Đinh Long thứ hai (1629) và muộn nhất là tấm bia được bia được dựng dưới thời vua Thành Thái (1899), với nội dung đều ca ngợi ngôi chùa là một danh lam của xứ Kinh Bắc và ghi chép những lần trùng tu từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Bia đá chùa Báo Ân
Các tài liệu về lịch sử Phật giáo thời Trần như: Tam tổ thực lục, Tam tổ hành Trạng… đều cho biết chùa Báo Ân có liên quan mật thiết đến thiền phái trúc lâm thời Trần. Theo truyền thuyết dân gian kể lại rằng, trước khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu, quên mình làm đạo, Ngài đã cùng với Hoàng hậu qua chùa Báo Ân, nghỉ lại một đêm trước khi lên Yên Tử. Còn theo sử sách, ngày 15 tháng 10 năm Mậu Thân (1308), trong dịp về thăm công chúa Thiên Thụy bị bênh nặng ngài đã ngủ lại một đêm ở Siêu Loại trên đường từ Thăng Long trở lại Yên Tử. Sau khi vua Trần Nhân Tông hóa ở Yên Tử, vua Trần Anh Tông đã cho đúc hai pho tượng Trần Nhân Tông bằng vàng một bức đặt ở chùa Yên Tử và một bức đặt ở chùa Báo Ân. Sau đó ông đã cho lập 3 sở giới đàn ở 3 nơi, đó là chùa Chân Giáo trong Hoàng Thành Thăng Long, chùa Báo Ân ở Siêu Loại và chùa Phổ Minh ở Thiên Trường (Nam Định). Những chi tiết đó cho thấy, chùa Báo Ân trong thời điểm đó hẳn là một ngôi chùa có quy mô rất lớn và hết sức gắn bó với cuộc đời vua Trần Nhân Tông, một trong những vị vua có nhiều công lao to lớn về cả chính trị và ngoại giao, đặc biệt trong sự nghiệp chống xâm lược bảo vệ đất nước.

Vua Trần Nhân Tông
Nói tới chùa Báo Ân không thể không nhắc tới Pháp Loa, đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm. Từ chùa Báo Ân qua dòng Thiên Đức, có thể bằng đường thủy ngược phía Bắc là lên Yên Tử, phía Đông là đến Côn Sơn – Kiếp Bạc, về phía Nam là đến Thiên Trường. Chính Trần Nhân Tông là người đã đặt pháp danh cho sư Pháp Loa vào năm 1350 và cũng chính ngài là người đã sai Pháp Loa khai đường và trụ trì chùa Báo Ân vào ngày 1 tháng Giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308). Vua Trần Nhân Tông còn lập sư Pháp Loa làm giảng chủ ở chùa Báo Ân vào năm Hưng Long thứ 14 (1306) và cho sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ làm thị giả.

Cây hương đá, khai quật năm 2002
Theo sách Tam tổ thực lục, rằm tháng giêng năm Quý Mão (1303) sau khi vào kinh chầu vua, sư Huyền Quang đã đến chùa Báo Ân giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm và ngồi thiền định tại chùa. Năm Nhâm Tuất, Đại Khánh thứ 9 (1322) sư Pháp Loa đã đến đây giảng kinh hoa nghiêm, người nghe có hôm đông đến hàng ngàn người. Năm Đại Khánh thứ 10 (1323), sư Pháp Loa lại thể theo lời mời của Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương tới chùa Báo Ân để truyền thụ những giới luật Bồ Đề và làm phép tưới đầu cho hai vị vương đó.
Với những điều đã dẫn ở trên, có thể nói chùa Báo Ân được xem như là một trong những trung tâm truyền giáo hoạt động rất sôi động ở ngoại vi Thăng Long vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.
Thu Nhuần tổng hợp
Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)