Biển ngàn đời vẫn xanh
Vẫn dạt dào sóng vỗ
Vẫn mặn mòi muôn thuở
Ẩn giấu bao sóng ngầm
Chung | nguyenxuantu | July 23, 2011,13:32
Nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7
Du khách thăm Nhà tù Sơn La
NƠI SỨC MẠNH VÀ Ý CHÍ CÁCH MẠNG TỎA SÁNG
Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, ngay trung tâm thành phố Sơn La - một di tích cách mạng được xếp hạng quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu 500 m2, đến năm 1930 mở rộng lên ba lần, biến nơi đây thành địa ngục trần gian giam cầm, đày ải nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. Thực dân Pháp lợi dụng nơi “rừng thiêng nước độc” này với sự khắc nghiệt về thời tiết, các loại dịch bệnh như phù thủng, thương hàn, sốt rét. làm vũ khí để giết dần, giết mòn tù nhân.
Theo chỉ dẫn và giới thiệu của hướng dẫn viên, chúng tôi đến thăm các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại ba gian cùng các hiện vật. Tận mắt chứng kiến cảnh giam cầm hà khắc, hoàn cảnh sống cơ cực của tù nhân, chúng tôi vô cùng cảm phục ý chí kiên cường, sức chịu đựng của những người tù cộng sản trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù dân tộc. Chính nơi tăm tối này, khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh Cách mạng. Nơi đây đã trở thành trường học Cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cho Cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như các đồng chí Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Đức Tâm, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Song Hào và bao đồng chí kiên trung khác.
Nhà tù Sơn La đã giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là thành uỷ, xứ uỷ, uỷ viên trung ương. Cuối năm 1935, với quyết tâm biến chốn tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người cộng sản, tổ chức Hội đồng thống nhất do đồng chí Trường Chinh làm chủ tịch được bí mật thành lập. Bốn năm sau, Chi bộ lâm thời nhà tù Sơn La được hình thành, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư Chi bộ. Hoạt động của Chi bộ nhà tù Sơn La gắn liền với tên tuổi của nhiều đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu ( Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La từ 5/1940 - 10/1940 ). Bị bệnh lao phổi nặng, làm Bí thư Chi bộ trong thời gian ngắn nhưng đồng chí Tô Hiệu đã xoá bỏ chủ trương cấm vượt ngục của Chi bộ sau cuộc trốn thoát không thành của hai đồng chí Đàm Văn Lý và Đàm Văn Sàng. Bởi vượt ngục ra ngoài là nhiệm vụ cấp bách nhằm cung cấp cán bộ cho phong trào Cách mạng đang lên. Chi bộ bí mật ra báo Suối Reo, công khai tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, tuyên truyền giác ngộ Cách mạng trong và ngoài nhà tù, tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, tổ chức vượt ngục… Do bị tra tấn, đày ải tàn khốc đồng chí Tô Hiệu lâm bệnh nặng, qua đời tại nhà tù Sơn La ngày 7/3/1944. Để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ nhà tù Sơn La đã cho khắc tấm bia đá có chữ Tô Hiệu, bí mật đặt dưới mộ đồng chí. Cây đào mang tên Tô Hiệu được trồng bên mộ đồng chí hiện nay vẫn còn, bốn mùa xanh tươi như một minh chứng về sức sống lâu bền của Cách mạng Việt Nam, trở thành một kỷ vật thiêng liêng đối với các thế hệ người Việt.
Nhà tù Sơn La - một di tích lịch sử nổi tiếng - nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mỗi năm đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách đến thăm. Đây là nơi sức mạnh và ý chí Cách mạng tỏa sáng. Đứng trước bia tưởng niệm khắc dòng chữ vàng KIÊN CƯỜNG, BẤT KHUẤT, VINH QUANG ĐỜI DỜI, bạn cùng tôi cúi mình, kính cẩn trước tinh thần đấu tranh quật cường của các bậc tiền bối Cách mạng. Qua đó nguyện sống và làm việc tốt hơn không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.
Một góc Nhà tù Sơn La ( 2 ảnh trên )
Hướng dẫn viên giới thiệu về Nhà tù Sơn La
Biểu tượng sinh hoạt Chi bộ trong Nhà tù Sơn La
Nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh
Cây đào Tô Hiệu bốn mùa xanh tươi
Trước bia tưởng niệm khắc dòng chữ vàng:
KIÊN CƯỜNG, BẤT KHUẤT, VINH QUANG ĐỜI ĐỜI
Du khách kính viếng hương hồn anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La
Đường dẫn cố định | góp ý (8) | Trackbacks (0)