Sự thật về ngôi đình 700 tuổi bị trộm "vét sạch" đồ thờ

Giadinh.net - 

GiadinhNet - Theo thần phả, đình làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Tây cũ) được cất dựng vào thế XVI, thờ hai vị tướng dưới thời vua Hùng Duệ Vương.

Con voi bằng gỗ - vật báu duy nhất còn lại của đình Đa Chất có từ thời hậu Lê.

Ngôi đình này từng nổi tiếng khắp xứ Đoài với kiểu kiến trúc 8 mái, 8 góc cong vút đầu đao. Tuy nhiên, ngôi đình này đã từng bị bọn trộm đồ cổ đột nhập lấy đi toàn bộ bảo vật quý báu có từ thời dựng đình.

Đình 8 mái, 8 góc quý hiếm

Chúng tôi về Đa Chất vào một chiều đông lãng đãng sương mù. Con đường ngoằn nghoèo ẩn hiện giữa cánh đồng đã qua mùa gặt tựa như một con thạch sùng đang tìm về tổ ấm. Đi đến đầu làng, chúng tôi nghe thấy tiếng bà hát ru cháu: "À ơi... Đa Chất có cây đa to/Có đình tám mái, có hồ nước trong". Chính tiếng ru ấy đã khơi dậy trong chúng tôi nỗi tò mò khó lý giải và đó cũng chính là nhân duyên khiến chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị về ngôi đình cổ Đa Chất - ngôi đình 700 tuổi đời, từng là niềm tự hào của người dân xứ Đoài.

Đình Đa Chất nằm ở vị trí giữa đường trục chính dẫn đến các xóm, từ ngõ cây đa Thổ Kỳ xuống xóm Bến nên không khó để tìm. Đây là vị trí trung tâm và bất kỳ người dân nào khi đi ra khỏi làng hay vào làng đều phải đi qua đình. Theo nhận định của nhiều nhà phong thủy thì đình ngự trên thế kim quy (rùa vàng), bốn phía ao sông, đồng ruộng xóm làng bao bọc. Hai mặt trước sau và hai đầu Đông Tây đều có nước chảy ngược chiều tụ về thành một mối. Thế đất này được xem là thế đất "dân phong vật thịnh" và do 6 nhà phong thủy giỏi nhất thời bấy giờ chọn.

Đình ngày nay tọa lạc trên thế đất cũ, trong một khuôn viên cao ráo rộng rãi gồm 2 ngôi nhà song song, liền kề nhau là nhà tiền tế và nhà đại bái. Giữa 2 ngôi nhà này là nhà cầu 2 gian 1 vì kèo nối nhau như một ống máng nối hai nhà với nhau thành hình chữ Công. Sau nhà đại bái là nhà hậu cung 3 gian có chiều ngang 8m, dài 9m tạo hình chuôi vồ chữ Đinh. Toàn bộ ngôi đình làng Đa Chất tạo thành một quần thể kiến trúc khá đồ sộ như một bông sen 8 cánh nổi bồng bềnh giữa cánh đồng làng xanh ngát. Mặt đình hướng về hướng Đông Nam, có sân lát gạch Bát Tràng, có hồ đình và bậc thềm đình với đôi rồng đá mang dáng dấp rồng nhà Nguyễn, uốn khúc dài gần 3m, từ phía sân bò xuống 12 bậc đá hồ đình.

Cổng đình Đa Chất rất đồ sộ nhưng đối lập hẳn với kiến trúc cổ xưa của đình. Ảnh: K.T.

Không thể không xót xa khi mái đình vẫn cong vút đầu đao mà tường thì loang lổ, xấu xí.

"Với người dân Bắc Bộ, ngôi đình 4 mái cong vút đầu đao đã được xem là rất quý rồi nhưng đình Đa Chất có tới 8 mái, 8 góc nên lại càng quý hơn. Cũng chính vì thế mà nó đã đi vào ca dao rồi trở thành lời hát ru thân thuộc. Thêm thế nữa là đình có bờ đinh nóc đời Lê, có 8 bờ giải đắp bằng vữa vôi với những con kình sành đất nung ngộ nghĩnh. Mái đình lợp bằng ngói mũi hài, ở hai đầu bờ mái là hình đầu rồng ngậm bờ nóc. Miền Bắc, nhất là khu vực Phú Xuyên nay còn rất hiếm kiểu kiến trúc này" - ông Nguyễn Ngọc Đoán (73 tuổi), thủ từ đình Đa Chất nhận xét.
Quan sát kỹ, phần tường ở hai hồi của đình chỉ xây chớm mái hiên với 2 cột trụ to đắp hoa dành và thắt cổ bồng đắp đèn lồng tứ quý. Vì rường cuốn 4 chái đều chạm khắc với những mảng đề tài độc đáo như: song lộc lâm túc, sư tử long mã... Tuy nhiên, bộ cửa nhà tiền tế xưa kia là cửa bức bàn gỗ lim nay đã bị xây lại bằng gạch nên kiến trúc bị phá vỡ đi đôi chút.
Bị trộm viếng 5 lần vét sạch đồ thờ

Trước đây, đình Đa Chất được nhà vua và bà con nhân dân cung tiến rất nhiều bảo vật quý để thờ tự như: 21 đạo sắc, một bộ lư hương bằng đồng đen thời hậu Lê, 2 chiếc hương án gỗ sơn son thiếp vàng, một voi gỗ Hậu Lê, bộ long đao, cuốn thư cổ ghi 3 chữ "Trạc quyết linh" (nghĩa là Ngã ba sông nước linh thiêng)… Tuy nhiên, trải qua các đời thủ từ, bọn trộm đồ cổ viếng thăm rồi "lột sạch".

