Kinh tế
Tiếng búa rèn làng nghề Đa Sỹ
QĐND - Thứ Bẩy, 10/10/2009, 9:14 (GMT+7)

Nghệ nhân làng rèn Đinh Công Đoán hướng dẫn con trai rèn dao bổ thép

Từ đầu làng cho đến cuối làng, tiếng quai búa ngày đêm nghe nhộn nhịp, đều đều và vang vọng, làm ra những sản phẩm dao kéo nổi tiếng về độ bền và độ sắc. Thương hiệu hàng rèn thủ công Đa Sỹ nổi tiếng khắp nơi...

Làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, nơi nổi tiếng cả làng làm nghề rèn, làm ra những sản phẩm truyền thống các loại dao, kéo dùng trong đời sống hàng ngày; Cuốc, xẻng, liềm cắt lúa, lưỡi cày dùng cho việc nhà nông; Hàng đục gỗ, tràng cho nghề mộc. Bí quyết gia truyền để làm ra sản phẩm sắt rèn được khách hàng tín nhiệm là cách tôi thép và làm bóng mặt sản phẩm. Trong làng có nhiều thợ rèn sắt tên tuổi như: ông Đoán, Hải Tâm chuyên làm dao phay và dao cắt chọc; ông Thú, Hậu, Đức chuyên làm kéo, ông Mộc chuyên làm dao cắt thuốc nam, cắt nhựa.

Ông Nguyễn Văn Mộc 59 tuổi, thợ rèn sắt giỏi người làng Đa Sỹ kể: “Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làng tôi đã rèn dao, kiếm và mã tấu cho du kích xã đánh giặc. Trong kháng chiến chống Mỹ, thợ rèn làng đã làm hàng nghìn loại dao đi rừng cho bộ đội hoạt động, chiến đấu ở vùng rừng núi, do Nhà máy Z79 (Văn Điển, Thường Tín) đặt hàng. Tôi cũng đã tham gia quân đội, nhập ngũ tháng 4-1972, làm lính thợ sửa chữa xe tăng đơn vị M26, C11 thuộc miền Đông. Năm 1977, tôi được phục viên về nhà, tiếp tục theo nghề rèn truyền thống của gia đình. Nhà tôi chuyên nhận làm các loại dao thái thuốc nam và cắt nhựa; lưỡi dao được làm từ thanh nhíp ô tô cũ mua về, cắt ra từng mảnh nhỏ, đem rèn và tôi thép thành dao cắt. Mỗi bộ dao cắt gồm 10 lưỡi cắt. Làm dao cắt thuốc cũng phải có kinh nghiệm và bí quyết riêng, không phải thợ rèn nào cũng làm được…”.

Ở làng Đa Sỹ, mỗi nhà làm nghề rèn đều có một lò rèn nhỏ thủ công trong nhà. Ngày trước ông bố ngồi rèn, con trai đứng quai búa hoặc đứng thụt hơi (bơm hơi) bằng tay để đốt cho than đá trong lò rực lửa nung sắt. Thời nay, làng đã có điện dùng quạt đốt lò nung sắt, dùng ga cắt sắt thành từng miếng nhỏ và dùng búa máy thay cho kiểu quai búa thủ công, giảm bớt sức lao động, tăng thêm năng suất, mẫu mã sản phẩm rèn cũng tinh xảo và đẹp hơn. Phụ nữ làng Đa Sỹ quai búa rèn sắt làm dao cũng giỏi. Bà Hiếu vợ ông Mộc khoe, mình bà đứng rèn cả ngày cũng làm được chục con dao cắt các loại. Nhà ông Mộc cũng vừa mua thêm một máy dập sắt chạy bằng điện, giúp gia đình ông có thêm nhiều sản phẩm rèn mới và tạo thêm thu nhập cho nhà mình.

Ông Đinh Công Đoán, nguyên Chủ tịch Hội làng nghề rèn Đa Sỹ, thợ rèn nổi tiếng chuyên làm dao bổ thép trong làng, cho biết: “Thời còn hợp tác xã, làng Đa Sỹ đã có xưởng rèn Tiền Phong và xưởng rèn dụng cụ nông nghiệp. Xã viên ngày đó làm công tính lương theo thóc, sản phẩm làm theo kế hoạch trên giao xuống, vật liệu sắt thép tỉnh cấp cho. Thời đó làng nghề Đa Sỹ làm ăn cầm chừng vì có bỏ nhiều công sức ra làm cũng không giàu được, người làng vẫn làm nông nghiệp, cấy lúa là chính. Đất nước mở cửa và hội nhập, làng nghề rèn Đa Sỹ được phép bung ra, mỗi nhà mở một lò rèn riêng, tự sản xuất và tự lo tiêu thụ sản phẩm, đời sống của các hộ làm rèn được tăng lên rõ rệt, nhiều nhà trở nên khá giả”.

Hiện nay làng Đa Sỹ có 850 hộ/1.300 hộ làm nghề rèn. Các nhà làm nghề rèn trong làng đã đầu tư mua máy khoan, máy dập, máy cắt thay cho những công việc làm bằng tay. Cả làng đã đầu tư mua được 20 chiếc búa máy dùng để rèn sắt. Hội làng nghề rèn Đa Sỹ hiện có 1.000 hội viên. Hằng năm, cứ vào dịp đầu năm, Hội đầu tư kinh phí từ 15 đến 20 triệu đồng để dạy nghề và nâng cao tay nghề cho con em trong làng. Sản phẩm dao kéo làng Đa Sỹ được xuất đi các tỉnh, xuất sang thị trường Lào và Cam-pu-chia. Hội đã mượn nhà của đình làng Đa Sỹ làm nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm rèn của làng, nơi đón tiếp du khách đến tham quan.

Nghề rèn Đa Sỹ đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho con cháu trong làng, giữ vững được thương hiệu làng nghề rèn truyền thống vùng đất Thăng Long…

Bài và ảnh:  NAM HIỂN

Họ và tên:
Email:
Tiêu đề:
Mã xác nhận:

Nội dung
Gõ tiếng việt :    Off   Telex   VNI   VIQR
Các tin khác