[Print] [Quay lại]

Dầm mưa nhặt từng cổ vật (19/09/2012)
VH- Chùa Tĩnh Lự (hay còn gọi là Phúc Long tự) thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Bắc Ninh là một trong số ít di tích tín ngưỡng văn hoá tâm linh được những bộ sách chính sử ghi chép lại, dù chỉ có vài dòng.

Nhờ đó mà có thể hình dung được phần nào về quy mô, diện mạo của nó. Theo sử liệu, chùa Tĩnh Lự được khởi dựng từ năm 1055 dưới triều vua Lý Thánh Tông “trên một quả núi, hình tựa trái oản, nơi khúc uốn cong của dãy núi Thiên Thai, tục gọi là bụng rồng”. Đến triều vua Lý Nhân Tông chùa được tiếp tục đầu tư với quy mô lớn. Ngắt quãng một khoảng thời gian khá dài với nhiều nguyên nhân khác nhau, năm 1645 chúa Trịnh Tráng đi kinh lược vùng Đông Bắc, khi ngang qua vùng đất này và được quan quân cho biết đã đồng ý cho xuất hàng trăm lạng bạc để kiến thiết lại chùa. Sau hơn ba năm xây dựng, năm 1648 chùa hoàn thành.

Đại đức Thích Minh Đạt trụ trì chùa cho biết đã lật lại quá khứ của ngôi chùa bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua cách kể, người nghe cảm nhận được rằng nhà sư này đã dụng công rất nhiều trong việc nghiên cứu lịch sử ngôi chùa mà mình đang trụ trì, trông nom hương khói. Trong gian nhà cấp bốn khá nhỏ và đang xuống cấp, cũng là nơi nhà sư nghỉ ngơi, Đại đức Thích Minh Đạt vừa nói vừa chuyển cho chúng tôi xem một số hiện vật còn khá nguyên vẹn mà ông đã sưu tầm, nhặt được trong quá trình tu ở đây.

Đó là những âu sành, đồng tiền cổ, con giống nhỏ bằng nửa đốt tay, đinh và một vài mảnh gốm... Nhà sư cho biết bắt đầu biết đến ngôi chùa này từ năm 2008, và bắt đầu trụ trì từ năm 2009. “Qua nghiên cứu sử sách, tôi biết đây là ngôi chùa cổ, toạ lạc trên vùng đất linh thiêng. Vì thế, mỗi khi rảnh rỗi tôi lại lang thang đi khắp quả núi, nơi chùa cổ ngày xưa tọa lạc để xem còn sót lại hiện vật nào không. Và hiện vật đầu tiên mà tôi sưu tầm là một đầu rùa bằng đá…”.

Những di vật do nhà chùa sưu tầm được

Cứ thế, qua ngày này tháng khác, nhất là vào những lúc trời mưa, Đại đức Thích Minh Đạt lại đầu trần chân đất leo lên ngọn núi hay xuống dưới chân kè chùa để tìm kiếm những di vật, hiện vật mà qua những trận mưa làm chúng trồi lên.

Cho đến nay kể từ năm 2008, nhà chùa đã phát hiện, sưu tầm được hơn nghìn di vật, hiện vật ở khắp trong chùa. Đó là những vật liệu xây dựng như gạch, ngói, con giống; đồ dùng sinh hoạt như bát, chén. Từ những thứ nhỏ bằng ngón tay cho đến những đồ lớn như gạch vồ, đầu rùa, tượng người bằng đá đều được nhà chùa giữ gìn, bảo quản rất cẩn thận. “Ban đầu, nhiều người dân trong làng không biết tôi đội mưa đi nhặt những di vật, cổ vật ấy làm gì. Họ còn bảo, “Thầy cứ như thế là ốm đấy”, sau dần người dân hiểu việc tôi đang làm nên có một số người giúp tôi tìm kiếm. Nhà chùa cũng bày tỏ, thật sự chưa biết hết giá trị của những di vật, hiện vật này ví như niên đại của nó thuộc thời nào, viên gạch, viên ngói đó được sử dụng vào công trình gì, “nhưng tôi tin chắc rằng các hiện vật đó là từ những công trình cổ kính để lại mà tôi và người dân nơi đây phải có trách nhiệm sưu tầm, tìm kiếm và cất giữ”.

Nhà sư hiểu khá rõ từng di vật, hiện vật đó là những thứ gì khi cầm viên gạch bằng chất liệu đất nung, trên đó có hoa văn dây cúc, rồi bảo: “Xem trên sách báo, tôi thấy hiện vật này giống với hiện vật được phát hiện ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Có lẽ nó rất quý đấy”.

Mong muốn của Đại đức Thích Minh Đạt là người dân nơi đây hiểu biết nhiều hơn về giá trị, lịch sử của ngôi chùa. Thứ nữa cũng mong cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương quan tâm hơn về việc điều tra, thám sát để qua đó nhận diện đầy đủ hơn về quy mô, kiến trúc của ngôi chùa xưa. Và nữa là có một gian, có kệ vững chắc để trưng bày những di vật này để cho mọi du khách tham quan, vãn cảnh chùa thật sự hiểu biết thêm về ngôi chùa. 

Sơn Nam

 

 

© Văn hóa Online
Cơ quan chủ quản: Báo Văn Hóa - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 375/GP - BC, cấp ngày: 12/12/2006
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du; Điện thoại: 04.38220036; Email: baovanhoa@fpt.vn
® 2006 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin từ website này.