Ông Nguyễn Ngọc Đoán (73 tuổi) - cho biết, toàn bộ lai lịch của ngôi đình được sao y bản chính từ cuốn thần phả biên soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên triều Lê trung hưng (1572) nên vẫn còn lưu giữ được.

Theo đó, từ thời xa xưa, đình Đa Chất đã là một công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng rất đỗi tự hào của người dân tổng Thường Xuyên. Và chính vì thế cái tên của đình đồng thời cũng là tên của làng đã được giữ như vậy trong bao nhiêu năm qua. Tuy nhiên, kiến trúc của đình thì đã bị thay đổi đi đôi chút do quá trình trùng tu dưới thời phong kiến.

"Tòa đại bái có 2 vì kèo chính đã được trùng tu lại năm Thiệu Trị tam niên (1842). Hai vì ở hai bên thì vẫn còn nguyên kiến trúc thời Lê. Ở phía ngoài hai đầu tường hồi nhà tiền tế có kéo dài thêm khoảng 2m, xây trụ biểu đèn lồng và đắp hình voi lớn. Đáng ra đình có 3 nóc nhưng thời kỳ chiến tranh, người ta dỡ đi gian hậu cung để lấy chỗ làm sân khấu nên đình mới chỉ còn 2 nóc. Rồi vào năm 1956, nghe theo một cán bộ ở Sở VHTT Hà Tây cũ, cổng đình đã được di dời đến vị trí như bây giờ nhưng sau khi di dời cổng đình xong thì làng chẳng thịnh vượng thêm chút nào mà lại xảy ra bao nhiêu chuyện. Tuy nhiên, vì sợ động chạm long mạch nên chẳng ai dám dời cổng định lại hướng cũ" - ông Đoán xót xa.

Trước đây, đình Đa Chất được nhà vua và bà con nhân dân cung tiến rất nhiều bảo vật quý để thờ tự như: 21 đạo sắc, một bộ lư hương bằng đồng đen thời hậu Lê, 2 chiếc hương án gỗ sơn son thiếp vàng, một voi gỗ Hậu Lê, bộ long đao, cuốn thư cổ ghi 3 chữ "Trạc quyết linh" (nghĩa là: Ngã ba sông nước linh thiêng)... Tuy nhiên, trải qua các đời thủ từ, bọn trộm đồ cổ viếng thăm rồi "lột sạch".

Bờ tường bị bong tróc lớp áo ngoài làm trơ lõi gạch bên trong.

Nhiều cột chống nội và ngoại đình đã bị mục ruỗng vì mối mọt.

Hiện nay, trong đền duy nhất chỉ còn một voi gỗ cao khoảng 30cm được tạc vào thời Hậu Lê là vật cổ xưa nhất gắn liền với ngôi đền. Còn lại, toàn bộ các vật thờ đều có niên đại từ thời nhà Nguyễn trở lại đây. Nhiều cột gỗ trong gian tiền tế cũng đã bị mục ruỗng vì mối mọt. Riêng những chiếc trải độc mộc có sức chứa 100 người dùng để tổ chơi bơi trải trong ngày lễ hội làng vào tháng 8 hàng năm nay cũng chỉ còn những mảnh gỗ nhỏ. Phần gạch lát đã bị phần đất bên ngoài phủ lên khiến rêu xanh mọc khắp nơi. Bờ tường hai bên do xưa kia trát bằng vôi nên đã bong tróc thành từng mảng lớn.

"Tôi phải văn võ kiêm toàn lắm mới trông được 7 năm nay. Chứ các ông trông trước toàn bị bọn trộm vào nhặt hết đồ cổ đi, tôi về đây phải sắm lại toàn bộ. Năm 1961, đình còn 21 sắc phong và bộ lư hương bằng đồng đen cũng bị bọn chúng lấy nốt. Nay đình đang bị xuống cấp trầm trọng nên cũng mong nhà nước sớm quan tâm cho phục dựng trùng tu lại đền..." - ông Đoán thở dài não nề.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì đình Đa Chất thờ Trung Thành đại vương. Đa Chất cũng là nơi lưu giữ cuốn thần phả viết về thân thế vị thần Trung Thành đại vương được soạn vào ngày 10 tháng Giêng năm Hồng Phúc nguyên niên triều Lê Trung hưng (1572). Năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) quan Quản giám bách thần là Nguyễn Hiền phụng sao chính bản. Dựa vào đó thì biết Trung Thành đại vương là con trai của ông Đào Công Bột làm trưởng bộ Hoan Châu kiêm trưởng bộ quận Hải Dương. Ông vốn quê ở đất Cửu Giang, huyện An lão, phủ Kinh Môn, châu Ái.

Trung Thành đại vương có công lớn trong việc giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp giặc cứu nước nên sau khi ông hóa thì được nhà vua phong Thượng Đẳng phúc thần và cho lập đền thờ. Tuy nhiên, vì ông sinh ở Bạch Hạc nhưng "thác" ở sông Lương Giang nên ngoài đình Đa Chất thì nhiều ngôi làng khác ở tỉnh Sơn Tây và phủ Hà Nam (cũ) cũng tôn ông làm thành hoàng và thờ phụng ở đình.
Hà Tùng Long

Tin mới